Đối với cán bộ, công chức, viên chức khi muốn luân chuyển nơi công tác đều cần phải tuân theo những quy định của pháp luật. Tại bài viết này, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản theo quy định của pháp luật về điều kiện và trình tự thủ tục chuyển nơi công tác của viên chức.
Mục lục bài viết
- 1 1. Nơi công tác là gì?
- 2 2. Điều kiện chuyển nơi công tác của viên chức:
- 3 3. Trình tự thủ tục chuyển công tác của công chức viên chức:
- 4 4. Mẫu đơn xin chuyển công tác:
- 5 5. Một số lưu ý khi viết đơn xin luân chuyển, điều động công tác:
- 6 6. Ý nghĩa của đơn xin chuyển công tác:
- 7 7. Cần làm gì khi thuyên chuyển công tác:
1. Nơi công tác là gì?
Nơi công tác hay còn gọi là nơi làm việc là địa điểm, không gian mà người lao động phải có mặt để thực hiện nghĩa vụ lao động, theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.
Nơi công tác tiếng Anh là “Work place”.
2. Điều kiện chuyển nơi công tác của viên chức:
Thông tư 03/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ sửa đổi quy định tuyển dụng công chức, viên chức…. chỉ rõ
– Khi viên chức chuyển đến cơ quan, đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp đang làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật (Trước đây không đề cập đến việc giải quyết chế độ, chính sách);
– Trường hợp viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác thì không thực hiện việc tuyển dụng mới và không giải quyết chế độ thôi việc (Quy định mới được bổ sung).
Theo quy định tại điều 26 Luật cán bộ, công chức 2008 , trong những trường hợp sau đây thì cần điều động cán bộ công, viên chức:
– Có nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể phù hợp với tình hình hiện tại của công việc
– Khi có yêu cầu chuyển đổi vị trí làm việc theo quy định của pháp luật
Khi các cơ quan, tổ chức có kế hoạch về việc sử dụng cán bộ viên chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phải luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan, đơn vị với nhau thì cán bộ viên chức phải thực hiện theo quyết định đó
Điều kiện để luân chuyển cán bộ:
– Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có kế hoạch luân chuyển cán bộ viên chức và đã được cấp trên phê duyệt thì cán bộ viên chức đó phải thực hiện theo quy định
– Việc luân chuyển cán bộ viên chức giữa các ngành, giữa trung ương và địa phương nhằm đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ
– Thực hiện khi có sự phê duyệt của cấp trên và đối tượng cán bộ viên chức được luân chuyển là người giữ chức lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch vào các chức vụ cao hơn
Ngoài việc luân chuyển điều động thì việc chuyển công tác còn do nhu cầu, ý chí tự nguyện của từng cán bộ, công chức, viên chức.
3. Trình tự thủ tục chuyển công tác của công chức viên chức:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ gồm có:
– Đơn xin chuyển nơi công tác ( (có kí xác nhận và đóng dấu của cơ quan chủ quản)
– Văn bản đồng ý tiếp nhận của cơ quan mới
– Sơ yếu lý lịch cá nhân hợp lệ ( có dán ảnh và xác nhận của thủ trưởng cơ quan )
– Văn bằng, chứng chỉ (nếu có bản sao công chứng, chứng thực)
– Bản sao công chứng, chứng thực quyết định mức lương hiện tại
– Bản sao
– Bản sao chứng thực của giấy tờ tùy nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu.
– Giấy tờ tùy thân: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu (bản sao công chứng, chứng thực)
Bước 2: Nộp hồ sơ
Cán bộ, viên chức nộp hồ sơ trực tiếp tại phòng tổ chức cán bộ hoặc tại sở nội vụ.
Trong vòng 03 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ xác nhận nội dung trong hồ sơ.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, trong thời hạn 3 tháng từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, và xác nhận nội dung trong hồ sơ.
Nếu hồ sơ hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định gửi đến các cơ quan có liên quan.
Bước 4: Nhận quyết định chuyển công tác
Cán bộ, viên chức nhận quyết định chuyển công tác tại cơ quan có thẩm quyền và nhận giấy thôi trả lương tại phòng tài vụ để nộp về cơ quan mới.
Phòng tổ chức cán bộ/ sở nội vụ có nghĩa vụ báo giảm lao động đóng bảo hiểm xã hội trước ngày cán bộ viên chức nghỉ là 05 ngày để hoàn tất thủ tục chốt, trả sổ bảo hiểm. Sau khi hoàn tất thủ tục thì cán bộ, viên chức sẽ được thông báo nhận lại giấy tờ liên quan để nộp về cơ quan mới.
4. Mẫu đơn xin chuyển công tác:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN XIN CHUYỂN CÔNG TÁC
Kính gửi (1):
Tên tôi là: Giới tính:………………
Ngày tháng năm sinh: …………
Nơi sinh (2): …………
Hộ khẩu thường trú (3):………………..
Nơi ở hiện nay (4): ……………
Trình độ chuyên môn (5):………..
Đơn vị công tác hiện nay (6):……………
Chức vụ, công việc đang đảm nhiệm (7): ………
Quá trình công tác của bản thân (8):
Lý do xin chuyển công tác (9):
Đơn vị xin chuyển đến (10):……….
Tôi cam đoan sẽ chấp hành nghiêm túc các nội quy, quy định và hoàn thành công việc bàn giao cho đơn vị đang công tác đầy đủ và đúng hạn.
Kính đề nghị (11)…………………………. xem xét, chấp thuận cho tôi được chuyển công tác theo nguyện vọng.
Tôi xin chân thành cám ơn.
…….., ngày…….. tháng…… năm ……..
Ý kiến của thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp Người làm đơn
——————————————————————–
Cách khai đơn xin chuyển công tác
(1) Người viết đơn cần xác định chính xác mình đang làm việc, đang công tác ở đâu, nắm rõ thông tin về cơ quan đoàn thể, tổ chức để có lời kính gửi tới người, cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc xem xét, quyết định phê duyệt nguyện vọng xin chuyển công tác.
(2) Nơi sinh: Ghi rõ thôn/xóm/ấp/buôn, xã/phường/thị trấn, quận/huyện, tỉnh/thành phố.
(3) Hộ khẩu thường trú: Ghi chính xác địa chỉ đăng ký thường trú theo sổ hộ khẩu.
(4) Nơi ở hiện nay: Ghi rõ xã/phường/thị trấn, quận/huyện, tỉnh/thành phố.
(5) Mục này người khai ghi rõ: Chuyên ngành đào tạo; Kết quả đào tạo: Xuất sắc, giỏi, tốt, khá, trung bình – khá, yếu; Hệ đào tạo: Chính quy, văn bằng 2, tại chức, bổ túc,…
(6) Ghi tên đơn vị, cơ quan, bộ phận, chi nhánh hiện đang công tác, làm việc (tránh nhầm lẫn với nơi muốn chuyển đến).
(7) Ghi rõ chức vụ, công việc đang đảm nhiệm: giáo viên, nhân viên, sĩ quan, trưởng phòng, đội trưởng đội cơ động,…
(8) Người lao động ghi rõ quá trình công tác, làm việc của bản thân từ gần nhất.
(9) Ghi chi tiết và hợp lý hoàn cảnh của gia đình hoặc bản thân có liên quan đến việc muốn chuyển công tác. Đây sẽ là căn cứ quyết định việc có được duyệt đơn hay không.
(10) Ghi tên, địa chỉ và các thông tin liên quan (nếu có) của nơi mà người lao động muốn chuyển đến.
(11) Thủ trưởng đơn vị, cơ quan hữu quan có thẩm quyền giải quyết.
5. Một số lưu ý khi viết đơn xin luân chuyển, điều động công tác:
Một lá đơn xin chuyển công tác hay trước tiên cần đảm bảo đầy đủ các nội dung. Trong đó, phần thông tin liên quan đến người được thuyên chuyển cần phải ghi đầy đủ chính xác. Nếu phát hiện có thông tin gian dối, sai lệch được kê khai trong đơn người viết sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể khiến bạn bị khai trừ nên phải đặc biệt lưu ý.
Lý do xin chuyển được xem là trọng tâm của các lá đơn xin chuyển công tác. Để nói ra một lý do thì rất nhiều tuy nhiên nó cần phải có tình thuyết phục và chính xác mới giúp đơn của bạn có cơ hội được xét duyệt cao. Ngoài ra, dù là viết tay hay đánh máy bạn cũng chỉ nên sử dụng ngôn từ đơn giản, một nghĩa, không rườm rà và nêu đúng trọng tâm lý do của mình.
Mặc dù nghỉ việc và chuyển đến một đơn vị công tác mới nhưng người làm đơn nên cam đoan hoàn thành tốt công việc đã được giao và đồng thời sẽ chịu trách nhiệm
6. Ý nghĩa của đơn xin chuyển công tác:
Tùy vào nhu cầu, vị trí việc làm của người muốn chuyển công tác mà đơn xin chuyển công tác có ý nghĩa khác nhau:
– Nhân viên công ty muốn chuyển tới một bộ phận khác phù hợp với năng lực bản thân và có thể phát triển bản thân với công việc đó;
– Người lao động muốn chuyển tới làm việc tại chi nhánh ở quê để gần với gia đình;
– Giáo viên muốn chuyển tới dạy tại một trường khác trong huyện;
– Công an muốn chuyển tới làm việc tại một đơn vị khác trong tỉnh;
……
Nhờ có đơn xin chuyển công tác mà những người có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định có phê duyệt lời đề nghị này hay không.
7. Cần làm gì khi thuyên chuyển công tác:
Dù là vì lý do gì khiến bạn phải thuyên chuyển công tác thì vẫn nên giữ thái độ hòa nhã với mọi người và đặc biệt không được nói xấu hay chế giễu đồng nghiệp, lãnh đạo. Trước tiên, điều này giúp thể hiện được thái độ chuyên nghiệp của bạn. Ngoài ra, trong cuộc sống rất thể bạn gặp phải các khó khăn cần đến sự giúp đỡ của họ nên đừng vội đánh mất các mối quan hệ đã có.
Luân chuyển công tác cũng giống như các hình thức nhảy việc, bạn sẽ phải làm quen với điều kiện làm việc mới, áp lực mới và đồng nghiệp mới. Thông thường, chúng ta thường thực hiện hoạt động luân chuyển nội bộ hoặc công việc tương tự để thích ứng tốt hơn. Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào bạn vẫn cần khéo léo để giao tiếp, tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp cả trong công việc cũng như các khía cạnh khác. Bên cạnh đó, bạn cũng phải nắm bắt cơ hội, vận dụng các kiến thức kỹ năng nhằm khẳng định được thực lực của mình và ghi điểm với cấp trên.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật cán bộ, công chức 2008;
– Thông tư 03/2019/TT-BNV.