Để nâng cao năng lực,sử dụng, bổ nhiệm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng chuẩn hoá các cơ quan quản lý nhà nước về GDĐT cần lựa chọn phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có kinh nghiệm và uy tín.
Mục lục bài viết
1. Đặt vấn đề
Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân lần này là việc thay đổi mục tiêu giáo dục phổ thông một cách căn bản: “nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và các năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo”.
Đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục (CBQLGD) nói chung và đội ngũ cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDPT) nói riêng có vai trò quan trọng , là một trong những lực lượng trực tiếp góp phần hoạch định và thực hiện thắng lợi chương trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo,để thật sự nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông phải tổ chức bồi dưỡng và đánh giá cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông theo chuẩn năng lực. Vấn đề đặt ra ở đây là hệ thống năng lực của cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông bao gồm những năng lực cụ thể nào ? Cần có các giải pháp nào để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng với chương trình giáo dục phổ thông ?
2. Năng lực và phân loại năng lực:
2.1. Năng lực:
Năng lực là một khái niệm trừu tượng , đa nghĩa, do đó có nhiều cách phát biểu về khái niệm năng lực. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của Việt Nam và thế giới đã có cách hiểu tương tự nhau về khái niệm này. Điểm chung của các cách phát biểu về khái niệm năng lực chính là khả năng vận dụng kiến thức,kỹ năng và thái độ để giải quyết một tình huống có thực trong cuộc sống. Năng lực được coi là sự kết hợp của các khả năng,phẩm chất,thái độ của một cá nhân hoặc tổ chức để thực hiện một nhiệm vụ có hiệu quả.
2.2. Phân loại năng lực:
Năng lực con người nói chung và năng lực của cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông nói riêng có thể chia thành hai loại chính: năng lực chung và năng lực cụ thể, chuyên biệt.
– Năng lực chung là năng lực cơ bản, thiết yếu để con người có thể sống và làm việc bình thường trong xã hội. Năng lực này được hình thành và phát triển liên quan đến nhiều môn học. Đây là một loại năng lực được hình thành xuyên chương trình. Năng lực chung là hết sức quan trọng, đó chính là kĩ năng tối thiểu mà một con người có thể sống hoà đồng và phát triển trong một cộng đồng.
– Năng lực cụ thể, chuyên biệt là năng lực riêng được hình thành và phát triển do một lĩnh vực/môn học nào đó. Đây là dạng năng lực chuyên sâu góp phần giúp mọi người giải quyết được các công việc chuyên môn trong lĩnh vực công tác hẹp của mình. Năng lực chỉ có thể thấy được khi quan sát hoạt động của học viên ở tình huống nhất định. Năng lực được hình thành không chỉ trong quá trình học tập tại trường mà ngay cả ngoài trường và xã hội.
3. Hệ thống năng lực của cán bộ quản lĩ cơ sở giáo dục phổ thông:
3.1. Năng lực cơ bản của con người trong thời kỳ hội nhập:
Có nhiều nghiên cứu riêng biệt về năng lực làm việc của cá nhân,mỗi nghiên cứu với các góc độ khác nhau lại đưa ra những nhận định khác nhau nhưng đều có sự đồng thuận về những năng lực cơ bản.
– Năng lực tự hoàn thiện
– Năng lực giao tiếp trong môi trường đa văn hoá
– Năng lực thích ứng
– Năng lực tổ chức, quản lý
– Năng lực hoạt động chính trị,xã hội
– Năng lực hợp tác,cạnh tranh
– Năng lực lao đồng nghề nghiệp, chuyên biệt
– Năng lực nghiên cứu khoa học
– Năng lực làm việc nhóm
– Năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin
Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông là người chịu trách nhiệm trước cấp trên về toàn bộ hoạt động của nhà trường mình nên hơn ai hết cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phải là người có được các năng lực cơ bản nói trên. Trong mười năng lực cơ bản này có hai năng lực thuộc năng lực chuyên biệt của cán bộ quản lý nói chung.Đó là năng lực tổ chức,quản lý và năng lực lao động nghề nghiệp,chuyên biệt.
3.2. Những vấn đề cần được ưu tiên trong bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông:
– Xây dựng chiến lược: là những kiến thức và kĩ năng cần thiết để xác định được tầm nhìn, nhận được sứ mệnh,xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường
– Quản lý nguồn nhân lực: việc xây dựng chính sách tuyển dụng,quy trình tuyển chọn, bố trí công việc,phân công nhiệm vụ,đánh giá,đãi ngộ, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên.
– Quản lí tài chính: Khó khăn cho nhà trường phải hoạt động theo tư duy của một doanh nghiệp để tạo ra nguồn thu,nhưng lại không được áp dụng các giải pháp doanh nghiệp, vì nhà trường không phải là đơn vị kinh doanh.Chính các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phải tìm ra trong thực tiễn công tác quản lí của mình.
– Hệ thống thông tin quản lí giáo dục giúp cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt các chức năng quản lý, nâng cao được năng lực quản lĩ của mình qua quá trình thu nhập,chọn lọc,phân loại,xử lí,truyền đạt và khai thác thông tin.
– Đánh giá giáo dục: Yêu cầu nhà trường phải có trách nhiệm giải trình đầy đủ với tính minh bạch cao về kết quả thực hiện giáo dục của nhà trường trước nhà nước,xã hội và cộng đồng.
– Phân cấp quản lí:cấp trường được trao quyền quyết định nhiều hơn trong phạm vi các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ được giao. Bên cạnh công việc quản lí chuyên môn, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phải lo giải quyết hàng loạt công việc bất thường về tổ chức,nhân sự, tài chính,…
– Dân chủ hoá giáo dục: yêu cầu cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phải có những năng lực mới, đặc biệt là kỹ năng quan hệ với con người, kỹ năng liên nhân cách, kỹ năng giao tiếp và biết lựa chọn phong cách lãnh đạo phù hợp để quản lý thành công.
– Thị trường hoá giáo dục: là hiện thực không thể chối cãi đang hình thành và cán bộ quản lý giáo dục nói chung,cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông nói riêng đang phải đương đầu với những vấn đề đặc biệt,mới mẻ về cơ hội,thách thức và lợi ích, rủi ro.
3.3. Hệ thống năng lực của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông:
Năng lực chuyên môn
– Năng lực chuyên môn theo ngành
– Năng lực chuyên môn bổ trợ
– Năng lực khái quát cập nhật thông tin
Năng lực giảng dạy
– Năng lực sử dụng phương pháp dạy học
– Năng lực tương tác với người học
– Năng lực chia sẻ thông tin với đồng nghiệp
Năng lực nghiên cứu khoa học- công nghệ
– Thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học,công nghệ
– Thực hiện viết sách và tài liệu tham khảo
– Tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học
Năng lực tứ vấn thực hiện các dịch vụ quản lý giáo dục
– Tham gia tư vấn thực hiện các dịch vụ ứng dụng quản lý giáo dục
– Tham gia vào các Hội đồng chuyên môn
– Tư vấn thực hiện các dịch vụ ứng dụng quản lý giáo dục
4. Các giải pháp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục đáp ứng đổi mới chương trình:
4.1 Đối với Bộ Giáo dục và đào tạo:
– Tiếp tục rà soát, bổ sung chuẩn Hiệu trưởng các trường phổ thông cho phù hợp với chương trình đổi mới
– Tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng chuẩn hoá. Thống nhất nội dung, chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo các chuẩn đầu ra dựa trên hệ thống tiêu chuẩn năng lực đã xác định
– Lựa chọn cấp phép bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cho các cơ sở chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và uy tín trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông
– Tạo điều kiện bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được tập huấn ở nước có nền quản lý giáo dục hiện đại, tiên tiến
– Tăng cường công tác thanh tra,kiểm tra đối với các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cấp văn bằng chứng chỉ và công tác tuyển dụng,bổ nhiệm,sử dụng, thực hiện chế độ làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông
4.2. Đối với các cơ sở Giáo dục và đào tạo:
– Thực hiện đầy đủ việc bồi dưỡng thường xuyên cho toàn thể cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý.
– Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ở tỉnh,thành phố. Hàng năm đề xuất với bộ GDĐT hoặc hợp đồng với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có chức năng để tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông của địa phương
– Kết hợp với bộ GDĐT và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, đôn đốc,kiểm tra nghiêm túc các lớp bồi dưỡng,đảm bảo chất lượng các khoá bồi dưỡng.
– Thực hiện đánh giá cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo hệ thống tiêu chuẩn năng lực đã xác định.Quy định cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông phải có bằng hoặc chứng chỉ quản lý cơ sở giáo dục do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông có chức năng cấp mới được xem xét tuyển dụng,bổ nhiệm làm cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
4.3. Đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục:
– Đổi mới mục tiêu bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo tiếp cận năng lực:Trong chương trình định hướng phát triển năng lực,mục tiêu học tập tức là kết quả học tập mong muốn thường được mô tả chi tiết thông qua hệ thống các năng lực và có thể quan sát,đánh giá được.
– Đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo tiếp cận năng lực: Chương trình bồi dưỡng được xây dựng trên việc tiếp cận mục tiêu thể hiện dưới dạng các tiêu chuẩn đầu ra chính là các năng lực cần thiết của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông; chúng được coi như là kết quả, đầu ra của quá trình bồi dưỡng.
– Đổi mới phương thức và phương pháp tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo tiếp cận năng lực: Đặt trọng tâm vào việc giải quyết vấn đề, vào việc hình thành năng lực cho học viên hơn là tập trung vào giải quyết nội dung chương trình. Vì vậy phương thức và phương pháp bồi dưỡng theo tiếp cận năng lực thể hiện ở hai khía cạnh:Bồi dưỡng dựa trên công việc và bồi dưỡng tại nơi làm việc.
– Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo tiếp cận năng lực: Việc đánh giá năng lực của học viên trong quá trình bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được thực hiện trong mối liên hệ so sánh với các tiêu chuẩn,tiêu chí chứ không có liên hệ so sánh gì với sự thực hiện hay thành tích của người khác.
– Đổi mới quản lý bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông theo tiếp cận năng lực: Đòi hỏi phải đổi mới căn bản về cơ chế quản lý,đặc biệt là đổi mới quản lý chương trình và hình thức tổ chức bồi dưỡng, cụ thể là để xác định một người đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng, cần căn cứ vào sự thông thạo hệ thống tiêu chuẩn năng lực của người cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
5. Kết luận:
Năng lực của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông là nhân tố quan trọng bậc nhất,góp phần đổi mới và phát triển giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Thực tiễn đòi hỏi, người cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cần phải được đào tạo,bồi dưỡng thường xuyên và liên tục trong hoạt động nghề nghiệp.
Các cơ sở đào tạo,bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cần triển khai đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp,hình thức đào tạo,bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục đào tạo.
THAM KHẢO THÊM: