Nói với con là một bài thơ nổi tiếng của tác giả Y Phương. Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống, niềm tự hào về quê hương, giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, ý chí mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống. Sau đây là bài viết về tác phẩm Nói với con - Y Phương, mời các bạn cùng theo dõi!
Mục lục bài viết
1. Đọc hiểu văn bản Nói với con của Y Phương:
a. Cha nói với con về cội nguồn sinh dưỡng
Người cha nói với con về tình cảm gia đình – cái nôi nuôi dưỡng con trưởng thành
- Bốn câu thơ đầu: không khí gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Từng bước đi, từng tiếng nói cười của con đều được cha mẹ chăm chút và vui mừng đón nhận → Đó là công lao trời biển mà con phải khắc cốt ghi xương.
- Nhịp thơ 2/3 cùng cấu trúc đối xứng, điệp từ, điệp cấu trúc câu: “chân phải – chân trái, một bước – hai bước”, “tiếng nói – tiếng cười”… → một khung cảnh cụ thể: đứa con đang tập đi, lúc thì sà vào lòng mẹ, lúc thì níu lấy tay cha, cả ngôi nhà như rung lên trong tiếng nói, tiếng cười.
- Điệp ngữ “bước tới” và động từ “chạm” → nổi bật cái hồn bức tranh về gia đình hạnh phúc.
=> Con là kết quả của một tình yêu đẹp, con sinh ra trong hạnh phúc và lớn lên bằng tình yêu thương, trong sự nâng đón, vỗ về, dìu dắt của cha mẹ. Tấm lòng của mẹ cha là cái đích để con hướng tới.
- Hai câu thơ cuối:
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời
+ Ngày cưới của cha mẹ là ngày khởi đầu cho sự sống của con.
+ Nhớ: Thể hiện thái độ trân trọng, nâng niu hạnh phúc gia đình của cha mẹ, để tạo nên một cái nôi hạnh phúc cho con sinh ra và lớn lên.
=> Qua đó, cha muốn nói: Con được sinh ra trong hạnh phúc.
b. Người cha còn nói cho con biết, con lớn lên trong sự đùm bọc của quê hương
- “Người đồng mình” chỉ những người sống trên cùng một miền đất, cùng quê hương, cùng dân tộc… → cách gọi rất độc đáo, gần gũi và thân thương.
- Yêu: vẻ đẹp
+ Cuộc sống lao động: Các động từ “cài, ken” vừa diễn tả động tác khéo léo vừa thể hiện cuộc sống lao động gắn bó, hoà quyện niềm vui.
+ Thiên nhiên: động từ “cho” cùng với các hình ảnh “Rừng cho hoa – con đường cho những tấm lòng” thể hiện sự ban tặng hào phóng của thiên nhiên dành cho con người. Hình ảnh ẩn dụ + nhân hóa → người cha muốn con biết quê hương mình là một vùng quê giàu truyền thống văn hoá mà cũng thật nghĩa tình. Chính những điều đẹp đẽ của quê hương đã hun đúc nên tâm hồn cao đẹp của con người.
=> Cha đã gieo vào lòng con niềm tự hào, biết ơn trước những vẻ đẹp của người đồng mình.
c. Những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình (sức sống bền bỉ, mãnh liệt của quê hương) và lời dặn dò của người cha
- Điệp ngữ “người đồng mình” khẳng định phẩm chất của con người là phẩm chất của quê hương. Lời nói mộc mạc, giản dị mà gợi bao yêu thương, gần gũi.
- Những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình:
+ Bản lĩnh sống đẹp: biết lo toan, mong ước
+ Tấm lòng thuỷ chung với nơi chôn rau cắt rốn dẫu quê hương còn nhiều cực nhọc, đói nghèo (Những hình ảnh đặc sắc trong các câu thơ “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”)
+ Sống hồn nhiên “như sông như suối/ lên thác xuống ghềnh/ không lo cực nhọc → diễn tả một cuộc sống tràn đầy niềm vui và lạc quan trước những khó khăn vất vả.
- Từ trái nghĩa, điệp ngữ, cách so sánh cụ thể, kiểu câu ngắn dài khác nhau → tự hào + khẳng định: người dân miền núi tuy cuộc sống hôm nay còn vất vả, khó nhọc nhưng họ vẫn sống mạnh mẽ, khoáng đạt, bền bỉ, gắn bó tha thiết với quê hương.
→ Người cha ước mong, hi vọng người con phải biết:
+ Yêu quý, tự hào với truyền thống đó của quê hương để tiếp tục sống tình nghĩa, thuỷ chung.
+ Muốn con phải biết chấp nhận và vượt qua gian nan thử thách bằng ý chí của mình.
- Cách nói đối lập tương phản “Người đồng mình thô sơ da thịt/ chẳng mấy ai nhỏ bé” → mộc mạc, giản dị nhưng giàu chí khí, niềm tin.
- “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ còn quê hương thì làm phong tục”
+ Nghĩa tả thực: “đục đá kê cao” → hành động có thực thường thấy ở miền núi.
+ Nghĩa ẩn dụ: nói “đục đá kê cao quê hương” → muốn khái quát về tinh thần tự tôn, ý thức bảo tồn cội nguồn.
- Mong muốn con phải tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, hãy lấy những tình cảm đó làm hành trang để vững bước trên đường đời. “Con ơi tuy thô sơ da thịt/ Lên đường/ Không bao giờ nhỏ bé được/ Nghe con”
→ Câu thơ ngắn lại, có câu chỉ có hai tiếng → khắc sâu điều mà người cha muốn khuyên con:
+ sống cho cao đẹp, không bao giờ được sống tầm thường, sống “nhỏ bé” trước thiên hạ
+ phải biết giữ lấy cốt cách giản dị, mộc mạc của “người đồng mình”.
+ con cần tự tin vững bước trên đường đời, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của quê hương yêu dấu.
- Hai tiếng “nghe con” vang lên thiết tha → tấm lòng cha bao la.
2. Tìm hiểu về tác giả Y Phương:
- Y Phương (sinh năm 1948) tên thật là Hứa Vĩnh Sước, quê ở Trùng Khánh- Cao Bằng , ông là người dân tộc Tày.
- Sự nghiệp sáng tác:
+ Ông nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981 chuyển về công tác tại sở văn hóa và thông tin tỉnh Cao Bằng. Năm 1993 là chủ tịch hội văn nghệ Cao Bằng
+ Năm 2007 ông được nhận giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đây quả là một giải thưởng cao quý rất xứng đáng với những gì ông đã cống hiến cho nền văn học nước nhà. Các tác phẩm tiêu biểu: “Người hoa núi”, “Lời chúc”, “Đàn then”…
- Phong cách sáng tác: Thơ ông thể hiện tâm hồn mạnh mẽ, chân thực và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người dân tộc miền núi, mang đậm bản sắc vùng cao.
3. Tìm hiểu khái quát về tác phẩm Nói với con:
Hoàn cảnh sáng tác
Bài thơ được sáng tác năm 1980, khi đất nước mới hòa bình thống nhất nhưng gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn. Từ hiện thực ấy nhà thơ sáng tác bài thơ như lời tâm sự, động viên chính mình đồng thời nhắc nhở con cái sau này.
Bố cục
- Đoạn 1: Con lớn lên trong tình yêu thương, sự giúp đỡ của cha mẹ , trong cuộc sống lao động của quê hương
- Đoạn 2: Lòng tự hào về sức sống bền bỉ, manh mẽ về truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm mong ước con sẽ kế tục những truyền thống đáng quý
Giá trị nội dung
Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống, niềm tự hào về quê hương, dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc đến tình cảm đẹp đẽ với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống
Giá trị nghệ thuật
Bài thơ được làm theo thể thơ tự do phóng khoáng làm cho cảm xúc cụ thể, rõ ràng, giọng điệu thơ trìu mến, thiết tha. Ngôn ngữ thơ cụ thể, hàm súc, nhiều ý nghĩa, hình ảnh thơ độc đáo sinh động mang đậm bản sắc thơ ca miền núi cũng là những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm
THAM KHẢO THÊM: