Mỗi chức danh tư pháp như Điều tra viên, Kiểm sát viên hay Thẩm phán đều có những quyền hạn, trách nhiệm khác nhau. Thẩm phán là gì? Nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của thẩm phán trong luật tố tụng hình sự?
Mục lục bài viết
1. Thẩm phán là gì?
Thẩm phán là người tiến hành tố tụng, là người thực hiện hoạt động xét xử của Tòa án. Được bổ nhiệm và giao nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật.
2. Nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của thẩm phán trong luật tố tụng hình sự:
– Khi được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự, Thẩm phán có những nhiệm vụ và quyền hạn sau: Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa; Tiến hành xét xử vụ án; Tiến hành hoạt động tố tụng và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử; Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án. Điều luật này quy định “tiến hành xét xử” thay cho “tham gia xét xử” khẳng định vai trò tích cực, chủ động hơn của Thẩm phán và đúng với logic thẩm quyền của người tiến hành tố tụng với hoạt động xét xử là hoạt động tố tụng do Thẩm phán tiến hành.
– Khi được phân công là chủ tọa phiên tòa, ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn như đối với các Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự trên, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa còn có những nhiệm vụ và quyền hạn sau: Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam; Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; Điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa; Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản; Yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật; Quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án theo quy định của Bộ luật này.
Nhằm tạo điều kiện cho Thẩm phán thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cảu mình, so với quy định trong
+ Cụ thể hóa phạm vi biện pháp ngăn chặn được quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ: đó là tất cả các biện pháp ngăn chặn trừ biện pháp tạm giam;
+ Bổ sung quy định đặc trưng nhất, điển hình nhất của Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa mà BLTTHS năm 2003 chưa quy định: đó là điều hành việc xét xử vụ án, tranh tụng tại phiên tòa;
+ Bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực hiện nghiêm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người giám định tài sản;
+ Bổ sung thẩm quyền yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật.
– Thảm phán chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của mình. Khác với Điều tra viên và Kiểm sát viên, ngoài việc chịu trách nhiệm trước pháp luật còn phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng CQĐT và Viện trưởng Viện kiểm sát, Thẩm phán chỉ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà không phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án khi tiến hành giải quyết, xét xử vụ án, điều này xuất phát từ nguyên tắc Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
3. Nhiệm vụ quyền hạn của thẩm phán theo luật tố tụng dân sự:
Khi được Chánh án Tòa án phân công, Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, thụ lý vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
– Lập hồ sơ vụ việc dân sự.
– Tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ, tổ chức phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
– Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
– Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự, quyết định tiếp tục đưa vụ việc dân sự ra giải quyết.
– Giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
– Tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định của Bộ luật này.
– Quyết định đưa vụ án dân sự ra xét xử, đưa việc dân sự ra giải quyết.
– Triệu tập người tham gia phiên tòa, phiên họp.
– Chủ tọa hoặc tham gia xét xử vụ án dân sự, giải quyết việc dân sự.
– Đề nghị Chánh án Tòa án phân công Thẩm tra viên hỗ trợ thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
– Phát hiện và đề nghị Chánh án Tòa án kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên theo quy định của Bộ luật này.
– Xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật.
– Tiến hành hoạt động tố tụng khác khi giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
(Điều 48
4. Quy trình bổ nhiệm thẩm phán tòa án tối cao một số nước trên thế giới:
CỘNG HÒA PHÁP
Toà phá án là cơ quan xét xử cao nhất trong ngạch tư pháp. Toà phá án bao gồm 6 Toà chuyên trách: 1 Toà hình sự, 3 Toà dân sự, 1 Toà thương mại, 1 Toà lao động. Toà phá án có 190 Thẩm phán.
Qui trình bổ nhiệm: Theo nguyên tắc, Thẩm phán ngạch tư pháp do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Thẩm phán tối cao hoặc của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Chánh án và các Thẩm phán Toà phá án, Chánh án các Toà án phúc thẩm, Chánh án các Toà án sơ thẩm thẩm quyền rộng do Hội đồng Thẩm phán tối cao lựa chọn ứng cử viên và trình lên Tổng thống bổ nhiệm.
Hội đồng Thẩm phán tối cao được thành lập theo Luật ngày 30-8-1883, nhưng mãi đến năm 1946 mới được ghi nhận trong Hiến pháp ngày 27-10-1946. Theo quy định tại Điều 65 của Hiến pháp, Hội đồng Thẩm phán tối cao do Tổng thống làm Chủ tịch và Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Phó Chủ tịch. Qua nhiều lần cải tổ, đến năm 2008 Hội đồng có cơ cấu như sau: Bộ phận chuyên trách về Thẩm phán có 6 thành viên, gồm 5 Thẩm phán và 1 Công tố viên do Chánh án Toà phá án làm Chủ tịch; bộ phận chuyên trách về Công tố viên có 6 thành viên, gồm 5 Công tố viên và 1 Thẩm phán, do Công tố viên trưởng Toà phá án làm Chủ tịch. Ngoài các thành viên nói trên, thành viên của cả hai bộ phận còn bao gồm 8 thành viên khác không thuộc ngành Toà án: 1 thành viên của Tham chính viện do Đại hội đồng của Tham chính viện bầu ra, 1 luật sư do Chủ tịch Hội đồng luật sư quốc gia bổ nhiệm trên cơ sở ý kiến thông qua của Đại hội đồng của Hội đồng luật sư quốc gia, 6 cá nhân có phẩm chất nổi bật được Tổng thống, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện bổ nhiệm theo cặp 1 nam – 1 nữ.
Nhiệm kỳ: Trong số 190 Thẩm phán Tòa phá án, có 120 Thẩm phán có nhiệm kỳ đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi), 70 Thẩm phán còn rất trẻ có nhiệm kỳ 10 năm (hết nhiệm kỳ 10 năm sẽ về làm Thẩm phán ở Toà án cấp dưới).
LIÊN BANG ĐỨC
Toà án tối cao liên bang là Toà án có vị trí cao nhất của hệ thống Toà án có thẩm quyền chung. Tính đến tháng 6-2010, Toà án tối cao liên bang có 423 người trong đó có 127 Thẩm phán làm việc tại 12 ban (có thể gọi là Toà) dân sự, 5 ban hình sự, 1 ban hỗ trợ. Các cộng tác viên gồm 50 Thẩm phán thuộc hệ thống Toà án thẩm quyền chung của 16 bang hỗ trợ các ban xét xử này. Các Thẩm phán này được biệt phái đến công tác tại Toà án tối cao liên bang với thời gian thông thường là 3 năm.
Qui trình bổ nhiệm: Ứng cử viên Thẩm phán phải là người đã vượt qua kỳ thi tư pháp quốc gia lần thứ hai, phải nộp đơn lên Bộ Tư pháp bang đề nghị được làm Thẩm phán. Nếu được chấp nhận, họ sẽ được bổ nhiệm làm “Thẩm phán thử việc”, thời gian thử việc là 5 năm kể từ ngày bổ nhiệm; nếu họ đã là công chức, thời gian thử việc là 2 năm. Sau khi kết thúc thời gian thử việc, Thẩm phán thử việc có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán chính thức. Việc bổ nhiệm Thẩm phán ở các bang rất khác nhau. Nhìn chung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp bang có vai trò quyết định trong việc bổ nhiệm Thẩm phán của Toà án thẩm quyền chung.
Thẩm phán các Toà án liên bang (bao gồm Thẩm phán Tòa án tối cao) do Tổng thống bổ nhiệm theo đề cử của Bộ trưởng Bộ Tư pháp liên bang và Ủy ban tuyển chọn Thẩm phán liên bang. Ủy ban này gồm 32 thành viên, 16 người là đại diện các Bộ trưởng tư pháp Bang, 16 người còn lại do Quốc hội bầu.
Nhiệm kỳ: Các Thẩm phán đều được bổ nhiệm đến tuổi nghỉ hưu (65 tuổi).
NHẬT BẢN
Toà án tối cao gồm Chánh án và 14 Thẩm phán, được chia thành 3 Hội đồng xét xử, mỗi Hội đồng gồm 5 Thẩm phán. Để giúp các Thẩm phán Toà án tối cao trong công tác xét xử có khoảng 30 chosakan là những Thẩm phán Toà án địa phương cấp tỉnh ưu tú, có kinh nghiệm được luân chuyển đến Toà án tối cao.
Qui trình bổ nhiệm:
- Chánh án Toà án tối cao do Hoàng đế bổ nhiệm theo đề nghị của Nội các. Thẩm phán Toà án tối cao do Nội các bổ nhiệm và Hoàng đế phê chuẩn. Chánh án Toà án tối cao ngang cấp với Thủ tướng, Thẩm phán Toà án tối cao ngang cấp với Bộ trưởng, Tổng Công tố (tương đương Viện trưởng Viện kiểm sát nhân nhân tối cao Việt Nam).
Thẩm phán Toà án tối cao là những người có tầm hiểu biết rộng, có kiến thức sâu về pháp luật và từ 40 tuổi trở lên. Trong số 15 Thẩm phán Toà án tối cao thì ít nhất phải có 10 Thẩm phán được chọn trong số các Thẩm phán, Công tố viên, Luật sư, Giáo sư, Phó Giáo sư xuất sắc trong các khoa luật. Những Thẩm phán còn lại không nhất thiết phải là luật gia.
Thẩm phán Tòa án tối cao do Nội các bổ nhiệm. Khi có Thẩm phán về hưu, Chánh án sẽ
Nhiệm kỳ: Thẩm phán Toà án tối cao nghỉ hưu ở tuổi 70.
HÀN QUỐC
Toà án tối cao gồm Chánh án và 13 Thẩm phán, trong đó một Thẩm phán làm Bộ trưởng Bộ Quản lý Toà án quốc gia. Thẩm phán này không có chức năng xét xử. Do đó, chỉ có Chánh án và 12 Thẩm phán thực hiện chức năng xét xử, 12 Thẩm phán chia thành 3 Hội đồng xét xử.
Giúp việc cho các Thẩm phán Toà án tối cao trong hoạt động xét xử là các Thẩm phán giỏi của Toà án cấp dưới được tuyển chọn làm việc luân phiên tại Toà án tối cao.
Qui trình bổ nhiệm:
Chánh án Toà án tối cao do Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Quốc hội. Các Thẩm phán Toà án tối cao do Chánh án Toà án tối cao đề nghị Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Quốc hội.
Để bổ nhiệm Thẩm phán Toà án tối cao, Ban tư vấn về bổ nhiệm Thẩm phán Toà án tối cao được thành lập và nằm trong Toà án tối cao. Ban có 6 đến 8 thành viên, gồm: Chánh án Toà án tối cao nhiệm kỳ trước, một Thẩm phán có vị trí cao nhất trong số các Thẩm phán hiện có của Toà án tối cao, Bộ trưởng Bộ Quản lý Toà án quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Hàn Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Giáo sư luật Hàn Quốc và 2 thành viên bổ sung do Chánh án Toà án tối cao bổ nhiệm nếu thấy cần thiết. Ban tư vấn sẽ có ý kiến về các ứng viên Thẩm phán Toà án tối cao, nhưng những ý kiến này không có giá trị ràng buộc Chánh án Toà án tối cao trong việc đề nghị Tổng thống bổ nhiệm.
Nhiệm kỳ: Nhiệm kỳ của Chánh án và Thẩm phán Toà án tối cao là 6 năm. Giới hạn tuổi của Chánh án Toà án tối cao là 70 và không được đảm nhiệm 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Thẩm phán Toà án tối cao ở tuổi 65 có thể được tái bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ.
HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ
Tòa án tối cao Hoa Kỳ có 09 Thẩm phán.
Qui trình bổ nhiệm: Phần lớn các Thẩm phán Tòa án tối cao xuất thân từ những gia đình có hoạt động đảng phái rất tích cực và khoảng 1/3 trong số họ có quan hệ với các luật gia và liên hệ chặt chẽ với các gia đình có truyền thống phục vụ trong ngành tư pháp. Tất cả các Thẩm phán Tòa án tối cao đều đã học luật, đã từng hành nghề luật và nhiều người trong số họ đã làm Thẩm phán của Tòa án nào đó trước khi được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án tối cao. Và hầu hết trong số họ đều cùng định hướng chính trị với Tổng thống bổ nhiệm họ.
Hiến pháp và luật không quy định về các tiêu chuẩn cần thiết để một người có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán liên bang. Tuy nhiên, có ít nhất bốn yếu tố sau, mặc dù không chính thức, song hết sức thiết yếu:
– Năng lực chuyên môn: Thông thường các Thẩm phán liên bang thường được bổ nhiệm trong số các luật sư nổi bật về khả năng chuyên môn.
– Phẩm chất chính trị: Hầu hết những ứng cử viên cho vị trí Thẩm phán đều phải có thành tích nhất định về hoạt động chính trị vì hai lý do. Thứ nhất, vị trí Thẩm phán vẫn được coi là một phần của hệ thống chính trị bảo trợ; những người đã phục vụ trong đảng phái thường có nhiều khả năng được bổ nhiệm làm Thẩm phán liên bang hơn. Thứ hai, Thẩm phán tương lai thường phải có một số hoạt động chính trị, bởi nếu không thì Tổng thống, các Thượng nghị sỹ hoặc lãnh đạo đảng phái tại địa phương – những người đề cử ứng cử viên thẩm phán, sẽ không biết đến họ.
– Khẳng định sự mong muốn: Một số Thẩm phán tương lai đã tự mình tiến hành những chiến dịch vận động kín đáo hoặc ít nhất cũng phát tín hiệu rằng họ đã sẵn sàng để phục vụ tại Tòa án.
Tất cả thẩm phán liên bang (bao gồm Thẩm phán Tòa án tối cao) đều do Tổng thống bổ nhiệm sau khi tham khảo ý kiến theo đúng quy trình với đội ngũ chuyên gia cao cấp của Nhà Trắng, Văn phòng Chưởng lý, một số Thượng nghị sỹ và các nhà hoạt động chính trị khác. Cục điều tra liên bang (FBI) thường tiến hành kiểm tra an ninh theo thủ tục. Sau khi việc bổ nhiệm được công bố công khai, các nhóm lợi ích khác nhau có thể vận động ủng hộ hoặc chống lại ứng cử viên. Tương tự, Ủy ban của Hiệp hội luật sư Hoa Kỳ đánh giá phẩm chất và năng lực của ứng cử viên. Ủy ban tư pháp của Thượng viện tiến hành cuộc điều tra để xem xét xem ứng cử viên có phù hợp với vị trí này hay không. Việc bổ nhiệm sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp của Thượng viện, phê chuẩn theo đa số phiếu đơn thuần.
Nhiệm kỳ: Thẩm phán ngừng thực hiện những nhiệm vụ xét xử của mình khi nghỉ hưu theo nguyện vọng hoặc do tình trạng sức khỏe yếu kém hay qua đời, hoặc khi họ chịu sự kỷ luật.