Cơ chế ba bên là cơ chế được áp dụng phổ biến và chủ yếu trong lĩnh vực lao động, khi mà có những mâu thuẫn hoặc tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội. Vậy cơ chế ba bên thực chất là gì?
Mục lục bài viết
1. Cơ chế ba bên là gì?
Theo quan điểm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), “Cơ chế ba bên có nghĩa là bất kể hệ thống các mối quan hệ lao động nào, trong đó Nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động là những nhóm độc lập, mỗi nhóm thực hiện những chức năng riêng. Điều đó chỉ đơn thuần là sự chuyển đổi thành các mối quan hệ xã hội của các nguyên tắc dân chủ chính trị: tự do, đa số, sự tham gia của mỗi cá nhân vào những quyết định có liên quan tới họ. Nguyên tắc là những vấn đề chung nhưng cũng không có một đối tác đơn lẻ: Mỗi hệ thống quan hệ lao động được dựa trên sự kết hợp của các điều kiện lịch sử, chính trị, xã hội và văn hoá và mỗi hệ thống phát triển theo những nguyên tắc của cuộc chơi dưới ánh sáng của những thông số đó”.
Theo quan điểm này thì cơ chế ba bên là cơ chế hợp tác và chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động (thông qua các cơ quan, tổ chức đại diện chính thức của mỗi bên) để cùng nhau giải quyết những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực lao động – xã hội vì một nền kinh tế thịnh vượng và vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động được gọi là các “đối tác xã hội” của cơ chế ba bên, trong đó mỗi đối tác đều có những vai trò nhất định. Tuy nhiên, bài viết này chỉ đề cập tới vai trò của tổ chức đại diện người lao động trong cơ chế ba bên.
Cơ chế ba bên là một cơ chế có hệ thống chủ thể đặc biệt, gồm người lao động – nhà nước – người sử dụng lao động. Hệ thống chủ thể này phản ánh một mối quan hệ xã hội rất phức tạp, trong đó, mặc dù có mối quan tâm chung là quan hệ lao động nhưng mỗi chủ thể đều có một loại lợi ích riêng.
Cơ chế ba bên trong tiếng Anh được hiểu là Tripartite mechanism.
Cơ chế ba bên được định nghĩa như sau:
“The tripartite mechanism is a mechanism with a special system of subjects, including the employee – the state – the employer. This subject system reflects a very complex social relationship, in which, although there is a common concern that the labor relationship, each subject has its own type of interests.”
Cơ chế ba bên là một vấn đề khoa học-pháp lý về lao động còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Dưới góc độ chung nhất, cơ chế ba bên là cơ cấu/ hình thức và biện pháp được sử dụng với sự tham gia của bên người lao động, người sử dụng lao động và Nhà nước nhằm xây dựng và thực thi chính sách pháp luật và các tiêu chuẩn lao động, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình lao động với mục đích xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và đảm bảo hòa bình công nghiệp. Với sự phát triển ngày càng phức tạp của quan hệ lao động ở Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu và tìm hiểu vấn đề cơ chế ba bên là một điều hết sức quan trọng và cần thiết.
2. Đặc trưng của cơ chế ba bên:
Mặc dù cơ chế ba bên có thể hình thành ở những cấp độ khác nhau nhưng chức năng duy trì, phát triển, bảo đảm hài hòa hóa mối quan hệ lao động của nó không hề thay đổi. Đó cũng chính là điều khẳng định tính tích cực của sự tham gia của các chủ thể nói trên vào cơ chế ba bên, một cơ chế xã hội đặc biệt trong lĩnh vực lao động.
Về nhiệm vụ, như đã đề cập, cơ chế ba bên được hình thành nhằm đáp ứng những yêu cầu có tính bức xúc của quá trình lao động xã hội. Các nhiệm vụ của cơ chế ba bên thường được quy định trong các văn bản pháp luật của nhà nước. Tuỳ theo loại hình thể hiện mà các cơ cấu của cơ chế ba bên có nhiệm vụ tương thích. Chẳng hạn: Nhiệm vụ của hội đồng lương quốc gia chắc chắn sẽ có nhiệm vụ khác so với hội đồng lương cấp vùng hoặc cấp tỉnh. Và tương tự như vậy, một hội đồng ba bên về “hoà bình công nghiệp” (Industrial Peace) sẽ có nhiệm vụ đặc thù khi so sánh với một cơ cấu thực thi chức năng tài phán trong lao động.
Tuy nhiên, điểm chung của cơ chế ba bên là ở chỗ nó đều có khả năng giải quyết những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài trong lĩnh vực lao động, như: 1) Định hướng chính sách lao động; 2) cùng thảo luận để thống nhất quan điểm xây dựng pháp luật về việc làm, tiền lương, các điều kiện lao động; 3) tổ chức giải quyết các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực lao động, đặc biệt là các tranh chấp lao động và đình công…
3. Vai trò của cơ chế ba bên:
Cơ chế ba bên góp phần vào quá trình toàn cầu hóa mối quan hệ lao động và hợp tác quốc tế về lao động: Việc quy định vào pháp luật, áp dụng cơ chế ba bên trong thực tiễn lao động là một trong những tiêu chuẩn về sự tuân thủ pháp
Cơ chế ba bên góp phần vào việc kiềm chế, giải quyết các xung đột trong lao động: Một trong những con đường tốt nhất để kiềm chế xung đột, kiềm chế hậu quả bất lợi, đó là tăng cường sự đối thoại xã hội thông qua cơ chế ba bên, sử dụng cơ chế này để giải quyết các xung đột trong lao động. Sự chia sẻ giữa các bên trong quan hệ lao động và nhà nước đối với những khó khăn, những bế tắc trong quá trình duy trì vận động của quan hệ lao động, trong quá trình giải quyết những mâu thuẫn về quyền lợi ở những cấp độ khác nhau sẽ tạo nên cơ hội tốt cho việc làm trong lành các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ giai cấp giữa chủ và thợ nhằm tạo ra sự ổn định cho trình phát triển xã hội.
Cơ chế ba bên góp phần tăng cường khả năng đối thoại xã hội (social dialogues) trong lao động: Đối thoại xã hội là một trong những vẩn đề có tính ưu tiên hàng đầu mà Tổ chức lao động quốc tế theo đuổi. Nó được thê hiện qua việc Tổ chức lao động quốc tế đã cho ra đời các quy phạm quan trọng về cơ chế ba bên. Đó cũng là vấn đề mà Tổ chức lao động quốc tế luôn luôn khuyến cáo các chính phủ của các nước thành viên cần chú trọng trong quá trình xây dựng, thực hiện các chính sách lao động xã hội.
Cơ chế ba bên góp phần tăng cường hiệu quả của quản lí lao động: Nhà nước luôn luôn quan tâm tới sự an toàn của các quan hệ xã hội, đặc biệt là các quan hệ lao động. Theo quan điểm chung, trong nền kinh tế thị trường, vai trò của nhà nước ngày một tăng lên, nhưng sự can thiệp trực tiếp của nhà nước thì ngày càng có xu hướng giảm đi.
Khi tham gia cơ chế ba bên, tổ chức đại diện của NLĐ có những vai trò cơ bản sau:
– Là cầu nối NLĐ với NSDLĐ và Nhà nước;
– Cùng đại diện của Nhà nước và NSDLĐ quyết định hoặc cùng đại diện của NSDLĐ tư vấn cho Nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật lao động, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, ngành, vùng…;
– Phối hợp với hai “đối tác xã hội” còn lại của cơ chế ba bên tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch…và giải quyết các vấn đề phát sinh từ quá trình tổ chức thực hiện này (bao gồm cả việc giải quyết tranh chấp lao động và đình công);
– Cùng đại diện NSDLĐ xây dựng quan hệ lao động hai bên lành mạnh, môi trường lao động hài hoà, ổn định.
Cũng giống như tổ chức đại diện của NSDLĐ, trong cơ chế ba bên, Công đoàn Việt Nam chủ yếu phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, tổ chức đại diện của NSDLĐ thảo luận, đóng góp ý kiến để xây dựng chính sách, pháp luật lao động; cùng NSDLĐ giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ hai bên…So với quan điểm của ILO về cơ chế ba bên và so với thực tế thực hiện ở các nước có nền kinh tế thị trường và quan hệ lao động phát triển thì việc vận dụng cơ chế ba bên ở Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, vì vậy vai trò của cả tổ chức đại diện của NSDLĐ và NLĐ trong cơ chế này còn khá hạn chế. Thời gian tới, khi cơ chế ba bên được vận dụng sâu rộng hơn thì NLĐ sẽ được tham gia nhiều hơn vào “các công việc chung” của Nhà nước thông qua tổ chức Công đoàn.
4. Những kết quả ban đầu trong việc thực hiện cơ chế ba bên ở Việt Nam:
Trước hết, chúng ta đã xây dựng được cơ sở pháp lý cho việc vận hành và thực hiện cơ chế ba bên ở nước ta. Chúng ta đã thiết lập được một số cơ quan hoặc cơ cấu khác về lao động nhằm mục đích thực hiện một số hoạt động có tính chất ba bên như các hội đồng trọng tài lao động, các phái đoàn tham dự các kỳ họp của ILO, các cơ cấu lâm thời với sự kết hợp của các cơ quan chức năng của nhà nước và hai giới.
Thực tiễn áp dụng cơ chế ba bên cũng đã đạt được một số thành công nhất định. Ví dụ như trước khi quyết định các chính sách, pháp luật về lao động, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền soạn thảo văn bản đều tổ chức lấy ý kiến chính thức của các bên đại diện người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài ra, trong một số trường hợp, đại diện người lao động và người sử dụng lao động còn được mời tham dự các phiên họp thường kỳ của Chính phủ bàn về các vấn đề có liên quan đến lĩnh vực lao động.
Nhìn chung, cơ chế tham khảo ý kiến ba bên ở Việt Nam mới được hình thành chủ yếu ở cấp quốc gia và đang trong quá trình hoàn thiện, tuy nhiên đã có một số tác dụng thiết thực. Nó đã góp phần quan trọng vào việc phát huy tinh thần dân chủ trong quan hệ lao động và giúp cho Nhà nước ban hành các quyết sách về lao động, ổn định quan hệ lao động, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, nước ta đang trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nơi mà quan hệ công nghiệp còn chưa định hình rõ nét, các đối tác xã hội còn thiếu kinh nghiệm về đối thoại xã hội, việc nghiên cứu tổ chức và vận hành cơ chế ba bên cho phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay là hết sức quan trọng.