Các tư tưởng triết học đã nhấn mạnh sự tương phản giữa những quy luật bất biến và vĩnh cửu, tồn tại khách quan và độc lập với các luật lệ. Điều này là cơ sở để pháp luật tự nhiên ra đời và phát triển. Vậy pháp luật tự nhiên là gì? Có những trường phái học thuyết pháp luật tự nhiên nào?
Mục lục bài viết
1. Pháp luật tự nhiên là gì?
Pháp luật tự nhiên là hệ thống pháp luật tồn tại trong tự nhiên mà không phụ thuộc vào các luật lệ, quy định của nhà nước hay tập quán, án lệ, vào các điều kiện kinh tế – xã hội mà lấy công bằng, bác ái, lẽ phải, lương tri, nhân cách, phẩm giá của con người làm tiêu chuẩn.
Học thuyết luật tự nhiên là một học thuyết có ảnh hưởng sâu sắc trong lịch sử phát triển của nền khoa học pháp lý trên thế giới với những giá trị nhân văn phản ánh khát vọng của loài người về tự do, nhân phẩm, pháp quyền, công bằng, công lý và các quyền con người. Ngày nay, luật tự nhiên vẫn có những ảnh hưởng hết sức sâu rộng tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có hệ thống luật án lệ.
Pháp luật tự nhiên trong tiếng Anh là “laws appear naturally”.
2. Tìm hiểu về trường phái học thuyết pháp luật tự nhiên:
2.1. Sự ra đời của pháp luật tự nhiên:
– Hy Lạp – La Mã cổ đại được xem là chiếc nôi ban đầu của dòng tư tưởng pháp luật tự nhiên. Những tư tưởng về luật tự nhiên (lex natural law, jus naturale) ra đời tương đối sớm ở các quốc gia này. Qua thần thoại, người Hy Lạp cổ hiểu rằng có một thứ luật có nguồn gốc từ thần linh và được thần linh bảo trợ, bất thành văn nhưng thiêng liêng và cao hơn so với luật do con người lập ra. Luật ấy tồn tại vĩnh hằng, độc lập và khách quan, nó chi phối và hướng dẫn hành vi của con người đi đến sự công bằng và đúng đắn. Thậm chí, con người có thể không cần tuân theo luật lệ của nhà cầm quyền, của trật tự chính trị đương thời nếu nó đi ngược lại với luật của thần linh.
– Sau thần thoại, đến lượt các triết gia suy tư, luận bàn về pháp luật. Các tư tưởng triết học đã nhấn mạnh sự tương phản giữa những quy luật bất biến, vĩnh cửu, tồn tại khách quan và độc lập với các luật lệ, quy ước, tập quán được đặt ra bởi một trật tự chính trị hay một quốc gia. Là người bày tỏ và phác họa những ý tưởng sơ khởi về luật tự nhiên, Platon cho rằng, luật đến từ thần linh hoặc đến từ sự thông minh xuất chúng của một người làm luật. Tuy công nhận có luật thần linh được áp dụng cho con người, nhưng Platon lại đề ra “kẻ trung gian” ở giữa thần Zeus và con người và chỉ người này mới khám phá được luật của thần linh đó là các nhà triết học. Do đó, luật của con người trở thành kết tinh của lí trí, sự thông minh, đại diện cho những gì tốt đẹp nhất nơi con người trên cơ sở luật của thần linh. Luật tự nhiên theo quan niệm của Platon đồng nhất với lí tính và tri thức.
– Là người đầu tiên đề cập cụ thể và được xem là cha đẻ của học thuyết pháp luật tự nhiên, Aristotle quan niệm pháp luật là những quy tắc khách quan, có tính chính trực, vô tư, xuất phát từ quyền lực và phù hợp với mục đích quốc gia. Ông phân biệt pháp luật thành 2 loại là Luật chung (luật tự nhiên) và Luật riêng, được xác định độc lập trong mỗi dân tộc. Theo ông, trong tự nhiên đã có sẵn những quy luật, luật lệ và công lí; các sự vật cũng chứa sẵn tính luật. Luật tự nhiên là luật nằm sẵn trong tự nhiên, ở bản tính tự nhiên của sự vật và do thần linh ấn định (ông gọi đó là lí tính hay thần tính), nó tự sinh, tồn tại khách quan và độc lập với ý chí con người, có hiệu lực ở mọi nơi mọi lúc. Và con người chỉ có thể dùng lí trí để khám phá (tìm ra) luật pháp chứ không tạo ra luật pháp, cũng không thể thay đổi nó. Vì vậy, phải soạn thảo luật pháp tuân theo những quy chuẩn của tự nhiên hay pháp luật phải là “sự suy diễn từ sự hài hòa của trật tự tự nhiên”. Đồng nghĩa luật với khái niệm công bằng hay công lí (justice) và gắn luật tự nhiên với công lí tự nhiên, Aristotle đã đưa tư tưởng công lí tự nhiên từ giã Thiên Đàng về với trần gian và ở trong ngôi nhà triết học. Aristotle đã xác lập nền tảng ban đầu, cơ bản của luật tự nhiên và từ đó “công lí” luôn chiếm vị trí trọng yếu của luật tự nhiên.
2.2. Các trường phái học thuyết pháp luật tự nhiên:
Căn cứ vào cách tiếp cận về nguồn gốc của luật tự nhiên, các nhà nghiên cứu chia luật tự nhiên thành ba trường phái:
– Luật tự nhiên tôn giáo (Religious natural law): Đại diện là Thomas Aquinas (1225-1274), ông cho rằng luật tự nhiên có nguồn gốc từ tôn giáo. Theo ông, có 04 loại luật: luật vĩnh cửu, luật tự nhiên, luật thiêng liêng và nhân luật (luật thực định). Luật tự nhiên chính là phương tiện cho loài người có lý tính kết nối luật vĩnh cửu và luật thực định, giúp con người có thể phân biệt điều tốt, kẻ xấu dưới ánh sáng của lẽ phải. Chính lý trí và lẽ phải đã giúp con người chuyển hóa luật tự nhiên thành luật thực định, do đó, luật thực định phải được điều chỉnh cho phù hợp với luật tự nhiên. Nếu không đáp ứng đầy đủ qui tắc này, những quy tắc do con người ban hành sẽ không phải là luật thực sự mà chỉ là sự bóp méo của pháp luật.
– Luật tự nhiên thế tục (Secular natural law): Đại diện là Hugo Grotius (1583-1645), người thành lập luật công pháp quốc tế trên cơ sở luật tự nhiên. Hugo Grotius cho rằng luật tự nhiên cũng có vai trò hình thành nên hệ thống pháp luật giữa các quốc gia. Theo ông, luật tự nhiên được mọi người ủng hộ do tính hợp lý của nó. Nhưng trái với Aquinas, ông cho rằng luật tự nhiên sẽ tồn tại dù Chúa có tồn tại hay không. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh vai trò bảo vệ cá nhân của luật tự nhiên. Luật tự nhiên là những nguyên tắc được hình thành từ tự nhiên bởi con người không thể làm gì phá hủy cuộc sống của họ. Theo đó, luật tự nhiên phải được xã hội áp dụng để bảo vệ cho cuộc sống con người
– Luật tự nhiên về thủ tục chặt chẽ (Procedural natural law): Đại diện là Lon Fuller (1902-1978), theo ông, luật pháp phải chứa đựng những yếu tố đạo đức nội tại, những đạo lý tiềm ản, các đạo luật phải đảm bảo sự công bằng về thủ tục mới có có đủ phẩm chất để trở thành pháp luật. Nếu một hệ thống các quy tắc vi phạm những nguyên tắc thủ tục cơ bản của công lý và công bằng thì hệ thống quy tắc đó không thể được coi là hệ thống pháp luật. Các quy tắc này bao gồm các quy định về tính minh bạch, tính không hồi tố, tính không mâu thuẫn và khả năng thực thi… Ông lên án hệ thống pháp luật vô đạo đức như các đạo luật của Đảng Quốc xã trong thế chiến thứ 2 do đã vi phạm hàng loạt các quy định về thủ tục như quy định hồi tố, tính công khai nên các quy định này không không hội đủ các yếu tố để trở thành pháp luật.
3. Du nhập học thuyết pháp luật tự nhiên vào Việt Nam:
Tại Việt Nam, luật tự nhiên bước đầu đã khẳng định được vai trò của mình trong đổi mới tư duy lập pháp, pháp huy dân chủ, bảo vệ và thực thi các quyền con người. Trước yêu cầu đổi mới tư duy pháp lý và đẩy mạnh nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã khẳng định quan điểm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam là phải “xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tính hiện đại của hệ thống pháp luật”.
Trong thực tế nghiên cứu và ứng dụng, luật tự nhiên đã được vận dụng như một học thuyết, một công cụ, một phương pháp tiếp cận để các nhà nghiên cứu khoa học tại Việt Nam từng bước làm sáng tỏ một số đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, các lĩnh vực ứng dụng của học thuyết luật tự nhiên khá phong phú, bao gồm:
– Đổi mới tư duy lập pháp (Lập pháp hướng tới pháp quyền của Bùi Ngọc Sơn, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 1 năm 2005).
– Thế sự – Một góc nhìn của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nxb. Tri thức năm 2007.
– Pháp luật được “đặt ra” hay “tìm ra”? của TS. Huỳnh Văn Thới, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số ngày 31 tháng 01 năm 2010.
– Cải cách và đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN (Chế ước quyền lực nhà nước của PGS.TS Nguyễn Đăng Dung, Nxb. Đà Nẵng năm 2008.
– Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân – Lý luận và thực tiễn của GS.VS. Nguyễn Duy Quý và PGS.TS. Nguyễn Tất Viễn, Nxb. Chính trị quốc gia năm 2010.
– Một số vấn đề về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của GS.TS. Trần Ngọc Đường, Nxb. Chính trị quốc gia năm 2011.
– Quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp quyền XHCN của GS.TS. Trần Ngọc Đường, Nxb. Chính trị quốc gia năm 2011.
– Nhà nước pháp quyền trong việc nâng đỡ, thực thi và bảo vệ quyền con người của Ths. Nguyễn Xuân Tùng, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số 4 năm 2011.
– Luật tự nhiên trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Ths. Nguyễn Xuân Tùng, Tạp chí Luật học số 3 năm 2010.
Với những giá trị nhân văn, nhân đạo, dân chủ, công bằng và pháp quyền sâu sắc, thuyết pháp luật tự nhiên đã ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử văn minh nhân đạo nói chung và trong nền khoa học pháp lý nói riêng. Việc đổi mới tư duy pháp lý và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam đã tạo ra những tiền đề căn bản và quan trọng cho việc nghiên cứu, giới thiệu, du nhập và ứng dụng học thuyết luật tự nhiên tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề này là khá đa dạng và phức tạp. Chính vì vậy, việc ứng dụng, du nhập các học thuyết về pháp luật tự nhiên cần được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, từng bước nhìn nhập và tiếp thu có chọn lọc những giá trị nhân văn của học thuyết này.