Các quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015 đã tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể thực hiện các giao dịch cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của mình, một trong những nội dung không thể thiếu đó là quy định về hình thức sở hữu. Vậy sở hữu riêng là gì?
Mục lục bài viết
1. Sở hữu riêng là gì?
Điều 205
Sở hữu riêng là hình thức sở hữu của một chủ thể là cá nhân hoặc một pháp nhân đối với tài sản của mình. Với tư cách là một chủ sở hữu, cá nhân, pháp nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu riêng.
Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân đối với tài sản còn được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự về sở hữu riêng có đầy đủ 3 yếu tố: chủ thể, khách thể và nội dung quyền sở hữu riêng. Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vê. Đây là quyền bất khả xâm phạm, không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình.
Sở hữu riêng trong tiếng Anh được hiểu là Own private ownership.
Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc pháp nhân, tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về giá trị và số lượng. Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng định đoạt của mình nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái với quy định pháp luật. Việc thực hiện quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng không được ảnh hưởng hoặc gây hại đến lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, dân tộc, quốc gia…
Cách hiểu về sở hữu riêng trong tiếng Anh được định nghĩa như sau:
” Private ownership is the ownership of an individual or legal entity, legal property under private ownership is not limited in value and quantity. Owners have the right to possess and use their decisions to serve the needs of daily life, consumption, production, business and other purposes not contrary to law. The exercise of rights to private property must not affect or harm the legitimate interests of individuals, organizations, people, countries …”
2. Đặc điểm của hình thức sở hữu riêng:
Chủ thể của hình thức sở hữu riêng
Theo khoản 1 Điều 205 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ thể của hình thức sở hữu riêng chỉ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân. Nếu một tổ chức không có tư cách pháp nhân sở hữu tài sản thì không thể là coi đó là tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức đó. Chúng ta có thể xem việc sở hữu của các tổ chức không có tư cách pháp nhân là sở hữu chung của các thành viên tổ chức đó (ví dụ: sở hữu của Hộ gia đình, Hợp tác xã,…).
Tài sản thuộc sở hữu riêng
Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng, giá trị. Tài sản thuộc sở hữu riêng có thể là thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn, hoa lợi, lợi tức và các tài sản hợp pháp khác của cá nhân hoặc pháp nhân là tài sản thuộc hình thức sở hữu riêng.
Nội dung của sở hữu riêng
Công dân thực hiện quyền làm chủ, chi phối tài sản qua các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản. Cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng hoặc sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (khoản 2 điều 206 BLDS 2015).
Việc chiếm hữu, sử dụng tài sản thuộc sở hữu riêng gây thiệt hại đến lợi ích chung, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Tại Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định như sau:
“Điều 205. Sở hữu riêng và tài sản thuộc sở hữu riêng
1. Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc một pháp nhân.
2. Tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về số lượng, giá trị.
Điều 206. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng
1. Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật.
2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Đây là những điều cơ bản nhất về sở hữu riêng, chế độ sở hữu này đã tạo ra một nền kinh tế nhiều thành phần và vận động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của nhà nước.
3. Sở hữu toàn dân là sở hữu chung hay sở hữu riêng:
Hai hình thức sở hữu trong giao lưu dân sự là sở hữu riêng và sở hữu chung. Trong đó, sở hữu riêng là sở hữu của một chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân; sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể.
Trong hai hình thức sở hữu này đã bao gồm tài sản thuộc sở hữu tư nhân, sở hữu toàn dân. Khi tham gia vào các quan hệ dân sự, quyền của chủ sở hữu thuộc các hình thức sở hữu đều được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật không phụ thuộc vào tính chất sở hữu, thành phần kinh tế, tài sản thuộc sở hữu toàn dân hay tài sản thuộc sở hữu tư nhân.
Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, được quản lý, sử dụng theo quy định của Hiến pháp, Bộ luật này và các luật khác có liên quan. Sở hữu toàn dân được hiểu là một hình thức sở hữu chung do toàn dân là chủ sở hữu mà Nhà nước là người đại diện, do đó không nên quy định sở hữu toàn dân như một hình thức sở hữu độc lập. Tuy nhiên, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu toàn dân có sự khác biệt với các hình thức sở hữu chung khác nên cần quy định thành một mục riêng trong chế định về sở hữu chung.
Việc không quy định hình thức sở hữu toàn dân trong Bộ Luật dân sự cũng không làm giảm hay mất đi cơ sở pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến tài sản công, vì ngoài Hiến pháp, còn có rất nhiều luật khác quy định liên quan đến việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản công, như Luật đất đai, Luật tài nguyên nước, Luật khoáng sản, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật biển Việt Nam,
Xuất phát từ bản chất của các quan hệ dân sự, khi cơ quan, tổ chức thuộc Nhà nước đưa tài sản thuộc sở hữu toàn dân tham gia vào giao lưu dân sự thì đều phải áp dụng chế độ pháp lý chung không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế.
Theo quy định của Hiến pháp, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Như vậy các loại tài sản này thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.
Vì vậy các văn bản pháp luật nhất là Bộ luật Dân sự cần phải làm rõ tính chất của sở hữu toàn dân là sở hữu chung hay sở hữu riêng hay một loại hình thức sở hữu đặc thù. Nếu xác định là hình thức sở hữu đặc thù thì cần quy định trong Bộ luật Dân sự để phù hợp với Hiến pháp và vai trò của sở hữu toàn dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Các loại hình thức sở hữu theo Bộ luật dân sự:
Hình thức sở hữu được hiểu là cách thức chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản trong một chế độ sở hữu.
Tương ứng với mỗi hình thức sở hữu có những đặc trưng riêng, có chủ sở hữu nhất định, cách thức thực hiện các quyền năng khác nhau. Vì vậy pháp luật có những quy định riêng phù hợp với từng hình thức cụ thể, Bộ luật dân sự năm 2015 quy định có ba loại hình thức sở hữu, đó là sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung.
Nội dung cơ bản của các hình thức sở hữu theo quy định pháp luật:
Sở hữu toàn dân là tài sản thuộc sở hữu chung của toàn dân, toàn dân ủy quyền cho nhà nước quản lý tài sản của họ, nhà nước quản lý tài sản theo nguyện vọng, lợi ích của toàn dân. Nhưng việc thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt những loại tài sản đó phải tuân theo quy định của pháp luật. Các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân bao gồm đất đai; tài nguyên nước, khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Sở hữu riêng là sở hữu của một cá nhân hoặc pháp nhân, tài sản hợp pháp thuộc sở hữu riêng không bị hạn chế về giá trị và số lượng. Chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng định đoạt của mình nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái với quy định pháp luật. Việc thực hiện quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng không được ảnh hưởng hoặc gây hại đến lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, dân tộc, quốc gia…
Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ thể đối với tài sản, bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất. Quyền sở hữu chung được các chủ thể xác lập theo sự thỏa thuận và tuân theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán. Đối với sở hữu chung theo phần thì mỗi chủ sở hữu chỉ có quyền và nghĩa vụ tương ứng với số tài sản của mình trong số tài sản chung nếu không có thỏa thuận gì khác. Đối với tài sản chung hợp nhất thì quyền và nghĩa vụ đối với tài sản của các chủ sở hữu đều ngang nhau.
Việc phân chia các hình thức sở hữu như trên sẽ giúp Nhà nước quản lý thống nhất tài sản và gắn liền với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ với các chủ thể khi sở hữu tài sản.
Kết luận: Do tiếp cận dưới góc độ chủ thể của hình thức sở hữu nên sở hữu riêng được quy định thành sở hữu của một cá nhân hoặc sở hữu của một pháp nhân. Có thể hiểu, sở hữu riêng là những quyền dân sự cụ thể của cá nhân hoặc pháp nhân với tư cách là chủ sở hữu đối với tài sản của mình thông qua các quyền năng chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản.