Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên GVMN Module 6

Bài thu hoạch bồi dưỡng thường xuyên GVMN Module 6 bao gồm: Khái niệm môi trường mầm non? Phân loại môi trường mầm non? Ý nghĩa của việc xây dựng môi trường giáo dục trong mầm non? Nguyên tắc chung của việc thiết kế môi trường giáo dục trong trường mầm non?

1. Khái niệm môi trường mầm non:

Môi trường nói theo cách tổng quát, được hiểu là tổng thể các yếu tố tự nhiên và xã hội tác động tương hỗ với nhau tạo nên một khung cảnh sống với những điều kiện để con người tồn tại và phát triển

Từ khái niệm đó, chúng ta có thể định nghĩa:

Môi trường giáo dục trong trường mầm non là tổ hợp những điều kiện tự nhiên và xã cần thiết và trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ ở trường mầm non và hiệu quả của những hạt động này nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ.

2. Phân loại môi trường mầm non:

Môi trường là một khái niệm được nghiên cứu dưới nhiều góc độ. Do vậy, có nhiều cách phân loại môi trường giáo dục:

Có quan điểm cho rằng, môi trường giáo dục mầm non bao gồm môi trường tự nhiên (bao gồm các điều kiện tự nhiên như: không khí, ánh sáng, nguồn nước, câu xanh, địa điểm trường) và môi trường xã hội (bao gồm các yếu tố xã hội như: môi trường giao tiếp trong trường mầm non, phong cách làm việc, mối quan hệ giữa con người với con người, giữa trường mầm non với các tổ chức kinh tê, xã hội, văn hóa khác…)

ở một khía cạnh khác, có quan điểm lại phân chia môi trường giáo dục thành môi trường vật chất và môi trường xã hội. Môi trường vật chất trong trường mầm non bao gồm các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, không gian phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Môi trường vật chất tạo cho trẻ những cơ hội tốt để trẻ thỏa mãn nhu cầu hoạt động và phát triển toàn diện về mặt thể chất, trí tuệ, thẩm mĩ, đạo đức và xã hội. Môi trường xã hội được hiểu là toàn bộ những điều kiện xã hội như chính trị, văn hóa, các mối quan hệ giúp trẻ hình thành nhân cách của mình. Môi trường xã hội đặc biệt được nhấn mạnh ở đây là môi trường giao tiếp trong trường mầm non bao gồm sự giao tiếp giữa cô và trò, giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với những người xung quanh. Môi trường này vừa mang tính chất sư phạm vừa ẩn chứa tình cảm gia đình.

Việc phân loại môi trường có thể khác nhau, tuy nhiên điều quan trọng đối với giáo dục mầm non, theo tác giả là cần phải cung ứng điều kiện cần thiết để kích thích và tạo điều kiện cho trẻ hoạt động một cách tích cực, chăm sóc trẻ tốt, thông qua đó, nhân cách trẻ sẽ được phát triển tốt và thuận lợi.

3. Ý nghĩa của việc xây dựng môi trường giáo dục trong mầm non:

Có thể nói việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non là điều thực sự cần thiết và quan trọng. Nó được ví như ngôi nhà thứ hai trong công tác tổ chức, hướng dẫn cho trẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ, thông qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.

Thật vậy, một môi trường sạch sẽ, an toàn, chất lượng cần có sự bố trị khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo. Môi trường giao tiếp cởi mở, thân thiện giữa cô với trò, giữa trẻ với trẻ và giữa trẻ với môi trường xung quanh sẽ tạo cơ hội cho trẻ được chia sẻ, giãi bày tâm sự, nguyện vọng, mong ước của trẻ với cô, với bạn bè, nhờ vậy mà cô hiểu trò hơn, trẻ hiểu nhau hơn, hoạt động phối hợp nhịp nhàng hơn, tạo nên hiệu quả hoạt động cũng cao hơn, trẻ yêu trường, yêu lớp yêu cô giáo và bạn bè hơn.

Đối với cơ sở giáo dục, việc xây dựng môi trường phù hợp sẽ là phương tiện, là điều kiện để họ phát triển phù hợp với từng trẻ và từng lứa tuổi.

Đối với phụ huynh và xã hội, quá trình xây dựng môi trường giáo dục sẽ thu hút được sự tham gia của các bậc phụ huynh và sự đóng góp của cộng đồng xã hội để thỏa mãn mong đợi của họ đối với sự phát triển của trẻ trong từng giai đoan, trong từng thời kì.

4. Nguyên tắc chung của việc thiết kế môi trường giáo dục trong trường mầm non:

Tổ chức môi trường giáo dục trong nhà trường, lớp mầm non có vai trò quan trọng đối với sự phát triển về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, tình cảm - kỹ năng xã hội, khả năng thẩm mỹ, sáng tạo của trẻ. Vì vậy, việc thiết kế môi trường giáo dục trong trường mầm non phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

4.1. Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng cho trẻ:

- Cần bố trí các khu vực chơi, hoạt động trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện cho việc sử dụng của cô và trẻ với các hoạt động giáo dục thực tiễn.

- Cần tính đến không gian thực tế của trường để cân đối diện tích và nhu cầu sử dụng của các khu vực.

- Cần đảm bảo tính mục đích: Một là, môi trường giáo dục phải hướng vào việc phát triển toàn diện của trẻ nhằm đạt được mục tiêu giáo dục mầm non nói chung và mục tiêu cuối độ tuổi nói riêng. Muốn đạt được điều đó thì thứ hai là phải thiết kế môi trường phải phù hợp với mục đích tổ chức các hoạt động thực tế.

- Môi trường giáo dục cho trẻ phải đảm bảo tính an toàn và có tính thẩm mỹ cao. Địa điểm trường phải cách xa những nơi ồn ào, ô nhiễm, độc hại đối với trẻ như cách xa trục đường giao thông lớn, nhà máy xí nghiệp, bệnh viện, khu rác thải, nghĩa trang, đảm bảo vệ sinh về nguồn nước, không khí, vệ sinh an toàn trong ăn uống. Các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phải được bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và tạo sự hấp dẫn đối với trẻ. Đối với khu vực vui chơi, phải có hàng rào bảo vệ xung quanh khu vực trường. Ngoài ra, môi trường giáo dục cũng cần tạo cho trẻ cảm giác an toàn về mặt tâm lý, được yêu thương, được tôn trọng và đáp ứng các nhu cầu chính đáng.

- Trang trí môi trường lớp học cần phù hợp với tính chất của các hoạt động, phù hợp với từng lứa tuổi và nhu cầu của trẻ. Trong lớp cần bố trí không gian phù hợp dành cho hoạt động chung của lớp và hoạt động theo sở thích, khả năng của nhóm nhỏ hoặc của từng cá nhân và khu vực dành riêng để chăm sóc đối với trẻ có nhu cầu đặc biệt. Với mỗi độ tuổi, môi trường giáo dục sẽ có những nét riêng, ví dụ với trẻ mẫu giáo bé, đồ chơi có thể không cần quá nhiều về chủng loại và chủ yếu là đồ chơi có sẵn cho trẻ sử dụng, nhưng với trẻ lớn tuổi hơn thì cần chú ý đến sự phong phú của các loại đồ chơi đặc biệt là những nguyên vật liệu mở và phương tiện cho trẻ được sáng tạo, tự làm đồ chơi phục vụ cho ý tưởng chơi của trẻ.

- Cần thu hút sự tham gia của trẻ vào việc xây dựng môi trường giáo dục càng nhiều càng tốt. Đây là những cơ hội quý báu để trẻ ứng dụng kiến thức và kỹ năng đã học theo cách của mình mà không bị gò bó, đặc biệt vào các thời điểm như chơi và hoạt động ở các góc vào buổi sáng và vào giờ hoạt động chiều

4.2. Cần đa dạng, phong phú, kích thích sự phát triển của trẻ:

- Các trang thiết bị ngoài trời có tác dụng kích thích các hoạt động vận động thể chất khác nhau của trẻ.

- Tận dụng các nguồn nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương để trẻ khám phá, đặc biệt là nguồn nguyên liệu tự nhiên và phế liệu xung quanh môi trường sống của trẻ.

- Phản ánh màu sắc văn hóa dân tộc bởi những đồ dùng, trang phục, các phong tục tập quán… và bài học cung cấp cho trẻ những hiểu biết về nền văn hóa địa phương và của các dân tộc khác nhau.

- Tạo môi trường học tập có không gian phù hợp với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ.

- Đảm bảo kết hợp các hoạt động tập thể, theo nhóm nhỏ hoặc của từng cá nhân; các hoạt động trong lớp và ngoài trời.

- Tôn trọng nhu cầu, sở thích và tính đến khả năng của mỗi trẻ.

4.3. Tạo môi trường thuận lợi để hình thành các kỹ năng xã hội cho trẻ:

- Đảm bảo môi trường xã hội giao tiếp thân thiện, hòa đồng, ấm cúng, cởi mở giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với môi trường xung quanh

- Tạo mối quan hệ giữa cô và trẻ, người lớn, với trẻ phải thể hiện tình cảm yêu thương, thái độ tôn trọng, tin tưởng trẻ, tạo cơ hội cho trẻ bộc lộ những suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng của mình. Tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp và thể hiện sự quan tâm của mình đối với mọi người, đối với sự vật hiện tượng gần gũi xung quanh trẻ.

- Mọi cử chỉ, lời nói, việc làm của cô giáo và người lớn phải luôn mẫu mực để trẻ học tập và noi theo.

- Mối quan hệ giữa trẻ với trẻ là quan hệ bạn bè cùng học cùng chơi, đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, đồng cảm, học hỏi lẫn nhau, do vậy, giáo viên cần nhạy cảm để tận dụng các mối quan hệ giữa trẻ với trẻ để giáo dục trẻ.

- Có sự thống nhất và phối hợp giữa trường mầm non, gia đình và cộng đồng xã hội trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. 

    5 / 5 ( 1 bình chọn )