Trong cuộc sống thường ngày không thể tránh khỏi việc chúng ta sẽ di chuyển tại nhiều địa điểm khác nhau, và có thể ở lại tại địa điểm trong khoảng thời gian ngắn. Chính vì vậy Luật Cư trú quy định đối với những trường hợp lưu trú cần thông báo đến cơ quan có thẩm quyền.
Mục lục bài viết
1. Lưu trú là gì?
Lưu trú là một thuật ngữ là khá mới. Thuật ngữ “lưu trú” được thay thế cho thuật ngữ “tạm trú vãng lai”. Sự thay đổi này nhằm phân biệt rõ khái niệm “lưu trú” với khái niệm “cư trú”. Vậy lưu trú là gì?
Theo quy định tại Điều 31 Luật Cư trú năm 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 lưu trú được hiểu như sau:
“Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.”
Lưu trú là việc công dân Việt Nam đến và ở lại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn trong một khoảng thời gian nhất định, ngoài nơi mà mình có hộ khẩu thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú.
Lưu trú phải không thuộc các trường hợp phải đăng ký tạm trú, tức là người này không thực hiện sinh sống thường xuyên ở đây, mà chỉ vì một số lý do như công việc, du lịch, thăm bệnh,… có tính chất tạm thời mới thực hiện thông báo lưu trú đến cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Các trường hợp theo quy định phải thông báo lưu trú nhưng không thực hiện thông báo lưu trú đến cơ quan có thẩm quyền có thể bị kiểm tra, và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Lưu trú trong tiếng Anh được hiểu là “Stay“.
Định nghĩa lưu trú trong tiếng anh có thể hiểu như sau:
” Stay means a citizen’s stay for a certain period of time at a place in a commune, ward or town outside of his / her residence and is not required to register for temporary residence.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện nay lưu trú là việc công dân ở lại tại một địa điểm thuộc xã, phường thị trấn ngoài nơi cư trú của mình, nhưng không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú trong một khoảng thời gian nhất định. Trong trường hợp này, cá nhân lưu trú thường xác định rõ mục đích ở nơi lưu trú cũng như thời gian đến, thời gian rời đi khỏi nơi lưu trú đó.
Quy định này nhằm đơn giản hóa thủ tục đối với việc quản lý khách vãng lai đi thăm người thân, đi du lịch, chữa bệnh… và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, được bảo đảm quyền và lợi ích của mình nơi lưu trú trong thời gian lưu trú.
2. Khi nào phải thông báo lưu trú:
Theo quy định trên việc thông báo lưu trú được thực hiện khi công dân ở lại một địa điểm xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú và không thuộc trường hợp đăng ký tạm trú trong một khoảng thời gian nhất định.
Khi cá nhân di chuyển đến một địa điểm khác để thực hiện mục đích nhất định của mình, như thăm gặp người thân, thực hiện công việc, đi du lịch,… trong một thời gian, kế hoạch xác định rõ ngày đến, ngày đi thì cần thực hiện việc thông báo lưu trú theo quy định.
Tại Điều 31, Luật cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013 có quy định:
1. ”Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú.
2. Gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người từ đủ 14 tuổi trở lên đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại.
3. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ, nếu người đến lưu trú sau 23 giờ thì thông báo lưu trú vào sáng ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
4. Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.”
Theo quy định trên thì những người có trách nhiệm phải thông báo lưu trú bao gồm:
- Trách nhiệm khai báo lưu trú thuộc về đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở khám chữa bệnh, nhà nghỉ, khách sạn,… có người đến lưu trú phải thông báo lưu trú với cơ quan có thẩm quyền.
- Với trường hợp chủ của nhà ở gia đình, nhà ở tập thể không có mặt tại địa phương thì người đến lưu trú sẽ thực hiện việc khai báo lưu trú đến
cơ quan Công an ở địa phương. - Người đến lưu trú trên 14 tuổi phải xuất trình giấy tờ để chứng minh nhân thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu,… giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyên cấp.
- Đối với người dưới 14 tuổi sẽ phải cung cấp các thông tin về nhân thân của người đó và không phải thực hiện xuất trình những giấy tờ nêu trên.
- Thông báo lưu trú đến Công an địa phương phải được thực hiện trước 23h, với trường hợp người đến lưu trú sau 23h phải thực hiện thông báo lưu trú vào ngày hôm sau.
- Trường hợp người thân trong gia đình đến lưu trú nhiều lần như ông, bà, bố, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột sẽ chỉ cần thông báo lưu trú đến Công an địa phương một lần.
- Người thông báo lưu trú có thể được thực hiện thông qua hai hình thức là trực tiếp đến cơ quan Công an địa phương hoặc thông báo qua internet, qua máy tính.
Như vậy, những chủ thể trên có trách nhiệm thực hiện việc thông báo lưu trú nhằm thực hiện tốt công tác quản lý dân cư tại địa phương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Thủ tục lưu trú và tiếp nhận lưu trú tại Công an cấp xã:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 21
- Chứng minh nhân dân/ căn cước công dân;
- Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng;
- Giấy tờ tùy thân khác có dán ảnh có giá trị thay thế;
- Giấy tờ do cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp;
- Đối với người dưới 14 tuổi đến lưu trú thì không phải xuất trình các giấy tờ nêu trên nhưng phải cung cấp thông tin về nhân thân của người dưới 14 tuổi;
Nơi tiếp nhận thông báo lưu trú là trụ sở Công an xã, phường, thị trấn hoặc địa điểm khác tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương.
Người có trách nhiệm thông báo lưu trú có thể thực hiện việc thông báo lưu trú trực tiếp tại hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng internet, mạng máy tính với Công an xã, phường, thị trấn. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú và hướng dẫn cách thông báo lưu trú.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Cư trú 2006 sửa đổi, bổ sung 2013, việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ hàng ngày. Cán bộ tiếp nhận thông báo lưu trú tại các địa điểm ngoài trụ sở Công an xã, phường, thị trấn phải thông tin, báo cáo số liệu kịp thời về Công an xã, phường, thị trấn; những trường hợp đến lưu trú sau 23 giờ thì báo cáo về Công an xã, phường, thị trấn vào sáng ngày hôm sau.
Thời gian lưu trú tùy thuộc nhu cầu của công dân. Trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú và không cấp giấy tờ chứng nhận lưu trú cho công dân.
Trong quá trình lưu trú, Công an xã, phường, thị trấn có thể tiến hành kiểm tra, quản lý cư trú tại địa phương, theo định kỳ, đột xuất, hoặc theo yêu cầu. Với những trường hợp phát hiện không thực hiện thông báo cư trú sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của xử lý vi phạm pháp luật về cư trú.
4. Một số điểm lưu ý về thông báo lưu trú:
– Trách nhiệm thông báo lưu trú không phải của người đến lưu trú, mà là của gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú khác khi có người đến lưu trú.
Ví dụ: Khách sạn phải báo cáo với CA phường, xã về số khách lưu trú trước 23 giờ trong ngày.
– Để tạo thuận lợi và giảm bớt phiền hà cho công dân, ngoài những người là cha, me, vợ, chồng, con thì khoản 3 Điều 31 Luật Cư trú còn bổ sung các đối tượng ông, bà, cháu và anh, chị, em ruột nếu đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
4.1. Khai báo tạm vắng là gì?
Đối tượng khai báo tạm vắng gồm: (Khoản 1,2 Điều 32 Luật Cư trú)
– Bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hàn hình phạt tù; người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo; người bị phạt cải tạo không giam giữ ; người đang bị quản chế, người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị áp dụng đưa vào CSGD, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành khi đi khỏi nơi cư trú từ 1 ngày trở lên;
– Người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên đi khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi mình cư trú từ 3 tháng trở lên thì thời hạn tạm vắng do họ tự quyết định.
Về thủ tục khai báo tạm vắng: (Khoản 3,4 Điều 32 Luật Cư trú)
– Người thuộc diện khai báo tạm vắng nêu trên phải khai báo tạm vắng tại CA xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú. Khi đến khai báo tạm vắng phải xuất trình CMND và ghi vào phiếu khai báo tạm vắng.
– CA xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn nội dung khai báo, kiểm tra nội dung khai báo, ký xác nhận vào phần phiếu cấp cho người khai báo tạm vắng
Thông tư số 35/2014/TT-BCA hướng dẫn cụ thể về Thủ tục khai báo tạm vắng như sau:
“Điều 22. Khai báo tạm vắng
1. Đối tượng, thủ tục khai báo tạm vắng thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật Cư trú và hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Người khai báo tạm vắng phải đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú để làm thủ tục khai báo tạm vắng.
3. Người khai báo tạm vắng thuộc khoản 1 Điều 32 Luật Cư trú khi khai báo tạm vắng phải có sự đồng ý bằng văn bản của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý người đó.
Người khai báo tạm vắng theo khoản 2 Điều 32 Luật Cư trú thì thời hạn tạm vắng do người đó tự quyết định…”
4.2. Khai báo tạm vắng theo quy định của Luật Cư trú có một số điểm mới:
+ Về các trường hợp khai báo tạm vắng: nếu như các Nghị Định trước đây quy định Người từ 15 tuổi trở lên có việc riêng phải vắng mặt qua đêm khỏi quận, huyện, thành phố, thị xã nơi đang thường trú của mình phải khai báo tạm vắng theo quy định, nhưng sau khi đến nơi tạm trú phải tiếp tục khai báo tạm trú với nơi họ đến. Nay Điều 32 của Luật cư trú đã thu hẹp tối đa đối tượng phải khai báo tạm vắng, chỉ quy định việc khai báo tạm vắng với một số đối tượng cụ thể nhất định.
+ Về phạm vi địa bàn: pháp luật trước đây quy định việc khai báo tạm vắng được áp dụng trong trường hợp công dân vắng mặt qua đêm khỏi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi đang thường trú; còn Luật Cư trú quy định đối tượng thuộc diện khai báo tạm vắng khi đi ra khỏi nơi cư trú tức là đi ra khỏi phạm vi xã, phường, thị trấn thì phải khai báo tạm vắng.
+ Về chế tài xóa tên trong sổ hộ khẩu: So với quy định trước đây:“ Người đi vắng khỏi nơi đã đăng ký hộ khẩu thường trú quá 6 tháng không khai báo tạm vắng, không có lý do chính đáng; người có hộ khẩu thường trú, nhưng thực tế không cư trú ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú không có lý do chính đáng; hoặc không thể ở nơi đó được sẽ bị xoá tên trong sổ hộ khẩu …”, Luật Cư trú không áp dụng việc xóa tên trong sổ hộ khẩu đối với các trường hợp này.
Kết luận: Công dân được quyền lựa chọn nơi lưu trú của mình, tuy nhiên để dễ dàng trong việc quản lý dân cư, cần đáp ứng tuân thủ quy định của pháp luật về khai báo lưu trú tới cơ quan Công an cấp xã nơi lưu trú.