Sự ra đời của Nhà nước có thể nói là tất yếu khách quan để có thể quản lý, điều hành xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Trong đó, quyền lực là công cụ không thể thiếu để nhà nước thực hiện chức năng của mình. Vậy tập quyền là gì và nó có những điểm gì giống và khác so với phân quyền
Mục lục bài viết
1. Tập quyền là gì?
– Tập quyền tuyệt đối:
Đây có thể gọi là hình thức tổ chức quyền lực mà cơ quan nhà nước trung ương tối cao trực tiếp bổ nhiệm và chỉ đạo mọi hoạt động ở địa phương, nguyên thủ quốc gia (hoàng đế, tổng thống) hoặc thủ tướng chính phủ bổ nhiệm/bãi nhiệm tất cả các chức vụ cao cấp (trưởng, cấp phó và các chức vụ cao cấp khác) của các cơ quan đầu não ở trung ương và các cấp chính quyền địa phương (thường đến cấp huyện và tương đương, cấp xã, công xã và tương đương thường thực hiện chế độ tự quản).
– Tập quyền có phân chia trách nhiệm:
Có thể nói, dù có tài năng và thông minh đến đâu thì một ông vua hay hoàng đế cũng không thể tự mình cai quan hết mọi vấn đề trong đời sống của một quốc gia. Chính vì vậy, các vị vua thường vẫn thường phải cử các quan lại, tướng lĩnh thay mặt mình để đi do thám, tuần tra, giữ yên bờ cõi, làm yên lòng dân chúng. Mỗi quan lại, tướng lĩnh lúc đó được ủy quyền thực hiện lệnh của vua/hoàng đế. Được sắc phong một chức quan là được giao những quyền hạn nhất định, kể cả quyền quyết định đến sinh mệnh của dân. Nhưng trong chế độ tập quyền thì những quyền hạn này có thể bị vua lấy đi bất cứ lúc nào. Đó là bản chất của nhà nước chuyên chế, một dạng cổ điển của chế độ tập quyền có phân chia trách nhiệm, thực hiện thông qua các hình thức phân công, phân cấp, ủy quyền.
Tập quyền trong tiếng Anh là “centralization”.
2. So sánh nguyên tắc tập quyền với nguyên tắc phân quyền:
2.1. Điểm giống nhau:
– Đều hướng đến mục đích của nhà nước là bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Quyền con người là quyền tự nhiên, vốn có của con người từ lúc sinh ra chứ không phải sự ban phát hay trao quyền từ phía nhà nước. Dù nhà nước được tổ chức quyền lực theo nguyên tắc tập quyền hay phân quyền thì cũng đều nhằm giúp bảo vệ, bảo đảm quyền con người được thực hiện, không bị xâm hại.
– Đều là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước. Theo đó, quyền lực nhà nước là hình thức đặc biệt của quyền lực chính trị, là quyền lực đặc biệt vì gắn với một tổ chức đặc biệt là nhà nước và được thực hiện bằng các hình thức và phương pháp đặc biệt đó là quyền lực công. Quyền lực nhà nước là sự lãnh đạo chính trị đối với xã hội dựa vào sức mạnh của bộ máy nhà nước.
2.2. Điểm khác nhau:
– Khái niệm:
+ Nguyên tắc tập quyền: Tập quyền tức là nguyên tắc tổ chức quyền lực tập trung vào một cá nhân hoặc một cơ quan và nó có thể chi phối đến sự hình thành hoặc hoạt động của các cơ quan nhà nước khác.
+ Nguyên tắc phân quyền: Là nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước được phân tách thành các nhánh quyền lực riêng rẽ gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp, ngang bằng nhau, độc lập và kiềm chế đối trọng nhau.
– Ưu điểm:
+ Nguyên tắc tập quyền:
Đảm bảo quyền lực không bị phân tán
Các hoạt động, đường lối chính sách được thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, không có sự tranh giành quyền lực giữa các cơ quan
+ Nguyên tắc phân quyền:
Tránh sự chuyên quyền, độc tài trong việc thực hiện quyền lực nhà nước
Có sự phân định rõ ràng, rành mạch về phạm vi quyền lực nhà nước nên đề cao được tính trách nhiệm của mỗi nhánh quyền lực
– Nhược điểm:
+ Nguyên tắc tập quyền:
Chuyên chế, duy ý chí, độc tài
Thiếu sự phân định phạm vi quyền lực nhà nước nên không đề cao được trách nhiệm của các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp
Thiếu sự kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan dẫn đến dễ xảy ra việc lạm dụng quyền lực, quan liêu
Phủ nhận tính độc lập tương đối giữa các quyền nên hạn chế tính năng động, hiệu quả và trách nhiệm của mỗi quyền
+ Nguyên tắc phân quyền:
Dễ tranh chấp, giành nhiều quyền lực về cơ quan mình
Không có sự đồng bộ, thống nhất và gắn kết giữa các cơ quan
3. Nguyên tắc tổ chức quyền lực ở Việt Nam hiện nay:
Tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước là một nội dung quan trọng của chế độ chính trị được ghi nhận trong các bản Hiến pháp của Việt Nam. Nội dung này chi phối quá trình thiết lập và tổ chức bộ máy nhà nước, cũng như cơ chế vận hành các cơ quan trong bộ máy nhà nước nhằm bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước được quy định tại
“Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” và “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.
Thứ nhất, quyền lực nhà nước là thống nhất. Theo đó, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và tập trung vào Quốc hội theo nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa. Với nhận thức nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, nhưng vì không thực hiện được quyền lực nhà nước một cách trực tiếp nên đã trao toàn bộ quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội.
Trong khi nhiều nước trên thế giới, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập” với những biến thể khác nhau, thì ở nước ta ba nhánh quyền lực này lại không tổ chức theo hướng độc lập và đối trọng với nhau, mà chỉ có sự phân công, phối hợp và kiểm soát, cách thức tổ chức quyền lực này tạm gọi là nguyên tắc thứ cấp “phân – hợp – kiểm”. Trong điều kiện xã hội hiện đại và thể chế nhà nước đơn nhất, chúng ta chỉ vận dụng yếu tố hợp lý của học thuyết phân quyền là sự phân công quyền lực, chứ không áp dụng toàn bộ nội dung học thuyết này.
Quyền lực nhà nước không phải sự cộng lại đơn thuần của các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, mà có thể yêu cầu chúng tách biệt, độc lập khỏi nhau. Mỗi cơ quan không chỉ thuần túy, đơn phương thực hiện một quyền, mà không tham gia vào việc thực hiện các quyền khác. Các cơ quan dù được phân nhiệm thực hiện các quyền khác nhau, nhưng trong quá trình thực hiện quyền hạn của mình đều phải có sự phối hợp với các cơ quan khác.
Thứ hai, quyền lực nhà nước có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. So với quyền lực nhà nước là thống nhất thì phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thể hiện vai trò thứ yếu, hỗ trợ, bổ sung. Điều này có nghĩa là việc phân công, phối hợp, kiểm soát phải dướng đến thống nhất thực hiện quyền lực nhà nước.
– Phân công: mặc dù có sự phân định ba quyền nhưng cả ba quyền lập, hành, tư pháp không tách biệt hoàn toàn mà “ràng buộc lẫn nhau” . Mục đích của việc phân công quyền lực nhà nước là để giao phó cho các cơ quan nắm giữ một phần quyền lực nhà nước hướng đến việc kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm tính pháp quyền của nhà nước để tăng cường sự giám sát từ phía nhân dân, chứ không phải để phân chia, tách biệt các nhánh quyền lực nhà nước.
– Phối hợp: là sự kết hợp các hoạt động của các cơ quan lại với nhau theo một cách thức nhất định để bảo đảm cho các cơ quan đó thực hiện đầy đủ, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm tạo ra sự thống nhất, đồng thuận và hiệu quả trong việc các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.
– Kiểm soát: mục đích chính của kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm ngăn chặn, hạn chế sự lạm quyền của một bộ phận quyền lực trong bộ máy nhà nước. Tinh thần dùng quyền lực để chế ước, kiểm soát quyền lực đã được Đảng ta thừa nhận và trở thành quan điểm chỉ đạo trong việc thiết kế mô hình quyền lực trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực có quan hệ chặt chẽ với nhau. Phân công quyền lực là cơ sở, tiền đề cho kiểm soát quyền lực còn phân công để xác định rõ chức năng, thẩm quyền của mỗi nhánh quyền lực.
Qua những phân tích trên có thể thấy từ phương diện pháp lý, bản chất của tổ chức quyền lực nhà nước là việc chủ thể của quyền lực (nhân dân) sử dụng các phương tiện pháp lý để hiện thực hóa chủ quyền nhân dân, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân, đảm bảo quyền lực nhà nước nằm trong quỹ đạo phục vụ nhân dân.