Hiện nay chúng ta thường dùng các thuật ngữ như An ninh kinh tế, An ninh quốc gia. An ninh kinh tế là gì? thì còn nhiều khía cạnh chưa được biết tới và hiểu chính xác. Trên thực tế thường nhầm lẫn An ninh kinh tế với việc xử lý các vụ án quan trọng liên quan đến Kinh tế, nhưng thực chất không phải vậy.
Mục lục bài viết
1. An ninh kinh tế là gì?
An ninh kinh tế là một bộ phận thuộc An ninh quốc gia trong đó gồm An ninh chính trị và An ninh quân sự, an ninh kinh tế là một bộ phận đóng vai trò quan trọng, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển trên định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển bền vững, các ngành nghề kinh doanh đa dạng với nhiều loại và các hình thức sở hữu khác nhau.
Đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay cần được xây dựng dựa trên định hướng phát triển xã hội chủ nghĩa, có những hướng đi đúng đắn dưới những chặng đường phát triển mà Đảng và nhà nước đặt ra.
Một nền kinh tế phát triển không chỉ tính đến chiều rộng mà đó còn là cả chiều sâu. Phải phát triển nền kinh tế bền vững có thể chịu được những tác động bên ngoài, tránh trường hợp phát triển ảo gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
2. Chức năng của Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an:
An ninh kinh tế đặt dưới sự quản lý của Cục An ninh kinh tế, đây là cơ quan đầu ngành tham mưu cho Đảng. nhà nước về công tác đảm bảo an ninh kinh tế. Hiện tại Cục An ninh kinh tế đang trực thuộc Bộ Công An.
Hiện nay trong
Hiện nay trong điều kiên kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, An ninh kinh tế là một trong những vấn đề hết sức quan trọng. Một đất nước thì cơ sở để phát triển bền vững đầu tiên phải kể đến Kinh tế, chính vì vậy trong tình hình hiện nay cần phải bảo đảm được an ninh kinh tế.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và hệ thống chính trị các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải làm tốt các công tác đảm bảo an ninh kinh tế, tăng cường giám sát kiểm tra xử lý những sai phạm nhất là những vụ án trọng điểm, vụ án lớn gây thất thoát ngân sách nhà nước và làm mất uy tín của nhân dân đối với nhà nước.
Việc bảo đảm an ninh kinh tế cũng là một trong những điều để lấy được lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Khi những vấn đề an ninh được đảm bảo thì các nhà đầu tư nước ngoài mới an tâm và sẵn sàng đầu tư lớn vào đất nước.
3. Nhiệm vụ của Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an:
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác bảo đảm an ninh kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần bảo vệ độc lập, tự chủ và ổn định của nền kinh tế đất nước; bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tình hình trong nước, khu vực và thế giới đang có nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nói chung, an ninh kinh tế nói riêng. Đặc biệt là chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trên thị trường nội địa và quốc tế; kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa thực sự vững chắc, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn; việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; đổi mới, sắp xếp lại, cổ phần hóa và quản trị doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có những kết quả tích cực, song vấn nạn trên vẫn diễn biến phức tạp; còn xảy ra tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước về kinh tế…
Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động phá hoại kinh tế nhằm làm mất ổn định kinh tế vĩ mô. Lợi dụng việc mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam để làm giảm tính tự chủ, gia tăng sự lệ thuộc của nền kinh tế nước ta vào các yếu tố nước ngoài; thông qua kinh tế để âm mưu tác động, chi phối về chính trị. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh mạng, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng những năm gần đây đáng lo ngại, gây thiệt hại cho Nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng, liên quan đến nhiều cán bộ tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cán bộ cấp cao…
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là do việc xây dựng chính sách quốc gia để bảo đảm an ninh kinh tế chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ, còn hạn chế; cấp ủy, chính quyền nhiều nơi còn có biểu hiện chủ quan, chưa lường hết được những vấn đề phức tạp, dẫn đến thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ bảo đảm an ninh kinh tế; có nơi, có lúc coi công tác bảo đảm an ninh kinh tế là nhiệm vụ của riêng lực lượng công an…
Để làm tốt công tác bảo đảm an ninh kinh tế, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Bộ Công an đã tổng kết và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 5-1-2017, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế”. Đây là chỉ thị đầu tiên của Bộ Chính trị về công tác bảo đảm an ninh kinh tế.
Bảo đảm an ninh kinh tế là điều kiện tiên quyết góp phần tạo tiền đề, môi trường thuận lợi, an ninh, an toàn cho sự phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế, bảo đảm kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Lực lượng an ninh kinh tế nắm chắc, phân tích, đánh giá, dự báo sát, đúng tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp cơ bản, có tính chiến lược về bảo đảm an ninh kinh tế, hoạch định chính sách và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xử lý kịp thời, có hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, các hoạt động chuyển giá, trốn thuế, đình công, lãn công… Phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá, “dùng kinh tế để chuyển hóa chính trị” của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế; ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguy cơ đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, phục vụ thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
4. Các biện pháp bảo đảm an ninh kinh tế hiệu quả:
Do đó, để công tác bảo đảm an ninh kinh tế được coi trọng và triển khai hiệu quả, cần tập trung thực hiện:
Thứ nhất, tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt hơn trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, giải pháp về bảo đảm an ninh kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị, góp phần đưa Chỉ thị thực sự đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự chuyển biến rõ nét, mang lại hiệu quả thiết thực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp, các ngành, cùng với lực lượng công an phải quán triệt triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo, chính sách của Đảng, Nhà nước về về công tác bảo đảm an ninh kinh tế thành các chương trình, kế hoạch và trách nhiệm của từng cấp, ngành để thực hiện có hiệu quả. Quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm an ninh kinh tế; những chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài vào địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh chỉ được phê duyệt khi có ý kiến đồng thuận của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp công tác công an góp phần bảo vệ kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ ba, làm tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh quốc gia trên lĩnh vực kinh tế, bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, không để xảy ra các sơ hở, thiếu sót.
Thứ tư, kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm trên lĩnh vực kinh tế.
Thứ năm, đổi mới phương thức và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền tới các cấp, ngành, từ Trung ương đến địa phương, về trách nhiệm bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế, để tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét hơn từ nhận thức đến hành động, đưa công tác bảo đảm an ninh kinh tế trở thành trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Kết luận: Việc bảo đảm an ninh kinh tế là điều kiện, tiền đề quan trọng để nền kinh tế nước ta gia tăng sức mạnh nội lực, năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng, có những bước phát triển vững chắc và thực hiện tốt các chỉ thị của Đảng.