Bảo hiểm xã hội hiện nay thực sự cần thiết và đóng một vai trò quan trọng đối với người lao động. Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng biết được mã số bảo hiểm của mình để kiểm tra và theo dõi quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, trong bài viết này chúng tôi xin chia sẻ cách tra cứu, mã số hộ gia đình và mã số BHXH như sau:
Mục lục bài viết
1. Mã số hộ gia đình là gì?
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hộ gia đình là một chủ thể của quan hệ dân sự. Các thành viên trong gia đình có tài sản chung để thực hiện hoạt động kinh tế chung, sử dụng đất, hoạt động sản xuất… hay kinh doanh các lĩnh vực do pháp luật quy định.
Mã số hộ gia đình là mã số mà cơ quan bảo hiểm cấp cho mỗi hộ gia đình. Theo đó, mã số hộ gia đình chính là mã số bảo hiểm xã hội (BHXH) của gia đình đó. Trong trường hợp bạn muốn tham gia điều chỉnh thông tin về BHXH thì sẽ cần mã số hộ gia đình. Vì thế, nếu bạn không thể nhớ được mã số này thì hãy theo dõi phần tiếp theo của bài viết để nắm được cách tra cứu mã hộ gia đình.
Mã hộ gia đình và mã số BHXH được cơ quan BHXH dùng để quản lý các đối tượng tham gia BHXH đồng thời là yêu cầu bắt buộc truy xuất thông tin tại nhiều giấy tờ và thủ tục hưởng BHXH của người lao động.
Mã số hộ gia đình được hiểu trong tiếng Anh là Household code.
Mã số hộ gia đình là mã số được cơ quan bảo hiểm cấp cho mỗi hộ gia đình và cũng là mã số bảo hiểm xã hội của gia đình đó. Trong các thủ tục hành chính, có những thủ tục phải thực hiện theo diện là hộ gia đình. Một ví dụ điển hình là khi tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, bạn sẽ phải thực hiện theo chính sách mua bảo hiểm y tế theo quy định diện mua theo hộ gia đình.
Pháp luật quy định người yêu cầu người tham gia BHXH muốn điều chỉnh thông tin phải điền mã hộ gia đình đã được cơ quan bảo hiểm xã hội đã cấp (chỉ áp dụng đối với trường hợp đã được cấp mã số bảo hiểm xã hội khi điều chỉnh thông tin). Vì thế, nếu bạn muốn điều chỉnh bất kì thông tin nào liên quan đến bảo hiểm xã hội, thì phải cần biết đến mã số hộ gia đình.
2. Hướng dẫn tra cứu mã hộ gia đình:
*) Tra cứu trên điện thoại:
Bước 1: Truy cập vào Tra cứu BHXH: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-ho-gia-dinh.aspx
Bước 2: Để thực hiện chức năng tra cứu mã số bảo hiểm xã hội, cần nhập những thông tin bắt buộc sau:
- Tỉnh/TP: Điền thông tin địa chỉ hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú.
- Họ tên: Điền họ tên của người cần tra cứu. Mặc định để Có dấu, nếu gõ không dấu thì tích chọn vào Không dấu.
- Ngày sinh: Nhập ngày tháng năm sinh của người cần tra cứu vào.
Lưu ý: Bạn cần nhập ít nhất 1 trong các thông tin bắt buộc sau: Mã số BHXH, Ngày sinh hoặc Số CMND.
Sau đó, tích chọn vào Tôi không phải là người máy, rồi nhấn Tra cứu để bắt đầu quá trình tra cứu mã số bảo hiểm xã hội. Ngay sau đó kết quả sẽ xuất hiện ở phía dưới, bạn có thể xem được Mã số BHXH, Mã hộ gia đình, cũng như địa chỉ…
*) Tra cứu mã số BHXH trên thẻ BHYT:
Theo Khoản 2 Điều 3 Quyết định 346/QĐ-BHXH, mã số BHXH là số định danh cá nhân duy nhất do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT. Còn theo Khoản 4 Điều 2 Quyết định 1351/QĐ-BHXH thì 10 ký tự cuối của mã thẻ BHYT chính là mã số BHXH của người tham gia.
*) Tra mã số BHXH trên tờ bìa sổ BHXH:
Theo quy định hiện hành, người lao động tự giữ và bảo quản sổ BHXH của mình chứ không phải doanh nghiệp. Khi cần thông tin về mã số BHXH, có thể tra mã 10 số in trên tờ bìa sổ BHXH đó là được.
*) Tra mã số BHXH trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam:
Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin BHXH Việt Nam để tiến hành tra cứu mã số bảo hiểm xã hội. Tại đây, nhập những thông tin bắt buộc sau:
- Tỉnh/TP: Điền thông tin địa chỉ hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú của bạn, nhấn vào tùy chọn sẽ ra tỉnh/TP.
- Họ tên: Điền họ và tên của người cần tra cứu. Nếu tên có đầy đủ dấu, kích chọn phần “Có dấu”, còn không thì chọn “Không dấu”. Mặc định là gõ có dấu, khi gõ tên cần đúng chính tả để tra cứu dễ dàng hơn.
- Mã xác thực: Điền vào những ký tự bạn nhìn thấy bên cạnh, nếu nhìn không rõ chọn vào biểu tượng 2 mũi tên xoay để đối mã khác rõ hơn.
Lưu ý: Nhập ít nhất 1 trong các thông tin bắt buộc sau: Mã số BHXH, Ngày sinh hoặc Số CMND.
Sau đó, nhấn vào nút Tra cứu để bắt đầu quá trình tra cứu mã số bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Ngay sau đó sẽ xuất hiện thông tin BHXH liên quan tới bạn bao gồm: Mã số BHXH, Họ tên, Giới tính, Ngày sinh, Mã hộ, Địa chỉ.
Kết quả tra cứu sẽ phát sinh 3 tình huống sau:
- Trường hợp 1: Người lao động được cấp Mã số BHXH trùng với số sổ BHXH (nếu có), như vậy người tham gia có thể sử dụng luôn mã số BHXH này thay thế toàn bộ thông tin quản lý liên quan đến số sổ BHXH và mã thẻ BHYT.
- Trường hợp 2: Người lao động được cấp mã số BHXH nhưng khác thông tin số sổ BHXH đã có từ trước, đơn vị thực hiện rà soát mã số BHXH cho người tham gia để đồng bộ lại mã số theo số sổ.
- Trường hợp 3: Không tra cứu được mã số BHXH của người tham gia. Đơn vị thực hiện rà soát để được cấp mã số BHXH cho người tham gia.
*) Tra cứu mã số BHXH trên phần mềm EFY-eBHXH:
Phần mềm EFY-eBHXH cũng hỗ trợ tra cứu mã số BHXH của người tham gia trực tiếp trên phần mềm khi kê khai các hồ sơ phát sinh. Để thực hiện tra mã số bảo hiểm xã hội thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Đăng nhập vào phần mềm EFY-eBHXH, chọn menu Kê khai. Tiếp theo, chọn thủ tục cần khai báo, rồi nhấn vào Lập tờ khai.
Bước 2: Tiếp theo nhập thông tin cá nhân của người tham gia để thực hiện tra cứu mã số và kê khai phát sinh. Các thông tin bắt buộc bao gồm:
- Họ và tên người tham gia.
- Ngày/tháng/năm sinh.
- Giới tính.
- Địa chỉ khai sinh: Tỉnh/TP – Quận/huyện – Xã/phường.
Sau khi nhập xong thông tin, nhấn Kiểm tra mã số BHXH.
Bước 3: Lúc này, EFY-eBHXH sẽ tự động load mã số BHXH theo thông tin cá nhân của người tham gia.
Bước 4: Trường hợp thông tin mã số BHXH của người tham gia bị nhập sai, phần mềm sẽ tự động cảnh báo để đơn vị kiểm tra lại.
Bước 5: Sau khi tra cứu mã số BHXH của người tham gia, đơn vị kê khai các thông tin còn thiếu để nộp hồ sơ phát sinh, hoặc nhấn Ghi lại để cập nhật mã số BHXH vào dữ liệu quản lý của phần mềm.
3. Bảo hiểm y tế hộ gia đình là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014, bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng với các đối tượng theo Luật định để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Trong đó, hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (gọi chung là hộ gia đình) bao gồm toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của gia đình đó.
Vậy nên, có thể hiểu bảo hiểm y tế hộ gia đình chính là hình thức bảo hiểm y tế bắt buộc với tất cả các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện.
4. Hướng dẫn tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế:
Sau khi tra cứu được mã hộ gia đình, người dân cũng có thể dễ dàng tra cứu thông tin, giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của mình. Theo đó, vẫn trên trang tra cứu trực tuyến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người dân thực hiện như sau:
Bước 1. Bấm chọn “Tra cứu giá trị sử dụng thẻ BHYT”
Bước 2. Nhập chính xác các thông tin:
– Mã thẻ bảo hiểm y tế;
– Ngày/tháng/năm sinh;
– Họ và tên;
– Tích chọn “Tôi không phải là người máy”;
– Bấm chọn “Tra cứu”.
Bước 3. Kết quả trả về
Sau khi bấm tra cứu, hệ thống sẽ trả về thông tin của người tham gia BHYT.
Ví dụ: “Họ tên: Nguyễn Văn A, Ngày sinh…, Thẻ có giá trị sử dụng: Từ ngày 01/01/2020 đến ngày 31/12/2020.”
Quyền lợi: Được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở”.
5. Thủ tục cấp lại sổ BHXH bị mất:
Trước hết, bạn cần làm đơn đề nghị cấp lại sổ theo quy định tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 ban hành quy trình thu Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm Y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn, Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ Bảo hiểm Y tế. Trong đó, nêu rõ lý do bị mất BHXH, BHYT và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần.
Mục 1, Điều 27 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH TNLĐ – BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT quy định:
1.1. Thành phần hồ sơ cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS).
1.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Tiết c, Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 31 Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định các trường hợp cấp lại sổ BHXH kê khai hồ sơ theo quy định tại điều 27 nêu trên và nộp hồ sơ như sau:
– Người đang làm việc nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH
– Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH nộp cho cơ quan BHXH.
Điều 29, quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định thời hạn cấp lại sổ BHXH do mất: không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp cần phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc thì không quá 45 ngày nhưng phải có văn bản
Kết luận: Mã số hộ gia đình và mã số sổ BHXH là thông tin quan trọng, gắn liền với nhân thân mỗi hộ gia đình nên các cá nhân nên nắm bắt được thông tin để đảm bảo quyền lợi của bản thân.