Tòa án nhân quyền (Court of Human Rights) là gì? Tòa án nhân quyền trong Tiếng anh là gì? Những thông tin về Tòa án nhân quyền Châu Âu?
Các thiết chế giải quyết tranh chấp ngày ngày càng xuất hiện nhiều, đặc biệt là
Mục lục bài viết
1. Tòa án nhân quyền là gì?
Tòa án nhân quyền là cơ quan tài phán quốc tế, thực hiện chức năng chính là giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia hoặc các khiếu kiện của cá nhân đối với quốc gia, khi có sự vi phạm công ước về nhân quyền.
2. Tòa án nhân quyền trong Tiếng anh là gì?
Tòa án nhân quyền trong Tiếng anh là “Court of Human Rights”.
3. Những thông tin về Tòa án nhân quyền Châu Âu?
Châu Âu là nơi hình thành đầu tiên cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở cấp độ khu vực; được tổ chức và hoạt động một cách hiệu quả và hiệu lực hơn cả trong các khu vực có cơ chế tương tự này.
Chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ suýt đưa nhân loại vào cuộc chiến hủy diệt. Biết bao nhiêu vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng và thô bạo như giam giữ không xét xử, tra tấn, hành hạ vô nhân đạo, bắt cóc, thủ tiêu, hành vi man rợ… đã không được đưa ra xét xử trước công lý. Các nước cộng sản nằm trong khối Xô Viết đả kích Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc (thông qua và công bố ngày 10.12.1948 )đã trên nửa thế kỷ cho rằng khối tư bản đã lạm dụng Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để can thiệp vào chủ quyền của các quốc gia hội viên. Trong bối cảnh lịch sử đó, Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu ra đời do Công Ước Nhân Quyền Âu Châu (The European Convention on Human Rights) được 21 quốc gia trong Hội Ðồng Âu Châu (Council of Europe) ký ngày 4 tháng 11 năm 1950 tại La Mã (Ý) và có hiệu lực từ năm 1954 cho đến nay. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, khối cộng sản tan rã, ta thấy có thêm 20 quốc gia tại Âu Châu phê chuẩn Công Ước đưa tới con số 41 nước.
Mặc dù, mang danh xưng Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu nhưng Tòa này không có thẩm quyền áp dụng luật hình để xét xử những vi phạm nhân quyền mà chỉ thẩm xét đơn khiếu tố của các nạn nhân thuộc các quốc gia ký kết đã không tôn trọng các quyền và tự do căn bản quy định trong Công Ước và các văn kiện phụ đính. Nếu có sự vi phạm nhân quyền, Tòa Án nói trên sẽ mời quốc gia bị kiện và nạn nhân ra Tòa để điều đình gọi là dàn xếp hữu nghị (a friendly settlement-Article 38) bằng cách bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân.
Trái lại, Tòa Án của các quốc gia ký kết Công Ước sẽ xét xử vi phạm nhân quyền theo luật lệ của nước đó không bị Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu chi phối hoặc kiểm soát.
Khái quát về Công ước nhân quyền Châu Âu:
Nhằm đoàn kết giữa các quốc gia hội viên cùng chung một di sản về truyền thống chính trị, lý tưởng, tự do và chế độ pháp trị, 21 nước nói trên đã ký Công Ước Nhân Quyền Châu Âu vào ngày 04.11.1950 tại La Mã (Ý) và sau đó ký thêm 4 văn kiện phụ đính có hiệu lực từ năm 1954 đến nay. Số quốc gia Âu Châu gia nhập Công Ước ngày một đông, trong đó có nhiều nước cộng sản cũ. Nay có thêm 20 quốc gia phê chuẩn Công Ước như Albania, Andorra, Bảo Gia Lợi, Croatia, Cộng Hòa Czech, Estonia, Phần Lan, Georgia, Hung Gia Lợi, Latvia, Lithuania, Moldova, Ba Lan, Lỗ Ma Ni, Nga, San Mario, Cộng Hòa Slovak, Slovenia, Macedonia và Ukraine. Tổng cộng có 41 quốc gia như đã đề cập trong phần dẫn nhập.
Các quyền và tự do căn bản được quy định trong Công ước:
– Quyền sống;
– Cấm cưỡng bức làm nô lệ, nô dịch hay lao động khổ sai;
– Cấm tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo hay lăng nhục;
– Quyền tự do và an toàn bản thân;
– Không áp dụng luật hình có hiệu lực hồi tố (quá khứ);
– Quyền được xét xử công bằng và nhanh chóng;
– Quyền có đời sống riêng tư và gia đình;
– Tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo;
– Tự do phát biểu ý kiến;
– Tự do lập hội và hội họp;
– Quyền kết hôn và lập gia đình;
– Quyền đòi bồi thường;
– Cấm sự kỳ thị;
– Cấm sự lạm dụng các quyền;
– Quyền giáo dục;
– Quyền tự do tuyển cử;
– Quyền tự do cư trú và đi lại;
– Quyền kháng án về các vụ hình sự;
– Cấm giam giữ về nợ nần;
– Bảo vệ tài sản;
– Bãi bỏ án tử hình Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu là một định chế quốc tế (an international institution) và trong một số trường hợp có thể nhận đơn khiếu tố của những người thỉnh cầu Tòa thẩm tra quyền của họ ghi trong Công Ước Nhân Quyền Âu Châu đã bị vi phạm. Công Ước này là một Hiệp Ước và được một số quốc gia cam kết bảo đảm một số quyền căn bản. Những quyền đó được qui định trong Công Ước và 4 văn kiện phụ đính số 1, 4, 6 và 7. Ngoài ra, Tòa còn có thẩm quyền giải thích hoặc áp dụng Công Ước cũng như các văn kiện phụ đính
– Về cơ cấu tổ Chức: Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu được thiết lập vào năm 1950 đặt trụ sở tại Strasbourg (Pháp).
+ Số thẩm phán bằng số quốc gia tham gia Công Ước, được Nghị Viện Âu Châu bầu với nhiệm kỳ 6 năm. Khi thẩm phán tới tuổi 70 thì nhiệm vụ sẽ chấm dứt.
+ Tòa có các cơ cấu sau:
– Một Uỷ Ban gồm 3 thẩm phán xét đơn khiếu tố xem có hợp lệ hay không.
– Nhiều phòng xử (Chambers), mỗi phòng có 7 thẩm phán để thẩm tra về thủ tục dàn xếp hữu nghị.
– Một phòng xử chung thẩm (Grand Chamber) gồm 17 thẩm phán xét đơn xin giải thích
hoặc áp dụng Công Ước và các văn kiện phụ đính.
– Về thẩm Quyền
Nếu một trong số 41 quốc gia phê chuẩn Công Ước đã vi phạm một trong những quyền căn bản thì nạn nhân có thể khiếu tố trước Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu. Tòa chỉ xét các quyền ghi trong Công Ước và các văn kiện phụ đính. Tòa này không phải là Tòa kháng án nên không thể bác đơn hoặc sửa đổi quyết định của Tòa Án thuộc các nước gia nhập Công Ước. Tòa chỉ xét trách nhiệm công quyền (lập pháp, hành pháp, các Tòa Án…) của một trong các quốc gia ký kết Công Ước chứ không giải quyết những vấn đề riêng tư liên quan tới cá nhân hay các tổ chức tư nhân. Tổ chức phi chính phủ (non-governmental organization) hay một nhóm nạn nhân có thể nạp đơn khiếu tố trước Tòa nếu một trong số 41 quốc gia đã vi phạm các quyền của họ. Tòa chỉ nhận đơn khiếu tố nếu nạn nhân đã làm hết thủ tục như kháng cáo, kháng án, thượng tố hay phá án tại các Tòa thuộc quốc gia của họ. Khi đã có phán quyết của Tòa tối cao rồi thì nạn nhân có thời gian 6 tháng để khiếu tố trước Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu.
Nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của hoạt động tư pháp đặc biệt được giải thích, làm sáng tỏ bởi Tòa án nhân quyền châu Âu. Với chức năng chủ yếu là giải quyết khiếu kiện của các cá nhân về các vi phạm nhân quyền của các nước thành viên đối với những quyền, tự do cơ bản được ghi nhận trong Công ước châu Âu về quyền con người, Tòa án đã thụ lý và giải quyết một số lượng lớn các khiếu kiện liên quan đến vi phạm của các quốc gia trong việc bảo đảm quyền của mỗi cá nhân được xét xử công bằng. Án lệ của Tòa án có giá trị, tầm ảnh hưởng lớn bởi chúng không chỉ có hiệu lực bắt buộc đối với chính phủ, mà còn được vận dụng phổ biến bởi Tòa án quốc gia của các nước thành viên, được vận dụng bởi các thiết chế tư pháp, các tổ chức quốc tế về bảo vệ quyền con người, cũng như được viện dẫn rộng rãi trong học thuyết.
Hàng năm Tòa án nhân quyền Châu Âu tiếp nhận hàng chục ngàn hồ sơ khiếu nại của công dân của hầu hết các quốc gia thuộc Hội đồng châu Âu. Mức độ thụ lý và giải quyết các vụ việc này, mặc dù so với yêu cầu thực tế chưa đáp ứng được mong đợi của người dân châu Âu, nhưng đi đầu trong các khu vực có cơ chế tương tự.
Trong 10 năm hoạt động (1998 – 2008), Tòa án đã thụ lý và ra phán quyết được hàng ngàn vụ việc. Số đơn khiếu nại gửi đến Tòa án ngày càng tăng, phần lớn đền từ các quốc gia mới gia nhập Hội đồng châu Âu. Riêng trong năm 2008, Tòa án tiếp nhận 49.850 so với năm 2007 là 41.650 đơn.
Tính đến ngày 1-1-2010 đã có 119.300 đơn khiếu kiện đang nằm chờ được xử lý, giải quyết bởi một cơ quan quyết định. Hơn một nửa trong số các đơn khiếu kiện này đã được đệ trình lên với những cáo buộc vi phạm từ các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine hoặc Romania. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng hầu hết các đơn khiếu kiện này đều không hợp lệ để xem xét vì chúng không thuộc quyền tài phán của Tòa án Nhân quyền châu Âu. Con số 119.300 các vụ việc nêu trên đã được xem xét và chờ phán quyết cho thấy mức độ vi phạm quyền con người diễn ra khá phổ biến ở nhiều quốc gia thuộc Hội đồng châu Âu.
Vụ án tiêu biểu:Vụ 25 dân thiểu số Hung Gia Lợi xin tị nạn chính trị (Case of Józef Kraszinai and 24 others V. Hungary inadmissible):
Vào năm 2000, 25 dân thiểu số Hung Gia Lợi và một số trẻ em đi theo, đã đến Pháp xin được hưởng quy chế tị nạn. Các đương sự khiếu nại nhà cửa của họ ở làng Zámoly bị phá hủy một cách trái phép, buộc họ phải sống tạm tại nơi khác hơn 3 năm. Trong thời gian đó, họ bị ngược đãi về chủng tộc, bị đánh đập và bị tấn công nhưng chính quyền Hung Gia Lợi không đảm bảo an toàn bản thân cho nhóm người đó. Con cái của họ bị kỳ thị phải theo các lớp học riêng biệt. Các đương sự viện dẫn chính phủ Hung Gia Lợi đã vi phạm các quyền trong Công Ước và các văn kiện phụ đính như tự do và an toàn bản thân, quyền được xét xử công bằng, quyền giáo dục, bảo vệ tài sản và cấm sự kỳ thị.
Ngày 8 tháng 6 năm 2001, Tòa Án Nhân Quyền Âu Châu gồm 3 thẩm phán đã bác đơn khiếu tố viện dẫn lý do các đương sự đã không tận dụng mọi phương cách trong thủ tục xin kháng cáo, kháng án và thượng tố trước Tòa Án Tối Cao của quốc gia đương sự.