Chất độc da cam đã làm cho hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Để giúp học sinh hiểu thêm về hậu quả của chất độc này và sự nỗ lực vươn lên của các nạn nhân thì các trường học thường tổ chức tham quan bảo tàng chiến tranh. Vì vậy, mời bạn đọc tham khảo bài viết Bài thu hoạch bảo tàng chiến tranh chất độc màu da cam.
Mục lục bài viết
1. Đôi nét về bảo tàng chiến tranh chất độc màu da cam:
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (số 28 Võ Văn Tần, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) được thành lập ngay sau ngày đất nước thống nhất, nhằm lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược, đồng thời lên án những tội ác và hậu quả tàn khốc do chiến tranh để lại. Tiền thân của Bảo tàng là “Nhà Trưng bày tội ác Mỹ – Ngụy, mở cửa đón công chúng từ ngày 4/9/1975. Sau đó, ngày 10/11/1990, công trình được đổi tên là “Nhà Trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược” và từ ngày 04/7/1995 được đổi tên là “Bảo tàng Chứng tích chiến tranh”.
Hiện Bảo tàng đang lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó, có hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh quý đã được đưa vào giới thiệu nhiều chuyên đề tiêu biểu. Đặc biệt, Khu chuyên đề về chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khách ghé thăm. Chuyên đề “Hậu quả chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam” trừng bày 100 ảnh, 10 tài liệu, 20 hiện vật, là những bằng chứng “ám ảnh” về hậu quả nặng nề của việc phun rải chất độc màu da cam của đế quốc Mỹ mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu và sự vượt khó vươn lên của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Tại khu chuyên đề “Chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam” là một bộ sưu tập ảnh của nhiếp ảnh gia người Nhật – Goro Nakamura thực hiện gồm 42 tác phẩm. Từ những năm 1961, ông đã dành hầu hết tâm sức của mình để ghi lại những hình ảnh về chiến tranh tại Việt Nam. Đặc biệt là về thảm họa chất độc màu da cam do Mỹ gây ra cho đất nước Việt Nam. Tội ác chiến tranh hóa học này đã cướp đi mạng sống của nhiều người nơi đây. Bảo tàng ghi chép lại những dấu ấn lịch sử đáng sợ khi quân đội Mỹ sử dụng vũ khí hóa học tàn phá Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ 1961 đến 1971, họ đã rải xuống miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam hơn 100 triệu lít chất độc hóa học.
2. Cảm nhận khi đến tham quan bảo tàng chiến tranh chất độc màu da cam:
Vào một ngày trung tuần tháng 7, tôi có dịp đến thăm quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh để lấy tư liệu viết bài tập về nội dung “Chiến tranh ở Việt Nam” nhưng nội dung khiến tôi xúc động nhất là hình ảnh về những hậu quả dai dẳng mà chiến tranh để lại đối với các thế hệ dân tộc Việt Nam ta. Đó là những mảnh đời, những con người bị thương tích do hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và đặc biệt là những nạn nhân, những mảnh đời của hậu quả chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ rải xuống trong chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.
Trưng bày các chứng tích chiến tranh tại bảo tàng gồm 4 khu vực. Đây là những bằng chứng đanh thép không thể chối cãi qua các tư liệu, hình ảnh thật của các phóng viên nước ngoài tác nghiệp nói lên sự dã man cực độ của quân xâm lược Mỹ trong việc sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam và hậu quả, nỗi đau của các thế hệ lây nhiễm chất độc da cam đối với dân tộc Việt Nam ta, đồng thời cũng khắc họa rất rõ nét sự vượt lên khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Thật sự xúc động khi tham quan các hình ảnh, tư liệu chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam của nhiếp ảnh gia người Nhật Bản Goro Nakamura là nhà nhiếp ảnh tự do. Ông sang Việt Nam lần đầu tirn vào năm 1970. Xúc động trước thảm cảnh do chiến tranh gây ra, ông đã trở lại Việt Nam nhiều lần để ghi lại hậu quả của chất độc màu da cam/dioxin trong chiến tranh. Lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên đã làm cho tôi vô cùng xúc động qua các tấm hình ông chụp. Tôi đứng khựng lại nhìn một bức anh chụp năm 1976 với bức hình chụp một cánh rừng ngập mặn bị chất độc hóa học phá hủy ở Cà Mau, giữa xơ xác, mênh mông những gốc cây trụi lá của khu rừng ngập mặn là một cậu bé chừng năm, sáu tuổi đứng trong khung cảnh hoang tàn đó. 20 năm sau, ông gặp lại cậu bé này khi đó cậu đã là một thanh niên tàn tật do nhiễm chất độc ở khu rừng trước đây. Niềm xúc động đã trào dâng trong tôi khi tôi đưuọc xem tiếp bức ảnh thứ ba sau 40 năm nhà nhiếp ảnh này trở lại Việt Nam trong ảnh là người ca (đứa bé năm 1976 ở khu rừng Cà Mau), cùng với hai người con đều tàn tật do lây truyền chất độc da cam/dioxin của thế hệ thứ hai trong gia đình anh.
Ở tầng 2 của Bảo tàng trưng bày những hình ảnh, hiện vật về sự vượt khó, vươn lên của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam với rất nhiều những hình ảnh, tư liệu xúc động của các phóng viên ảnh nước ngoài và Việt Nam phản ánh những nạn nhân chất độc da cam tàn nhưng không hề phế, vượt lên mọi khó khăn vươn lên trong cuộc sống trở thành những con người có ích, đóng góp cho xã hội. Đặc biệt, ở đây còn có hình ảnh và bức thư của nạn nhân chất độc da cam Trần Thị Hoan ở huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận gửi Tổng thống Barack Obama năm 2009 để nói với Tổng thống về vấn đề chất độc da cam và cuộc sống của nạn nhan chất độc da cam là một vấn đề cấp bách mà Tổng thống nên xem xét vì vấn đề này liên quan đến tính mạng con người và tương lai của toàn thế giới trong tương lai. Đọc bức thư thì bản thân tôi đã rất xúc động và thấy đây là lời cảnh tỉnh lương tâm cho mọi người trên toàn thế giới đấu tranh không để xảy ra thảm họa này.
Khi bước sâu vào bên trong của tầng 2, tôi ấn tượng nhất là khu vực trưng bày những sản phẩm được tự tay các nạn nhân chất độc da cam làm. Những món đồ lưu niệm được bán cho khách thăm quan, có nạn nhân bị khiếm thị chơi đàn phục vụ khách xem và mua hàng. Tôi và các bạn, mỗi người mua một vài món quà ủng hộ và lặng lẽ bỏ ít tiền vào thùng từ thiện. Tuy số tiền đó không nhiều nhưng chúng tôi cảm thấy thanh thản vì đã đóng góp chút ít cho hàng vạn, hàng chục vạn nạn nhân chất độc da cam trên mọi miền đất nước đang hàng ngày, hàng giờ phải chịu nỗi đau do chiến tranh gây ra.
3. Suy nghĩ của bản thân sau chuyến tham quan bảo tàng chiến tranh chất độc màu da cam:
Sau khi tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh – nơi trưng bày các chuyên đề về chiến tranh hóa học da cam và hành trình vươn lên của các nạn nhân chất độc da cam đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó tả. Những hình ảnh, tài liệu và hiện vật trong các chuyên đề tập trung phác họa những hậu quả thảm khốc của chất độc da cam. Ngoài việc thể hiện những tổn thương, các chuyên đề cũng nêu bật tinh thần mạnh mẽ của những nạn nhân chất độc da cam thông qua những bức ảnh kể những câu chuyện về sự đoàn kết, nỗ lực của những con người đã chịu nhiều đau khổ để tái lập cuộc sống và tạo ra tương lai tươi sáng hơn.
Trước những mất mát và đau thương mà các nạn nhân phải gánh chịu, những con người Việt nam cần mở lòng chia sẻ và đồng cảm với họ. Phong trào quyên góp, ủng hộ nạn nhân vẫn diễn ra, cuộc đấu tranh để đòi quyền lợi và bồi thường cho các nạn nhân vẫn diễn ra sôi nổi. Những công ty tham gia sản xuất chất độc này vẫn phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận. Dù thời gian được xem như liều thuốc hữu hiệu chữa lành mọi vết thương nhưng sau hơn nửa thế kỷ thì vết thương của các nạn nhân chất độc da cam vẫn đau đớn và nạn nhân vẫn chịu đựng những bi kịch và nỗi đau. Do đó, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trên hành trình đòi lại công bằng, để giảm bớt phần nào nỗi đau mà các nạn nhân phải trải qua.
THAM KHẢO THÊM: