Lãnh thổ quốc gia bao gồm vùng nước, vùng đất, vùng trời trong đó vùng nước bao gồm toàn bộ các phần nước nằm trong khu vực biên giới quốc gia. Vùng nước của quốc gia được thể hiện thông qua biển, sông, kênh, ngòi... Một số con sông chảy qua nhiều địa phận quốc gia khác nhau, đó được gọi là sông quốc tế.
Mục lục bài viết
1. Sông quốc tế là gì?
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 120/2008/NĐ- CP quy định: Lưu vực sông quốc tế là lưu vực sông có một hay nhiều nguồn nước quốc tế.
Sông quốc tế tên tiếng Anh là: “International river”.
2. Các nguyên tắc về sử dụng nguồn nước sông quốc tế:
– Theo quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật sử dụng các nguồn nước quốc tế vào mục đích phi giao thông thủy năm 1997 (Công ước Liên hợp quốc 1997) và Công ước về bảo vệ và sử dụng các nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế của Ủy ban Kinh tế châu Âu (Công ước Hensinki 1992), nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý nguồn nước quốc tế bao gồm những nội dung sau:
– Một quốc gia ven nguồn nước được sử dụng và phát triển nguồn nước quốc tế nhằm mục đích đạt được việc sử dụng tối ưu và bền vững và lợi ích từ việc sử dụng đó, có tính đến lợi ích của những quốc gia ven nguồn nước có liên quan, phù hợp với việc bảo vệ đầy đủ nguồn nước. Nói cách khác, trong phạm vi lãnh thổ của mình, mỗi quốc gia ven nguồn nước có quyền được sử dụng và phát triển nguồn nước quốc tế nhằm đạt khả năng sử dụng hiệu quả nhất nguồn nước về mặt kinh tế, tránh sự lãng phí, đồng thời, phải tuân thủ nghĩa vụ sau:
+ Đảm bảo khả năng đạt được lợi ích tối đa cho tất cả các quốc gia ven nguồn nước và khả năng đáp ứng lớn nhất có thể những nhu cầu của tất cả các quốc gia này trong khi giảm đến mức tối thiểu những tác hại hoặc những nhu cầu không đạt được của mỗi bên.
+ Việc sử dụng và phát triển nguồn nước của quốc gia phải phù hợp với việc bảo vệ đầy đủ nguồn nước. Theo giải thích của ILC, bảo vệ đầy đủ không chỉ bao gồm những biện pháp như bảo tồn, an ninh mà còn bao gồm những biện pháp kiểm soát về phương diện kỹ thuật, thủy văn như kiểm soát lũ lụt, ô nhiễm, xói mòn để giảm thiểu hạn hán và kiểm soát xâm nhập mặn.
Ngoài ra, nghĩa vụ sử dụng hợp lý và công bằng còn gắn với vấn đề phát triển bền vững nguồn nước quốc tế. Điều này đã được ghi nhận trong những quy định của Công ước UNCE cũng như Công ước của Liên hợp quốc với nội dung: “Nguồn nước sẽ được quản lý để những nhu cầu hiện tại được đáp ứng mà không làm tổn hạn đến việc đáp ứng những nhu cầu của chính họ trong tương lai” (Điều 2 Công ước UNCE) hay “Đặc biệt một nguồn nước quốc tế sẽ được sử dụng và được phát triển bởi các quốc gia nguồn nước với tầm nhìn để đạt được việc sử dụng tối ưu và bền vững lợi ích từ đó, có tính đến lợi ích của các quốc gia nguồn nước liên quan, phù hợp với việc bảo vệ đầy đủ nguồn nước” (Điều 5, Công ước Liên hợp quốc 1997).
Nói cách khác, việc sử dụng một nguồn nước không được xem xét như là công bằng một cách hợp pháp nếu không bền vững.
Do đó, việc sử dụng nguồn nước mang lại lợi ích tối đa cho các quốc gia ven sông theo cách không phù hợp với việc bảo tồn nguồn nước như một tài nguyên thiên nhiên sẽ không đáp ứng tiêu chuẩn để được coi là sử dụng công bằng và hợp lý. Vì thế, vấn đề sử dụng hợp lý và công bằng không chỉ được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến số lượng hay phân bổ nguồn nước mà còn liên quan đến chất lượng của nguồn nước quốc tế.
– Các quốc gia ven nguồn nước sử dụng, phát triển và bảo vệ nguồn nước quốc tế theo một cách thức hợp lý và công bằng. Nội dung của nghĩa vụ này là, sự hợp tác giữa các quốc gia ven nguồn nước, thông qua sự tham gia, trên cơ sở công bằng và hợp lý vào việc tiến hành những biện pháp, hoạt động nhằm đạt được việc sử dụng tối ưu nguồn nước quốc tế, phù hợp với việc bảo vệ đầy đủ nguồn nước quốc tế như thực hiện các biện pháp phòng chống lũ lụt, các chương trình giảm thiểu ô nhiễm, lập kế hoạch giảm thiểu hạn hán, chống xói mòn, điều tiết dòng chảy, bảo vệ công trình thủy lợi, bảo vệ môi trường.
3. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng hợp lý và công bằng nguồn nước quốc tế:
Theo quy định tại Điều 6 Công ước Liên hợp quốc năm 1997, việc sử dụng nguồn nước hợp lý và công bằng cần tính đến tất cả các yếu tố và hoàn cảnh sau:
– Yếu tố địa lý, thủy văn, thủy học, sinh thái và những nhân tố tự nhiên khác
Theo giải thích của ILC, yếu tố địa lý bao gồm phạm vi của nguồn nước quốc tế trong lãnh thổ của mỗi nguồn nước; yếu tố thủy văn liên quan đến sự mô tả và lập bản đồ các vùng nước của dòng nước; yếu tố thủy học liên quan đến các tính chất của nước, bao gồm cả nguồn nước và sự phân bổ của nước; yếu tố hệ sinh thái nhấn mạnh đến khả năng tác động đối với sự cân bằng sinh thái của nguồn nước quốc tế có liên quan đến việc đánh giá sự công bằng trong việc sử dụng nguồn nước.
– Mặt tiền sông
Nói cách khác, “mặt tiền sông có thể được tính đến trong quá trình thiết lập một chế độ công bằng cho việc sử dụng các nguồn nước quốc tế, nhưng chỉ là một yếu tố để điều chỉnh sự phân bổ
– Khu vực thoát nước
Ví dụ: Trong vụ tranh chấp Narmada, Tòa đã khẳng định rằng cho dù sự phân bổ của nước ít có sự quan trọng bằng những nhu cầu kinh tế, xã hội nhưng yếu tố này cũng cần phải tính đến trong quá trình phân bổ nguồn nước. Trên thực tế, một số quốc gia cũng đã viện dẫn đến yếu tố sự phân bổ của nước như trường hợp năm 1956, Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định các quyền của mình đối với sông Nile trên cơ sở 60% dòng chảy của sông Nile phân bổ trên lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, yếu tố này đã bị bỏ qua hoặc bỏ qua phần lớn. Chẳng hạn, mặc dù không có sự phân bổ đáng kể dòng chảy sông Nile trên lãnh thổ Ai Cập nhưng nước này cũng được phân bổ ¾ nguồn nước.
– Nhu cầu kinh tế, xã hội của các quốc gia ven nguồn nước có liên quan
Nhu cầu kinh tế, xã hội của quốc gia ven nguồn nước liên quan đã được tính đến như một yếu tố trong việc sử dụng nguồn nước công bằng trong nhiều phán quyết của các cơ quan tài phán quốc gia.
– Sự phụ thuộc của dân chúng vào nguồn nước quốc tế
Theo giải thích của Ủy ban pháp luật quốc tế (ILC), yếu tố “sự phụ thuộc của dân chúng vào nguồn nước quốc tế” liên quan đến quy mô của dân chúng cũng như mức độ phụ thuộc của dân chúng vào nguồn nước quốc tế.
Mặc dù Công ước của Liên hợp quốc hay Quy tắc Helsinki đều không đề cập đến khía cạnh sử dụng nào sẽ được ưu tiên hơn nhưng thực tiễn các quốc gia và thực tiễn hoạt động của các cơ quan tư pháp cho thấy, những nhu cầu cơ bản xác định, đặc biệt là sử dụng nước để uống và những mục đích dân sinh khác của người dân sẽ được ưu tiên.
Các điều ước Mỹ ký kết cũng có cách tiếp cận tương tự. Chẳng hạn Điều 3 Hiệp định giữa Mỹ và Mexico về việc sử dụng nước của sông Colorado và Tijuana và Rio Grande đã ghi nhận những yêu cầu ưu tiên bao gồm:
– Dùng cho dân sinh và đô thị;
– Nông nghiệp và dự trữ;
– Năng lượng điện;
– Dùng cho công nghiệp.
– Khả năng sẵn sàng thay thế, so sánh giá trị của việc sử dụng hiện tại với việc sử dụng đã được lên kế hoạch cụ thể
Yếu tố này liên quan đến sự phụ thuộc của mỗi quốc gia, hoặc liên quan đến những nhu cầu thiết yếu của con người hoặc như cầu kinh tế và xã hội, đó là khả năng sẵn có của các nguồn thay thế đối với một quốc gia để ngầm định rằng, quốc gia đó ít phụ thuộc hơn quốc gia mà nhu cầu nguồn nước của họ không thể được đáp ứng bởi các nguồn khác.
Ủy ban tưới tiêu Ấn Độ đã thừa nhận: “Có nhiều trường hợp khi phải lựa chọn giữa sử dụng nước nhằm mục đích tưới tiêu hay làm thủy điện, việc cân nhắc không chỉ dựa trên những yếu tố kinh tế mà còn trên cơ sở thừa nhận thực tế rằng, tưới tiêu chỉ có thể thực hiện bằng việc sử dụng nguồn nước trong khi năng lượng có thể được tạo ra từ những nguồn khác như than đá, gas, dầu”.
Bình luận của ILC đã giải thích, khả năng thay thế không chỉ đem lại những nguồn cung cấp nước khác mà còn là những hình thức khác không liên quan đến việc sử dụng nước, đáp ứng được những nhu cầu sử dụng nước.