Bộ xây dựng được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước với Bộ Kiến trúc. Đến nay, Bộ xây dựng đã có nhiều hoạt động tích cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, cũng như cũng đã có sự thay đổi cơ cấu tổ chức cho phù hợp hơn với tình hình đất nước hiện nay.
Mục lục bài viết
1. Bộ Xây dựng là gì?
Theo quy định tại Điều 1, Nghị đình số 81/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng : Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.
Bộ xây dựng trong Tiếng Anh là “Ministry of Construction”.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng:
2.1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, kiến trúc, Bộ Xây dựng có nhiệm vụ, quyền hạn:
– Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt các loại quy hoạch xây dựng, bao gồm: Quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn; hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện;
– Tổ chức lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, vùng chức năng đặc thù có ý nghĩa quốc gia, vùng dọc tuyến đường cao tốc, hành lang kinh tế liên tỉnh; quy hoạch chung đô thị mới có phạm vi quy hoạch liên quan đến địa giới hành chính của hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên; quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương với đô thị loại III trở lên và các quy hoạch khác do Thủ tướng Chính phủ giao; hướng dẫn thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt;
– Thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; có ý kiến thống nhất bằng văn bản để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt các quy hoạch xây dựng cụ thể theo quy định của pháp luật;
– Ban hành quy chuẩn quy hoạch xây dựng, định mức, đơn giá, phương pháp lập và quản lý chi phí trong việc lập, thẩm định và tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế đô thị;
– Xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng, kiến trúc trên phạm vi cả nước;
– Xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện;
– Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về: Thiết kế đô thị; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị; quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; giấy phép quy hoạch; việc thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng;
– Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực của các tổ chức và cá nhân tham gia thiết kế quy hoạch xây dựng; việc cấp và quản lý chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng, chứng chỉ năng lực của tổ chức tư vấn lập quy hoạch xây dựng.
2.2 Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng:
– Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình; thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định của pháp luật; hướng dẫn việc áp dụng mô hình thông tin công trình trong quá trình đầu tư xây dựng và khai thác sử dụng;
– Hướng dẫn, kiểm tra công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các công trình xây dựng; thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định của pháp luật;
– Theo dõi, kiểm tra, đánh giá tổng thể đầu tư trong hoạt động đầu tư xây dựng theo thẩm quyền; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia theo quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn chủ đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao;
– Ban hành quy chuẩn kỹ thuật xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp; tổ chức xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp; hướng dẫn việc áp dụng tiêu chuẩn của nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam;
– Ban hành mẫu giấy phép xây dựng công trình; hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc cấp, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi giấy phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng theo giấy phép xây dựng; đình chỉ xây dựng hoặc đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo đình chỉ xây dựng và xử lý vi phạm hoặc thu hồi giấy phép xây dựng khi phát hiện việc cấp giấy phép không đúng theo quy định hoặc công trình xây dựng vi phạm các quy định về quản lý trật tự xây dựng theo giấy phép xây dựng;
– Hướng dẫn công tác lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng theo quy định của
– Hướng dẫn việc thực hiện quy chế thuê tư vấn nước ngoài trong hoạt động xây dựng tại Việt Nam và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng đối với các nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam; thực hiện cấp, thu hồi giấy phép hoạt động xây dựng cho nhà thầu nước ngoài là tổ chức nhận thầu các gói thầu thuộc dự án nhóm A và các gói thầu khác thuộc địa bàn từ hai tỉnh trở lên;
– Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; hướng dẫn phương pháp điều chỉnh giá
– Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, bao gồm: Tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, định mức xây dựng và giá xây dựng công trình, độ dài thời gian xây dựng công trình, kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng, phương pháp đo bóc khối lượng công trình, phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công, phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng, phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng; công bố định mức xây dựng, suất vốn đầu tư, chỉ số giá xây dựng, định mức chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng công trình (bao gồm cả chi phí thuê tư vấn nước ngoài); có ý kiến thống nhất để các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành định mức xây dựng chuyên ngành, định mức xây dựng đặc thù; xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
– Hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các giai đoạn: Khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành công trình xây dựng; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và kiến nghị xử lý vi phạm về chất lượng công trình xây dựng; đình chỉ thi công và yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu khắc phục trong trường hợp phát hiện chất lượng công trình không đạt yêu cầu, có nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản theo quy định của pháp luật; tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu các công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;
– Hướng dẫn các hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, kiểm định, giám định chất lượng xây dựng, giám định tư pháp xây dựng, giám định nguyên nhân, giải quyết sự cố trong thi công xây dựng và trong quá trình khai thác, sử dụng công trình; tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định tư pháp xây dựng, giám định nguyên nhân sự cố trong thi công xây dựng và trong quá trình khai thác, sử dụng công trình theo quy định của pháp luật; kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng;
– Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng; chủ trì tổ chức Giải thưởng quốc gia về chất lượng công trình xây dựng; quản lý chất lượng các công trình quan trọng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ giao;
– Hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo trì công trình xây dựng, đánh giá chất lượng, an toàn chịu lực, an toàn vận hành công trình xây dựng trong quá trình khai thác, sử dụng; hướng dẫn xử lý công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp theo quy định của pháp luật;
– Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực hành nghề xây dựng của cá nhân và điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức tham gia trong các hoạt động xây dựng;
– Quy định việc sát hạch để cấp các loại chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; ban hành mẫu chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về các hoạt động xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc cấp và quản lý các loại chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; thực hiện cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đối với cá nhân, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng đối với tổ chức theo quy định của pháp luật;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật và đăng tải thông tin về năng lực của các tổ chức, cá nhân hành nghề hoạt động xây dựng (bao gồm cả các tổ chức nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam) theo quy định của pháp luật.
2.3. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển đô thị:
– Xây dựng các định hướng, chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia, các chương trình, dự án quan trọng quốc gia về phát triển đô thị; các chỉ tiêu về lĩnh vực phát triển đô thị trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước theo từng giai đoạn; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
– Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền cơ chế chính sách về quản lý đầu tư phát triển đô thị, các chính sách, giải pháp quản lý quá trình đô thị hóa, các mô hình phát triển đô thị, các quy định về lập và quản lý chi phí các dịch vụ tiện ích trong khu đô thị, chi phí lập và thẩm định khu vực phát triển đô thị, chương trình phát triển đô thị, đề án phân loại đô thị; hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện;
– Thẩm định hoặc có ý kiến thống nhất bằng văn bản để cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị và các dự án đầu tư phát triển đô thị tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của pháp luật;
– Xây dựng trình cấp có thẩm quyền quy định hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị theo từng giai đoạn phù hợp với sự phát triển chung của đất nước; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại đô thị hàng năm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn đã được cấp có thẩm quyền quy định; thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận loại đô thị đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I và loại II; quyết định công nhận loại đô thị đối với các đô thị loại III và loại IV;
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng còn có các quyền hạn, nhiệm vụ chung đối với các bộ, cơ quan ngang bộ; cùng với đó là các quyền hạn trong quá trình thực hiện chức năng khác của mình.
3. Cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng:
Cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng bao gồm:
– 17 tổ chức giúp Bộ trưởng (Bộ trưởng hiện nay là Ông Phạm Hồng Hà) thực hiện chức năng quản lý nhà nước ( Vụ Quy hoạch- Kiến trúc; Vụ vật liệu xây dựng; Vụ Khoa học công nghệ và môi trường; Vụ Kế hoạch – Tài chính. Vụ Quản lý doanh nghiệp; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng; Thanh tra; Cục Kinh tế xây dựng; Cục Quản lý hoạt động xây dựng; Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Cục Công tác phía Nam; Cục Phát triển đô thị. Cục Hạ tầng kỹ thuật; Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản.)
– 8 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ (Viện Kinh tế xây dựng; Viện khoa học công nghệ xây dựng; Viện kiến trúc quốc gia; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia; Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị; Báo xây dựng; Trung tâm thông tin)
– Các vụ thuộc bộ được tổ chức phòng, bao gồm: Vụ Kế hoạch – Tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ được tổ chức 04 phòng; Văn phòng được tổ chức 08 phòng; Thanh tra được tổ chức 09 phòng.
– Các cục thuộc bộ được tổ chức phòng, bao gồm: Cục Kinh tế xây dựng được tổ chức 03 phòng; Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Cục Công tác phía Nam, Cục Phát triển đô thị được tổ chức 04 phòng; Cục Hạ tầng kỹ thuật được tổ chức 05 phòng; Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được tổ chức 06 phòng; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản được tổ chức 07 phòng.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
– Nghị định số 81/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.