Nhằm giúp các bạn học sinh có nhiều kiến thức và nắm vững nội dung bài học, bài viết dưới đây chúng mình gửi đến bạn đọc bài viết Bài nghị luận về ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh. Cùng tham khảo bài viết của chúng mình nhé.
Mục lục bài viết
1. Dàn ý bài nghị luận về ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh:
1.1. Mở bài:
– Giới thiệu chủ đề thảo luận: ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh
1.2. Thân bài:
* Khái quát về thực trạng an toàn giao thông của nước ta hiện nay, là vấn đề đáng báo động, gây thiệt hại to lớn về con người và tài sản
* Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông:
– Người tham gia giao thông không chấp hành luật giao thông
– Người điều khiển phương tiện không nắm rõ các quy định về luật giao thông
– Thiếu ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông như: lạng lách, đua xe, chạy sai tốc độ, không đúng làn đường.
– Lái xe khi say rượu
– Người đi bộ, người bán hàng rong đi sai làn đường.
– Lỗi do phương tiện giao thông yếu kém, cũ hỏng
– Phương tiện quá cũ không thể tiếp tục tham gia giao thông
– Lỗi do hạ tầng giao thông kém: giao thông có ổ gà, đường hẹp,…
* Hậu quả
– Nhiều người mất mạng
– Thất thoát tiền bạc, tài sản
– Ùn tắc giao thông, mất trật tự an toàn xã hộ
* Giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông
– Đề xuất các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người tham gia giao thông
– Đề xuất các chính sách phù hợp để phòng ngừa các mối đe dọa đối với người tham gia giao thông để họ tham gia giao thông an toàn.
– Làm tốt hơn nữa công tác kiểm tra chất lượng cũng như giải quyết hạ tầng giao thông.
1.3. Kết bài:
Nêu quan điểm cá nhân
2. Bài nghị luận về ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh hay nhất:
Cùng với ô nhiễm môi trường, vấn đề an toàn giao thông cũng tốn rất nhiều giấy mực của dư luận. Không phải ngẫu nhiên mà nó ngày càng được mọi người trong xã hội quan tâm. Với nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông ngày càng tăng, tình hình giao thông ngày càng phức tạp, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Do đó, sự an toàn của người tham gia giao thông càng được quan tâm hơn.
Những năm gần đây, số lượng học sinh trung học phổ thông, thậm chí là học sinh trung học cơ sở từ thành thị đến nông thôn, đi xe đạp điện, xe máy, xe gắn máy đến trường tăng đáng kể. Nhiều em học sinh đi xe máy không đúng độ tuổi, phân khối lớn không theo đúng quy định của Luật giao thông đường bộ, trong khi các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được. Vào cuối giờ học, tại cổng trường hoặc các điểm gửi xe gần trường, dòng xe máy, xe đạp điện của học sinh nối đuôi nhau, đua nhau chen lấn, tạo nên cảnh tắc đường khiến những người lớn tham gia giao thông phải lo ngại, phải tạt vào sát vỉa hè vừa để đảm bảo an toàn cho bản thân, vừa là để nhường đường cho các em học sinh. Do đó, số vụ tai nạn giao thông xảy ra do học sinh ngày càng tăng, gây bức xúc cho dư luận.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều học sinh ý thức được sự nguy hiểm của điều này nên đã chủ động đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, ý thức được rằng đường phố đô thị rất đông đúc nên mỗi khi đến trường các em đều lái xe cẩn thận, quan sát để đảm bảo an toàn.
An toàn giao thông luôn là dấu hỏi lớn đối với toàn xã hội. Ai cũng muốn được an toàn khi tham gia giao thông. Nhưng phần lớn các em không ý thức được rằng an toàn là do chính các em tạo ra, và tính mạng của các em là do chính các em bảo vệ. Không ai có thể bảo vệ các em 24/7 và đảm bảo các em luôn được an toàn. Sự biến đổi phức tạp của giao thông ngày càng đòi hỏi sự nghiêm túc và trách nhiệm của các em. Hãy chung tay vì một xã hội an toàn hơn. An toàn giao thông là người bạn của mọi gia đình.
3. Bài nghị luận về ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh ý nghĩa nhất:
Đất nước ta đang phát triển khá nhanh nhờ sự cải thiện của nền kinh tế và đời sống xã hội, nhưng ngành giao thông dường như chưa đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Tình hình tai nạn giao thông hiện nay đã lên đến mức báo động đỏ và được xếp hạng “cao” ở Đông Nam Á. Do đó, vấn đề này là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đảm bảo an toàn giao thông? Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả mọi người.
Giao thông ở Việt Nam hiện được coi là lĩnh vực nhiều rủi ro nhất vì tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra. Người dân không khỏi lo sợ trước những thông tin đáng sợ do thiệt hại về người và của mà tai nạn giao thông gây ra mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm. Trung bình mỗi ngày có khoảng 35 người tử vong, mỗi năm có hơn hàng nghìn người tử vong vì tai nạn giao thông. Thật là một con số khủng khiếp! Chiến tranh đã khép lại nhiều năm nhưng chúng ta lại rơi vào một mối nguy hại mới, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn xã hội. Vấn đề tai nạn giao thông cũng là một vấn nạn mà chúng ta luôn luôn phải đối mặt. Tai nạn giao thông không chỉ gây đau thương, phá hủy hạnh phúc gia đình mà còn gây ra thiệt hại to lớn về vật chất và tinh thần cho toàn xã hội. Ngoài ra, tình trạng mất an toàn giao thông nghiêm trọng đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và đánh giá về tình hình phát triển của Việt Nam và gây khó khăn cho công tác đầu tư của các đơn vị nước ngoài tại nước ta.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn giao thông. Trước đây, ý thức và tinh thần tự giác chấp hành luật giao thông của người dân còn quá kém. Khi tham gia giao thông trên đường, ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không nghĩ đến người khác. Do đó, xảy ra tình trạng không chịu nhường nhau tại các giao lộ, gây ùn tắc giao thông thường xuyên; không những thế, những hiện tượng phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng khi tham gia giao thông gây đã gây ra nhiều vụ tai nạn cho bản thân và cho người khác lưu thông trên đường. Một nguyên nhân quan trọng khác là chất lượng đường sá, cầu cống không đảm bảo an toàn, có quá nhiều cầu cũ, cầu yếu, cầu có tải trọng thấp, trong khi lưu lượng người và phương tiện lưu thông quá lớn. Các tuyến giao thông chính kết nối các vùng vừa và nhỏ, liên tục trong tình trạng sửa chữa, nâng cấp.
Một nguyên nhân nữa là sự bỏ mặc, tha hóa của nhiều người phụ trách giám sát giao thông. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng làm ngơ trước những người vi phạm pháp luật như sử dụng xe chuyên dụng đã hết hạn sử dụng, chở hành khách, hàng hóa sai quy định, chạy quá tốc độ quy định… Như vậy, họ đã cố tình tiếp tay cho những điều xấu và dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng.
Để đảm bảo an toàn giao thông, phải có những giải pháp hợp lý. Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục người dân về luật giao thông, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật. Nhắc nhở, yêu cầu mọi người khi đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm. Ngoài ra, phải có hình thức xử lý phù hợp đối với những người cố tình vi phạm pháp luật. Mặt khác, phải xử lý nghiêm ngặt trong phạm vi năng lực của cảnh sát giao thông, nghiêm trị đối với những hành vi cậy chức cậy quyền, vi phạm các quy định của Nhà nước. Một yếu tố chiến lược quan trọng là nâng cao chất lượng đường sá, cầu cống, y tế để đảm bảo giao thông thông suốt, hạn chế tối đa tai nạn. Điều này góp phần to lớn vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập với thế giới của đất nước ta.
An toàn giao thông hiện đang là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm vì đây là vấn đề gây tác động trực tiếp tới sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh. Mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông để góp phần xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.