Thị xã Sơn Tây nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội, là cửa ngõ phía tây của thủ đô, cách trung tâm thành phố Hà Nội 45 km về phía Tây theo quốc lệ 32. Thị xã Sơn Tây cũng được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Vậy ăn gì ngon, chơi gì vui khi đến thị xã Sơn Tây (Hà Nội).
Mục lục bài viết
1. Ăn gì ngon khi đến thị xã Sơn Tây (Hà Nội)?
1.1. Bánh tẻ Phú Nhi:
- Giá tham khảo: 5.000 – 10.000 VNĐ
- Địa chỉ: Có ba địa chỉ nổi tiếng có thể kể đến như: Bánh tẻ gia truyền Bình Dụ – Số 22 Phú Nhi, phường Lê Lợi, Sơn Tây, Hà Nội. Bánh tẻ Trung Phượng – Ngõ Đình 2, Số 38 Phú Nhi, phường Ngô Quyền, Sơn Tây, Hà Nội. Bánh tẻ Thanh Bình – Ngõ 134 Phú Nhi, phường Ngô Quyền, Sơn Tây, Hà Nội
Bánh tẻ Phú Nhi là món ăn nổi tiếng của làng nghề truyền thống Phú Nhi tại Sơn Tây. Chỉ từ những nguyên liệu gần gũi với cuộc sống của người nông dân như: Gạo, thịt lợn, mộc nhĩ, hành lá,… nhưng chính sự khác biệt về hương vị, cách chế biến đã làm nên thương hiệu của bánh tẻ Phú Nhi.
Bánh tẻ Phú Nhi không chỉ là món ăn đặc sản Sơn Tây mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân vùng đất lịch sử hào hùng. Bởi vậy từ bao đời nay, người làng Phú Nhi vẫn luôn giữ gìn phong tục nấu bánh tẻ.
1.2. Cơm quê làng cổ:
- Giá tham khảo: 50.000 – 150.000 VNĐ
- Địa chỉ: Có ba địa chỉ nổi tiếng có thể kể đến như: Cơm quê Hải Lơi – Xóm Hậu, Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Hoặc Cơm quê Hùng Mạnh – Làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Hoặc Cơm nhà cổ bà Điền – Số nhà 19, xóm Đình, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Làng cổ Đường Lâm không chỉ biết đến là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Sơn Tây mà còn hấp dẫn khách du lịch bởi nền ẩm thực truyền thống. Những món ăn gia đình giản dị, mộc mạc nhưng mang đậm hương vị của làng Việt cổ.
1.3. Chè lam:
- Giá tham khảo: 15.000 – 20.000 VNĐ
- Địa chỉ: Quán Chè Ngon – Chợ Tre, số 2, Sơn Tây, Hà Nội. Hoặc Quán nước Cô Vân – cổng làng cổ Mông Phụ, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.
Vào những ngày thời tiết se lạnh, đặc biệt là vào dịp Tết thì chè lam chính là món ăn đặc sản Sơn Tây yêu thích của người dân nơi đây. Chè Lam có mùi hương thơm nức từ gạo nếp, mạch nha kết hợp vị cay nhẹ của gừng và vị bùi của đậu phộng rang. Vị ngọt của chè Lam sẽ ngon nhất khi bạn thưởng thức chung với chén trà nóng thơm phức.
1.4. Kẹo lạc Đường Lâm:
- Giá tham khảo: 15.000 – 20.000 VNĐ
- Địa chỉ: Chợ Sơn Tây – Số 74 Hoàng Diệu, Phú Thịnh, Sơn Tây, Hà Nội. Hoặc Chợ Kim Sơn – ĐT 416, Kim Sơn, Sơn Tây
Nghề làm kẹo lạc truyền thống của Đường Lâm, Sơn Tây đã có từ thế kỷ 16. Với nguyên liệu do chính bà con sản xuất như đường mía, đậu phộng, mạch nha,… mang đến vị ngọt bùi đặc biệt của kẹo lạc Đường Lâm. Tuy nguyên liệu rất đơn giản nhưng cái khó lại nằm ở kì công của người làm ra nó. Làm kẹo đòi hỏi người làm trước hết phải có sức khỏe tốt, có thế mới giải quyết được vấn đề vỏ kẹo. Vì nấu mạch nha cho đến độ keo nhất định, không lỏng quá cũng không quá cứng quá để “đánh” kẹo thành công. Kẹo lạc là món quà quê nhắc về quê hương, về nét văn hóa của người Việt, món quà ý nghĩa cho các vị khách phương xa lần đầu đến Việt Nam. Ngồi nhâm nhi tách trà nóng với kẹo lạc, hoài cổ kỷ niệm xưa là thú vui tao nhã của nhiều người mỗi lần tới Đường Lâm.
1.5. Các sản phẩm từ sữa Ba Vì (Sữa chua, bánh sữa,…):
- Giá tham khảo: 35.000 – 44.000 VNĐ
- Địa chỉ: Cửa hàng Sữa Ba Vì – Cổ Đông, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Hay các cửa hàng tạp hóa tại Sơn Tây
Sữa Ba Vì không còn là cái tên quá xa lạ đối với người dân vùng Sơn Tây nói riêng hay người miền Bắc nói chung. Sữa có vị thơm béo nhưng lại không hề quá ngậy. Một số món ăn được làm từ sữa Ba Vì như: Sữa chua nếp cẩm Ba Vì, bánh sữa Ba Vì,… được nhiều du khách lựa chọn làm quà khi đến du lịch Sơn Tây.
2. Chơi gì vui khi đến thị xã Sơn Tây (Hà Nội)?
2.1. Làng cổ Đường Lâm:
- Địa chỉ: xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội
Là địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng tại Sơn Tây, Làng cổ Đường Lâm đến hiện tại vẫn giữ nguyên vẹn những dấu ấn nghệ thuật và lối kiến trúc của làng cổ vùng đồng bằng sông Hồng. Đến với Làng cổ Đường Lâm, du khách có thể tìm hiểu và khám phá nhiều điểm tham quan lịch sử như: Cổng làng Mông Phụ, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh, những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm,…
2.2. Chùa Khai Nguyên:
- Địa chỉ: Thôn Khoang Sau, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội
Chùa Khai Nguyên được xây dựng theo lối kiến trúc chùa chiền của vùng Bắc Bộ với các gian thờ chính được phân chia rõ ràng. Ngôi chùa linh thiêng nằm giữa chốn núi rừng hùng vĩ trước mặt là một hồ nước lớn. Điểm nhấn đặc sắc tại ngôi chùa chính là bức tượng Phật A Di Đà lớn nhất Đông Nam Á với chiều cao 72m mà du khách có thể chiêm ngưỡng và khám phá khi đến đây. Ngoài ra, chùa Khai Nguyên còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Phật giáo.
2.3. Thành cổ Sơn Tây:
- Địa chỉ: Hoàng Diệu, phường Quang Trung, Sơn Tây, Hà Nội
Thành cổ Sơn Tây gắn liền với thời lịch sử oanh liệt của ông cha Việt Nam ta, chính vì vậy nơi đây luôn là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Sơn Tây. Nằm giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ, Thành cổ được xây dựng lối kiến trúc cổ điển với bốn cửa chính. Đến với Thành cổ, du khách sẽ có cơ hội được ngắm nhìn tòa tháp cao tới 18 mét, được thiết kế với nhiều ô cửa sổ nhỏ ấn tượng. Đây cũng chính là cột cờ của thành trì thời chống giặc cứu nước của nhân dân ta.
2.4. Phố đi bộ Sơn Tây:
- Địa chỉ: 17 Phan Chu Trinh, phường Quang Trung, Sơn Tây, Hà Nội.
Phố đi bộ Sơn Tây là điểm du lịch mới nổi gần đây. Tuyến đi bộ bên cạnh Thành cổ Sơn Tây thu hút khách tham quan vào những ngày cuối tuần khá đông đảo. Tại đây, du khách ngoài đi dọc con phố để ngắm cảnh và tận hưởng bầu không khí trong lành thì còn có thể tận hưởng và tham gia các hoạt động văn nghệ và thưởng thức nhiều đặc sản Sơn Tây hấp dẫn tại phố đi bộ.
2.5. Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam:
- Địa chỉ: khu du lịch Đồng Mô – Ngải Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội
Làng Văn hóa – Du lịch các Dân tộc Việt Nam tọa lạc giữa khung cảnh đồi núi với một bên là thung lũng và một bên là hồ nước yên ả. Đây chính là điểm du lịch mà bạn có thể ngắm nhìn và cảm nhận quang cảnh tuyệt vời của Sơn Tây. Du khách khi đến tham quan sẽ có cơ hội tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam và trải nghiệm nhiều hoạt động giải trí dân gian, văn nghệ trong nước và quốc tế.
3. Giới thiệu thị xã Sơn Tây (Hà Nội):
Thị xã Sơn Tây nằm ở cửa ngõ phía Tây thủ đô Hà Nội có tọa độ địa lý 210 vĩ bắc và 1050 kinh đông, cách thành phố Hà Nội 42 km về phía Tây Bắc, nằm trong vùng đồng bằng sông trung du Bắc Bộ, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng. Sơn Tây có nhiều đường giao thông thủy, bộ, có diện tích khoảng 113,46 km2, dân số khoảng 18.000 người, được chia thành 15 đơn vị hành chính gồm 09 phường, 06 xã, có 53 cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học và 30 đơn vị quân đội trên địa bàn.
Trong quá trình hình thành và phát triển, qua nhiều lần tách, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính; song nói đến Sơn Tây là nói đến vùng đất giàu truyền thống văn hiến, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Sơn Tây đã được nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Huân chương chiến công hạng Nhì, Huân chương lao động hạng Ba, Huân chương lao động hạng Nhì. Trong những năm vừa qua, Đảng bộ Thị xã đã tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch, cơ sở hạ tầng đô thị, Thị xã đã dần khang trang, sạch đẹp, hướng phát triển tương lai thành đô thị loại II, Thành phố dịch vụ của Thủ đô Hà Nội.
THAM KHẢO THÊM: