Quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi được xác lập sau khi thực hiện đăng ký nhận nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong quá trình sau đăng ký sẽ phát sinh một số vấn đề hoặc xuất phát từ nhu cầu của đôi bên muốn chấm dứt quan hệ nhận nuôi này thì pháp luật vẫn cho phép. Vậy theo quy định ai là người có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi?
Mục lục bài viết
1. Ai là người có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi?
Theo quy định tại Điều 26 Luật nuôi con nuôi thì cá nhân, tổ chức có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi gồm có: con nuôi đã thành niên; cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của con nuôi.
Ngoài những đối tượng đã nêu trên thì các cơ quan, tổ chức gồm cơ quan lao động, thương binh và xã hội và Hội liên hiệp phụ nữ sẽ có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi khi có một trong những căn cứ sau:
- Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi.
- Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi.
- Vi phạm thuộc một trong những trường hợp sau:
+ Hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi nhằm trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
+ Hành vi giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
+ Hành vi phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
+ Hành vi lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.
+ Hành vi lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
+ Trường hợp ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
+ Hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Như vậy, thực tế pháp luật quy định khá chặt chẽ liên quan đến việc nhận nuôi con nuôi. Khi có những vấn đề làm ảnh hưởng đến quan hệ nuôi con nuôi khiến nó không đúng mục đích thì các đối tượng hoàn toàn có quyền yêu cầu việc chấm dứt nuôi con nuôi, tránh tình trạng việc nhận nuôi con nuôi không đảm bảo đúng tinh thần và làm ảnh hưởng đến người được nhận nuôi.
2. Hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc nuôi con nuôi:
Theo quy định tại Điều 27 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định việc chấm dứt nuôi con nuôi sẽ dẫn đến hậu quả sau:
- Các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi sẽ chấm dứt tính từ ngày quyết định chấm dứt nuôi con nuôi của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Tòa án quyết định giao cho cha mẹ đẻ hoặc tổ chức, cá nhân khác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục vì lợi ích tốt nhất của người con nuôi nếu như con nuôi là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động.
- Các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đẻ đã chấm dứt sẽ được khôi phục nếu con nuôi được giao cho cha mẹ đẻ, cụ thể như các quyền, nghĩa vụ về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng.
- Nếu như người con nuôi có tài sản riêng thì họ sẽ được nhận lại tài sản đó của mình. Trường hợp con nuôi có công sức đóng góp vào khối tài sản chung của cha mẹ nuôi thì sẽ được hưởng phần tài sản tương xứng với công lao đóng góp theo thỏa thuận với cha mẹ nuôi; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Người con nuôi được quyền lấy lại họ, tên của mình như trước khi được cho làm con nuôi.
3. Hồ sơ, trình tự chấm dứt việc nuôi con nuôi:
Bước 1: Khi có nhu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi thì người có yêu cầu gửi đơn yêu cầu về việc chấm dứt nuôi con nuôi đến cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, đơn yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi phải gồm những nội dung như:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn.
+ Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự.
+ Thông tin tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu.
+ Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi.
+ Thông tin tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có).
+ Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.
+ Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn.
Bên cạnh đơn, người yêu cầu phải nộp kèm các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp như giấy chứng nhận nuôi con nuôi, Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, sổ hộ khẩu…
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Theo quy định tại Điều 10 Luật nuôi con nuôi thì thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là Tòa án nhân dân.
Căn cứ khoản 2 Điều 35 và điểm l khoản 2 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cha, mẹ nuôi hoặc con nuôi cư trú, làm việc.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sau khi nộp đơn sẽ có Thẩm phán được phân công giải quyết đơn yêu cầu trong 03 ngày làm việc.
Nếu đơn chưa đầy đủ nội dung thì được sửa đổi, bổ sung trong 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Trường hợp đơn đủ điều kiện thụ lý vụ án thì Tòa án sẽ thông báo cho người yêu cầu nộp lệ phí trong thời hạn 05 ngày làm việc. Tòa án sẽ thụ lý đơn yêu cầu sau khi người ngày nộp biên lai thu tiền lệ phí.
Việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu sẽ được thực hiện trong 03 ngày làm việc và xét đơn yêu cầu được thực hiện trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý.
Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.
Dựa theo quy định trên thì việc giải quyết chấm dứt nuôi con nuôi sẽ được thực hiện trong thời gian là khoảng 02 tháng.
Lưu ý: Lệ phí nộp để yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là 300.000 đồng.
4. Những vướng mắc trong việc giải quyết chấm dứt quan hệ nuôi con nuôi:
Thứ nhất, đối với căn cứ hành vi phá tán tài sản của cha, mẹ nuôi, con nuôi và trục lợi, bóc lột sức lao động:
Theo quy định, một trong những căn cứ để chấm dứt việc nuôi con nuôi là con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi hoặc khi có vi phạm về việc lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động. Nhưng hiện nay, trong các văn bản pháp luật có liên quan chưa có quy định cụ thể và hướng dẫn chi tiết thế nào là hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi, con nuôi, thiệt hại đến mức bao nhiêu hoặc thế nào là hành vi trục lợi, bóc lột sức lao động để từ đó làm căn cứ chấm dứt việc nuôi con nuôi.
Do đó, trên thực tế nhiều trường hợp xảy ra Thẩm phán chưa có đủ căn cứ để giải quyết.
Thứ hai, pháp luật quy định ngoài đối tượng chính thì còn có cơ quan lao động, thương binh và xã hội; Hội liên Hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi nhưng không có quy định trường hợp nào sẽ do cơ quan lao động, thương binh và xã hội yêu cầu, trường hợp nào sẽ do Hội liên Hiệp phụ nữ yêu cầu. Do đó, cần có quy định rõ ràng để tránh trường hợp chồng chéo thẩm quyền giữa các cơ quan.
THAM KHẢO THÊM: