Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận hợp thành của khách thể của tội phạm mà chỉ có thông qua việc tác động đến nó tội phạm mới có thể xâm hại được đến các quan hệ xã hội được Bộ Luật hình sự bảo vệ.
Mục lục bài viết
1. Đối tượng tác động của tội phạm là gì?
Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận hợp thành của khách thể của tội phạm mà chỉ có thông qua việc tác động đến nó tội phạm mới có thể xâm hại được đến các quan hệ xã hội được Bộ Luật hình sự bảo vệ.
Trong nội tại của khái niệm trên về đối tượng tác động của tội phạm cho thấy sự thể hiện ở 2 mặt:
Thứ nhất: Về mặt nội dung thì đối tượng tác động của tội phạm là cái thông qua sự tác động lên nó tội phạm trực tiếp gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội là khách thể bảo vệ của luật hình sự.
Thứ hai: Xét về mặt cấu trúc đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận của khách thể của tội phạm. Như vậy, khách thể của tội phạm phải được hợp thành bởi nhiều bộ phận trong đó có một bộ phận là về đối tượng tác động của tội phạm.
Khách thể của tội phạm chính là các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Như vậy, các bộ phận hợp thành của khách thể của tội phạm cũng chính là các bộ phận hợp thành của các quan hệ xã hội là khách thể của tội phạm.
Các bộ phận hợp thành của quan hệ xã hội đó là: Con người chủ thể của quan hệ xã hội, các đối tượng vật chất là lợi ích mà các chủ thể hướng tới là khách thể của quan hệ xã hội và quyền và nghĩa vụ của các chủ thể là nội dung của quan hệ xã hội. Đối tượng tác động của tội phạm có thể là một trong ba bộ phận trên của khách thể của tội phạm.
2. Nhận xét về đối tượng tác động của tội phạm:
– Để gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội can phạm phải tác động vào đối tượng tác động. Cơ sở để xác định mức độ thiệt hại mà tội phạm gây ra phải dựa vào mức độ làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động.
– Các quan hệ xã hội khách thể của tội phạm trong mọi trường hợp luôn bị gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nếu có tội phạm xảy ra.
– Đối tượng tác động của tội phạm có thể ở tình trạng tốt hơn tình trạng ban đầu (nếu đối tượng tác động của tội phạm là đối tượng vật chất).
3. Các loại đối tượng tác động của tội phạm:
Các loại đối tượng tác động của tội phạm bao gồm: con người, các đối tượng vật chất và quyền & nghĩa vụ của các chủ thể.
– Con người với tư cách là chủ thể của quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: tội giết người.
Con người vừa là thực thể tự nhiên vừa là thực thể xã hội, là chủ thể của nhiều quan hệ xã hội, trong đó có những quan hệ xã hội chỉ có thể bị gây thiệt hại khi có sự biến đổi tình trạng bình thường của chính con người – quan hệ nhân thân. Như vậy, đối tượng tác động của tội phạm có thể là con người đối với tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự. Ví dụ: quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhân phẩm, danh dự… là khách thể đại diện cho những đối tượng bị tác động thuộc loại này.
– Các đối tượng vật chất với ý nghĩa là khách thể của quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: các tội xâm phạm sở hữu.
Trong các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, những quan hệ xã hội bị tội phạm gây thiệt hại qua việc làm biến đổi trạng thái bình thường của những đối tượng vật chất như quan hệ sở hữu … Tất cả những hành vi làm biến đổi tình trạng bình thường của tài sản một cách trái pháp luật đều là những hành vi gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu. Như vậy, các vật thể như tài sản, phương tiện thuộc quyền sở hữu hợp pháp của con người cũng có thể là đối tượng tác động của tội phạm.
Sự làm biến đổi tình trạng này có thể do những hành vi khác nhau gây ra như hành vi chiếm đoạt, hành vi chiếm giữ, hành vi sử dụng, hành vi hủy hoại hay làm hư hỏng..
– Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể là nội dung của quan hệ xã hội có thể là đối tượng tác động của tội phạm. Ví dụ: các tội xâm phạm hoạt động của cơ quan tư pháp, các tội phạm tham nhũng.
Đối tượng của các quan hệ là vật thể, biểu hiện cụ thể của các quyền và lợi ích của các chủ thể. Tác động đến đối tượng các quan hệ là tác động đến các vật thể cụ thể tồn tại trong thế giới khách quan. Ví dụ, quyền sở hữu là khách thể bị xâm hại khi tác động đến các đối tượng thuộc loại này. Tác động đến các đối tượng vật chất không phải lúc nào hành vi phạm tội cũng chỉ gây ra hậu quả tiêu cực đối với vật chất đó mà có khi tạo biến đổi tích cực. Chẳng hạn, hành vi trộm cắp tài sản, kẻ trộm thường không gây hư hỏng cho đối tượng mà muốn làm tăng giá trị của vật chất đó lên.
Cần phân biệt đối tượng tác động với khái niệm công cụ, phương tiện phạm tội. Công cụ, phương tiện phạm tội là những đối tượng mà kẻ phạm tội dùng để tác động đến đối tượng phạm tội, gây thiệt hại cho khách thể.
Đối tượng tác động trong nhiều trường hợp là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm cơ bản. Ví dụ, Điều 85 Bộ luật hình sự, đối tượng bắt buộc là cơ sở vật chất – kỹ thuật…Trường hợp này, đối tượng tác động có ý nghĩa đối với việc định tội. Khi đó, đối tượng tác động đóng vai trò như khách thể của tội phạm nhưng bản chất, chúng không phải là khách thể của tội phạm.