Hiện nay, tấn công vũ trang là một vấn đề nhạy cảm đối với vấn đề an ninh chính trị toàn cầu. Hàng rào pháp lý cũng đã quy định cụ thể về quyền tự vệ hợp pháp của quốc gia trong những trường hợp an ninh chính chị bất ổn hoặc bị xâm hại. Cùng tìm hiểu về quyền tự vệ hợp pháp của quốc gia theo Luật quốc tế.
Mục lục bài viết
1. Quyền tự vệ hợp pháp là gì?
Quyền tự vệ chính đáng là một trong hai ngoại lệ được công nhận rộng rãi của nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế. Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc quy định quyền tự vệ là một quyền tự nhiên của các quốc gia khi bị tấn công vũ trang.
“Điều 51: Không có một điều khoản nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp thành viên Liên hợp quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng bảo an chưa áp dụng được những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Những biện pháp mà các thành viên Liên hợp quốc áp dụng trong việc bảo vệ quyền tự vệ chính đáng ấy phải được báo ngay cho Hội đồng bảo an và không được gây ảnh hưởng gì đến quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng bảo an, chiểu theo Hiến chương này, đối với việc Hội đồng bảo an áp dụng bất kỳ lúc nào những hành động mà Hội đồng thấy cần thiết để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.”
Do là quyền tự nhiên nên quyền này cũng tồn tại trong tập quán quốc tế, độc lập với quy định điều ước trong Hiến chương.
Quyền tự vệ hợp pháp tiếng anh là “Legal self-defense”.
2. Quyền tự vệ hợp pháp của quốc gia theo Luật quốc tế:
Điều 51 quy định việc tự vệ bằng vũ lực chỉ có thể khi bị tấn công vũ trang và trong khi Hội đồng Bảo an chưa có quyết định áp dụng biện pháp cần thiết. Tranh cãi nhiều nhất cho đến hiện nay liên quan đến khái niệm “tấn công vũ trang”, cụ thể hơn là làm thế nào và với tiêu chí nào thì một hành vi bạo lực được xem là tấn công vũ trang vào nước khác, qua đó kích hoạt quyền tự vệ.
Trong phán quyết kinh điển của mình trong Vụ Hoạt động quân sự và bán quân sự ở Nicaragua (Nicaragua v Mỹ) năm 1986,
Theo Tòa, tấn công vũ trang phải là hành vi sử dụng vũ lực ở mức nghiêm trọng nhất. Các hành vi ít nghiêm trọng hơn như đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực xâm phạm biên giới quốc tế, để buộc giải quyết tranh chấp, trả đũa bằng vũ lực, sử dụng vũ lực ngăn chặn các dân tộc thực thi quyền bình đẳng và tự quyết, tổ chức hay khuyết khích tổ chức các nhóm vũ trang không chính quy, bao gồm cả lính đánh thuê, tấn công vào lãnh thổ nước khác, hoặc tổ chức, xúi giục, hỗ trợ, tham gia vào các cuộc bạo động dân sự, hoạt động khủng bố ở nước khác, dung dưỡng cho các hoạt động có tổ chức trong lãnh thổ của mình để thực hiện các hành vi trên.
Như vậy, theo quan điểm của Tòa, vào thời điểm năm 1986, những hành vi sử dụng vũ lực nêu trên, do ít nghiêm trọng, nên không được xem là tấn công vũ trang và do đó không thể kích hoạt quyền tự vệ. Cụ thể hơn, Tòa cho rằng hành vi cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập ở nước khác không cấu thành tấn công vũ trang (trong vụ này là việc Nicaragua cung cấp vũ khí cho phe đối lập ở El Salvador).
Tiêu chí để xác định và phân biệt giữa hành vi sử dụng vũ lực thông thường và hành vi tấn công vũ trang được Tòa sử dụng là tiêu chí được quy định ở Tuyên bố về Định nghĩa hành vi xâm lược (Nghị quyết 3314 (XXIX) của Đại hội đồng Liên Hợp quốc năm 1974). Tòa quy định tập quán quốc tế và ghi nhận “nhận thức chung về bản chất của hành vi cấu thành tấn công vũ trang”.
Cụ thể, một cuộc tấn công vũ trang phải được hiểu không chỉ bao gồm các hành động của lực lượng vũ trang chính quy xuyên qua biên giới quốc tế, mà còn bao gồm cả ‘việc gửi bởi hoặc trên danh nghĩa của một Quốc gia các nhóm, băng nhóm, lính đánh thuê hay lính không chính quy có vũ trang để thực hiện các hành vi vũ lực vũ trang chống lại một Quốc gia khác với mức độ nghiêm trọng tương đương’ với hành vi tấn công vũ trang thực sự được thực hiện bởi lực lượng chính quy, ‘hoặc nước này có dính líu thực chất… quy định cấm tấn công vũ trang có thể được áp dụng cho việc một Quốc gia gửi các nhóm vũ trang sang lãnh thổ một Quốc gia khác, nếu hành động này, do quy mô và tác động của nó, cũng được xem là một cuộc tấn công vũ trang hơn chỉ là một xung đột biên giới thuần túy như được thực hiện bởi lực lượng vũ trang chính quy. Tuy nhiên Tòa không tin rằng khái niệm ‘tấn công vũ trang’ không chỉ bao gồm các hành vi của các nhóm vũ trang khi hành vi đó ở quy mô đáng kể mà còn bao gồm việc hỗ trợ cho các nhóm nổi loạn thông qua việc cung cấp vũ khí, hậu cần hay các hỗ trợ khác… chính Quốc gia là nạn nhân bị tấn công vũ trang phải xác định và đưa ra tuyên bố quan điểm rằng nước này bị tấn công vũ trang.
Như vậy, trong đoạn phán quyết quan trọng này, Tòa ICJ đưa ra điểm quan trọng.
Thứ nhất, tấn công vũ trang có thể được thực hiện bởi lực lượng vũ trang chính quy hoặc các nhóm vũ trang phi chính quy do một quốc gia gửi sang quốc gia khác hoặc thực hiện hành vi tấn công vũ trang trên danh nghĩa của quốc gia đó. Tiêu chí để xác định ở đây là mối liên hệ giữa nhóm/đơn vị thực hiện hành vi tấn công vũ trang và quốc gia bị cáo buộc tấn công vũ trang, mà không cần thiết chú ý đến quân chinh quy hay quân không chính quy, kể cả chỉ là lính đánh thuê đa quốc tịch.
Thứ hai, về bản chất của tấn công vũ trang, Tòa chỉ nói một cách chung chung và chỉ xác định một tiêu chí khá mơ hồ là “quy mô và tác động đáng kể”. Tiêu chí này có vẻ tương ứng với tiêu chí phân biệt dựa vào “mức độ nghiêm trọng” nêu ở trên.
Thứ ba, chính quốc gia bị tấn công vũ trang phải tự mình xác định liệu mình có bị tấn công vũ trang hay không; và chỉ có quốc gia này mới có quyền như thế. Như vậy có thể thấy một tiêu chí khác cần xem xét đến, bên cạnh tiêu chí quy mô và tác động đáng kể, là liệu quốc gia liên quan có tự mình xem mình bị tấn công vũ trang hay không. Trong vụ kiện này, đây là yếu tố khá quan trọng khi Tòa xem xét. Tòa còn xem xét rằng liệu quốc gia (trong trường hợp này là Mỹ) khi sử dụng vũ lực có viện dẫn Điều 51, có tuyên bố thực hiện quyền tự vệ tập thể, hay nói chung là có tự tuyên bố là tự vệ chống lại tấn công vũ trang hay không hay những quốc gia bị tấn công có tuyên bố hay không và nếu có thì ngay lập tức hay sau đó. Trong Vụ Công v. Uganda, một trong những bằng chứng hoàn cảnh mà Tòa xem xét đến để biết quan điểm các bên là liệu quốc gia liên quan có báo cáo cho Hội đồng Bảo an theo đúng quy định thủ tục của Điều 51 hay không. Có thể thấy, quan điểm của các quốc gia liên quan, mặc dù là chủ quan, nhưng sẽ rất quan trọng, đặc biệt trong trường hợp bằng chứng không đầy đủ.
Có thể thấy Vụ Nicaragua v. Mỹ này đã chỉ cung cấp một hình dung cơ bản về những yếu tố cần quan tâm khi xác định liệu một hành vi sử dụng vũ lực đạt mức cấu thành tấn công vũ trang hay không. Không phải tất cả hành vi sử dụng vũ lực đều là hành vi tấn công vũ trang, qua đó kích hoạt quyền tự vệ. Hai yếu tố quan trọng nhất là mức độ nghiêm trọng về quy mô và tác động của hành vi và quan điểm đánh giá của quốc gia liên quan. Tùy từng vụ việc và những bằng chứng trực tiếp cũng như bằng chứng hoàn cảnh mà kết luận đưa ra có thể khác nhau.
3. Các loại tự vệ hợp pháp trong luật quốc tế:
Có hai loại quyền tự vệ hợp pháp trong luật quốc tế được gọi là “tự vệ phủ đầu” và “tự vệ phòng ngừa”, cụ thể:
Tự vệ phủ đầu (tiếng anh là preemptive self-defence)
Sự kiện 11/9 năm 2001 tại Mỹ đã khiến chính quyền Tổng thống Bush phải đưa ra chiến lược an ninh quốc gia mới, mạnh mẽ hơn vào năm 2002 – học thuyết tự vệ phủ đầu. Mỹ cho rằng: “luật pháp quốc tế công nhận rằng các quốc gia không cần phải bị tấn công trước khi họ có thể tự vệ hợp pháp chống lại các lực lượng là mối nguy cơ đe dọa tấn công khẩn cấp… Các học giả và luật gia quốc tế thường đặt điều kiện cho tính chính đáng của tự vệ phủ đầu dựa trên sự tồn tại của mối đe dọa khẩn cấp – ví dụ thường thấy như việc điều chuyển công khai quân đội, hải quân, không quân chuẩn bị tấn công.”
Quan điểm của Mỹ cũng được Anh ủng hộ. Hơn nữa, Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Anan cũng thể hiện quan điểm ủng hộ trong một báo cáo năm 2005 của ông trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông viết: “các mối đe dọa khẩn cấp được điều chỉnh đầy đủ theo Điều 51, theo đó bảo đảm quyền tự vệ tự nhiên của các quốc gia có chủ quyền nhằm tự vệ chống lại tấn công vũ trang. Các luật sư đã từ lâu công nhận Điều này bao quát cả các nguy cơ bị tấn công khẩn cấp cũng như các cuộc tấn công vũ trang đã xảy ra.”
Nhiều học giả ủng hộ học thuyết này thường viện dẫn Vụ Caroline vào đầu thế kỷ XIX, theo đó cho rằng quyền tự vệ phủ đầu có thể được thực hiện nếu tình huống có tính cấp thiết ngay lập tức và áp đảo, không có biện pháp khác (ngoài sử dụng vũ lực) và không có thời gian để cân nhắc. Họ cũng viện dẫn rằng các tiêu chí trong Vụ Caroline đã được Tòa án Quân sự Nuremberg công nhận.
Mặc dù tự vệ phủ đầu xuất phát từ một vụ việc kinh điển (Vụ Caroline), và sau đó được Tòa Nuremberg tái viện dẫn, nhưng cho đến nay không có bất kỳ vụ việc nào đề cập đến quyền tự vệ này, theo kiến thức của tác giả. Thậm chí, trong Vụ Nicaragua v. Mỹ, Tòa ICJ đã khẳng định rằng “việc thực hiện quyền tự vệ giả định trước rằng đã có tấn công vũ trang xảy ra” và Tòa từ chối đưa ra quan điểm về tính hợp pháp của các hành động ứng phó lại mối đe dọa tấn công vũ trang khẩn cấp. Trong bài viết của mình Sean D. Murphy, hiện là thành viên của Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC), cũng đã cho biết có đến 04 trường phái quan điểm khác nhau về tự vệ phủ đầu. Trong kết luận của mình ông cho rằng hầu hết các luật sư quốc đều không ủng hộ tự vệ phủ đầu, nhưng tranh cãi vẫn còn và sẽ tiếp tục tồn tại. Kết luận của Sean D. Murphy cũng là kết luận của tác giả, đây là vấn đề còn tranh cãi và chưa thực sự rõ ràng là liệu luật pháp quốc tế có quyền tự vệ phủ đầu hay không.
Tự vệ phòng ngừa (tiếng anh là preventive self-defence)
Khác với tự vệ phủ đầu, tự vệ phòng ngừa có vẻ nhận được ít sự ủng hộ hơn. Do tự vệ phòng ngừa được hiểu là tự vệ đối với mối nguy cơ bị tấn công vũ trang chưa thực sự hiện hữu hoặc sẽ chỉ hình thành trong tương lai. Hay một định nghĩa khác rằng tự vệ phòng ngừa là việc sử dụng vũ lực để tự vệ nhằm ngăn chặn một mối đe dọa bị tấn công vũ trang nghiêm trọng trong tương lai, mà không chắc chắn liệu khi nào và ở đâu vụ tấn công sẽ xảy ra.
Lý do để tự vệ phòng ngừa ít được ủng hộ có thể là do học thuyết này loại trừ mọi khả năng đưa ra đánh giá pháp lý hồi tố do nó hướng đến xử lý các đe dọa chưa hình thành. Ngoài ra, nếu chấp nhận học thuyết tự vệ phòng ngừa thì sẽ ra nguy cơ lạm dụng quyền tự vệ chống lại các mối đe dọa chưa hình thành và mơ hồ. Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan trong khi ủng hộ tự vệ phủ đầu là quyền tự vệ của các quốc gia nhưng lại cho rằng khi mối đe dọa không khẩn cấp và chỉ tiềm ẩn thì quyền hành động chỉ thuộc về Hội đồng Bảo an, và do đó các quốc gia không có quyền tự vệ đối với những mối đe dọa xa xôi này.
Trong tiếng Anh, có ba thuật ngữ sử dụng và chưa thống nhất nhau: Nhưng dù được định nghĩa thế nào thì nội dung chính của quyền tự vệ này là tự vệ khi chưa bị tấn công vũ trang, mà chỉ là mối đe dọa bị tấn công. Sự khác nhau nằm ở chỗ mối đe dọa đó có nhãn tiền, khẩn cấp, ngay lập tức hay là mối đe dọa sẽ nhãn tiền trong tương lai nếu không có hành động trước.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945.