Hiện nay các hoạt động giao thương, đàm phán và ký kết hợp đồng thương mại quốc tế ngày càng phổ biến. Vấn đề đặt ra là khi thiết lập Hợp đồng, các bên chủ thể tham gia cần có sự chuẩn bị về việc sẽ áp dụng pháp luật quốc gia nào hay của tổ chức quốc tế nào để thực hiện hợp đồng và giải quyết những bất đồng khi xảy ra tranh chấp.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập chiều rộng lẫn chiều sâu đối với kinh tế thế giới thông qua một loạt các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mang tầm vóc khu vực hay châu lục như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là tiền đề để các thương nhân Việt Nam và quốc tế tiến hành các hoạt động giao thương, đàm phán và ký kết hợp đồng thúc đẩy cho sự phát triển chung. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả mong muốn trình bày một số lưu ý về việc áp dụng pháp luật nước ngoài khi giải quyết tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về hợp đồng kinh doanh có yếu tố nước ngoài:
Hiện nay trong lĩnh vực kinh doanh thương mại chưa có quy định cụ thể nội dung của
Quy định về hợp đồng kinh doanh có yếu tố nước ngoài cũng chưa được quy định chính thống trong luật Thương mại Việt Nam mà muốn tìm hiểu thì cần phải liên hệ bắt cầu qua các quy định về quan hệ dân sự được thể hiện trong
Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định cụ thể như sau: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Theo quy định trên, trường hợp cả hai chủ thể của hợp đồng đều là thương nhân Việt Nam nhưng khi giao kết hợp đồng hoặc đối tượng hợp đồng là ở nước ngoài thì hợp đồng này sẽ được xem là hợp đồng kinh doanh có yếu tố nước ngoài.
2. Quy định về áp dụng pháp luật nước ngoài trong hợp đồng:
Trong quá trình đàm phán và giao kết hợp đồng, việc thỏa thuận áp dụng pháp luật nước ngoài vào thực hiện và giải quyết tranh chấp (nếu có) phải tuân thủ quy định pháp luật về hợp đồng và quy định pháp luật về tố tụng.
Trường hợp Hợp đồng mà các bên đàm phán và ký kết mà các chủ thể tham gia hợp đồng đều là thương nhân Việt Nam, đối tượng hàng hóa được giao dịch, được giao nhận, được sử dụng không thoát ra khỏi biên giới quốc gia hay biên giới Hải quan thì luật áp dụng trong hợp đồng sẽ phải là luật chuyên ngành hay luật phù hợp nhất với hợp đồng nằm trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam.
Trường hợp hợp đồng có một trong các yếu tố có liên quan đến chủ thể giao kết có quốc tịch nước ngoài, địa điểm giao kết ở nước ngoài, tài sản dịch chuyển qua biên giới thì lúc này hợp đồng này mới đủ điều kiện được xem là hợp đồng có yếu tố nước ngoài và đây chính là cơ sở để các bên thỏa thuận áp dụng bất kỳ luật nước ngoài nào mà các bên cho là phù hợp. Sau khi hội đủ điều kiện trở thành hợp đồng kinh doanh có yếu tố nước ngoài thì quá trình chọn lựa và áp dụng pháp luật nước ngoài vào Hợp đồng kinh doanh các bên cần phải lưu ý đến những quy định phù hợp, có liên quan đến lĩnh vực giao kết ưu tiên áp dụng các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tập quán thương mại quốc tế nếu như các quy định này không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Mặc khác, các bên chủ thể có quyền áp dụng pháp luật nước ngoài của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ hợp đồng có yếu tố nước ngoài đó. Mối liên hệ gắn bó mật thiết được quy định như sau: Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa; Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ; Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ; Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân.
Việc áp dụng pháp luật nước ngoài vào hợp đồng, đôi khi sẽ gặp khó khăn do rào cản ngôn ngữ và các thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ chuyên ngành sẽ dẫn tới có cánh hiểu khác nhau. Trong trường hợp này, các nhà làm luật Việt Nam đã dự đoán trước, vì vậy việc áp dụng phải theo sự giải thích của cơ quan thẩm quyền tại nước đó.
Hơn nữa việc áp dụng pháp luật nước ngoài vào trong hợp đồng kinh doanh đôi khi sẽ có tình trạng rằng luật mà các bên ghi trong hợp đồng có thể dẫn chiếu đến việc vận dụng dụng pháp luật của nước thứ ba hay quay về áp dụng chính luật quốc gia mà chủ thể hợp đồng đang mang quốc tịch.
Khi đó các bên buộc phải thực thi theo pháp luật được dẫn chiếu. Tình huống dẫn chiếu nêu trên thường hay xảy ra khi các bên áp dụng Tư pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp. Trường hợp pháp luật của nước có nhiều nhiều hệ thống pháp luật được dẫn chiếu đến thì pháp luật áp dụng được xác định theo nguyên tắc do pháp luật nước đó quy định. Nhưng lưu ý rằng: không phải bất kỳ sự dẫn chiếu nào cũng được áp dụng nếu hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hoặc nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng và khi đó pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng.
Bộ luật dân sự 2015 có quy định 02 trường hợp được áp dụng pháp luật nước ngoài vào trong hợp đồng, cụ thể:
Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản là động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thoả thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.
Đối với các Tập quán thương mại quốc tế, các bên chủ thể cần phải biết rõ tập quán không phải là luật, không được ban hành bởi bất kỳ một quốc gia nào mà đó chỉ là sự thừa nhận một hay nhiều thói quen nào đó trong một lĩnh vực nào đó và được các bên tự nguyện sử dụng, có nghĩa vụ phải tôn trọng và tuân thủ theo nguyên tắc ESTOPEL.
3. Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp:
Việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong hợp đồng kinh doanh sẽ làm nảy sinh các vấn đề phức tạp nếu như trong quá trình thực hiện hợp đồng có nảy sinh tranh chấp mà sau đó các bên lại không đạt được kết quả sau khi đã tiến hành quá trình thương lượng, đàm phán, hòa giải. Khi đó các bên buộc phải lựa chọn một trong các quy trình tố tụng là tố tụng tại Tòa án hay tố tụng tại Trung tâm Trọng tài.
3.1. Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam:
Theo quy định của pháp luật về tố tụng Việt Nam, khi các bên có lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài vào trong hợp đồng kinh doanh thì cần phải có nghĩa vụ cung cấp văn bản pháp luật nước ngoài có liên quan đó cho cơ quan tố tụng và ngôn ngữ sử dụng tại Tòa án phải là Tiếng Việt hoặc nếu sử dụng ngôn ngữ khác với Tiếng Việt thì cần phải có phiên dịch.
Khoản 1, điều 481, BLTTDS 2015:
Trường hợp đương sự được quyền lựa chọn pháp luật áp dụng là pháp luật nước ngoài và đã lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đó thì có nghĩa vụ cung cấp pháp luật nước ngoài đó cho Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự. Các đương sự chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của pháp luật nước ngoài đã cung cấp.
Trường hợp các đương sự không thống nhất được với nhau về pháp luật nước ngoài hoặc trong trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ ngoại giao, cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài hoặc thông qua Bộ ngoại giao đề nghị cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam cung cấp pháp luật nước ngoài;
Về mặt thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc xét xử đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì một trong BLTTDS2015 có chia ra hai trường hợp về thẩm quyền:
Trường hợp quy định về Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh có yếu tố nước ngoài khi có một bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng có yêu cầu giải quyết với điều kiện tranh chấp này chưa từng được thụ lý giải quyết hay không có thỏa thuận Trọng tài.
Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;
Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;
Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở Việt Nam, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ Việt Nam hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;
Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.
Trường hợp quy định về Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam trong giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh có yếu tố nước ngoài:
Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;
Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.
Trong thực tế giải quyết tranh chấp tại Tòa án Việt Nam đối với Hợp đồng có yếu tố nước ngoài và luật nội dung giải quyết tranh chấp là luật nước ngoài thì gần như chưa có tiền lệ về hoạt động này vì cơ chế giải quyết tranh chấp của Tòa án không linh động và thông thoáng như cơ chế giải quyết của tổ chức Trọng tài thương mại.
3.2. Thẩm quyền của Tổ chức Trọng tài:
Trường hợp các bên có Thỏa thuận Trọng tài và Thỏa thuận này không bị vô hiệu thì các bên có quyền yêu cầu các tổ chức Trọng tài quốc tế trong lĩnh vực thương mại trên khắp thế giới giải quyết tranh chấp này. Chính cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng pháp luật nước ngoài trong Hợp đồng kinh doanh được giải quyết triệt để nhất vì về mặt ngôn ngữ và kiến thức pháp luật, các Trọng tài viên quốc tế hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng và điều đặc biệt là phán quyết Trọng tài có hiệu lực với tất cả các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam sau khi trải qua quy trình yêu cầu Công nhận và cho Thi hành phán quyết Trọng tài tại quốc gia có đương sự phải thi hành phán quyết.
Hơn thế nữa, khi các bên chủ thể của hợp đồng kinh doanh có yếu tố nước ngoài có yêu cầu tổ chức Trọng tài giải quyết tranh chấp, họ còn có cơ hội được sử dụng trực tiếp loại ngôn ngữ tiếng nước ngoài mà họ có khả năng giao tiếp thành thạo, vấn đề này tạo được tâm lý thoải mái khi được cộng hưởng với cơ chế giải quyết bí mật về thông tin, linh động về địa điểm sẽ làm cho khả năng đạt được kết quả cao nhất.
Kết luận
Hợp đồng là kết quả của cả một quá trình tìm hiểu, đàm phán dựa trên sự uy tín, tự nguyện và thiện chí. Các bên hoàn toàn có thể đưa vào hợp đồng tất cả các thông tin, các điều kiện mà các bên cho là phù hợp nhất với điều kiện phải phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Pháp luật Việt Nam về hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh thương mại luôn tạo điều kiện cho các chủ thể được tự do thỏa thuận và giao kết theo các tiêu chuẩn phù hợp với tập quán, truyền thống, quy chuẩn pháp luật quốc gia và quốc tế nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể trong hợp đồng, bảo vệ trật tự công cộng, bảo vệ quyền và lợi ích của bên thứ ba, bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, bảo vệ quyền lợi của Nhà nước.
Khi giao kết hợp đồng kinh doanh, các bên chủ thể của hợp đồng có quyền đưa pháp luật nước ngoài vào hợp đồng với điều kiện phải phù hợp với những quy định cụ thể của pháp luật thương mại cho từng trường hợp làm phát sinh giao kết và phải lưu ý đến vấn đề vận dụng và áp dụng chính xác các quy định của pháp luật nước ngoài khi thực hiện cũng như khi tranh chấp, chỉ khi đó các chủ thể mới có thể thực hiện được mục đích tiên quyết là tìm kiếm được lợi ích khi giao kết hợp đồng.