Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm trong thời điểm hiện nay. Dưới đây là bài thu hoạch về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:
Mục lục bài viết
1. Thực trạng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:
1.1. Thành tựu đạt được:
– Kể từ khi tiến hành đổi mới, nền kinh tế có sự tăng trưởng, phát triển:
Quy mô nền kinh tế được mở rộng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện với năng suất lao động tăng gấp nhiều lần. Từ nền kinh tế với tỷ trọng chủ yếu là nông nghiệp vào những năm 1990, nền kinh tế hiện nay đã dựa nhiều hơn vào công nghiệp, xây dựng và dịch vụ với tỷ trọng của các khu vực này trong GDP chiếm trên 75%. Cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch nâng cao. Từ đó cũng góp phần đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao.
– Thể chế kinh tế thị trường từng bước đang được hoàn thiện:
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn, từng bước hình thành và mang nhiều đặc điểm của nền kinh tế hiện đại. Cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật không ngừng được hoàn thiện và đổi mới phù hợp hơn với pháp luật quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi để giao thương hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của nước ta. Qua quá trình thực hiện mở cửa, đổi mới nền kinh tế đất nước Đảng ta luôn quan tâm công tác tổng kết, rút kinh nghiệm trên cả thực tiễn và lý luận để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
– Các chỉ tiêu về xã hội liên tục được cải thiện, đời sống nhân dân có sự tiến bộ và công bằng:
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm được giữ ở mức thấp và có xu hướng giảm dần. Mức độ bất bình đẳng có xu hướng giảm, ở mức thấp hơn so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á; bình đẳng giới ngày càng tiến bộ với tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội, các cấp chính quyền và kinh doanh cao. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và chỉ số phát triển con người có nhiều cải thiện.
– Nền kinh tế ngày càng nâng cao về sức cạnh tranh và không ngừng lớn mạnh. Đổi mới cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả, đồng thời kinh tế tư nhân ngày càng được thúc đẩy, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. Các yếu tố về giá cả hàng hóa, dịch vụ được đồng bộ, gắn kết với thị trường.
Cơ chế hội nhập sâu rộng và đa dạng về hình thức, cấp độ phù hợp với chuẩn mực của thị trường. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với công bằng xã hội, tạo điều kiện để người dân yên tâm lao động, sản xuất và được hưởng thành quả của quá trình phát triển kinh tế. Đảng đổi mới về phương thức lãnh đạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
1.2. Một số hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa:
Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Cụ thể là:
Thứ nhất, quá trình đổi mới nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa diễn ra chậm, đặc biệt là nhận thức về bản chất và nguyên tắc vận hành của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, việc này đã dẫn đến việc sự thiếu đồng bộ, thiếu đồng nhất trong quá trình hoàn thiện đường lối, chính sách phát triển kinh tế.
Thứ hai, kinh tế nước ta có sự tăng trưởng còn chậm, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ việc kinh tế nước ta chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, chưa tạo ra sự bình đẳng thực sự giữa các chủ thể kinh tế. Sự minh bạch và ổn định trong môi trường kinh doanh chưa cao, chưa đảm bảo được đầy đủ quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba, có sự gia tăng sự phân hóa giàu nghèo, công bằng và tiến bộ xã hội chưa được đảm bảo thực thi trên thực tế. Còn gặp nhiều vướng mắc trong việc xác lập giá cả của một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, cơ chế vận hành thị trường còn chậm và kém hiệu quả.
Thứ tư, quản lý Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội còn nhiều bất cập, chưa đạt hiệu quả cao. Công tác xử lý những cán bộ sai phạm trong công tác quản lý vẫn chưa kịp thời, để lại nhiều hậu quả, thiệt hại về kinh tế khó khắc phục. Việc xử lý tranh chấp thương mại quốc tế và phòng ngừa rủi ro vẫn còn thiếu tính chủ động.
Thứ năm, nhân sự phân bổ còn dàn trải, lãng phí, không đem được hiệu quả cao. Đời sống xã hội ngày càng nhiều tệ nạn làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận dân cư, nhất là nông dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chậm được cải thiện, ít được hưởng lợi từ thành quả tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Những hạn chế trên là do tư duy bao cấp vẫn còn ảnh hưởng đến việc đưa ra các chính sách phát triển kinh tế, nhận thức về bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn chậm và chưa đầy đủ.
Thứ sáu, sự suy thoái về đạo đức chính trị, tình trạng quan liêu, tham nhũng, hối lộ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã làm chậm quá trình đổi mới, phát triển kinh tế. Ở các cấp, các ngành việc quán triệt tư tưởng, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước còn chưa được thực hiện nghiêm túc.
2. Nhận thức về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:
– Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự vận động khách quan, một sự vận động trong quá trình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó không thể xem xét tách biệt thể chế kinh thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với toàn bộ quá trình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
– Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải được xem xét, tiếp cận từ thực tiễn chứ không phải là từ tư duy lý luận tự biện, xa rời thực tế. Xem xét trong mối quan hệ biện chứng và tác động qua lại giữa nền kinh tế thị trường Việt Nam và nền kinh tế thị trường thế giới.
Con đường đi tới chủ nghĩa xã hội đặt ra những mục tiêu và yêu cầu nhất định, trong đó có yêu cầu về xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
– Quan điểm của Đảng ta xác định kinh tế thị trường không phải là bản chất đặc trưng của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội hoàn toàn có thể vận dụng phát triển kinh tế thị trường.
– Quan điểm của Đảng ta là xây dựng Việt Nam thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh tạo định hướng để xây dựng cơ chế, chính sách bao trùm mọi lĩnh vực quản lý của Nhà nước. Đây không phải là những lý thuyết giáo điều mà là sự vận động của hiện thực xã hội phát triển.
Việt Nam đã từng bước phát triển nền kinh tế theo những giá trị chung, hội nhập quốc tế ngày càng hiệu quả hơn, đồng thời đề cao những giá trị riêng và tính chuyên biệt trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên trường quốc tế.
3. Giải pháp hoàn thiện xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa vững mạnh:
Thứ nhất, tác động giáo dục nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đổi mới, kế thừa có chọn lọc và phát huy những điểm tiến bộ trong xây dựng và đổi mới.
Thứ hai, nhận thức được rõ vai trò, chức năng của nhà nước trong quản lý và xây dựng hệ thống chính sách pháp luật phù hợp tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
Thứ ba, có sự định hướng phù hợp, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, sử dụng chính sách và các nguồn lực để thúc đẩy kinh doanh đi đôi với bảo vệ môi trường.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức bộ máy nhân sự, tài chính để tối đa hóa các dịch vụ công, có cơ chế đánh giá độc lập giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
Thứ năm, phát triển những thị trường mới, trong đó đặc biệt là thị trường hàng hóa dịch vụ và hạ tầng thương mại. Nâng cao sự phát triển, đổi mới của khoa học kĩ thuật, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích đồng bộ hóa công nghệ số vào sản xuất nhằm mục đích nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả trong sản xuất.
THAM KHẢO THÊM: