An ninh nông thôn là nền tảng của an ninh quốc gia. An ninh nông thôn có vững mạnh thì an ninh quốc gia mới được đảm bảo. Vậy an ninh nông thôn là gì? Các giải pháp và công tác đảm bảo an ninh nông thôn được triển khai là gì?
Mục lục bài viết
1. An ninh nông thôn là gì?
An ninh nông thôn là sự ổn định và phát triển vững chắc về chính trị, kinh tế, tư tưởng – văn hóa, xã hội ở nông thôn, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng hoạt động hiệu quả, không để xảy ra các vụ việc phức tạp gây mất ổn định.
Mỗi khi mâu thuẫn trong nhân dân ở các vùng nông thôn không được giải quyết kịp thời và thỏa đáng, khi những quyền lợi chính đáng của người dân không được bảo vệ kịp thời dễ dẫn đến mâu thuẫn dồn nén, khi có thời cơ sẽ bùng phát, thậm chí có nguy cơ trở thành bạo lực, xung đột. Do đó, nếu những yếu kém, quan liêu, xa dân, có sai phạm của tổ chức đảng và chính quyền cơ sở, nhất là trong giải quyết những mâu thuẫn xã hội nảy sinh không kịp thời, để kéo dài… sẽ là những cơ hội để các thế lực thù địch tìm cách nhân rộng “điểm nóng”.
Những năm gần đây, các thế lực thù địch đánh giá “nông thôn Việt Nam là một địa bàn trọng yếu”, từ đó xác định “phải triển khai một hướng chiến lược nhằm vào nông thôn, tập hợp lực lượng nông dân, mất nông dân thì Đảng Cộng sản Việt Nam mất chỗ dựa chủ yếu”.
Chính từ những đánh giá, nhận định trên, các thế lực thù địch và phần tử xấu đã, đang và sẽ tiếp tục triệt để lợi dụng những tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số và những vấn đề do lịch sử để lại, vấn đề dân sinh, dân chủ, quyền con người, quyền công dân để kích động, tập hợp lực lượng, móc nối lôi kéo, tạo dựng ngọn cờ, thực hiện ý đồ biểu tình, bạo loạn lật đổ.
Chúng triệt để lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội của các cơ quan, chính quyền các cấp; khai thác thông tin từ những vụ việc tiêu cực xảy ra trong đời sống để xuyên tạc, thổi phồng; lấy hiện tượng quy kết thành bản chất; đăng tải thông tin thật, giả lẫn lộn…
Chúng đưa tin, tuyên truyền sai bản chất sự việc, hiện tượng, làm cho người dân có cái nhìn thiên lệch về những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội, dẫn đến hoài nghi, mơ hồ, thiếu niềm tin vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Qua đó, tác động làm gia tăng các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và kích động xã hội nảy sinh quan điểm tùy tiện, phản biện vô nguyên tắc, phản đối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kêu gọi từ bỏ Đảng, chủ nghĩa Mác – Lênin…
An ninh nông thôn trong tiếng Anh được dịch là Rural security.
Núp dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, chúng đã và sẽ tiếp tục tuyên truyền, kích động và khơi dậy sự phản kháng của những kẻ bất mãn, những phần tử cơ hội, thoái hóa biến chất, những người trước đây cộng tác với chế độ cũ, hiện đang sinh sống trên địa bàn; kích động nhân dân khiếu kiện chính quyền, đòi lấy đất của các nông trường, trạm, trại để chia cho người dân; kích động người dân theo các tôn giáo đòi lại đất của các cơ sở thờ tự trước đây đã hiến cho Nhà nước cũng như đòi cấp đất để xây dựng nhà thờ, nhà nguyện; gia tăng tổ chức xây dựng các cơ sở thờ tự cũng như tổ chức sinh hoạt đạo trái phép, từ đó lợi dụng việc xử lý của các cấp chính quyền để xuyên tạc ta đàn áp, không cho tự do sinh hoạt tôn giáo…
2. Các giải pháp bảo đảm an ninh nông thôn:
Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025, Bộ Công an đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện như sau:
Một là, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Đề án của Chính phủ về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới”, dự kiến trình Chính phủ ban hành vào tháng 10/2019.
Hai là, chủ động nắm tình hình, kịp thời tham mưu phục vụ cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới; trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đẩy nhanh tiến độ, chất lượng xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”; Chỉ thị số 06/CT-BCA-C41 ngày 20/10/2016 của Bộ Công an về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội ở địa bàn nông thôn, góp phần phục vụ xây dựng nông thôn mới trong tình hình hiện nay.
Ba là, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quyết định, chương trình, kế hoạch và phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành các văn bản thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 – 2025; rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung tiêu chí an ninh, trật tự xã hội trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bốn là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và thông tin những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm để nâng cao cảnh giác, nhận thức, hiểu biết pháp luật. Xây dựng, nhân rộng xã đạt tiêu chí An ninh, trật tự xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Tham mưu đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Năm là, kịp thời phát hiện đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch phản động; giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện ngay tại cơ sở, không để xẩy ra việc khiếu kiện đông người vượt cấp trái pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Tập trung đấu tranh, triệt xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, không để gia tăng tội phạm, không để tội phạm lộng hành.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm, không để xảy ra các trường hợp oan, sai trong hoạt động điều tra, gây bức xúc dư luận xã hội ở địa bàn nông thôn. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ; quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý cư trú, quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Sáu là, thường xuyên đổi mới hình thức, nội dung phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; làm tốt công tác vận động quần chúng, huy động và phát huy ngày càng tốt hơn sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở trong phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự ngay tại cơ sở, nhất là vận động, tranh thủ chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn dân cư. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng chiến đấu giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân và các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bảy là, tiếp tục đẩy mạnh việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
3. Ý nghĩa của an ninh nông thôn:
Khu vực nông thôn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân luôn luôn là vấn đề chiến lược trong đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước ta. Với nền tảng là một quốc gia nông nghiệp, khu vực nông thôn chiếm phần lớn diện tích ở nước ta. Nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã góp phần đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của quốc gia. Mặc dù hiện nay, quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ nhưng nông thôn vẫn giữ vai trò quan trọng trong cả nước. Theo số liệu thống kê năm 2016, cả nước có 60,64 triệu người sống ở nông thôn, chiếm 65,4% dân số cả nước. Nông thôn là nơi tập trung nguồn lao động lớn, là thị trường tiêu thụ rộng lớn, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Địa bàn nông thôn nước ta có 54 dân tộc khác nhau, bao gồm nhiều tầng lớp, nhiều thành phần, mỗi biến động tích cực hay tiêu cực đều có tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế, chính trị; xã hội, an ninh quốc phòng. Sự ổn định tình hình nông thôn sẽ góp phần quan trọng để đảm bảo tình hình ổn định của đất nước.
Tình hình an ninh, trật tự ở các vùng nông thôn Việt Nam có những diễn biến phức tạp.
Thời gian gần đây, tình hình an ninh, trật tự tại các vùng nông thôn Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài ở nhiều vùng nông thôn, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tình trạng mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, mâu thuẫn giữa quần chúng nhân dân với một bộ phận cán bộ chính quyền. Cán bộ chính quyền cơ sở ở các vùng nông thôn vi phạm các quyền tự do dân chủ, làm sai chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có xu hướng gia tăng, khiến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chính quyền giảm sút. Cùng với đó, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội ở các vùng nông thôn cũng đang diễn biến phức tạp. Điều này đã và đang khiến tình hình an ninh, trật tự ở các vùng nông thôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn các nguy cơ khó lường.
An ninh nông thôn cần phải được quan tâm trong thời gian tới.
An ninh nông thôn là nền tảng của an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, và của cả các cấp, các ngành. Để an ninh nông thôn được giữ vững, chúng ta phải phát huy mối liên hệ mật thiết giữa chính quyền và người dân, tạo ra lòng tin của nhân dân vào với chính quyền.
Kết luận: Bảo vệ an ninh nông thôn là một bộ phận quan trọng của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bao gồm các mặt công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động xâm hại đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và sự vững mạnh của hệ thống chính trị: Bảo vệ tài sản của Nhà nước; tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của nhân dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn.