Tội phạm hóa (criminalization) là gì? Tội phạm hóa tiếng Anh là gì? Tội phạm hóa và phi tội phạm hóa trong Bộ luật hình sự?
Tồn tại xã hội luôn thay đổi không ngừng và tác động mạnh mẽ đến ý thức xã hội, buộc ý thức xã hội phải đổi thay cho phù hợp. Một trong số đó là việc thay đổi những quy định của pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là việc thay đổi quy định của pháp luật hình sự khi mà tội phạm luôn biến đổi không ngừng. Theo đó, nhà làm luật sẽ dự liệu và quy định về tội phạm mới hay xóa bỏ một tội phạm nào đó khi ban hành đạo luật hình sự mới. Đó gọi là tội phạm hóa và phi tội phạm hóa. Vậy tội phạm hóa là gì? Vấn đề này được thể hiện trong Bộ luật hình sự như thế nào?
Cơ sở pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Tội phạm hóa là gì?
Tội phạm hóa, hiểu theo nghĩa chung nhất theo luật hình sự Việt Nam, là quy định một tội phạm mới trong Bộ luật hình sự (BLHS) đối với hành vi trước đây chưa bị coi là tội phạm.
Ngược lại với tội phạm hóa là phi tội phạm hóa. Theo đó, phi tội phạm hóa được hiểu là không quy định (xóa bỏ) trong BLHS hành vi trước đây đã bị coi là tội phạm.
2. Tội phạm hóa tiếng Anh là gì?
Tội phạm hóa trong tiếng Anh là “Criminalization”.
3. Tội phạm hóa và phi tội phạm hóa trong Bộ luật hình sự
3.1. Tội phạm hóa trong Bộ luật hình sự
Theo các quy định của BLHS 2015, những trường hợp được coi là tội phạm hóa trong các điều luật của BLHS 2015 bao gồm các trường hợp sau đây:
Một là, BLHS 2015 tội phạm hóa bằng cách quy định mới các hành vi pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự trong các điều luật của BLHS.
Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên, bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác. Nếu như BLHS 1999 không quy định pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) thì BLHS 2015 lần đầu tiên đã tội phạm hóa một số hành vi nguy hiểm cho xã hội của pháp nhân thương mại bằng việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại khi thực hiện một số hành vi nguy hiểm bị coi là tội phạm trong BLHS.
Xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong bối cảnh ngày càng nhiều pháp nhân thương mại xuất hiện và vi phạm pháp luật với mức độ nguy hiểm cho xã hội ngày càng cao trong khi các biện pháp xử lý phi hình sự chưa tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.
Điều 76 BLHS 2015 đã quy định các điều luật về những tội phạm cụ thể mà pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại điều luật này, phạm vi các hành vi phạm tội mà pháp nhân thương mại có thể phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ giới hạn ở một số điều luật về tội phạm trong Chương các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Chương các tội phạm về môi trường (Chương XIX) của BLHS 2015. Các điều luật quy định về tội phạm mới đối với pháp nhân thương mại phạm tội chỉ được áp dụng từ ngày 1/7/2016 trở đi.
Hai là, BLHS 2015 tội phạm hóa bằng cách mở rộng phạm vi các hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự do người từ đủ 14 tuổi trở lên đến chưa đủ 16 tuổi thực hiện trong các điều luật của BLHS 2015 so với BLHS 1999.
Theo quy định tại Điều 12 BLHS 1999, người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nghĩa là họ chỉ có thể phải chịu TNHS về những tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù trở lên. Như vậy, theo quy định của BLHS năm 1999, người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi không phải chịu TNHS đối với các tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là không quá 07 năm tù. .
Khác với BLHS 1999, trong một số trường hợp, BLHS 2015 đã mở rộng phạm vi phải chịu TNHS đối với người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi bằng cách quy định một số trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi không những phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà còn có thể phải chịu TNHS về một số tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng.
Ba là, BLHS 2015 tội phạm hóa bằng cách bổ sung một số điều luật về tội phạm mới trong Phần các tội phạm của BLHS 2015 so với BLHS 1999.
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về tình hình tội phạm, BLHS năm 2015 đã bổ sung một số điều luật quy định về một số tội danh mới và cũng là tội phạm mới so với BLHS năm 1999. Các điều luật về các tội sau đây là các điều luật quy định về tội phạm mới:
– Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147)
– Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154)
– Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167)
– Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại (Điều 187);…
Tuy nhiên, không phải tất cả các điều luật quy định tội danh mới đều là điều luật quy định tội phạm mới. Bởi lẽ, trong một số trường hợp, cùng một hành vi với những tình tiết cụ thể giống nhau điều luật của BLHS năm 1999 và điều luật của BLHS năm 2015 lại quy định thành những tội danh khác. Ví dụ: các điều luật sau đây của BLHS năm 2015 là các điều luật quy định về tội danh mới chứ không phải là các điều luật quy định về tội phạm mới: Tội vi phạm qui định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221);…
Bốn là, BLHS 2015 tội phạm hóa bằng cách bổ sung hành vi phạm tội trong các điều luật cụ thể của BLHS 2015 so với điều luật của BLHS 1999.
Một số điều luật của BLHS 2015 đã bổ sung hành vi “quan hệ tình dục khác” bên cạnh hành vi “giao cấu” là hành vi phạm tội mới của một số tội phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm của con người. Bằng cách đó, đã tội phạm hóa một số hành vi mà BLHS năm 1999 chưa coi là tội phạm. Ví dụ, hành vi quan hệ tình dục khác (khác so với hành vi giao cấu) trái với ý muốn người khác có thể bị coi là tội phạm trong các tội:
– Tội hiếp dâm (Điều 141)
– Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142)
– Tội cưỡng dâm (Điều 143)
– Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144)
Các điều luật trên được coi là các điều luật quy định một tội phạm mới, bởi vì ngoài hành vi giao cấu, các hành vi “quan hệ tình dục khác” trái với ý muốn người khác chưa được quy định là tội phạm trong BLHS 1999, mới được quy định là tội phạm trong các điều luật của BLHS 2015.
3.2. Phi tội phạm hóa trong Bộ luật hình sự
Những trường hợp được coi là phi tội phạm hóa trong các điều luật của BLHS 2015 bao gồm các trường hợp sau đây:
Một là, BLHS năm 2015 phi tội phạm hóa bằng cách xóa bỏ điều luật về tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS năm 1999.
Các điều luật về tội phạm cụ thể đã được BLHS 1999 quy định nhưng đến BLHS 2015 đã xóa bỏ, không coi là tội phạm nữa. Ví dụ:
– Tội tảo hôn (Điều 148)
– Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167)
– Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170)
– Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng (Điều 178)
– Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính (Điều 269)
– Một số tội phạm khác.
Tuy nhiên, không phải trường hợp điều luật xóa bỏ tội danh nào cũng đồng nghĩa với điều luật xóa bỏ tội phạm. Một số hành vi mà điều luật của BLHS 1999 quy định tội danh cụ thể, BLHS 2015 không quy định tội danh đó nữa nhưng đã được quy định ở một tội danh khác thì không phải là trường hợp phi tội phạm hóa. Ví dụ:
– Hành vi hoạt động phỉ theo Điều 83 BLHS 1999 thể hiện ở hành vi giết người ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác nhằm chống chính quyền nhân dân đã được quy định trong BLHS 2015 bằng một tội danh khác là tội khủng bố (Điều 113 BLHS 2015).
– Hành vi đăng ký kết hôn trái pháp luật được quy định tại Điều 149 BLHS 1999 về tội đăng ký kết hôn trái pháp luật đã được quy định là một dạng của hành vi phạm tội của tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật theo Điều 336 BLHS 2015.
Hai là, BLHS 2015 phi tội phạm hóa bằng cách thu hẹp phạm vi những trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS so với BLHS 1999.
Khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng theo quy định.
Có thể thấy, cùng với việc mở rộng phạm vi phải chịu TNHS của người từ đủ 14 tuổi trở lên đến chưa đủ 16 tuổi đối với một số tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, BLHS 2015 cũng thu hẹp xóa bỏ các hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do người từ đủ 14 tuổi trở lên đến chưa đủ 16 tuổi thực hiện ở các tội phạm được quy định. Các quy định về xóa bỏ hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi thực hiện của BLHS 2015 được áp dụng để không truy cứu TNHS đối với người từ đủ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi thực hiện hành vi phạm tội trước ngày 1/7/2015.
Ba là, BLHS 2015 phi tội phạm hóa bằng cách loại bỏ bớt hành vi phạm tội trong các điều luật về tội phạm của BLHS 2015.
Việc phi tội phạm hóa của BLHS 2015 đối với hành vi mà BLHS 1999 quy định là tội phạm có thể được thực hiện bằng cách nhà làm luật loại bỏ một số hành vi trước đây bị coi là tội phạm ra khỏi phạm vi các hành vi tội phạm được quy định tại điều luật cụ thể về tội phạm nào đó.
Ví dụ: Đối với
Khoản 1 Điều 321 BLHS 2015 quy định: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.
Như vậy, trừ trường hợp người đánh bạc đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì người có hành vi đánh bạc trái phép mà tiền hay hiện vật dùng để đánh bạc có trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng không thể bị truy cứu TNHS về