Thế nào là chủ hộ khẩu? Ai được quyền đứng tên chủ hộ? Chủ hộ khẩu có quyền gì? Quy định về nhập, tách, thay đổi hộ khẩu? Quyền của chủ hộ khẩu? Thủ tục thay đổi chủ hộ khẩu theo quy định mới nhất năm 2021?
Sổ hộ khẩu là một loại giấy tờ vô cùng quan trọng và thiết yếu trong việc thực hiện các thủ tục cũng như các giao dịch trong cuộc sống hằng ngày của cá nhân và gia đình. Theo đó, sẽ có một người được đứng tên làm chủ hộ trong sổ hộ khẩu, có trách nhiệm thực hiện các quyền đại diện hộ gia đình đó thực hiện các quyền của hộ dân cư. Vậy, ai là người có thể đứng tên làm chủ hộ trong sổ hộ khẩu và chủ hộ khẩu có quyền gì?
Luật sư tư vấn luật về thay đổi chủ hộ trên hộ khẩu thường trú: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
– Luật cư trú 2006
– Luật cư trú sửa đổi, bổ sung 2013
Mục lục bài viết
1. Thế nào là chủ hộ khẩu? Ai được quyền đứng tên chủ hộ
Căn cứ Khoản 1 Điều 25 Luật Cư trú năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định về sổ hộ khẩu cấp cho hộ gia đình:
Sổ hộ khẩu được cấp cho từng hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình cử một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ làm chủ hộ để thực hiện và hướng dẫn các thành viên trong hộ thực hiện quy định về đăng ký, quản lý cư trú. Trường hợp không có người từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc có người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được cử một người trong hộ làm chủ hộ.
Như vậy, theo quy định trên, người đứng tên làm chủ hộ trong sổ hộ khẩu là người do hộ gia đình thoả thuận và cử ra đại diện cho hộ gia đình đó.
Ai được quyền đứng tên chủ hộ?
Chủ hộ khẩu phải là người đáp ứng được điều kiện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Theo quy định tại Điều 19 Bộ luật dân sự 2015 thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ về dân sự. Người có đủ năng lực hành vi dân sự là người thành niên từ đủ 18 tuổi trở lên trừ các trường hợp bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc gặp khó khăn trong nhận thức và làm chủ được hành vi.
Như vậy, người đứng tên làm chủ hộ trong sổ hộ khẩu là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tức là người từ đủ 18 tuổi trở lên không bị mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc gặp khó khăn trong nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
Chủ hộ khẩu được đại diện hộ gia đình tham gia ký kết các giấy tờ, giao dịch liên quan tới hộ gia đình phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong sổ hộ khẩu đó.
2. Chủ hộ khẩu có quyền gì?
*Quyền đại diện quản lý nhân khẩu trong cùng hộ khẩu
Theo quy định tại Điều 25 Luật Cư trú 2006, những người không có quan hệ là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột, nếu đủ điều kiện, thì vẫn được nhập vào hộ khẩu của hộ gia đình. Tuy nhiên, phải có sự đồng ý của chủ hộ khẩu. Tương tự, một thành viên đã được nhập hộ khẩu nhưng có nhu cầu muốn tách Sổ hộ khẩu thì cũng phải được sự đồng ý của chủ hộ khẩu (Điều 27).
Trong cả hai trường hợp nêu trên, sự đồng ý của chủ hộ khẩu phải được thể hiện bằng văn bản và đây được coi là một loại giấy tờ bắt buộc phải xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi làm thủ tục nhập khẩu hoặc tách hộ khẩu.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 29 của Luật Cư trú, nếu có thay đổi về họ tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của người có tên trong Sổ hộ khẩu thì chủ hộ cũng là một trong những người có quyền làm thủ tục điều chỉnh.
*Quyền đại diện quản lý, sử dụng tài sản chung của hộ gia đình
Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 quy định liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình như sau:
Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.
Như vậy, chủ hộ gia đình có thể là người đại diện gia đình quản lý, sử dụng tài sản của hộ gia đình, tham gia thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung theo thỏa thuận của các thành viên trong hộ gia đình đó.
Tuy nhiên, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của gia đình có ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên. Do đó, đối với các giao dịch cụ thể, thường liên quan tới tài sản có giá trị lớn như bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì cần có sự đồng ý của các thành viên trong hộ gia đình đó.
3. Quy định về nhập, tách, thay đổi hộ khẩu
3.1. Quy định nhập hộ khẩu
Điều 19 và 20 Luật Cư trú quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh như sau: Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương: Công dân thuộc một trong những trường hợp sau đây thì được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương:
Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản;
Được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột;…
Như vậy, người có nhu cầu đăng ký hộ khẩu thường trú tại tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương thì phải được người có hộ khẩu đồng ý và phải tuân theo các quy định tại Điều 19 và 20 Luật Cư trú 2006 vừa dẫn chiếu ở trên.
3.2. Thủ tục nhập hộ khẩu
Theo quy định tại Điều 21 Luật Cư trú: “1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại
a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;
b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;
c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.
3.3. Việc thay đổi chủ hộ khẩu
Khoản 1 Điều 29 Luật Cư trú 2006 quy định: “Trường hợp có thay đổi chủ hộ thì hộ gia đình phải làm thủ tục thay đổi chủ hộ. Người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến của chủ hộ hoặc người khác trong gia đình về việc thay đổi chủ hộ”.
Đối chiếu quy định này với trường hợp của bạn, nếu người mới được cho nhập hộ khẩu vào nhà bạn muốn trở thành chủ hộ thì phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ hiện tại hoặc các thành viên khác trong gia đình.
Do đó, người này không thể tự ý một mình đi làm các thủ tục thay đổi chủ hộ; nên việc “vượt” tất cả những người có tên trong hộ khẩu để thành chủ hộ không thể xảy ra được.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 9 Luật Cư trú năm 2006 quy định công dân có quyền “khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.” Vì vậy, nếu bạn có đủ chứng cứ xác định cán bộ công an làm thủ tục đăng ký hộ khẩu có hành vi vi phạm pháp luật về cư trú; xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình bạn có thể khiếu nại đến người quản lý trực tiếp của người có hành vi vi phạm hoặc khởi kiện ra trước Tòa án có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung giải đáp điều kiện của cá nhân được quyền đứng tên chủ hộ và các thủ tục liên quan đến việc thay đổi chủ hộ trên sổ hộ khẩu. Trường hợp cần tư vấn, hỗ trợ thêm bất kỳ thông tin nào khác có liên quan, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp Công ty luật TNHH Dương Gia để được giải đáp.