Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc trở thành thành viên của nhiều hiệp định thương mại thế giới, việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách thuế là một đòi hỏi tất yếu. Người ta thường biết đến hai loại thuế chủ yếu là thuế trực thu và thuế gián thu.
Mục lục bài viết
1. Thuế gián thu là gì?
Thuế gián thu là loại thuế mà người nộp thuế không phải là người chịu thuế. Thuế gián thu là hình thức thuế gián tiếp qua một đơn vị trung gian (thường là các doanh nghiệp) để đánh vào người tiêu dùng. Thuế gián thu là thuế mà người chịu thuế và người nộp thuế không cùng là một. Chẳng hạn, chính phủ đánh thuế vào công ty (công ty nộp thuế) và công ty lại chuyển thuế này vào chi phí tính vào giá hàng hóa và dịch vụ, do vậy đối tượng chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng.
Nói chung, thuế gián thu là thuế thu đối với người tiêu dùng thông qua việc nộp thuế của người sản xuất, kinh doanh. Loại thuế này có tác dụng điều tiết tiêu dùng của xã hội. Đây là một loại thuế được cộng vào giá của hàng hóa hoặc dịch vụ. Mục đích của thuế gián thu là đánh vào tiêu dùng. Người nộp thuế là người hoạt động sản xuất kinh doanh. Người nộp thuế không phải là người chịu thuế nên gọi là thuế gián thu. Thuế gián thu dễ điều chỉnh tăng hơn thuế trực thu nên xu hướng chung ở các nước coi trọng thuế gián thu hơn thuế trực thu.
2. Các loại thuế gián thu tại Việt Nam:
Hiện tại ở Việt Nam, thuế gián thu bao gồm các loại như:
– Thuế doanh thu
– Thuế giá trị gia tăng
– Thuế tiêu thụ đặc biệt
– Thuế xuất nhập khẩu
– Thuế bảo vệ môi trường
– Thuế tài nguyên
3. Đặc điểm của thuế gián thu:
Bản chất của thuế gián thu là người sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ cộng thêm phần thuế vào trong giá bán hàng hóa và dịch vụ của mình. Khi hàng hóa và dịch vụ được bán, người sản xuất thay mặt người tiêu dùng nộp khoản thuế gián thu cho Nhà nước.
– Người nộp thuế theo Luật và người trả thuế không đồng nhất với nhau. Cụ thể: Chủ thể nộp thuế (đối tượng nộp thuế) là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Chủ thể chịu thuế (đối tượng chịu thuế) là những người tiêu dùng cuối cùng.
Thuế gián thu là một bộ phận cấu thành vào giá của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Đồng thời, thuế gián thu cũng có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua cơ chế giá cả trên thị trường. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đó của thuế gián thu không những chịu sự chi phối của mối quan hệ cung cầu trên thị trường mà còn phụ thuộc vào bản chất của thị trường, mà trong đó có sự tác động của thuế, tức là thị trường đó cạnh tranh hay đôc quyền.
– Thuế gián thu có sự dịch chuyển gánh nặng thuế trong những trường hợp nhất định.
– Thuế gián thu mang tính lũy thoái.
– Thuộc vào loại thuế này, có các sắc thuế mà cơ sở đánh thuế là các khoản thu nhập dùng để tiêu dùng. Ở nước ta, thuế gián thu bao gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường.
Ưu điểm là dễ thu, dễ quản lí do đối tượng nộp là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Chủ thể chịu thuế không cảm nhận được gánh nặng thuế nên thường không có phản ứng với những thay đổi mức thuế. Nhược điểm là do có tính lũy thoái nên mức độ đảm bảo công bằng không cao.
4. Quy định về các loại thuế gián thu ở Việt Nam:
4.1. Về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu:
Luật Thuế xuất khẩu , thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016, nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy Xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập. Để phù hợp thông lệ quốc tế, Luật Thuế Thuế Xuất khẩu, thuế Nhập khẩu năm 2016 đã bổ sung quy định về áp dụng thuế Xuất khẩu đối với trường hợp có hàng hóa Xuất khẩu sang nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi về thuế Xuất khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
Luật cũng quy định về thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với hàng hóa từ khu phi thuế quan Nhập khẩu vào thị trường trong nước, đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi đặc biệt về thuế Nhập khẩu trong quan hệ thương mại với Việt Nam. Thuế suất thông thường được quy định bằng 150% thuế suất ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng. Trường hợp mức thuế suất ưu đãi bằng 0%, Thủ tướng Chính phủ căn cứ quy định tại Điều 10 của Luật để quyết định việc áp dụng mức thuế suất thông thường…
4.2. Về thuế giá trị gia tăng:
Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng , Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế được ban hành nhằm giải quyết khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông nông sản, thủy hải sản trong nước. Khuyến khích chế biến sâu, hạn chế đối với việc xuất khẩu khoáng sản hoặc sản phẩm mà giá trị khoáng sản trong giá trị hàng hóa thô chưa qua chế biến.
Điều chỉnh chính sách thuế để hỗ trợ DN chủ động trong đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh khi thời điểm thực hiện các cam kết gỡ bỏ hàng rào thuế quan theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đang tới gần (2 – 3 năm). Những sửa đổi, bổ sung tiệm cận chuẩn mực và phù hợp với những cam kết hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã ký kết; Tiếp tục góp phần đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế.
4.3. Về thuế tiêu thụ đặc biệt:
Ở Việt Nam, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt lần đầu tiên được ban hành vào năm 1990 trong chương trình cải cách thuế giai đoạn I. Ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt với nhiều điểm mới. Kể từ 1/1/2016,
– Về đối tượng chịu thuế và không chịu thuế: Nap-ta (naphtha), chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng không còn thuộc đối tượng chịu thuế. Thêm đối tượng không chịu thuế là tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng.
– Về giá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế Tiêu thụ đặc biệt, chưa có thuế Bảo vệ môi trường và chưa có thuế giá trị gia tăng.
– Về thuế suất: Thuế suất đối với mặt hàng có cồn được các nước đối tác dành sự quan tâm đặc biệt. Do đó, trong lần sửa đổi này, bên cạnh việc khắc phục những tồn tại trong quy định của Luật và thực tế thi hành về thuế suất… còn đảm bảo việc thực hiện các cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO, thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn tăng theo lộ trình; Thuế suất đối với kinh doanh ca-si-nô, trò chơi điện tử có thưởng: tăng từ 30% lên 35%.
4.4. Về thuế bảo vệ môi trường:
Luật Thuế bảo vệ môi trường ở Việt Nam bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Luật này có đối tượng chịu thuế là các sản phẩm gây ô nhiễm như: Xăng, dầu, mỡ nhờn; than đá; dung dịch HCFC; túi ni lông thuộc diện chịu thuế; thuốc diệt cỏ, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản và thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng. Có thể thấy, Luật Thuế Bảo vệ môi trường thể hiện rõ quan điểm sử dụng thuế điều tiết vào các hàng hóa gây ô nhiễm nhằm Bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thay đổi nhận thức của con người đối với môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững theo xu hướng phát triển của thế giới.
Để đảm bảo nguồn thu Ngân sách nhà nước trước bối cảnh giá dầu thế giới giảm và duy trì ở mức thấp, cũng như đảm bảo nguồn thu Ngân sách nhà nước ổn định khi thực hiện lộ trình cắt giảm mức thuế nhập khẩu xăng dầu theo các cam kết quốc tế. Đồng thời, khuyến khích sử dụng xăng dầu sinh học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 888a/2015/UBTVQH13 ngày 10/3/2015 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1269/2011/UBTVQH12 về biểu thuế Bảo vệ môi trường điều chỉnh tăng mức thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu (trừ dầu hỏa).
Để theo kịp với xu thế hội nhập quốc tế, trong những năm qua, việc ban hành kịp thời các chính sách thuế nói chung và đặc biệt thuế gián thu ở nước ta nói riêng đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách phân bổ nguồn lực theo hướng đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội. Các chính sách này đã đảm bảo nguồn thu quan trọng và ổn định cho ngân sách nhà nước (NSNN), bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia để phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo và củng cố an ninh, quốc phòng…
Nhìn chung, trong giai đoạn 2010-2016, gần 500 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chính sách thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ và liên bộ đã được ban hành. Các chính sách thuế được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, để hạn chế tác động của việc thực hiện các cam kết hội nhập, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thuế.
Có thể kể đến một số luật, nghị quyết, nghị định đã được ban hành trong năm 2014, 2015, 2016 như: Luật số 70/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB); Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế;
5. Những khó khăn, thách thức khi triển khai thuế gián thu:
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thuế gián thu trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng gặp phải những khó khăn, thách thức, cụ thể:
Thứ nhất, thách thức từ việc tạo thêm nhiều gánh nặng hơn cho hệ thống quản lý tính tuân thủ pháp luật thuế và gia tăng nguy cơ trốn thuế khi chuyển ưu tiên thu thuế từ thị trường xuất nhập khẩu (Xuất nhập khẩu) sang thị trường nội địa. Để số thu thuế vẫn tăng theo yêu cầu đảm bảo nguồn thu, số thu từ thuế gián thu sẽ dịch chuyển ưu tiên thu thuế từ thị trường Xuất nhập khẩu sang thị trường nội địa, chính sách thuế có tiến bộ nhìn từ phương diện tính công bằng, nhưng vẫn đối diện với nhiều vấn đề tác động nhất định đến hiệu quả và hiệu lực của nó. Việc chuyển dịch này tạo thêm nhiều gánh nặng hơn cho hệ thống quản lý tính tuân thủ pháp luật và gia tăng nguy cơ trốn thuế. Có thể nhận diện một số vấn đề phải đối mặt trong quản lý thuế, bao gồm: Mức độ tuân thủ thấp; Cơ sở thuế chưa đủ rộng; Sự hiện diện của các hoạt động kinh tế không chính thức; Giao dịch thanh toán bằng tiền mặt… Bên cạnh đó, số lượng đối tượng nộp thuế tiềm năng tăng nhanh hơn so với năng lực quản lý của hệ thống thuế hiện nay. Việc phân quyền phân cấp thu ngân sách trong thu thuế gián thu giữa trung ương và địa phương cũng phát sinh thêm một số vấn đề về kế toán và kiểm soát. Các thủ tục hành chính thuế chưa tinh gọn, các văn bản dưới luật chưa ban hành kịp thời… tác động đến đối tượng nộp thuế, tất cả đã làm tăng gánh nặng tuân thủ và quyền chủ động của thanh tra thuế.
Thứ hai, thách thức khi tăng thuế gián thu nhằm áp dụng theo thông lệ quốc tế trong trường hợp cần cơ cấu lại nguồn thu ngân sách. Việc giảm thu từ thuế Xuất nhập khẩu hiện đang được bù đắp chủ yếu bằng sự vận hành hiệu quả của thuế Giá trị gia tăng. Mặc dù, một số đặc tính liên kết chuỗi trong hệ thống thuế Giá trị gia tăng của Việt Nam đã góp phần đặc biệt vào kết quả hoạt động thu thuế dựa trên hiệu suất của nền kinh tế, thách thức ngắn hạn và trung hạn là kế hoạch điều chỉnh thuế Giá trị gia tăng, bao gồm thể chế hợp lý hóa việc miễn thuế và tăng cường hoàn thuế Giá trị gia tăng, có thể gây ra tổn thất làm giảm nguồn thu từ thuế. Tuy nhiên, thuế Giá trị gia tăng là thuế gián thu, thực chất tiền thuế “đánh” vào người tiêu dùng cuối cùng, hàng loạt dịch vụ, hàng hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế và các lĩnh vực thuộc 5 nhóm ưu tiên sẽ đồng loạt tăng giá theo. Trong đó, hàng triệu bệnh nhân, học sinh, sinh viên và người nông dân sẽ bị ảnh hưởng, do vậy, việc tăng thuế sẽ khiến hàng triệu người dân bị ảnh hưởng, có thể làm suy giảm sức cầu hàng hóa.
Thứ ba, khó khăn trong việc thu thuế gián thu từ hoạt động thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ qua biên giới. Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều ngành nghề, lĩnh vực mới phát triển dẫn tới sự bùng nổ của các dịch vụ xuyên biên giới, cũng như làm thay đổi trong khái niệm về dịch vụ. Các DN công nghệ có thể tạo ra doanh thu trên lãnh thổ của nhiều quốc gia mà không phải nộp thuế tại quốc gia đó. Điều này khiến cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam gặp khó khăn trong việc đánh thuế cho các dịch vụ xuyên biên giới. Hay nói cách khác, việc thực hiện thu thuế dịch vụ xuyên biên giới trong bối cảnh nền kinh tế số đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các quốc gia.
Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực quản lý hệ thống thuế còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu tình hình thực tiễn. Nhân lực chất lượng cao cũng là một thách thức trong nỗ lực thu thuế, đặc biệt trong giai đoạn phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, với các giao dịch thương mại, dịch vụ và hàng hóa xuyên biên giới nói riêng và các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế số nói chung…
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật quản lý thuế năm 2019;
–
– Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020;
– Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2016;
–