Quốc gia là một chủ thể đặc biệt trong các quan hệ quốc tế. Các quốc gia khi tham gia quan hệ quốc tế sẽ được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật quốc tế riêng biệt thông qua việc ký kết các Điều ước quốc tế, các Công ước,… Vậy quốc gia là gì? Quốc gia trong vị thể là chủ thể của pháp luật quốc tế như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quốc gia là gì?
Quốc gia là một khái niệm địa lý và chính trị, trừu tượng về tinh thần, tình cảm và pháp lý, để chỉ về một lãnh thổ có chủ quyền, một chính quyền và những con người của các dân tộc có trên lãnh thổ đó; họ gắn bó với nhau bằng luật pháp, quyền lợi, văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, chữ viết qua quá trình lịch sử lập quốc, và những con người chấp nhận nền văn hóa cũng như lịch sử lập quốc đó cùng chịu sự chi phối của chính quyền, và, họ cùng nhau chia sẻ quá khứ cũng như hiện tại và cùng nhau xây dựng một tương lai chung trên vùng lãnh thổ có chủ quyền.
2. Chủ thể luật quốc tế là gì?
Chủ thể của Luật Quốc tế là những thực thể đang tham gia hoặc có khả năng tham gia vào quan hệ pháp luật quốc tế một cách độc lập, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ quốc tế và khả năng gánh vác trách nhiệm pháp lý quốc tế từ những hành vi mà chính chủ thể thực hiện.
3. Các loại chủ thể luật quốc tế:
Hiện nay, trong quan hệ pháp Luật Quốc tế hiện đại thì chủ thể của Luật Quốc tế bao gồm:
– Các quốc gia, đây là chủ thể cơ bản và chủ yếu của Luật Quốc tế.
– Các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập, đây là chủ thể tiềm tàng của Luật Quốc tế.
– Các tổ chức quốc tế liên chính phủ, đây là chủ thể phái sinh của Luật Quốc tế, được hìnhthành bởi sự hợp tác của các quốc gia trên nhiều lĩnh vực hướng đến lợi ích của các quốc gia và lợi ích chung của cộng đồng.
– Các chủ thể đặc biệt khác.
Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, vai trò của các cá nhân, tập đoàn, công ty đa quốc gia, các hiệp hội phi chính phủ trong quan hệ quốc tế ngày càng tăng cho nên việc thừa nhận các chủ thể có sự tham gia vào một số quan hệ pháp luật quốc tế ở một số lĩnh vực nhất định, do đó có quan điểm cho rằng đây cũng là chủ thể của Luật Quốc tế.
4. Đặc điểm của chủ thể luật quốc tế:
– Xét về vị trí, tính chất, vai trò chức năng và bản chất pháp lý… thì các chủ thể của Luật Quốc tế có sự khác nhau, tuy nhiên chúng bao giờ cũng có chung các đặc điểm cơ bản và đặc trưng sau:
+ Là thực thể đang tham gia hoặc có khả năng tham gia quan hệ pháp Luật Quốc tế.
+ Độc lập về ý chí, không chịu sự tác động của các chủ thể khác.
+ Được hưởng quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế.
+ Có khả năng gánh vác những trách nhiệm pháp lý quốc tế do những hành vi mà chủ thể đó gây ra.
+ Không có một chủ thể nào có quyền tài phán chủ thể của Luật Quốc tế.
5. Quốc gia là chủ thể cơ bản của luật quốc tế:
Quan hệ pháp luật quốc tế là những quan hệ phát sinh tồn tại và phát triển chủ yếu giữa các quốc gia với nhau. Quốc gia là chủ thể đầu tiên, chủ thể trước hết xây dựng pháp luật quốc tế. Trong quá trình thi hành luật quốc tế, quốc gia cũng là chủ thể đầu tiên cho việc thi hành pháp luật quốc tế
Chủ thể của luật quốc tế hiện đại là những thực thể đang tham gia quan hệ pháp lí luật quốc tế một cách độc lập có đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp luật quốc tế đồng thời phải gánh chịu trách nhiệm pháp lí quốc tế một cách độc lập do chính hành vi vi phạm pháp luật quốc tế gây ra trên cơ sở các qui phạm pháp luật quốc tế.
Quốc gia là chủ thể chủ yếu cơ bản của luật quốc tế hiện đại bởi vì :
– Quốc gia cũng là chủ thể cơ bản của luật quốc tế bởi vì nếu không có quốc gia thì bản thân luật quốc tế không có cơ sở tồn tại và phát triển. Khi các quốc gia ra đời có mối quan hệ mật thiết với nhau và chịu sự điều chỉnh trong quan hệ quốc tế, quốc gia được coi là hạt nhân của toàn bộ hệ thống pháp luật quốc tế.
– Quốc gia là chủ thể đầu tiên, chủ thể trước hết xây dựng pháp luật quốc tế; quốc gia là chủ thể ban đầu của luật quốc tế bởi vì nó xuất hiện như một chủ thể đầu tiên của luật quốc tế. Trong quá trình thi hành luật quốc tế, quốc gia cũng là chủ thể đầu tiên cho việc thi hành pháp luật quốc tế.
– Quốc gia cũng là chủ thể cơ bản và chủ yếu trong việc thi hành áp dụng biện pháp cưỡng chế việc tuân thủ áp dụng pháp luật quốc tế.
– Quốc gia là chủ thể duy nhất có quyền tạo lập ra và khả năng tạo lập ra chủ thể mới luật quốc tế đó là các tổ chức liên chính phủ.
– Quốc gia là chủ thể cơ bản, chủ thể ban đầu luật quốc tế bởi vì quốc gia là một thực thể bao gồm 3 yếu tố cơ bản:
Lãnh thổ:
Là một trong những yếu tố cần thiết cho sự ra đời tồn tại và phát triển của mỗi quốc gia. Lãnh thổ quốc gia là một phần của trái đất bao gồm vùng đất, vùng nước, vùng trời, dưới lòng đất, lãnh thổ của quốc gia phải được xác định rõ ràng bởi đường biên giới trên đất liền với các quốc gia lân cận hay vùng không thuộc quốc gia nào, quốc gia đó phải được xác định trên bản đồ địa lí hành chính thế giới với vị trí và địa danh rõ ràng, tuy nhiên giữa các quốc gia có thể có các vùng lãnh thổ tranh chấp, nhưng để đảm bảo yếu tố lãnh thổ xác định thì quốc gia đó phải có vùng lãnh thổ hoàn toàn được xác định rõ ràng thuộc chủ quyền của mình.
Dân cư:
Một quốc gia không thể tách rời yếu tố con người nghĩa là có dân cư ổn định trên lãnh thổ đó, đa phần dân cư phải là công dân nước sở tại, sinh sống ổn định lâu dài là những người có địa vị pháp lí có quyền và nghĩa vụ đối với quốc gia, quốc gia cũng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với công dân của mình, có lịch sử truyền thống văn hóa, nguồn gốc gắn liền với lãnh thổ mà họ đang sinh sống, gắn bó lâu dài với quốc gia sở tại.
Chính phủ:
Là yếu tố cần phải có để điều hành xã hội, có chủ quyền được nhân dân tín nhiệm có đầy đủ chủ quyền và quyền lực trong việc thực hiện các quan hệ đối nội, đối ngoại, nghĩa là có thực quyền điều hành quốc gia trong lập pháp, hành pháp và tư pháp quyết định vận mệnh chính trị của dân tộc, tự do lựa chọn hình thức, thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội cho đất nước mình, chính phủ đó phải nắm được quyền lực đối ngoại nghĩa là nắm quyền đại diện quốc gia tham gia vào các quan hệ quốc tế, có khả năng thiết lập quan hệ pháp luật quốc tế.
Như vậy, khi một quốc gia đáp ứng được các điều kiện về lãnh thổ, dân cư ổn định, quốc gia có chủ quyền, chính phủ có khả năng quan hệ pháp luật quốc tế thì kể từ thời điểm đó quốc gia trở thành chủ thể đương nhiên, chủ thể mới của luật quốc tế mà không phụ thuộc bất kỳ sự công nhận nào.
6. Quyền và nghĩa vụ của quốc gia với tư cách chủ thể luật quốc tế:
Quyền năng chủ thể Luật quốc tế của quốc gia có thể hiểu là các quyền tự nhiên của một quốc gia với vai trò là một chủ thể trong quan hệ pháp luật quốc tế. Quyền năng chủ thể luật quốc tế của quốc gia đã có ngay từ khi có tồn tại quốc gia với hội tụ đầy đủ những khả năng của nó mà không hề phụ thuộc vào sự công nhận của bất kỳ quốc gia nào khác. Quyền năng chủ thể Luật quốc tế của quốc gia là tổng thể những quyền và nghĩa vụ mà quốc gia có được khi tham gia vào quan hệ pháp lý quốc tế.
Cùng với xu hướng khu vực hóa đang gia tăng trong những thập niên gần đây, một số tổ chức quốc tế khu vực đã đạt được những thành tựu nhất định trong hợp tác về an ninh chính trị cũng như kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhưng để có thể trở thành trung tâm phối hợp hành động về các vấn đề quốc tế, phát huy được thế mạnh của các thiết chế này, các tổ chức quốc tế liên chính phủ toàn cầu cũng như khu vực cần được trao cho thẩm quyền lớn hơn. Những bước tiến dài của EU trong các lĩnh vực hợp tác khác nhau cũng có một phần xuất phát từ tính chất ‘siêu quốc gia’ mà các quốc gia thành viên đã trao cho Tổ chức này.
Dưới góc độ đó, quốc gia là chủ thể duy nhất có quyền năng đầy đủ khi tham gia quan hệ quốc tế, điều này thể hiện ở các quyền và nghĩa vụ quốc tế cơ bản sau:
– Quyền quốc tế cơ bản:
+ Quyền bình đẳng về chủ quyền và quyền lợi;
+ Quyền được tự vệ cá nhân hoặc tự vệ tập thể;
+ Quyền được tồn tại trong hòa bình và độc lập;
+ Quyền bất khả xâm phạm về lãnh thổ;
+ Quyền được tham gia vào việc xây dựng các quy phạm pháp luật quốc tế;
+ Quyền được trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế phổ biến.
– Nghĩa vụ quốc tế cơ bản:
+ Tôn trọng chủ quyền của các quốc gia;
+ Tôn trọng sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ của các quốc gia khác;
+ Không áp dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực;
+ Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;
+ Hợp tác hữu nghị với các quốc gia khác nhằm duy trì hòa bình, an ninh quốc tế;
+ Tôn trọng nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ quốc tế;
+ Tôn trọng những quy phạm Jus Cogens và những cam kết quốc tế;
+ Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các phương pháp hòa bình.
Ngoài các quyền và nghĩa vụ trên đây, các quốc gia khi tham gia quan hệ pháp luật quốc tế có thể tự hạn chế những quyền và nghĩa vụ của mình trong những lĩnh vực và phạm vi nhất định, không trái với các quy ước quốc tế.