Sức khỏe liên quan mật thiết đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Vệ sinh an toàn thực phẩm không tốt sẽ ảnh xấu đến sức khỏe trước mắt và lâu dài, thậm chí gây nguy hại đến cả tính mạng người sử dụng nếu thực phẩm chứa độc tố nguy hại
Mục lục bài viết
1. An toàn thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm:
Vậy trước hết cần hiểu, an toàn thực phẩm là việc đảm bảo thực phẩm không gây hại cho người tiêu dùng khi đã được chế biến hay dùng để ăn uống theo mục đích đã định trước. Vệ sinh an toàn thực phẩm hay an toàn thực phẩm hiểu theo nghĩa hẹp là một môn khoa học dùng để mô tả việc xử lý, chế biến, bảo quản và lưu trữ thực phẩm bằng những phương pháp phòng ngừa, phòng chống bệnh tật do thực phẩm gây ra. Hiểu theo nghĩa rộng, vệ sinh an toàn thực phẩm là toàn bộ những vấn đề cần xử lý liên quan đến việc đảm bảo vệ sinh đối với thực phẩm nhằm đảm bảo cho sức khỏe của người tiêu dùng.
2. Nguyên nhân dẫn đến mất an toàn thực phẩm:
Nguyên nhân chính gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm là do thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh ví dụ như vi khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn tả, vi khuẩn ngộ độc thịt. Điều này sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm, đặc biệt ngộ độc thực phẩm tập thể. Một số thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại hoặc sử dụng các hóa chất này không được phép dùng (formol, hàn the, màu công nghiệp, đặc biệt phẩm Sudan, thuốc kích thích tăng trưởng…). Formol là HCHC có tính sát trùng mạnh, dùng để ướp xác, dễ dàng kết hợp với các protein tạo thành hợp chất bền, không thối rữa, không ôi thiu nhưng rất khó tiêu hóa, buồn nôn, nôn mửa, viêm loét dạ dày tá tràng, có khả năng gây ung thư. Thường có trong các thực phẩm như bánh phở, hủ tiếu, bún, bánh ướt. Ngoàn ta còn có một số hóa chất được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, nhưng dùng quá hàm lượng cho phép (các chất tạo ngọt tổng hợp, chất bảo quản chống mốc, chất chống ôxy hóa…) cũng thuộc dạng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì sẽ gây độc hại cho sức khỏe người sử dụng. Một số hiện tượng khác như dư lượng thuốc trừ sâu, diệt nấm, kim loại nặng trên rau quả vượt quá mức cho phép hoặc chất độc gốc tự nhiên có trong một số thủy sản (cá nóc, mực xanh…), trong một số thực phẩm (măng, sắn), độc tố sinh học biển… gây tiêu chảy, mất trí nhớ, liệt cơ cho người tiêu dùng.
Vệ sinh an toàn thực phẩm không tốt trong khâu bảo quản thực phẩm cũng sinh ra chất độc hại cho sức khỏe người tiêu dùng (chất độc sinh ra trong quá trình bảo quản không tốt như các loại hạt ngô, đậu tương, lạc, hạt dẻ bị mốc) hoặc chất độc có trong môi trường của tàn dư chiến tranh (kim loại nặng, dioxin…). Nếu thực phẩm bảo quản không đúng cách hoặc dùng dụng cụ gây nguy hại (dùng giấy báo để gói thực phẩm, chất chì có trong báo sẽ ngấm vào thực phẩm, trong khi chất chì rất độc hại) hoặc dùng các loại dụng cụ đun nấu thực phẩm bằng nhôm, được chế tạo từ nhôm phế liệu, gia công không đảm bảo công nghệ, xử lý không hết tạp chất khi dùng đun nấu, đựng thực phẩm (nóng, mặn, chua) có thể các ion nhôm sẽ thôi nhiễm vào thực phẩm và người ăn phải sẽ bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do các ion nhôm vào cơ thể, tích lũy ở tế bào não, gây ra hội chứng nhanh quên sớm.
3. Biện pháp khắc phục vấn đề an toàn thực phẩm:
Từ thực trạng nhức nhối trên, các cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đã đưa ra những biện pháp tích cực như:
-
Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ sở buôn bán thực phẩm
-
Tăng cường giám sát cửa khẩu, biên giới nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn từ nước ngoài xâm nhập vào nội địa
-
Xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm
-
Hướng dẫn, tập huấn cho người nông dân cách sản xuất ra thực phẩm sạch
-
Đầu tư các dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm khép kín, hiện đại để nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm
4. Vậy chúng ta cần phải làm gì để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:
Đầu tiên, phải đảm bảo nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm). Không được sử dụng những hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm. Phải bảo đảm có đủ nước sử dụng và nước đá sạch dùng trong bảo quản thực phẩm.
Với các cửa hàng bán thực phẩm phải có dụng cụ, đồ chứa đựng và khu vực trưng bày riêng biệt giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín, đặc biệt các loại thực phẩm bày bán phải được kiểm duyệt của cơ quan chức năng thú y, y tế (nguyên liệu thực phẩm phải có nguồn gốc an toàn và không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế). Thức ăn phải được bày bán trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm hoặc được để trong tủ kính, hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi, bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của các côn trùng, động vật khác. Và phải có dụng cụ chứa đựng chất thải kín, có nắp đậy và được chuyển đi trong ngày.
Người làm dịch vụ chế biến thực phẩm phải được khám sức khỏe định kỳ và cấy phân để tìm người lành mang vi khuẩn gây bệnh (Salmonella,…), ký sinh trùng (lỵ amíp) ít nhất mỗi năm một lần. Người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải mặc quần áo bảo hộ, có mũ chụp tóc, tháo bỏ mọi đồ trang sức, cắt ngắn móng tay và luôn đảm bảo tay sạch sẽ. Những người làm dịch vụ chế biến phải có giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cần tuân thủ các quy định về VSATTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.
Không được sử dụng hóa chất phụ gia ngoài danh sách cho phép, nguyên liệu, hóa chất phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng. Cần tuân thủ hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất để tạo ra được sản phẩm đảm bảo VSATTP có sức cạnh tranh mạnh, đáp ứng ngày càng cao, an toàn cho người tiêu dùng.
Các loại thực phẩm đưa ra cho người tiêu dùng sử dụng phải đảm bảo còn tươi, sống, không nhiễm vi sinh vật gây bệnh, không nhiễm hóa chất độc hại, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Với người tiêu dùng, cần thể hiện rõ sự thông minh bằng cách lựa chọn thực phẩm, bảo quản, chế biến luôn hợp vệ sinh để ngày một khỏe, sống lâu. Cần trang bị cho mình những kiến thức để phân biệt thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn như
- Phải chọn lựa các thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, còn hạn sử dụng, là sản phẩm của các thương hiệu lớn
- Nếu tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh thì phải đóng kín vào hộp hoặc túi đựng thực phẩm để đảm bảo chất lượng của thực phẩm
- Trong chế biến thì phải đảm bảo nguyên tắc “ăn chín – uống sôi”
- Luôn vệ sinh khu vực bếp, chậu rửa sạch sẽ trước và sau khi nấu ăn
- Thường xuyên thay mới các dụng cụ nhà bếp như dao, thớt,… để tránh vi khuẩn tích tụ lâu ngày trên các dụng cụ
5. Hồ sơ xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm (theo mẫu)
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (sao y công chứng)
- Bản thuyết minh về điều kiện cơ sở vật chất đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (bản vẽ sơ đồ mặt bằng sản xuất kinh doanh; mô tả quy trình chế biến thực phẩm)
- Bản cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với nguyên liệu thực phẩm và sản phẩm do đơn vị sản xuất kinh doanh
- Chứng nhận sức khoẻ của người trực tiếp sản xuất kinh doanh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp
- Chứng nhận hoàn thành khoá tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho người trực tiếp sản xuất kinh doanh thực phẩm.
- Kết quả kiểm nghiệm nước nguồn
THAM KHẢO THÊM: