Áp lực học tập là gì? Hậu quả và cách giảm stress trong quá trình học tập?

Áp lực học tập là vấn đề xảy ra hết sức phổ biến ở học sinh, sinh viên. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của người học. Vậy áp lực học tập là gì? Dấu hiệu, thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của áp lực học tập như thế nào?

1. Áp lực học tập là gì?

Áp lực học tập là những căng thẳng, mệt mỏi mà con người gặp phải trong quá trình học. Nói cách khác, áp lực học tập là việc học quá sức so với sức khỏe của học sinh, gây ra các áp lực căng thẳng và stress dẫn đến một số bệnh lý nghiêm trọng.

2. Thực trạng về áp lực học tập ở học sinh, sinh viên:

Áp lực học tập là thực trạng diễn ra ngày càng phổ biến ở học sinh, sinh viên. Theo thống kê, cứ 10 người học thì có tới 8 người rơi vào áp lực. Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, sự bùng nổ của công nghệ số, những ý kiến cá nhân được chia sẻ trên không gian mạng ngày càng nhiều. Có vô số bài đăng từ những tài khoản khác nhau bày tỏ về sự mệt mỏi, chán chường, căng thẳng trong học tập. Những tiếng “than” của giới trẻ là lời cảnh báo cho phụ huynh và xã hội về ảnh hưởng đáng sợ của áp lực học tập lên sức khoẻ và đời sống tinh thần của giới trẻ. Trong nhiều phóng sự thực tế, khi được hỏi về áp lực học tập, đa số bạn trẻ đều trả lời họ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi chương trình học và đào tạo của nhà trường.

Theo thống kê, số lượng học sinh, sinh viên bị trầm cảm ngày càng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực học tập, áp lực từ gia đình về đặt nặng vấn đề học vấn. Chương trình học nặng nề, quỹ thời gian hàng ngày chỉ xoay quanh việc ăn và học, không gian là trường học và phòng học…, là thực trạng rõ ràng nhất về vấn đề áp lực học tập mà đa số học sinh, sinh viên đang gặp phải. Một kết quả khảo sát trên thực tế, có đến gần 80% học sinh, sinh viên chỉ ngủ dưới 8 tiếng một ngày. Trong khi đó, với lứa tuổi dưới 18, giấc ngủ là rất quan trọng để phát triển cơ thể toàn diện nhất, về cả mặt tinh thần và thể chất. Rất nhiều trẻ em dù mới chỉ học lớp 6, lớp 7 đã phải thức đến 11h đêm để học bài, hôm sau lại dậy sớm từ 5 – 6h sáng để ôn tập. Đồng thời cũng có đến hơn 44% học sinh cho biết các em nói rằng từ rất lâu mình đã không được ngủ trưa.

3. Những dấu hiệu, biểu hiện của việc áp lực học tập:

– Luôn cảm thấy buồn bực và mệt mỏi. Một trong những trạng thái cảm xúc diễn ra phổ biến ở người bị áp lực học tập là chán chường và mệt mỏi. Họ đối diện với học tập, với cuộc sống thường nhật với tâm trạng buồn bực. Nhiều học sinh, sinh viên cho rằng cuộc sống hằng ngày của họ không có gì nổi bật và thú vị. Đến trường, về nhà, những chồng sách vở, đống bài tập đang chờ được giải quyết. Họ buồn bực, chán nản về những điều vô vị đang chờ đón họ hàng ngày. Hay nói cách khác, họ không có hứng thú với việc học tập. Đây chính là dấu hiệu đầu tiên của việc áp lực học tập.

– Đặt quá nhiều sự bận tâm, lo lắng về việc học. Trong tiềm thức của những người bị áp lực học tập luôn chỉ có học. Họ để nỗi lo về học tập lấn áp suy nghĩ và tâm trí của họ. Chính vì bận tâm quá nhiều nên sinh ra tình trạng lo lắng. Học sinh, sinh viên khi bị áp lực học tập sẽ luôn lo lắng, sợ mình làm sai, sợ phải đến lớp, sợ phải học. Lâu dần, sự lo lắng đấy lấn áp tâm trí, khiến người học rơi vào trạng thái sầu muộn, không có tinh thần để bận tâm đến những giá trị khác trong cuộc sống thường nhật.

– Không có cảm giác vui vẻ cũng như hứng thú làm những công việc khác. Áp lực học tập khiến người học lo lắng và căng thẳng. Họ bị những yêu cầu khắt khe trong học tập bủa vây, dẫn đến tinh thần bị giảm sút. Họ không còn mong muốn cảm nhận những nhu cầu sống khác. Khi bị stress do học tập, người học không còn tâm trạng hứng khởi- một trạng thái cần có để cân bằng cuộc sống. Điều này dẫn đến hệ lụy đáng buồn là các bạn trẻ không còn tìm thấy niềm vui cũng như hứng thú khi thực hiện các công việc khác.

– Mất niềm tin vào bản thân, luôn có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Học sinh, sinh viên là những người đang ở ngưỡng trưởng thành. Đa số các bạn trẻ ở giai đoạn này tâm lý chưa thực sự vững vàng. Vậy nên, việc phải đối diện với những áp lực học tập khiến họ dần mất đi niềm tin vào bản thân. Họ luôn nghĩ rằng bản thân không làm được gì, luôn sai như cách các bạn chọn câu trả lời trong học tập. Từ việc mất niềm tin vào bản thân, khiến các bạn trẻ luôn có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Thay vì nhìn nhận tích cực, lạc quan về những điều đã, đang và sẽ xảy ra, họ lại chọn nhìn nhận theo hướng tiêu cực.

4. Nguyên nhân của áp lực học tập:

Áp lực học tập được tạo lập từ những nguyên nhân chủ yếu sau đây.

– Phần lớn các bạn trẻ bị trầm cảm, stress xuất phát từ tâm lý trách nhiệm. Ví dụ điển hình là với những trẻ ngoan, có thành tích cao trong học tập thường có những áp lực tự thân hơn là những trẻ mải chơi. Áp lực vị trí trong trường lớp, hình ảnh bản thân trong mắt gia đình, thầy cô khiến những bạn trẻ này  sống, suy nghĩ có trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu không ngừng. Mang trong mình nhiều kỳ vọng từ gia đình, nhà trường là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến học sinh, sinh viên bị áp lực trong học tập.

– Chương trình học nặng với khối lượng kiến thức lớn. Thực tế, chương trình đào tạo tại nước ta còn mang tính truyền thống với việc chạy theo số lượng kiến thức. Cách học và dạy không khoa học, khiến các bạn trẻ bị ngợp trong đống kiến thức khổng lồ. Số lượng vốn tri thức mà học sinh, sinh viên phải nạp vượt quá khả năng của họ. Điều này lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng stress trong học tập

– Kỳ vọng cao từ gia đình và nhà trường. Là bố mẹ, ai cũng mong con mình giỏi giang, học tập tốt để tương lai có con đường rộng mở về công danh sự nghiệp. Thầy cô cũng vậy. Họ luôn mong muốn học trò của mình thành công. Thế mạnh của mỗi người là khác nhau, tuy nhiên phụ huynh thường chỉ nhìn qua điểm số để đánh giá năng lực của con, không chịu chấp nhận các năng lực, cố gắng của con. Những mong muốn con em mình giỏi giang đã vô hình chung gây ra áp lực cho giới trẻ. Bởi suy nghĩ, cách nhìn nhận cuộc sống của học sinh, sinh viên khác xa so với bố mẹ và thầy cô. Sự thúc đẩy các em học tập vì tương lai của phụ huynh đôi khi chính là điểm mù, khiến các bạn trẻ mệt mỏi, không tìm ra lối đi và rơi xuống vực.

– Áp lực đồng trang lứa cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến áp lực học tập. Nó khiến cho các bạn trẻ phải gồng mình phấn đấu để không bị thua kém bè bạn. Sự phấn đấu đó là tốt, nếu họ xem đây là động lực để phát triển và hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, đôi khi mong muốn phấn đấu đó lại vượt quá khả năng của họ. Vì vậy, việc các bạn trẻ gồng mình chạy đuổi theo thành tích của người khác, mà không nhìn nhận được năng lực của mình ở đâu là nguyên nhân gây nên áp lực trong học tập. Áp lực đến từ những điều vô hình. Nhiều khi, chỉ cần những tác động nhỏ cũng có thể khiến học sinh, sinh viên rơi vào tình trạng stress trong học tập. Bởi trong cuộc sống hiện đại ngày nay, họ bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Cùng với đó, người học đa phần ở ngưỡng đang trưởng thành. Do vậy, tâm sinh lý không ổn định, dẫn đến việc dễ rơi vào trạng thái stress.

5. Hậu quả của áp lực trong học tập:

Áp lực trong học tập nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc: _ Người học có thể rơi vào trạng thái trầm cảm. Tâm trạng của họ sẽ không đủ tỉnh táo để nhận định mọi việc. Khi rơi vào trầm cảm, các bạn trẻ sẽ không còn cảm nhận được niềm vui của cuộc sống, luôn hướng đến suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là cái chết. Thực tế, có rất nhiều trường hợp tự tử do áp lực học tập. Họ có xu hướng làm đau bản thân, sử dụng chất kích thích, tìm đến cái chết để chấm dứt mệt mỏi. Như vậy, căng thẳng, mỏi mệt, không được thấu hiểu sẽ đẩy họ vào trạng thái tâm lý nặng nề và tiêu cực nhất.

Sức khỏe suy giảm: Áp lực học tập không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tác động đến sức khỏe thể chất. Khi bị stress, đa số các bạn trẻ không muốn ăn, không có cảm giác trong việc ăn uống. Bên cạnh đó, tình trạng mất ngủ do áp lực kéo theo khiến sức khoẻ của các bạn bị suy giảm .

Học tập là cả một quá trình. Mà đã là quá trình thì phải được tiến hành một cách bình tĩnh, chậm rãi và chắc chắn. Những áp lực được tạo lên sẽ thúc đẩy cho việc gãy quá trình. Cuối cùng, hậu quả để lại sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai của người học, gia đình và toàn xã hội.

6. Cách giảm stress trong học tập:

Áp lực trong học tập mang đến rất nhiều hậu quả. Vậy làm thế nào để giảm stress trong học tập? Dưới đây là một vài giải pháp mà chúng tôi đưa ra.

– Về phía người học:

+ Các bạn cần lên cho mình một kế hoạch học tập chi tiết và khoa học. Bản kế hoạch này phải dựa trên năng lực và tiêu chí mà chính bản thân các bạn đã đề ra.

+ Các bạn phải biết tự cân bằng giá trị sống của mình. Chơi và học, học và làm những điều mình thích. Học quan trọng, song sở thích của các bạn cũng quan trọng, bởi nó là gia vị giúp cuộc sống thêm ý nghĩa. Người học có thể bị tác động từ mong muốn của gia đình. Song suy cho cùng, mọi việc các bạn làm đều đang tạo lập cuộc sống cho chính mình. Vì vậy, hãy cân bằng cuộc sống để tạo nên niềm vui cho chính mình

– Về phía gia đình: Bố mẹ cần quan tâm đến mong muốn thực sự của con cái. Đôi khi, chính sự kỳ vọng của bố mẹ là tác nhân khiến con cái bị áp lực. Vì vậy, mỗi bậc phụ huynh đừng quá đặt áp lực lên con cái. Hãy thúc đẩy việc học của con bằng cách động viên và khuyến khích. Bên cạnh đó, gia đình hãy tạo điều kiện cho các bạn được làm những điều mà mình thích. Như vậy, các bạn sẽ có thêm động lực, sự hứng khởi để phấn đấu nỗ lực.

– Về phía nhà trường và xã hội: Nhà trường cần quan tâm đến học sinh, sinh viên nhiều hơn. Chương trình đào tạo cũng cần được biến đổi sao cho học sinh dễ dàng tiếp nhận và thích ứng nhất. Những lối tư duy, dạy học truyền thống mang tính máy móc cần được xoá bỏ. Bên cạnh đó, mọi người trong xã hội cần chung tay quan tâm đến học sinh, sinh viên nhiều hơn, tạo điều kiện giúp đỡ họ về nhiều mặt: công việc làm thêm, môi trường học tập…, để họ có thể phát triển một cách toàn diện nhất.

Áp lực học tập mang đến những hậu quả nặng nề về sức khỏe, tình thần cho học sinh, sinh viên. Vì vậy, thay vì để người học rơi vào áp lực, thì gia đình, nhà trường và xã hội cần thực hiện những biện pháp để bảo vệ họ. Không bị áp lực về học tập là cách tốt nhất để người học tự tin thể hiện bản thân, phấn đấu để xây dựng tương lai cho chính mình.

    5 / 5 ( 1 bình chọn )