Kiểm toán nhà nước là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kiểm tra, giám sát,... các hoạt động kinh tế của các tổ chức sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về kinh tế. Tại bài viết này, chung ta sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm toán nhà nước.
Mục lục bài viết
1. Kiểm toán nhà nước là gì?
Kiểm toán Nhà nước là hệ thống bộ máy chuyên môn của Nhà nước thực hiện các chức năng kiểm toán ngân sách và tài sản công.
Kiểm toán nhà nước tiếng Anh là “ State audit “
2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước:
Chức năng của Kiểm toán nhà nước
Kiểm toán nhà nước có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Nhiệm vụ của Kiểm toán nhà nước
– Quyết định kế hoạch kiểm toán hằng năm và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện.
– Tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán hằng năm và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
– Xem xét, quyết định việc kiểm toán khi có đề nghị của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan, tổ chức không có trong kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán nhà nước.
– Trình ý kiến của Kiểm toán nhà nước để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
– Tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ trong việc xem xét về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán ngân sách nhà nước.
– Tham gia với các cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực tài chính – ngân sách, giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước và chính sách tài chính khi có yêu cầu.
– Tham gia với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền trình dự án luật, pháp lệnh khi có yêu cầu trong việc xây dựng và thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh.
– Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; gửi báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán cho Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; cung cấp kết quả kiểm toán cho Bộ Tài chính, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nơi kiểm toán và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật.
– Giải trình về kết quả kiểm toán với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định của pháp luật.
– Tổ chức công bố công khai báo cáo kiểm toán, báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định tại Điều 50, Điều 51 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
– Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
– Quản lý hồ sơ kiểm toán; giữ bí mật tài liệu, số liệu kế toán và thông tin về hoạt động của đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.
– Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nước.
– Tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ Kiểm toán viên nhà nước.
– Tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiểm toán nhà nước.
– Xây dựng và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Quyền hạn của Kiểm toán nhà nước
– Trình dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
– Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm toán.
– Yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với sai phạm trong
– Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán về sai phạm trong
– Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý những vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được làm rõ thông qua hoạt động kiểm toán.
– Đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật cho Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước.
– Trưng cầu giám định chuyên môn khi cần thiết.
– Được ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; Kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm về tính trung thực của số liệu, tài liệu và kết luận, kiến nghị kiểm toán do doanh nghiệp kiểm toán thực hiện.
– Kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách và pháp luật.
3. Cơ cấu tổ chức của Kiểm toán nhà nước:
Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 quy định.
Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Kiểm toán nhà nước bao gồm 32 Vụ và đơn vị tương đương cấp Vụ, gồm:
Các đơn vị tham mưu thuộc bộ máy điều hành
– Văn phòng Kiểm toán nhà nước
– Vụ Tổ chức cán bộ;
– Vụ Tổng hợp;
– Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán;
– Vụ Pháp chế;
– Vụ Hợp tác quốc tế.
– Thanh tra Kiểm toán nhà nước.
– Văn phòng Đảng – Đoàn thể
Các đơn vị Kiểm toán nhà nước chuyên ngành
– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành Ia kiểm toán lĩnh vực quốc phòng;
– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành Ib kiểm toán lĩnh vực an ninh, tài chính và ngân sách Đảng, hoạt động cơ yếu, dự trữ Nhà nước;
– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành II kiểm toán lĩnh vực ngân sách Trung ương của Bộ, ngành kinh tế tổng hợp;
– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III kiểm toán lĩnh vực ngân sách Trung ương của Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV kiểm toán lĩnh vực đầu tư, dự án hạ tầng cơ sở;
– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành V kiểm toán lĩnh vực đầu tư, dự án công nghiệp, dân dụng;
– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI kiểm toán các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước;
– Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII kiểm toán ngân hàng, các tổ chức tài chính.
Các đơn vị Kiểm toán nhà nước khu vực
– Kiểm toán nhà nước khu vực I, trụ sở đặt tại Thành phố Hà Nội;
– Kiểm toán nhà nước khu vực II, trụ sở đặt tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An;
– Kiểm toán nhà nước khu vực III, trụ sở đặt tại Thành phố Đà Nẵng
– Kiểm toán nhà nước khu vực IV, trụ sở đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh;
– Kiểm toán nhà nước khu vực V, trụ sở đặt tại Thành phố Cần Thơ;
– Kiểm toán nhà nước khu vực VI, trụ sở đặt tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh;
– Kiểm toán nhà nước khu vực VII, trụ sở đặt tại Thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái;
– Kiểm toán nhà nước khu vực VIII, trụ sở đặt tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa;
– Kiểm toán nhà nước khu vực IX, trụ sở đặt tại Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang;
– Kiểm toán nhà nước khu vực X, trụ sở đặt tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên;
– Kiểm toán nhà nước khu vực XI, trụ sở đặt tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa;
– Kiểm toán nhà nước khu vực XII, trụ sở đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk;
– Kiểm toán nhà nước khu vực XIII, trụ sở đặt tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Các đơn vị sự nghiệp
– Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán;
– Trung tâm Tin học;
– Báo Kiểm toán.
Văn phòng Kiểm toán nhà nước có con dấu riêng. Kiểm toán nhà nước khu vực và các đơn vị sự nghiệp có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản và trụ sở riêng.
Kiểm toán nhà nước chuyên ngành thực hiện kiểm toán theo chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức ở Trung ương.
Kiểm toán nhà nước khu vực thực hiện kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương trên địa bàn khu vực và các nhiệm vụ kiểm toán khác theo sự phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước.
4. Đặc trưng của Kiểm toán nhà nước:
Chủ thể kiểm toán
Chủ thể thực hiện kiểm toán nhà nước được gọi là các kiểm toán viên nhà nước. Đó là các công chức nhà nước được bổ nhiệm vào ngạch kiểm toán để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.
Chức năng và quyền hạn cụ thể của từng ngành bậc cũng có qui định cụ thể tuỳ theo từng nước song nói chung cũng có sự gần gũi giữa các quốc gia.
Khách thể kiểm toán
Là các đơn vị, tổ chức, cá nhân có sử dụng nguồn vốn và kinh phí từ ngân sách nhà nước bao gồm:
– Các dự án, công trình do ngân sách đầu tư
– Các doanh nghiệp nhà nước có 100% vốn ngân sách nhà nước
– Các xí nghiệp công cộng thuộc sở hữu nhà nước (100% vốn ngân sách nhà nước)
– Các cơ quan kinh tế, quản lí của nhà nước và các đoàn thể xã hội.
– Các cá nhân (tài khoản cá nhân) có nguồn từ ngân sách nhà nước…
Mô hình tổ chức
Trong quan hệ với kiểm toán viên nhà nước, kiểm toán nhà nước là một hệ thống tập hợp kiểm toán viên này theo một trật tự xác định. Trong hàng loạt mối liên hệ phức tạp đó đã hình thành những mô hình tổ chức khác nhau tuỳ theo phạm vi các mối liên hệ.
Loại hình kiểm toán chủ yếu
Kiểm toán nhà nước chủ yếu thực hiện kiểm toán tài chính và kiểm toán hoạt động.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Kiểm toán nhà nước tiến hành xác minh tính trung thực, đúng đắn của Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, chỉ ra những sai phạm, bất cập trong việc thực hiện ngân sách nhà nước.
Và kiến nghị với Chính phủ các giải pháp để quản lí, điều hành ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội; đánh giá hiệu quả và hiệu năng của các chương trình, dự án của Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế – ngân sách.
Căn cứ pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Luật kiểm toán nhà nước 2015.