WTO ra đời chính là cầu nối để thúc đẩy tiến trình tự do hóa thương mại trên toàn cầu, bảo đảm lợi ích kinh tế cho các nước thành viên và giải quyết các tranh chấp về lợi ích giữa các quốc gia trong khuôn khổ hệ thống thương mại đa biên. Cùng tìm hiểu về trả đũa thương mại là gì? Điều cần biết về các biện pháp trả đũa thương mại?
Mục lục bài viết
1. Trả đũa thương mại là gì?
Trả đũa thương mại là biện pháp giải quyết tranh chấp của WTO được coi là một sáng kiến quan trọng để giải quyết vấn đề thi hành phán quyết của cơ quan trọng tài quốc tế. Biện pháp giải quyết này được sử dụng nhằm đảm bảo lợi ích của Bên thắng trong thời gian Bên thua không thể thực hiện được khuyến nghị của DSB (thực hiện trong khi chờ đợi Bên thua thực hiện khuyến nghị). Các biện pháp này không làm chấm dứt nghĩa vụ thực hiện khuyến nghị của Bên vi phạm.
Theo nghiên cứu thực tế cho thấy. Đa số các vụ tranh chấp về các vấn đề khác nhau của hệ thống thương mại của các nước thành viên WTO trong đó được giải quyết trước khi DSB đưa ra quyết định buộc thi hành án. Tuy nhiên WTO cũng đã phải cho phép áp dụng biện pháp trả đũa trong bảy vụ tranh chấp, và ba trong số đó là các vụ tranh chấp mang tính quan trọng giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
“Retaliation” là cụm từ chuyên ngành tiếng anh cho biện pháp trả đũa trong thương mại.
2. Trường hợp áp dụng trả đũa thương mại:
Để bảo đảm là bên thua kiện sẽ nghiêm túc làm theo quyết định của DSB, WTO đề ra một cơ chế theo dõi và giám sát việc thực hiện quyết định trong thời gian 30 ngày kể từ ngày thông qua báo cáo của nhóm chuyên gia. Theo đó, bên thua kiện phải
Trường hợp nước này vì lý do nào đó không thể thực hiện ngay khuyến nghị của nhóm chuyên gia thì DSB có thể cho phép nước này được thực hiện trong một thời hạn phù hợp khác. Và nếu trong thời hạn đó bên thua kiện vẫn không thể thực hiện được khuyến nghị của nhóm chuyên gia thì nước này có nghĩa vụ thương lượng với bên thắng kiện về mức độ bồi thường thiệt hại. Chẳng hạn như giảm thuế quan đối với một sản phẩm nào đó có lợi cho bên thắng kiện.
Trường hợp trong vòng 20 ngày kể từ ngày chấm dứt thời hạn một cách hợp lý, các bên tranh chấp vẫn không đạt được thỏa thuận về mức độ bồi thường thì bên thắng kiện có quyền yêu cầu DSB cho phép áp dụng các biện pháp trả đũa theo quy định của pháp luật quốc tế. Cụ thể là tạm ngưng việc cho bên thua kiện hưởng những nhân nhượng thuế quan hoặc tạm ngưng thực hiện những nghĩa vụ đối với bên thua kiện theo hiệp định có liên quan.
3. Nguyên tắc áp dụng trả đũa thương mại:
Biện pháp trả đũa phải tỉ lệ tương ứng với mức độ thiệt hại phải gánh chịu và phải được thực hiện trong lĩnh vực thương mại mà bên thua kiện bị thiệt hại. Để bảo đảm tính hiệu quả việc áp dụng của các biện pháp trả đũa, WTO đã quy định trong trường hợp nếu như việc áp dụng biện pháp trả đũa mà lĩnh vực bị thiệt hại là không thực tế hoặc không có hiệu quả thì bên thắng kiện có quyền yêu cầu DSB cho phép trả đũa trong một lĩnh vực khác (trả đũa chéo).
Chẳng hạn một nước đang phát triển sẽ khó có thể áp dụng một cách hiệu quả biện pháp trả đũa trong lĩnh vực thương mại hàng hóa đối với một nước phát triển vì cơ bản trình độ phát triển cũng như tiềm lực kinh tế của những quốc gia này chưa đủ mạnh để cạnh tranh và trả đũa lại các cường quốc lớn. Thế nhưng nếu thay đổi chiều hướng sang là trả đũa trong lĩnh vực thương mại dịch vụ hoặc sở hữu trí tuệ thì có thể sẽ đêm lại hiệu quả khả thi hơn. Hơn thế nữa, trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, bên thắng kiện còn có thể yêu cầu DSB cho phép trả đũa trong những lĩnh vực thuộc các hiệp định thương mại khác với hiệp định thương mại mà bên thua kiện vi phạm để bảo đảm tính công bằng cho các nước yếu thế khi tham gia vào tranh chấp.
Tuy nhiên, để bảo đảm sự công bằng và trong trường hợp có tranh chấp về mức độ trả đũa, WTO cũng dành cho bên thua kiện quyền đưa tranh chấp nói trên ra giải quyết theo phương thức trọng tài. Quyết định trọng tài về vấn đề này là quyết định cuối cùng và có giá trị thi hành đối với tất cả các bên.
4. Phân loại:
Như đã nêu ở trên, Nếu các Bên không đạt được thỏa thuận về việc bồi thường trong vòng 20 ngày kể từ khi hết hạn thực hiện khuyến nghị, Bên thắng kiện có thể yêu cầu DSB cho phép áp dụng các biện pháp trả đũa song song (parralel retaliation) hoặc trả đũa chéo (cross-retaliation). Cần lưu ý là DSU nghiêm cấm việc trả đũa đơn phương mà không có sự chấp thuận của cơ quan này (qui định này thực chất nhằm chấm dứt hiện tượng trả đũa đơn phương khá phổ biến trong thực tiễn giải quyết tranh chấp của GATT 1947). Mức độ và thời hạn trả đũa do DSB quyết định theo đúng thủ tục qui định cho vấn đề này trong DSU.
– Trả đũa song song về cơ bản là hành động bên thắng không phải thực hiện các nhân nhượng thuế quan đối với hàng hóa của bên thua trong cùng lĩnh vực mà bên thắng phải chịu thiệt hại.
– Trả đũa chéo là hình thức trả đũa lĩnh vực khác lĩnh vực bị thiệt hại trong trường hợp việc trả đũa song song không có tính khả khi trong việc thực hiện
5. Ý nghĩa của các biện pháp trả đũa trong thương mại:
Nhìn từ góc độ pháp lý về giải quyết tranh chấp, chúng ta thấy rằng việc thi hành phán quyết của DSB luôn dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia thành viên và tính tới lợi ích kinh tế của các bên. DSU quy định dành cho các nước vi phạm “một thời gian hợp lý” để tuân thủ các quyết định của mình. Thời gian hợp lý cụ thể trước hết do các bên tranh chấp tự thỏa thuận. Và chỉ khi nào bên thua kiện không thực hiện các khuyến cáo trong thời hạn cho phép bên thắng kiện mới được quyền thực hiện các biện pháp cưỡng chế.
Biện pháp cưỡng chế trong khuôn khổ DSU chỉ nhằm vào “tương lai”. Nó không có ý nghĩa trừng phạt bên vi phạm do những hành vi gây thiệt hại cho đối tác thương mại của họ, mà mục đích nhằm sao cho bên có lợi ích bị vi phạm sẽ không bị thiệt hại trong tương lai. WTO chỉ cho phép hai biện pháp cưỡng chế: “đền bù” (compensation) và “trả đũa”. Tuy nhiên “đền bù” ở đây hoàn toàn không với ý nghĩa buộc bồi hoàn bằng tiền (đối với những thiệt hại), mà là tháo dỡ các hàng rào thương mại tại nước vi phạm. Còn biện pháp thứ hai – “trả đũa” – chỉ được áp dụng khi các bên không tự nguyện tháo bỏ các hàng rào thương mại phạm pháp (không chịu thực hiện đền bù).
Trả đũa thương mại về mặt pháp lý cũng không ảnh hưởng tới nguyên tắc căn bản của WTO là bởi trong thực tế trả đũa ở đây được xem là những biện pháp “tạm ngưng thực hiện các nghĩa vụ về nhượng bộ thương mại đã cam kết” đối với nước có hành vi vi phạm quy định của WTO. Hay gọi cách khác là nguyên tắc của WTO cho phép nước bị thiệt hại thiết lập những hàng rào thương mại tạm thời đối với hàng hóa của nước vi phạm. Ngoài ra, các biện pháp cưỡng chế này phải được xây dựng trên nguyên tắc “tương xứng” với những thiệt hại do chính sách bảo hộ mậu dịch của nước đối tác gây ra để đảm bảo công bằng giữa đôi bên. Theo đó nó hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc có đi có lại trong tập quán quốc tế được áp dụng hiệu quả trên thực tế. Việc cho phép ngưng thực hiện nghĩa vụ thương mại đối với bên vi phạm không ảnh hưởng tới tự do thương mại trong khuôn khổ hệ thống thương mại thế giới bởi lẽ nó chỉ là biện pháp chế tài mang tính tạm thời cho đến khi bên đối tác tháo bỏ các hàng rào thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của mình và chỉ áp dụng đối với một chủ thể cụ thể là nước vi phạm quy định của WTO.
Biện pháp trả đũa này của WTO còn mang một ý nghĩa kinh tế rất đặc biệt. Với tư cách là biện pháp cưỡng chế nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới quốc gia vi phạm thông qua việc tạo nên sự đối lập về lợi ích giữa các các nhóm khác nhau. Cụ thể, Ricardo đã chứng minh trong Học thuyết lợi thế cạnh tranh tương đối của mình các quốc gia chỉ thịnh vượng khi họ chuyên môn hóa cao trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà họ có thế mạnh vì điều đó tạo ra lợi thế trong cạnh tranh. Loại bỏ các hàng rào và hạn chế thương mại sẽ là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế. Như vậy, bảo hộ mậu dịch là gây tổn hại cho thương mại và người tiêu dùng. Vậy tại sao các quốc gia vẫn tiếp tục áp đặt các biện pháp bảo hộ mậu dịch? Câu trả lời nằm ở thuyết lợi ích của các nhóm khác nhau. Trong khi tự do hóa thương mại có lợi cho nền kinh tế nói chung, nó lại gây ảnh hưởng tới lợi ích của một số nhóm trong xã hội, chẳng hạn như các doanh nghiệp và công nhân của một số ngành công nghiệp mà quốc gia không có lợi thế cạnh tranh. Họ có động lực rất lớn để vận động hành lang cho các chính sách bảo hộ mậu dịch. Và nhà nước thực tế áp dụng các hàng rào mậu dịch vi phạm quy chế của WTO cũng chỉ là để thỏa mãn lợi ích của những nhóm nêu trên.
Như vậy việc áp đặt các biện pháp trả đũa đối với sản phẩm khác của nước đã thực hiện các biện pháp bảo hộ mậu dịch sẽ tạo động lực cho một nhóm khác – những doanh nghiệp xuất khẩu – vận động chống lại nhóm thứ nhất. Qua thời gian, nếu như mục tiêu của biện pháp trả đũa được đặt đúng, những nhóm doanh nghiệp ủng hộ tự do mậu dịch có thể vô hiệu hóa ảnh hưởng của các nhóm doanh nghiệp trong nước chống lại xu hướng này. Biện pháp cưỡng chế thông qua trả đũa sẽ thúc đẩy sự tuân thủ các quyết định của WTO mà không trực tiếp vô hiệu hóa các văn bản pháp luật của quốc gia. Bằng cách này, cơ chế sẽ tốt hơn cách bắt buộc chính phủ của nước thành viên tiến hành cải cách/thay đổi pháp luật một cách trực tiếp thông qua hệ thống
Nhìn chung, có thể thấy chế tài trả đũa thương mại trong khuôn khổ WTO chính là khả năng sử dụng các quá trình chính trị nội địa của các nước thành viên để đạt lợi ích chung cho toàn hệ thống thương mại toàn cầu góp phần điều chỉnh cân bằng tiềm lực đa quốc gia. Bằng cách đặt lợi ích của một nhóm doanh nghiệp này đối lập với nhóm doanh nghiệp kia cưỡng chế trả đũa đã thúc đẩy các quốc gia phải áp dụng chính sách tự do hóa thương mại. Theo đó, điều này thực tế là có lợi cho người tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế của đất nước nói chung. Thêm vào đó, nó còn tránh gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền tự quyết hay chủ quyền của quốc gia.