Chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hệ thống tổ chức và tư cách pháp nhân của các cấp Hội. Nhiệm vụ của hội viên và Hội Phụ nữ Việt Nam. Tổ chức thành viên Hội Phụ nữ Việt Nam.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Với gần 17 triệu hội viên1, có hệ thống tổ chức Hội 4 cấp và mạng lưới các chi, tổ ở tất cả các xã, thôn, bản trên cả nước, có đội ngũ cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm và có kinh nghiệm trong các hoạt động phát triển cộng đồng. Mạng lưới hội viên phụ nữ rộng lớn của Hội là lực lượng mạnh mẽ góp phần không nhỏ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội, Hội đã tích cực, chủ động và trách nhiệm trong thực hiện Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm Hội liên hiệp phụ nữ
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) là tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị, có tư cách pháp nhân, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.
Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.
Từ những tổ chức tiền thân cho đến ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đoàn kết, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Hệ thống tổ chức và tư cách pháp nhân của các cấp Hội
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gồm 4 cấp:
a. Cấp Trung ương;
b. Cấp tỉnh (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương);
c. Cấp huyện (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương);
d. Cấp cơ sở (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn và tương đương).
2. Trung ương Hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
3. Nhiệm vụ của hội viên và Hội Phụ nữ Việt Nam
Nhiệm vụ của hội viên
1. Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.
2. Chấp hành Điều lệ Hội, tích cực tham gia sinh hoạt và các hoạt động Hội, đóng Hội phí theo quy định của Điều lệ.
3. Học tập nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt, giữ gìn uy tín và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
4. Đoàn kết, giúp nhau trong công tác, học tập, lao động, đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, phấn đấu thực hiện bình đẳng giới.
Hội Liên hiệp phụ nữ có nhiệm vụ sau:
1. Tuyên truyền, vận động, giáo dục phụ nữ giữ gìn, phát huy phẩm chất đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và phụ nữ Việt Nam; tổ chức, tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực về mọi mặt, tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
2. Tham gia xây dựng phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; tham mưu, đề xuất với Đảng, nhà nước về công tác phụ nữ tạo điều kiện để phụ nữ bình đẳng và phát triển.
3. Tập hợp các tầng lớp phụ nữ, phát triển hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
4. Đa dạng hóa các nguồn thu hợp pháp để xây dựng và phát triển quỹ Hội bền vững, hỗ trợ hoạt động của Hội.
5. Đoàn kết, hợp tác với phụ nữ các nước, các tổ chức, cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới vì bình đẳng, phát triển và hòa bình.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội
Ban Chấp hành Trung ương Hội có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Ban hành Nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch nhằm vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc;
b. Lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết, Điều lệ Hội;
c. Đại diện tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ;
d. Đại diện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong hệ thống chính trị, trong quan hệ với các tổ chức khác trong nước và ngoài nước;
đ. Bầu Đoàn Chủ tịch trong số ủy viên Ban Chấp hành, bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch trong số các ủy viên Đoàn Chủ tịch;
e. Ban Chấp hành họp mỗi năm một lần, khi cần có thể họp bất thường.
Đoàn Chủ tịch có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Hội; triệu tập và chuẩn bị nội dung hội nghị Ban Chấp hành;
b. Quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp và một số vấn đề thuộc tổ chức Hội theo quy định;
c. Đoàn Chủ tịch họp sáu tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
Thường trực Đoàn Chủ tịch (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành công việc giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch và xử lý công việc hàng ngày của cơ quan Trung ương Hội;
b. Chuẩn bị các nội dung hội nghị Đoàn Chủ tịch;
c. Lãnh đạo, quản lý toàn diện cơ quan chuyên trách Trung ương Hội; quyết định thành lập, giải thể các ban hoặc đơn vị chuyên môn, tổ công tác, hội đồng tư vấn của cơ quan Trung ương Hội, thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật; được sử dụng con dấu của Ban Chấp hành trong điều hành hoạt động của cơ quan Trung ương Hội.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện
1. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ cùng cấp và cấp trên;
b. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ cùng cấp và cấp trên;
c. Đại diện cho tổ chức Hội và phụ nữ địa phương tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác phụ nữ;
d. Bầu Ban Thường vụ trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp; bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ cùng cấp;
đ. Ban Chấp hành họp sáu tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
2. Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội cấp trên và cùng cấp; triệu tập và chuẩn bị nội dung hội nghị Ban Chấp hành cùng cấp;
b. Quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp và một số vấn đề thuộc tổ chức Hội cùng cấp theo quy định;
c. Ban Thường vụ họp ba tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
3. Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Thay mặt Ban Thường vụ điều hành công việc giữa hai kỳ họp Ban Thường vụ; xử lý các công việc hàng ngày của cơ quan chuyên trách Hội cùng cấp;
b. Chuẩn bị các nội dung họp Ban Thường vụ cùng cấp;
c. Lãnh đạo, quản lý cơ quan chuyên trách Hội cấp mình; quyết định thành lập, giải thể các ban, đơn vị chuyên môn, tổ công tác, hội đồng tư vấn thuộc cơ quan chuyên trách Hội cùng cấp, thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật; được sử dụng con dấu Ban Chấp hành trong điều hành hoạt động cơ quan chuyên trách cùng cấp.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở
Ban Chấp hành có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Nắm tình hình đời sống, tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trên;
b. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hội, Nghị quyết đại hội, Nghị quyết Ban Chấp hành Hội cùng cấp và Hội cấp trên;
c. Đại diện cho tổ chức Hội và phụ nữ địa phương tham gia góp ý xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án và giám sát việc thực hiện; phát hiện, có biện pháp giải quyết kịp thời khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ bị vi phạm;
d. Công nhận hội viên; tuyên truyền, vận động và tổ chức cho hội viên thực hiện đầy đủ các quyền, nhiệm vụ của hội viên theo quy định Điều lệ;
đ. Bầu Ban Thường vụ trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp; bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ cùng cấp;
e. Ban Chấp hành họp ba tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:
a. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành; triệu tập và chuẩn bị nội dung họp Ban Chấp hành;
b. Quản lý, phát triển hội viên; xây dựng, quản lý quỹ hội; thu, chi, trích nộp hội phí và sử dụng các nguồn thu đảm bảo đúng quy định của pháp luật và quy định của tổ chức Hội; thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật.
c. Ban Thường vụ họp một tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường.
3. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn là cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Hội, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
4. Tổ chức thành viên Hội Phụ nữ Việt Nam
1. Các tổ chức phụ nữ Việt Nam hợp pháp ở trong nước tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện gia nhập Hội thì được công nhận là tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét quyết định việc công nhận và thôi công nhận tổ chức thành viên.
2. Hội viên của các tổ chức thành viên là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
3. Quyền của tổ chức thành viên:
a. Được cử đại diện tham gia ứng cử vào cơ quan lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
b. Được Hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng;
c. Được đóng góp ý kiến đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và được Hội phản ánh nguyện vọng hợp pháp, chính đáng đến Đảng, Nhà nước.
4. Nhiệm vụ của tổ chức thành viên:
a. Thực hiện Điều lệ, Nghị quyết của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
b. Có trách nhiệm xây dựng tổ chức Hội;
c. Tham gia các hoạt động hỗ trợ hội viên, thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
d. Phối hợp với các tổ chức thành viên khác của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp triển khai các hoạt động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và xây dựng khối đại đoàn kết các tầng lớp phụ nữ
5. Vai trò giám sát và phản biện xã hội
Trong thực hiện vai trò giám sát
Vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong giám sát việc thực thi các chính sách bình có liên quan tới đẳng giới được coi là trung tâm vì vị thế đặc biệt của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong hệ thống chính trị và xã hội của Việt Nam. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chủ trì giám sát 10 nội dung với 28 đoàn giám sát tại 26 tỉnh và 02 bộ ngành. Trong 5 năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, huyện, xã đã chủ trì thành lập đoàn giám sát 15.601 cuộc; trong đó, cấp tỉnh chủ trì thành lập đoàn giám sát 523 cuộc; cấp huyện chủ trì thành lập đoàn giám sát 2.438 cuộc; cấp xã chủ trì thành lập đoàn giám sát 12.640 cuộc. Ngoài ra, các cấp Hội giám sát bằng các hình thức khác, như nghiên cứu xem xét văn bản; tham gia các đoàn giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cơ quan quản lý nhà nước); qua đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ảnh; quan sát, tìm hiểu, giao tiếp.
Trong thực hiện vai trò phản biện xã hội
Từ năm 2014 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tập trung phản biện xã hội nhiều dự thảo luật, dự thảo báo cáo quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, như: dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi); dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức 06 Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, đại biểu các ngành và cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp tại 6 tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các tỉnh, thành tổ chức được 7.809 cuộc góp ý kiến với tổng số 3.287.039 người tham gia, dự thảo
Ngoài ra Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp ở địa phương đã tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý vào các dự thảo văn bản pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cấp địa phương.