Sở Quy hoạch - Kiến trúc (Department of Planning and Architechture) là gì? Sở Quy hoạch, kiến trúc tiếng Anh là gì? Vị trí chức năng của Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội? Cơ cấu tố chức của Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội? Biên chế của Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội? Nhiệm vụ quyền hạn của Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội?
Sở Quy hoạch – Kiến trúc là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc tham mưu và giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc của từng địa phương. Tại bài viết này Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin liên quan đến chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố Hà Nội.
Căn cứ pháp lý:
– Quyết định số 51/2016/QĐ-UBND.
Mục lục bài viết
- 1 1. Sở Quy hoạch, kiến trúc là gì?
- 2 2. Sở Quy hoạch, kiến trúc tiếng Anh là gì?
- 3 3. Vị trí chức năng của Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội?
- 4 4. Cơ cấu tố chức của Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội?
- 5 5. Biên chế của Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội?
- 6 6. Nhiệm vụ quyền hạn của Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội?
1. Sở Quy hoạch, kiến trúc là gì?
Sở Quy hoạch, kiến trúc là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu và giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, kiến trúc và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân cấp, ủy quyền.
2. Sở Quy hoạch, kiến trúc tiếng Anh là gì?
Sở Quy hoạch, kiến trúc tiếng Anh là: “Department of Planning and Architechture”.
3. Vị trí chức năng của Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội?
– Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố và theo quy định của pháp luật.
– Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND thành phố Hà Nội, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Xây dựng.
4. Cơ cấu tố chức của Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội?
Lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội:
– Lãnh đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố Hà Nội có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc;
– Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở; chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ trưởng Bộ Xây dựng; báo cáo trước Hội đồng nhân dân Thành phố, trả lời kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố theo yêu cầu;
– Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc là người giúp Giám đốc Sở, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc Sở vắng mặt, một Phó Giám đốc Sở được Giám đốc ủy nhiệm điều hành hoạt động của Sở;
– Việc bổ nhiệm Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Xây dựng ban hành và theo các quy định của pháp luật; việc miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ chính sách khác đối với Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật;
– Giám đốc, Phó Giám đốc Sở không kiêm chức danh Trưởng của đơn vị cấp dưới có tư cách pháp nhân;
– Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu các tổ chức trực thuộc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật và theo tiêu chuẩn chức danh, quy định phân cấp quản lý cán bộ, công chức của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Cơ cấu tổ chức:
– Các đơn vị thuộc khối Văn phòng Sở:
+ Văn phòng;
+ Thanh tra;
+ Phòng Kế hoạch-Tổng hợp;
– Phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật;
+ Phòng Quy hoạch kiến trúc 1;
+ Phòng Quy hoạch kiến trúc 2;
– Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc:
+ Ban Quản lý dự án Quy hoạch xây dựng;
+ Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc và Quy hoạch đô thị, nông thôn.
5. Biên chế của Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội?
– Biên chế của Sở Quy hoạch-Kiến trúc bao gồm biên chế công chức và số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Quy hoạch-Kiến trúc được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn với chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc và nằm trong tổng biên chế công chức, biên chế sự nghiệp của Thành phố được cấp có thẩm quyền giao.
– Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và danh mục vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hàng năm Sở Quy hoạch-Kiến trúc xây dựng kế hoạch biên chế công chức, biên chế sự nghiệp theo quy định của pháp luật đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao.
6. Nhiệm vụ quyền hạn của Sở Quy hoạch, kiến trúc Hà Nội?
– Trình Ủy ban nhân dân Thành phố:
+ Dự thảo các quyết định và các văn bản quy định việc phân công, phân cấp và ủy quyền trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở thuộc phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố;
+ Dự thảo quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 05 năm và hàng năm, các chương trình, dự án trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở được Ủy ban nhân dân Thành phố giao;
+ Dự thảo chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với mục tiêu và nội dung chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Ủy ban nhân dân Thành phố;
+ Xây dựng dự thảo các văn bản quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với cấp trưởng, cấp phó của các đơn vị trực thuộc Sở theo quy định của pháp luật;
+ Phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan xây dựng dự thảo các văn bản quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với cấp trưởng, cấp phó của Phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố.
– Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố:
+ Dự thảo các quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở;
+ Dự thảo quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc Sở theo quy định của pháp luật.
– Hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy hoạch phát triển, kế hoạch, chương trình, dự án đã được phê duyệt thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở.
– Về quy hoạch xây dựng, kiến trúc (gồm: Quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù; thiết kế đô thị, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị):
+ Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, kiến trúc, các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt các loại đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị;
+ Tổ chức lập, thẩm định quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt và ban hành của Ủy ban nhân dân Thành phố; hướng dẫn và phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trong việc lập, thẩm định các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt và ban hành của Ủy ban nhân dân cấp huyện; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành;
+ Tổ chức lập, thẩm định, trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt hoặc văn bản góp ý kiến để Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã trình cấp có thẩm quyền thẩm định theo phân cấp, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn Thành phố theo quy định của pháp luật;
+ Hướng dẫn các chủ đầu tư trong việc tổ chức lập các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân Thành phố;
+ Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn xã theo phân cấp;
+ Quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trên địa bàn Thành phố theo phân cấp, bao gồm: Tổ chức công bố, công khai các quy hoạch xây dựng; quản lý hồ sơ các mốc giới, chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng; cấp giấy phép, chứng chỉ quy hoạch xây dựng; giới thiệu địa điểm xây dựng và hướng tuyến công trình hạ tầng kỹ thuật; cung cấp thông tin về quy hoạch, kiến trúc;
+ Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư quy hoạch đô thị, điều kiện năng lực của các cá nhân và tổ chức tham gia thiết kế quy hoạch xây dựng hạng II và hạng III; về thi tuyển ý tưởng quy hoạch; thi tuyển, tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình trên địa bàn Thành phố;
+ Xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên địa bàn Thành phố;
– Hướng dẫn kiểm tra hoạt động của các tổ chức dịch vụ công thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở; quản lý, chỉ đạo hoạt động và việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc Sở theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện hợp tác quốc tế về các lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật, sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố.
– Xây dựng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống thông tin tư liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của Sở được giao theo quy định của pháp luật.
– Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở đối với phòng Quản lý đô thị, Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
– Thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật thuộc chức năng của Sở, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật hoặc phân công của Ủy ban nhân dân Thành phố.
– Theo dõi, tổng hợp, báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao với Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo thống kê tổng hợp ngành theo quy định của Bộ Xây dựng và sự phân công của Ủy ban nhân dân Thành phố.
– Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, viên chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở theo quy định của pháp luật và theo sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố.
– Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước được phân bổ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Ủy ban nhân dân Thành phố.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành Xây dựng theo sự phân công, phân cấp hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố và theo quy định của pháp luật.