Sở giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo ở từng địa phương. Tại bài viết này, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin liên quan đến cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Sở giáo dục.
Mục lục bài viết
1. Sở Giáo dục và Đào tạo là gì?
Sở Giáo dục và Đào tạo là tên gọi chung của cơ quan chủ quản giáo dục tại địa phương (cơ quan giáo dục cấp tỉnh) của Việt Nam – đứng đầu là Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sở giáo dục tiếng Anh là: “Department of Education and Training”.
2. Vị trí và chức năng của Sở giáo dục và đào tạo:
– Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Sở Giáo dục và Đào tạo có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ và các quy định khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Nhiệm vụ quyền hạn của Sở giáo dục và đào tạo:
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
+ Ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về giáo dục; phương án tích hợp nội dung về mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo vào quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch và các quy định có liên quan; kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn; kế hoạch, chương trình, dự án phát triển giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn; kế hoạch triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được phân công trên phạm vi địa bàn tỉnh; các văn bản pháp luật về giáo dục theo thẩm quyền;
+ Văn bản chấp thuận về việc thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học; trường cao đẳng sư phạm, phân hiệu của trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn;
+ Phê duyệt Phương án thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định;
– Phối hợp Sở Nội vụ tổng hợp số lượng người làm việc hàng năm của các cơ sở giáo dục công lập trong kế hoạch số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
– Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyển dụng hoặc phân cấp việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định của pháp luật.
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các cơ sở đại học; trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh theo phân cấp của Chính phủ.
– Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo và người có chức danh theo dõi giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
– Quản lý các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường; chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, an toàn trường học; tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện và chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông giáo dục trên địa bàn.
– Tham gia thẩm định thực tế đề án thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn.
– Thường xuyên cập nhật thông tin về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc phạm vi quản lý vào cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất về thống kê, công khai lĩnh vực giáo dục của địa phương thuộc phạm vi quản lý với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
– Thực hiện cải cách hành chính, công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến giáo dục và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
4. Phòng giáo dục và đào tạo:
Tên tiếng Anh của Phòng giáo dục và đào tạo
Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếng Anh là: “Department of Education and Training”.
Vị trí chức năng Phòng giáo dục và đào tạo
– Phòng Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về giáo dục ở địa phương theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
– Phòng Giáo dục và Đào tạo có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, vị trí việc làm, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ và các quy định khác của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Nhiệm vụ quyền hạn Phòng giáo dục và đào tạo
Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 13 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, các quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp huyện:
+ Ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về giáo dục; kế hoạch, chương trình, dự án phát triển giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kế hoạch triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện phù hợp với kế hoạch của tỉnh; các văn bản pháp luật về giáo dục theo thẩm quyền;
+ Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục.
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp huyện về giáo dục theo phân cấp của Chính phủ.
– Thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của pháp luật khi được ủy quyền.
– Quản lý các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường; chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, an toàn trường học; tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện và chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông giáo dục trên địa bàn.
– Thường xuyên cập nhật thông tin về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc phạm vi quản lý vào cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ báo cáo định kỳ hằng năm về công khai lĩnh vực giáo dục của địa phương thuộc phạm vi quản lý với Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Thông tư số 12/2020/TT-BGDĐT