Ly hôn là một hiện tượng xã hội mang tính khách quan, xảy ra ở mọi thời đại và được điều chỉnh bởi pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên cũng như các đối tượng có liên quan trong quan hệ hôn nhân. Vậy, ai là người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn đơn phương?
Mục lục bài viết
1. Ai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương?
Pháp luật hiện nay đã có quy định cụ thể về những người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn đơn phương. Căn cứ theo quy định tại Điều 51 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014, có ghi nhận về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn. Theo đó thì các chủ thể sau đây sẽ có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, cụ thể như sau:
– Vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án giải quyết ly hôn;
– Cha mẹ hoặc người thân thích khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết ly hôn cho một bên vợ hoặc một bên chồng, khi xét thấy vợ chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác dẫn đến hiện tượng không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, đồng thời chi vợ chồng được xem là nạn nhân của bạo lực gia đình, hành vi bạo lực gia đình đó do vợ chồng của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe, ảnh hưởng đến tinh thần của đối phương;
– Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp người vợ đang mang thai, người vợ đang sinh con, hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Như vậy, những người có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn đơn phương bao gồm:
– Vợ hoặc chồng trong quan hệ hôn nhân;
– Cha mẹ hoặc người thân thích khác (căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì người thân thích được xác định là những người có quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng, những người được xác định có cùng dòng máu về trực hệ hoặc người có họ trong phạm vi ba đời) cũng có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là tòa án tiến hành thủ tục giải quyết ly hôn, khi một bên vợ chồng do mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác dẫn đến trường hợp không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, là nạn nhân của quá trình bạo lực gia đình do chính vợ chồng của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe, tinh thần.
2. Những trường hợp được yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương:
Theo quy định của pháp luật hiện nay, Điều 56 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định, khi vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà hòa giải không thành thì tòa án sẽ phải giải quyết ly hôn nếu xét thấy có đầy đủ căn cứ về việc vợ chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ vợ chồng khiến cho cuộc hôn nhân rơi vào tình trạng mâu thuẫn trầm trọng, và đời sống hôn nhân không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không thể đạt được. Như vậy có thể nói, ly hôn đơn phương được xem là thủ tục xuất phát từ ý nguyện của một bên vợ chồng trong quan hệ hôn nhân. Và nếu muốn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền là tòa án chấp nhận, ra quyết định và bản án ly hôn, thì vợ hoặc chồng phải chứng minh được người còn lại có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hôn nhân gia đình. Đó là có hành vi bạo lực gia đình, có hành vi vi phạm nghiêm trọng về quyền lợi của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân làm cho đời sống hôn nhân trở nên căng thẳng, mục đích hôn nhân hạnh phúc không thể đạt được. Người làm đơn xin ly hôn đơn phương không thuộc một trong những trường hợp sau:
– Không có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng;
– Có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, tuy nhiên hành vi đó không làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được;
– Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
– Vợ hoặc chồng mất tích nhưng chưa có tuyên bố mất tích thì Tòa án sẽ không giải quyết cho ly hôn.
Trường hợp khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng sẽ không giải quyết ly hôn nếu rơi vào một trong hai trường hợp sau:
– Người yêu cầu ly hôn không phải là cha, mẹ, người thân thích khác của người bị bệnh;
– Không có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người bị bệnh.
3. Hạn chế quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn của người chồng:
Quyền yêu cầu ly hôn là bình đẳng đối với cả vợ và chồng. Trong suốt thời kỳ hôn nhân, nếu có căn cứ ly hôn, vợ chồng đều có quyền ly hôn như nhau, không ai được cưỡng ép hoặc lừa dối hoặc cản trở hai vợ chồng thực hiện quyền ly hôn. Tuy nhiên xuất phát từ nguyên tắc giúp đỡ bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ, Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy định về hạn chế quyền ly hôn của người chồng trong một số trường hợp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, trường hợp người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn khi người vợ đang có thai. Việc xác định trạng thái có thai của người vợ dựa trên cơ sở sinh học thông qua quá trình thụ thai và phát triển của chúng để hình thành nên thai nhi. Do sự phát triển vượt bậc của y học nên con người đã can thiệp vào quá trình thụ tinh. Đối với trường hợp người phụ nữ mang thai là kết quả của quá trình tự nhiên thì việc xác định người phụ nữ đang mang thai có thể dựa trên các yếu tố sinh học, như cơ thể người phụ nữ đang có những biến đổi nhất định, trọng lượng cơ thể tăng nhanh, phân bộ phát triển do chứa đựng bao thai … hay dựa vào kết quả y khoa. Đối với những trường hợp người vợ không thể mang thai vì một lý do nào đó nên nhờ người khác mang thai hộ thì việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng không được áp dụng, vì lúc này người vợ trong cặp vợ chồng đó không ở trong tình trạng đang mang thai.
Thứ hai, trường hợp người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn khi sự kiện sinh đẻ của người vợ chưa đủ 12 tháng. Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định bổ sung trường hợp người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn khi người vợ sinh con. Vì vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tinh thần của người vợ sau đó có những trường hợp người vợ sinh con nhưng không được nuôi con, xuất phát từ lý do đứa trẻ qua đời khi chưa đủ 12 tháng tuổi. Người vợ về tâm sinh lý và thể chất khi ấy đều trong trạng thái hết sức nhạy cảm, việc xin ly hôn của người chồng vào thời điểm này có thể gây ra suy giảm sức khỏe về cả thể xác và tinh thần, có khả năng ảnh hưởng đến tính mạng.
Thứ ba, trường hợp người chồng bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn khi người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Không chỉ riêng đối với người mẹ và những đứa trẻ trong khoảng thời gian một năm đầu đời cũng rất cần có sự yêu thương và chăm sóc của người cha. Pháp luật hôn nhân gia đình hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của vợ chồng trong trường hợp này mà không phân biệt người con dưới 12 tháng tuổi là con chung hay con riêng, hay con nuôi của một bên vợ chồng hoặc cả hai vợ chồng. Việc áp dụng Điều 51 của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 cho tất cả các trường hợp sinh đẻ tự nhiên, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng như nhận nuôi con nuôi sơ sinh là phù hợp, tránh cách hiểu có sự đối xử phân biệt trong trường hợp sinh đẻ tự nhiên với mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và nhận nuôi con nuôi.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.