Huyện Thạch Thất thuộc thành phố Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống cùng các món ăn đặc sản lâu đời. Đây cũng chính là điều mà làm nơi đây vô cùng thu hút trong mắt nhiều du khách. Vậy mời bạn khám phá qua bài viết Ăn gì ngon, chơi gì vui khi đến huyện Thạch Thất (Hà Nội).
Mục lục bài viết
1. Ăn gì ngon khi đến huyện Thạch Thất (Hà Nội):
Bánh chè lam Thạch Xá
Đặc sản Thạch Thất nổi tiếng nhất chắc chắn phải là món bánh chè lam Thạch Xá. Đây là món bánh cổ truyền tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất thường thấy trong các dịp đặc biệt như lễ hay Tết. Ngày nay, du khách có thể thưởng thức món bánh chè lam ngon nức tiếng này mỗi khi ghé thăm Thạch Thất. Chè lam không chỉ là nét ẩm thực lâu đời tại đây mà còn là đại diện cho tấm lòng của người dân cũng là sự thành tâm từ phật tử.
Chè lam Thạch Xá không dễ chế biến và phải cần có tay nghề cao, sự tỉ mỉ của người làm bánh. Thưởng thức bánh chè lam, thực khách sẽ cảm nhận được đầy đủ hương vị như một chút ngọt từ mật, một chút cay từ gừng, dẻo của bột nếp, bùi bùi của đậu phộng xen lẫn vị ngậy từ thịt lợn. Bánh chè lam sẽ được cắt ra thành từng phần nhỏ, vừa thưởng thức món bánh này vừa nhâm nhi chút trà thì còn gì tuyệt vời hơn nữa chứ.
Chuột đồng nướng
Tiếp theo ta sẽ đến với món thịt chuột đồng nướng nhé, dù món đặc sản Thạch Thất này còn khá mới nhưng ngay lập tức đã gây được thương nhớ cho nhiều du khách khi đến đây. Chuột sẽ được người dân địa phương bắt từ những cánh đồng, thịt chuột đồng vừa ngon lại dai và mang đến sự khác biệt hoàn toàn so với nhiều loại thịt khác.
Chuột đồng sau khi được bắt về sẽ được chế biến, làm sạch lông, thui vàng, ướp gia vị,… Chuột đồng có thể chế biến thành nhiều món ăn như: Nướng quay, chuột nấu giả cầy, chuột hấp lá chanh,… Thịt chuột rất ngọt, chế biến lên rất mềm nên được cả người dân địa phương lẫn nhiều thực khách yêu thích.
Chè kho Đại Đồng
Sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua món chè kho Đại Đồng, một trong những đặc sản Thạch Thất nổi tiếng bậc nhất cả nước. Món chè này đã có từ hàng trăm năm nay tại Thạch Thất, đây là loại chè khô chứ không phải là chè nước nên mới gọi là chè kho. Chè sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ đậu xanh và đường kính, kết hợp với sự khéo léo, kinh nghiệm từ người nấu đã tạo nên món chè kho Đại Đồng nổi tiếng.
2. Chơi gì vui khi đến huyện Thạch Thất (Hà Nội):
Chùa Tây Phương
Nằm trên ngọn núi Tây Phương, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội, chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự) là ngôi chùa mang giá trị nghệ thuật điêu khắc độc đáo với nhiều pho tượng Phật có giá trị. Đặc biệt, mái chùa Tây Phương rất đặc biệt với những góc đao cong vút lên hút hồn du khách. Hàng năm chùa cổ Tây Phương tổ chức lễ hội vào ngày 6 tháng 3 âm lịch
Chùa Tây Phương Hà Nội được xây dựng khoảng thể kỷ 8 và là chùa cổ thứ hai sau chùa Dâu ở Bắc Ninh nước ta. Từ chân núi để lên tới cổng chùa chính phải qua 239 bậc đá ong. Chùa Tây Phương được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam, chùa gồm ba nếp nhà song: Chùa Hạ, chùa Trung, Chùa Thượng, tạo thành một quần thể uy nghi vững trãi. Mái chùa được lợp hai lớp ngói và trạm trổ tinh tế. Tường xây bằng gạch Bát Tràng nung đỏ để trần, kết hợp hài hòa với màu sắc của gỗ đá trong khuôn viên chùa.
Tại ngôi chùa này có 72 pho tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng. Hệ thống tượng ở chùa Tây Phương gồm bộ tượng Tam Thế Phật, bộ tượng Di-đà Tam Tôn, tượng Tuyết Sơn, Đức Phật Di lặc, tượng Văn Thù Bồ Tát, tượng Phổ Hiền Bồ Tát, tượng Bát Bộ Kim Cương và 16 pho tượng Tổ. Theo tài liệu để lại, phần lớn các tượng này đều có niên đại cuối thế kỷ XVIII. Một số khác được tạc vào giữa thế kỷ XIX.
Làng Chàng Sơn
Nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 30km về phía Tây, thôn Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất vốn nổi tiếng với nghề mộc thủ công mỹ nghệ. Người ta biết đến Chàng Sơn là một trong những làng nghề lâu đời nhất nước, nơi đây có nghề truyền thống và nổi tiếng nhất là nghề mộc. Tên làng nghề ngày xưa là Nủa Chàng, chữ “chàng” ở đây chỉ là mang tên một dụng cụ để làm nghề mộc.
Về Chàng Sơn, ai ai cũng bị cuốn hút bởi sự mải mê của những nghệ nhân bên chiếc đục, chiếc bào đang say sưa chế tác. Họ đang dành hết tâm trí cho công việc mà chẳng hề để ý đến những gì đang diễn ra xung quanh. Có người trẻ tuổi, có người cao tuổi, tất cả đang chuẩn bị cho ra lò những sản phẩm mộc của làng nghề đã có một bề dày truyền thống.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự trợ giúp của máy móc hiện đại, giờ đây công việc của người thợ mộc Chàng Sơn đã phần nào bớt nặng nhọc hơn, năng suất cao hơn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những sản phẩm mộc xóm Chàng mất đi giá trị của mình. Vẫn còn đó những hoa văn, những đường nét đục đẽo tinh xảo mà chỉ có chính đôi tay người thợ mới có thể làm ra được. Chàng Sơn được biết đến là một trong những nơi có nghề làm nhà gỗ với nhiều công trình đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc gỗ của Việt Nam.
Khu Sinh Thái Quang Huy
Khu du lịch sinh thái đồi thông Quang Huy nằm bên cạnh khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đài tưởng niệm liệt sỹ chống Pháp. Núi Nứa, Chùa Tây Phương, Chùa Cực Lạc, Xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Khu tiếp đón du khách, khu phòng hội nghị trong nhà, khu hội nghị ngoài rời, phòng hát karaoke, khu phòng ngủ, phòng massage, khu nhà hàng, khu nhà sàn phục vụ ăn uống, khu dã ngoại thiên nhiên hoang dã, khu lửa trại cho đoàn thể, học sinh, sinh viên.
Hoàng Long Resort
Hoàng Long Resort là khu nghỉ dưỡng nằm ở huyện Thạch Thất, Hà Nội. Không gian rộng rãi theo kiểu làng quê Bắc Bộ nơi đây rất lý tưởng cho những chuyến team building, nghỉ dưỡng kết hợp hội thảo cho các công ty. Nằm ở huyện Thạch Thất, Hoàng Long Resort chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chỉ 26,3km (khoảng 40 phút di chuyển bằng ô tô).
Hoàng Long là resort cách trung tâm thủ đô gần nhất, do vậy di chuyển rất thuận tiện. Đây là khu nghỉ dưỡng sinh thái với cảnh quan thiên nhiên mát mẻ, diện tích rộng rãi. Đến với Hoàng Long Resort, du khách như “trốn” khỏi cuộc sống với những bộn bề lo toan nơi phố thị để về với miền quê Bắc Bộ với những căn nhà truyền thống, hồ nước và khuôn viên tràn ngập sắc xanh.
3. Làng nghề nổi bật ở Thạch Thất (Hà Nội):
Thạch Thất là huyện có nhiều làng nghề tập trung dày đặc ở các thôn, xã phía đông và đông nam với nhiều ngành nghề không những trong phạm vi thôn mà còn quy mô cả xã nghề. Những ngành nghề trong huyện thu hút khá nhiều lao động như: Mộc, xây dựng, mây tre giang đan, cơ khí, may mặc, dịch vụ,… Nhiều nhóm ngành nghề có quy mô cả xã đã đưa Thạch Thất là huyện có thu nhập đầu người cao nhất thành phố Hà Nội. Giá trị của mỗi làng nghề hay ngành nghề trong huyện là khác nhau. Ảnh hưởng tích cực của làng nghề là đời sống người dân nâng cao, hạ tầng dân sinh phát triển, gìn giữ văn hóa truyền thống,… thể hiện rất rõ ở nhiều thôn xã có nghề, nhất là ở 5 xã, thị trấn như: Phùng Xá, Chàng Sơn, Hữu Bằng, Bình Phú và thị trấn Liên Quan nay như phố trong làng nhờ vai trò của làng nghề. Những làng nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề và ngành nghề phụ tiêu biểu trong huyện là:
- Cơ kim khí, làm cày bừa Phùng Xá
- Nghề mộc, may mặc, đa ngành ở xã Hữu Bằng
- Mây tre đan Thái Hòa (Bình Phú)
- Nghề xây dựng công trình Dị Nậu
- Có nghề mộc, dựng nhà cổ, xây dựng Hương Ngải
- Phục vụ ăn uống, đặc sản, gia dụng,… ở Thạch Hòa
- Nghề mộc dân dụng Chàng Sơn
- Làm quạt giấy Chàng Sơn
- Làng nghề chè lam Thạch Xá
- Mây tre đan Bình Xá (Bình Phú)
- Mây tre đan Phú Hòa (Bình Phú)
- Thợ mộc, xây dựng Canh Nậu
- Nghề mộc ở Dị Nậu
- Chế tác đá ong Bình Yên
- Nghề làm gạch ngói cổ Kim Quan
THAM KHẢO THÊM: