Đối với một số vụ án được quy định trong bộ luật hình sự thì việc có đơn bãi nại/đơn xin miễn giảm hình phạt là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể xem xét việc miễn, giảm trách nhiệm hình sự. Vậy bãi nại là gì?
Mục lục bài viết
1. Tổng quát chung:
Bãi nại được hiểu là việc người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại là người dưới 18 tuổi, người bị hại có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc người bị hại đã chết với nội dung: Rút lại yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, nghĩa là không còn tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Vậy nên, có thể hiểu làm đơn bãi nại là quyền của người bị hại hay người đại diện của họ.
Việc rút lại yêu cầu khởi kiện vụ án có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, một số nguyên nhân có thể được đề cập đến như: Bên bị hại sợ ảnh hưởng đến danh dự, vụ án nhân phẩm hoặc các lợi ích kinh tế của họ hoặc bên bị hại, bên gây thiệt hại đã tự dàn xếp, giải quyết với nhau.
Miễn trách nhiệm hình sự là trách nhiệm pháp lý của người phạm tội phải chịu những hậu quả bất lợi về hành vi phạm tội của mình, gồm: Bị kết tội, bị áp dụng hình phạt, mang án tích… Như vậy, miễn trách nhiệm hình sự cũng có thể hiểu là người phạm tội không phải chịu hậu quả pháp lý về hành vi phạm tội của mình, trong đó có bị kết tội và bị áp dụng hình phạt. Miễn trách nhiệm hình sự là một trong những nội dung thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước.
2. Các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự khi có bãi nại:
Theo Văn bản hợp nhất 05/2021/VBHN-VPQH hợp nhất Bộ luật Tố tụng hình sự do Văn phòng Quốc hội ban hành tại Điều 155 quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:
Một là, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết (Theo khoản 3 điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của bộ luật tố tụng hình sự). Sửa đổi không còn tội phạm quy định tại điều 226: Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Hai là, Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tùy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Ba là, Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.
Vậy trong trường hợp có đơn bãi nại thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, Tội phạm mà người phạm tội thực hiện thuộc các tội sau:
– Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 138
– Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính (Khoản 1 Điều 139 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự);
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Khoản 1 Điều 134 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự);
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Khoản 1 Điều 135 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự);
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Khoản 1 Điều 136 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự);
– Tội cưỡng dâm (Khoản 1 Điều 143 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự);
– Tội hiếp dâm (Khoản 1 Điều 141 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự);
– Tội vu khống (Khoản 1 Điều 156 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự);
– Tội làm nhục người khác (Khoản 1 Điều 155 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự);
Thứ hai, Đơn bãi nại phải do bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại.
Thứ ba, Người viết đơn bãi nại không bị ép buộc, cưỡng bức.
Danh sách những tội danh chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của họ theo quy định tại Khoản 1 Điều 155 và việc rút yêu cầu khởi tố phải là hoàn toàn tự nguyện, không ép buộc hay cưỡng bức dẫn đến việc đình chỉ vụ án ở các giai đoạn của quá trình tố tụng một vụ án hình sự, tức bên gây thiệt hại sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa. Ngoài ra, những tội danh khác không thuộc đối tượng tại Khoản 1 Điều 155 thì dù có đơn bãi nại của người bị hại thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không phụ thuộc vào việc bị hại có đơn bãi nại hay không. Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện trên thì người phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đơn bãi nại có thể được xem là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
3. Các trường hợp có đơn bãi nại nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
Theo quy định pháp luật và nội dung phân tích ở trên, chỉ một số tội theo quy định khi có đơn bãi nại thì mới được miễn trách nhiệm hình sự. Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định những trường hợp mà đơn bãi nại của người bị hại không có giá trị để đối tượng có hành vi phạm tội tránh được việc bị xử lý hình sự. Đối với các trường hợp này đơn bãi nại chỉ có thể được xem như một tình tiết giảm nhẹ cho đối tượng phạm tội. Quy định này được đặt ra nhằm nâng cao trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, đồng thời răn đe; giáo dục; nâng cao ý thức pháp luật cho mỗi người dân.
Ví dụ: đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh tại Khoản 1 Điều 135 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự (Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó) thì người phạm tội mới có khả năng không bị khởi tố hình sự khi nạn nhân làm đơn bãi nại – Đơn rút yêu cầu khởi kiện. Lúc này, tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án. Còn trường hợp của phạm tội cố ý gây thương tích tại Khoản 2 Điều 135 Văn bản hợp nhất 01/VBHN-VPQH 2017 Bộ luật Hình sự (Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người; Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%) thì vẫn sẽ bị khởi tố về tội này mặc cho người bị hại có làm đơn bãi nại hay không.
4. Mẫu đơn bãi nại:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
…, ngày…tháng…năm …
ĐƠN XIN BÃI NẠI
(Đối với…trong vụ án…)
Kính gửi: – Cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện/quận…, công an tỉnh
– Viện kiểm sát nhân dân huyện/quận…, tỉnh…
–
Tôi là ., sinh năm … địa chỉ: …, tôi là người bị hại trọng vụ án …do ông/bà…gây ra đang được quý các cơ quan tiến hành Điều tra/Truy tố về tội…
Bằng văn bản này tôi xin bãi nại (rút toàn bộ các yêu cầu và đề nghị khởi tố vụ án nêu trên, khởi tố bị can đối với ông/bà…) và đề nghị quý các cơ quan tiến hành Đình chỉ Điều tra/Đình chỉ việc truy tố và giải quyết vụ án nêu trên, lý do xin rút như sau:
Chúng tôi đã thống nhất và thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại có liên quan đến vụ án này, Ông/bà… sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã ăn năn, hối cải, khắc phục hậu quả và nhận thức được hành vi vi phạm của mình, mong muốn chuộc lại lỗi lầm và phấn đấu trở thành công dân tốt. Nhận thấy hành vi và nhận thức của ông/bà là thành khẩn, không nhất thiết phải trừng trị trước pháp luật hơn nữa việc gây nguy hại cho tôi là người bị hại cũng không lớn do đó không nhất thiết phải tiến hành điều tra, truy tố, xét xử về hành vi phạm tội này.
Nay, tôi làm đơn này đề nghị Quý các cơ quan tiến hành việc đình chỉ điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ án nêu trên.
Tôi làm đơn này trong điều kiện sức khỏe tốt, hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn, không bị bất kỳ sự cưỡng ép, đe dọa nào, việc làm đơn này là đúng với ý chí và nguyện vọng của tôi.
Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ nội dung của đơn này và những điều tôi đã cam kết, trình bày tại đơn này.
Kính đề nghị Quý cơ quan xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người làm đơn bãi nại (Ký và ghi rõ họ, tên) |
Tóm lại, đối với một số vụ án được quy định trong bộ luật hình sự thì việc có đơn bãi nại/đơn xin miễn giảm hình phạt là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng để có thể xem xét việc miễn, giảm trách nhiệm hình sự. Đơn bãi nại cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được miễn, giảm trách nhiệm hình sự.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Văn bản hợp nhất 05/2021/VBHN-VPQH hợp nhất Bộ luật Tố tụng hình sự.