Anh chồng tranh chấp thừa kế tài sản với em dâu. Vấn đề thừa kế được quy định cụ thể trong "Bộ luật dân sự 2015".
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có vấn đề mong luật sư tư vấn như sau:
Cha mẹ chồng tôi có một mảnh đất rộng 900 m2. Trước khi chết đã cho 2 vợ chồng tôi một mảnh đất bên cạnh rộng 300 m2 nhưng chỉ nói miệng không có giấy viết tay. Năm 1986, chúng tôi có làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng ruộng đất (gọi tắt là đơn ĐK 299) chồng tôi đứng tên thửa đất số 6, diện tích 300 m2; cha chồng tôi đứng tên thửa đất số 7, diện tích 600 m2. Cha mẹ chồng tôi mất sớm nên ông anh chồng của tôi vẫn đang sinh sống trên thửa đất đó. Nay chồng tôi vừa qua đời, ông anh của chồng tôi đòi tôi phải gộp 2 thửa đất lại và lập lại thủ tục đồng thừa kế. Vậy tôi phải làm thế nào?
Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Trước hết, như bạn trình bày thì có thể hiểu rằng, thời điểm bạn và chồng bạn thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng ruộng đất (gọi tắt là đơn ĐK 299) do chồng bạn đứng tên thửa đất số 6, diện tích 300 m2; cha chồng bạn đứng tên thửa đất số 7, diện tích 600 m2 thì lúc này cha chồng bạn đang còn sống và đồng ý với việc cho vợ chồng bạn mảnh đất này (thửa đất số 6). Như vậy, quyền sử dụng thửa đất số 6 là thuộc về chồng bạn. Còn lại thửa đất số 7 thì cha chồng bạn có quyền sử dụng đất đối với thửa đất này.
Điều 634 “Bộ luật dân sự 2015” quy định về di sản thừa kế như sau:
“Điều 634. Di sản
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”
Như vậy, khi cha mẹ chồng bạn chết mà không để lại di chúc thì tài sản được đưa ra làm di sản thừa kế sẽ là những tài sản thuộc sở hữu của cha mẹ chồng bạn tức là sẽ có thửa đất số 7 chứ không bao gồm thửa đất số 6 vì lúc bấy giờ, quyền sử dụng đất của thửa đất số 6 đã không còn thuộc quyền sở hữu của cha mẹ chồng bạn nữa.
>>> Luật sư
Sau khi chồng bạn chết, thửa đất số 6 đứng tên quyền sử dụng đất là chồng bạn lúc này sẽ được đưa làm di sản thừa kế. Giả sử chồng bạn chết mà không để lại di chúc thì thửa đất này sẽ được chia theo pháp luật.
Điều 676 “Bộ luật dân sự 2015” quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;..”
Theo quy định nay thì anh chồng bạn là hàng thừa kế thứ hai do vậy sẽ không được quyền thừa kế theo pháp luật đối với thửa đất số 6 trong trường hợp này. Như vậy, lúc này anh chồng bạn không có quyền đối với thửa đất số 6, do vậy, khi anh chồng bạn yêu cầu gộp 2 thửa đất (số 6 và số 7) lại và lập lại thủ tục đồng thừa kế thì bạn không cần làm theo. Lúc này, việc có làm theo yêu cầu gộp 2 thửa đất lại và lập lại thủ tục đồng thừa kế hay không là quyền của bạn.