Chất độc da cam - nỗi đau xuyên thế kỉ. Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau của nó vẫn còn hằn sâu lên các thế hệ sau này, đặc biệt là những nạn nhân chịu di chứng bởi chất độc màu da cam. Bài viết này giúp các bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo cho ngày đặc biệt này.
Mục lục bài viết
- 1 1. Bài phát biểu ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam 10/8 số 01:
- 2 2. Bài phát biểu ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam 10/8 số 02:
- 3 3. Bài phát biểu ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam 10/8 số 03:
- 4 4. Bài phát biểu ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam 10/8 số 04:
- 5 5. Bài phát biểu ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam 10/8 số 05:
1. Bài phát biểu ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam 10/8 số 01:
Kỷ niệm 58 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và hưởng ứng “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam” (10/8/1961 – 10/8/2019), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã long trọng tổ chức chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã có bài phát biểu quan trọng:
“Thưa các vị đại biểu, khách quý trong và ngoài nước,
Thưa các đ/c cựu chiến binh và các nạn nhân chất độc da cam thân mến,
Thưa đồng bào, đồng chí và các bạn,
Hôm nay, tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của đông đảo nhân dân, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc hóa học dioxin, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các vị khách quốc tế chúng ta cùng nhau tổ chức Chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam Bạn không cô đơn” để kỷ niệm 58 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 10/8/2019), hưởng ứng “Ngày vì nạn nhân chất độc da cam” và “Ngày quốc tế đoàn kết với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, để nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu thêm về những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong công tảo khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh; đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng nhau chia sẻ và chung tay hỗ trợ cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin để họ có thêm nhiều sự động viên vật chất và tinh thần trong cuộc sống.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi biểu dương và đánh giá cao Hội Nạn nhân chất độc da cam đã tổ chức chương trình này. Tôi cũng xin gửi đến các nạn nhân chất độc da cam và gia đình lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc.
Thưa đồng bào, đồng chí và các bạn,
Chiến tranh đã lùi xa 44 năm, song hàng triệu người dân Việt Nam và những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn hằng ngày phải mang trong mình di họa của cuộc chiến ấy phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do Mỹ rải xuống khắp chiến trường miền Nam trong 10 năm, bắt đầu từ ngày 10/8/1961. Trong thời gian này, quân đội Mỹ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa dioxin xuống diện tích 3,06 triệu ha, bằng gần 1/4 tổng diện tích Miền Nam Việt Nam, làm 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 3 triệu người là nạn nhân.
Thảm họa da cam đã làm cho hàng triệu trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật, nhiều phụ nữ không có được thiên chức làm vợ, làm mẹ; nhiều người khác đang chết dần, chết mòn, từng giờ, từng ngày quằn quại, vật vã vì những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam dioxin. Đặc biệt, hàng trăm nghìn nạn nhân còn phải sống trong cảnh đói nghèo. Mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả đều éo le, khốn cùng, khó khăn về kinh tế, đau đớn day dứt về tinh thần, bệnh tật giày vò, nợ nần đeo bám, hàng ngày hàng giờ vật vã với những cơn đau, chưa một ngày được hưởng hạnh phúc đúng nghĩa. Nhiều gia đinh có đến bảy, tám nạn nhân. Nhiều gia đình cả ba thế hệ đều là nạn nhân. Có những gia đình chồng mất, để lại cho người vợ những đứa con tật nguyền, ngơ ngẩn, nằm một chỗ… nhưng với tình thương vô hạn các gia đình nạn nhân đều cố gắng vươn lên.
Nhiều nơi trên đất nước ta chất độc hóa học từ thời chiến tranh vẫn còn đó, thấm sâu vào lòng đất và nguồn nước, đang hủy hoại môi trường, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn trong đời sống của nhân dân.
Thảm họa da cam không chỉ ảnh hướng đến người Việt Nam mà còn gây hậu quả cho các cựu chiến binh Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Niu Di-lân, buộc chính phủ các nước phải giải quyết hậu quả, bồi thường cho họ và con cháu họ.
Không có nỗi đau nào đau hơn “Nỗi đau da cam”. Đó là thảm họa, là nỗi đau không chỉ của nhân dân Việt Nam mà là nỗi đau chung của nhân Loại trên thế giới.
Thưa các quý vị đại biểu và các bạn,
Từ năm 2004, ngày 10/8 hằng năm được chọn làm ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, huy động sự tham gia của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức sinh kế và của toàn dân nhằm giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam, từng bước giảm bớt khó khăn và chăm sóc tốt hơn cho nạn nhân chất độc da cam.
Thời gian qua, công tác này đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Chúng ta đã xử lý bảo đảm an toàn 160.000 m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng và đang tiếp tục xử lý đất ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa và sân bay Phù Cát; thực hiện có hiệu quả chính sách trợ cấp ưu đãi đối với nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; hỗ trợ y tế và trợ giúp sỉnh kể cho nạn nhân chất độc da cam; công tác vận động nguồn lực xã hội được chú trọng, triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả; cuộc đấu tranh đòi công lý đã thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận trong nước và quốc tế, góp phần thức tinh lương tri nhân loại, v.v.
Nhân dịp này, tôi biểu dương và đánh giá cao Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã tích cực và tâm huyết tham gia công tác hội với tinh thần trách nhiệm và nghĩa tình đồng chí, đồng đội; biểu dương những nạn nhân chất độc da cam đã vượt qua bệnh tật, vươn lên, làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; hoan nghênh các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tích cực giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin cả vật chất và tinh thần, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Thưa đồng bào, đồng chí và các bạn,
Thông qua Chương trình này, tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế cùng chung sức, chung lòng, tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa cho công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam; giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua khó khăn, vất vả, cả về vật chất và tinh thần; tiếp tục nói lên tiếng nói của lương tri và trách nhiệm, đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam.
Tôi đề nghị các cấp, các ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu rà soát hồ sơ, xác định bệnh tật bị nhiễm chất độc da cam để các nạn nhân đủ điều kiện sớm được hưởng chế độ của Nhà nước.
Đề nghị Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, tổ chức tốt việc vận động nguồn lực từ các tổ chức, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho nạn nhân.
Cuối cùng, tôi xin chúc cho chương trình thành công tốt đẹp, thiết thực động viên, hỗ trợ những nạn nhân chất độc da cam/dioxin để “không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quốc tế, các đồng chí và các bạn mạnh khỏe, thành công.
Xin trân trọng cảm ơn. “
2. Bài phát biểu ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam 10/8 số 02:
Bài phát biểu của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Cà Mau tại lễ kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2016):
“Lời đầu tiên, thay mặt cho tuổi trẻ tỉnh nhà xin gửi đến quý lãnh đạo, quý vị đại biểu những tình cảm trân trọng nhất, đồng thời xin được bày tỏ sự đồng cảm, sẻ chia sâu sắc đến gia đình và các nạn nhân nhiễm chất độc da cam có mặt trong buổi lễ kỷ niệm hôm nay!
Thưa quý vị đại biểu!
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc da cam/dioxin – loại chất độc được xem là bậc nhất trong các chất độc. Đây là một thảm họa chưa từng có trong lịch sử loài người, nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của người dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng nước nhà. Việc sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm đã gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, không chỉ hủy hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn từng ngày, từng giờ hủy hoại sức khỏe con người Việt Nam trong suốt 55 năm qua.
Chiến tranh đã qua đi, những mất mát theo năm tháng cũng vơi dần, nhưng có những vết thương vẫn còn hằng theo năm tháng. Thảm họa da cam vẫn là nỗi đau âm ỉ, đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam đã phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Các nạn nhân mang trong mình căn bệnh quái ác, di truyền sang đời con, cháu. Họ đã và đang đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong số đó, có nhiều cảnh ngộ bi đát, tuyệt vọng vì bệnh tật giày vò. Nhiều gia đình có nhiều nạn nhân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, kiệt quệ.
Nhiều cụ chiến binh từng một thời cầm súng đánh giặt, chiến đấu trong khu vực bị Mỹ rải chất độc, đến khi hòa bình họ vẫn đang cố gắng bươn chải với cuộc sống đời thường. Khó khăn chồng chất khó khăn khi chính bản thân họ còn phải đeo theo gánh nặng là chăm sóc, nuôi dưỡng những người con, người cháu tật nguyền do hậu quả chất độc da cam để lại.
Thưa quý vị đại biểu!
Có lẽ, ít có quốc gia nào trên thế giới phải chịu hậu quả chiến tranh nghiệt ngã như Việt Nam, khi nạn nhân của chất độc da cam/Dioxin không chỉ là một thế hệ, mà tiếp nối nhiều thế hệ. Thấu hiểu nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người chồng, người con có người thân là nạn nhân chất độc Da cam chúng ta càng khâm phục ý chí và nghị lực của họ, những con người “bền gan, vững chí trong bảo đạn mưa bom và cả trong cuộc sống thời bình”.
Hạnh phúc chưa bao giờ mỉm cười với những nạn nhân chất độc da cam. Chứng kiến những hoàn cảnh, những số phận kém may mắn của họ đang phải từng ngày chống chọi nỗi đau để giành lại sự sống cho chính mình, tuổi trẻ hôm nay không khỏi ngậm ngùi, đau xót, đồng cảm và nguyện sẵn sàng chia sẻ đồng hành cùng họ trong những khó khăn của cuộc sống thường ngày.
Thời gian qua, bên cạnh công tác thông tin tuyên truyền về tác hại chất độc da cam, về hậu quả cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ, về những hoàn cảnh đau thương và ý chí, nghị lực sống của các nạn nhân chất độc da cam, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã kêu gọi các cấp bộ Đoàn và tuổi trẻ tỉnh nhà phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần thiện nguyện cùng với chính quyền các ban, ngành đoàn thể các cấp và nhân dân chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu nỗi đau chất độc da cam. Nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa được triển khai hoạt động thường xuyên như: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; tích cực hưởng ứng các hoạt động vì nạn nhan chất độc da cam; trao tặng hàng nghìn phần quà cho các hộ gia đình chính sách, trẻ em bị nhiễm chất độc da cam; hàng nghìn suất học bổng cho học sinh nghèo; 6 tháng đầu năm 2016 đã vận động xây dựng được 22 căn nhà tình ái, nhà tình bạn, nhà khăn quàng đỏ…hỗ trợ tu sửa 25 nhà bị hư hỏng cho các gia đình chính sách; trao tặng 60 bồn nước, giếng khoan cho các gia đình khó khăn, mẹ Việt Nam anh hùng…; tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 3.200 lượt người, trong đó có những nạn nhân của chất độc da cam; tích cực vận động đoàn viên, thanh niên tuyên truyền và quyên góp ủng hộ quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam tại địa phương, đơn vị.
Hàng năm, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh chủ động tham mưu, phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật sản xuất; tư vấn, giới thiệu việc làm cho các đối tượng thanh niên, trong đó có nhiều người thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có nạn nhân chất độc da cam, hoặc những người trực tiếp nhiễm chất độc da cam nhưng vẫn còn khả năng lao động. Đã có nhiều tấm gương vươn lên bằng nghị lực, bằng niềm tin, sự lạc quan trong cuộc sống mặc dù hàng ngày họ vẫn phải đối mặt với những nỗi đau về thể xác và những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh.
Khi được tiếp cận, được sống cùng gia đình có nạn nhân chất độc da cam, chúng ta mới thấm thía hết những nỗi đau và khó khăn mà họ phải trải qua to lớn thế nào. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam đã không còn là trách nhiệm của một cá nhân hay tổ chức nào, mà là của cộng đồng, của toàn xã hội và nhân dân cả nước, hy vọng với những tình cảm động viên, chia sẽ, những hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, giảm bớt nỗi đau đớn, giày vò của bệnh tật.
Kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam là dịp để chúng ta khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc Việt Nam, là dịp để tuổi trẻ hôm nay ôn lại và khắc ghi những hy sinh mất mát to lớn, tri ân những người đã chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, qua đó để tuổi trẻ hôm nay nhận thức đúng nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, từ đó có những hành động nghĩa cử cao đẹp, với tình cảm và trách nhiệm, cùng với cơ quan, đơn vị, các cá nhân, tổ chức và nhân dân tiếp tục giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam cả về vật chất lẫn tinh thần, tiếp thêm nghị lực vươn lên, góp phần xoa dịu những nỗi đau bệnh tật, quên đi những mất mác thiệt thòi, từng bước hòa nhập vào đời sống xã hội, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong mỗi người, trong cộng đồng. Đoàn bộ và tuổi trẻ tỉnh nhà luôn thấu hiểu, đồng cảm, sẵn sàng chia sẽ, hỗ trợ và luôn chung tay vì nạn nhân chất độc da cam.
Một lần nữa, thay mặt cho Đoàn bộ và tuổi trẻ tỉnh nhà kính chúc quý lãnh đạo, quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc gia đình và các nạn nhân chất độc da cam có thêm niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Xin trân trọng cảm ơn ! “
3. Bài phát biểu ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam 10/8 số 03:
Bài phát biểu kêu gọi của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau tại lễ kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (ngày 10/8/1961-10/8/2016):
” Được sự cho phép của Ban tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau trước hết tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, quý nạn nhân và gia đình nạn nhân lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng nhất!
Kính thưa toàn thể đại biểu!
Trong những thập niên qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà luôn quan tâm thực hiện tốt các chủ trương quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng. Vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị mà nồng cốt là Hội nạn nhân chất độc da cam Dioxin tại Cà Mau luôn phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhằm góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và tính chất nguy hiểm, hậu quả lâu dài của thảm họa da cam đối với môi trường và con người Việt Nam, kêu gọi, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục giúp đỡ nạn nhân da cam về vật chất và tinh thần, tạo sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội đối với cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Chiến tranh đã lùi xa qua 41 năm, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn quan tâm, chăm lo các chính sách xã hội cho người có công với nước và đồng bào chiến sĩ bị nhiễm chất độc da cam nói riêng và đặc biệt là các đồng chí tham gia kháng chiến đã có được chế độ chính sách thì từng bước có cuộc sống ổn định hơn cả vật chất và tinh thần. Song hiện nay tỉnh Cà Mau chúng ta vẫn còn hơn 9.000 nạn nhân bị ảnh hưởng và nhiễm chất độc da cam Dioxin phần lớn thì cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nghèo khó chiếm trên 50%, trong tổng số người bị nhiễm chất độc da cam các nạn nhân này luôn mong được sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và chia sẽ của toàn xã hội bở vì: phần lớn các hộ nghèo khó do bệnh tật không có sức khỏe lao động, không có các tư liệu sản xuất, một người còn khỏe mạnh phải lo cho nhiều người bệnh tật…
Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”. Nhân dịp lễ kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam tại Cà Mau, thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân từ thiện trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp làm ăn thành đạt, cán bộ, chiến sĩ tỉnh nhà tiếp tục giúp đỡ tiền, vật chất đến các nạn nhân và gia đình của nạn nhân chất độc da cam Dioxin nói chung và đặc biệt các gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hằng ngày và có những hành động tích cực để thể hiện sự ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam;
Kêu gọi các gia đình và nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh, phải cố gắng hơn nữa và tranh thủ nguồn lực của Nhà nước và xã hội có cuộc sống ổn định, phải luôn ra sức học tập, lao động tạo thêm nguồn lực để vượt qua nghèo khó, làm nên những tấm gương sáng chẳng những cho các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam làm theo mà kể cả các hộ nghèo và cận nghèo tại địa phương mình noi theo và nhân rộng điển hình trong thời gian tới.
Xin đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn lực cho nạn nhân chất độc da cam, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, kịp thời chi trả chế độ và các nguồn lực vận động đến với nạn nhân một cách tốt nhất.
Đề nghị MTTQ các cấp chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên, thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam; thực hiện có hiệu quả phong trào vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Một lần nữa kính chúc các đồng chí và quý vị đại biểu, quý nạn nhân luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt trong cuộc sống.
Xin chào Đại đoàn kết! “
4. Bài phát biểu ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam 10/8 số 04:
” Kính thưa: Các bác, các chú, các anh chị, các bạn và các em thân mến!
Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc màu da cam (10/8/2022), hưởng ứng thư kêu gọi ủng giúp đỡ những gia đình, nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh …., với truyền thống của dân tộc Việt Nam “Thương người như thể thương thân” toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh Trường …. chúng cháu nhiệt tình hưởng ứng cùng “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm và những mất mát, đau đớn mà cuộc chiến tranh cho Mỹ để lại trên đất nước Việt Nam vẫn đang hằng ngày, hằng giờ hiển hiện, hằn sâu, đeo bám cuộc đời của hàng triệu nạn nhân da cam/dioxin. Nhìn những hình ảnh này, có ai cầm được lòng và thôi đau đớn, xót xa?
Vì vậy, việc tổ chức tuyên truyền và ủng hộ, giúp đỡ những gia đình, nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin là một giải pháp quan trọng. Kết quả thu được không chỉ là tiền bạc mà còn là nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về thảm họa da cam được nâng lên và thể hiện truyền thống “Thương người như thể thương thân” của người Việt Nam.
Số tiền thu được sẽ dùng vào việc thực hiện các dự án xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề, xây nhà tình nghĩa, cấp học bổng, trợ giúp tìm việc làm cho nạn nhân và con em nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin.
Thay mặt cho Ban Giám hiệu nhà trường! Tôi thiết tha kêu gọi các đồng chí cán bộ, giáo viên và các em học sinh hãy tích cực hưởng ứng và tham gia ủng hộ cho quỹ nạn nhân chất độc mầu da cam/dioxin tỉnh …
Đây chính là những hành động thiết thực để động viên, giúp đỡ những nạn nhân “Em có trái tim nhưng tim em còn đang thoi thóp. Em có cuộc đời nhưng ai đã cướp. Nước mắt em rơi! Ôi nước mắt màu da cam!…”
Xin trân trọng cảm ơn!
5. Bài phát biểu ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam 10/8 số 05:
” Thưa các vị đại biểu, khách quý,
Thưa các đồng chí cựu chiến binh và các nạn nhân chất độc da cam thân mến,
Thưa các đồng chí và các bạn,
Chiến tranh đã lùi xa nhưng di hoạ mà nó để lại vẫn hàng ngày hàng giờ làm bao người Việt Nam đau đớn. Trước tình hình ấy, cả nước đã lập quỹ giúp đỡ các nạn nhân chất độc màu da cam nhằm phần nào cải thiện cuộc sống và xoa dịu nỗi đau của họ.
Chất độc màu da cam mà Đế quốc Mỹ đã rải xuống các cánh rừng miền Nam thời chiến tranh đã tạo nên nỗi kinh hoàng cho thế hệ sau của những người đã từng sống ở những khu vực đó. Những đứa trẻ vô tôi, tật nguyền, dị dạng, vừa chào đời đã phải lìa đời hoặc nếu sống được thì sức khoẻ, trí tuệ thậm chí cả hình hài đều không bình thường… Những sinh linh quái dị và vô tội ấy trở thành nỗi ám ảnh, đau đớn đến tê tái của người thân, gia đình và của toàn xã hội. Trước tình hình đó nhiều chương trình ủng hộ những nạn nhân chất độc màu da cam đã được tổ chức.
Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc màu da cam (10/8/…), hưởng ứng thư kêu gọi ủng giúp đỡ những gia đình, nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh …………., với truyền thống của dân tộc Việt Nam “Thương người như thể thương thân” toàn thể cán bộ, nhân viên của ……………………. chúng ta nhiệt tình hưởng ứng cùng “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”.
Thưa quý vị đại biểu, đồng chí và các bạn!
Biết bao người đã khóc thương cho những số phận bất hạnh, biết bao chữ ký đã được thu thập để ủng hộ cuộc đấu tranh đòi bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh. Ngày đầu tiên Mỹ rải chất độc chết người này xuống Việt Nam: 10-8-1961 đã trở thành ngày “Vì nạn nhân chất độc màu da cam”. Cả nước Việt Nam đã lập quĩ giúp đỡ các nạn nhân khốn khổ. Đó là việc làm cần thiết để giúp đỡ họ phần nào cải thiện cuộc sống và xoa dịu nỗi đau. Nhiều em bé tật nguyền, côi cút đã được chăm sóc, nhiều tổ chức chính quyền, doanh nghiệp, cá nhân đã xây dựng nhà tình nghĩa, tặng xe lăn, tiền, quà, thăm hỏi và giúp đỡ các nạn nhân. Nhiều nhóm tình nguyện viên được thành lập để làm việc tại các trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc màu da cam… Dẫu biết rằng tất cả những giúp đỡ đó không thể bù đắp được những mất mát đau đớn của họ song đó thực sự là hành động đền ơn đáp nghĩa, phù hợp với truyền thống “tương thân tương ái”, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ta.
Việt Nam đã cố gắng để xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Nỗi đau của những nạn nhân da cam là một nỗi ám ảnh dai dẳng, việc giúp đỡ họ cần phải làm thường xuyên và liên tục. Vì vậy, việc tổ chức tuyên truyền và ủng hộ, giúp đỡ những gia đình, nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin là một giải pháp quan trọng. Kết quả thu được không chỉ là tiền bạc mà còn là nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về thảm họa da cam được nâng lên và thể hiện truyền thống “Thương người như thể thương thân” của người Việt Nam.
Số tiền thu được sẽ dùng vào việc thực hiện các dự án xây dựng trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề, xây nhà tình nghĩa, cấp học bổng, trợ giúp tìm việc làm cho nạn nhân và con em nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin.
Thay mặt cho toàn thể cán bộ, nhân viên, … của ………! Tôi thiết tha kêu gọi các đồng chí cán bộ, nhân viên và toàn thể các đồng chí, các bạn hãy tích cực hưởng ứng và tham gia ủng hộ cho quỹ nạn nhân chất độc mầu da cam/dioxin.
Xin trân trọng cảm ơn! “