Bị khai trừ khỏi Đảng, Đảng viên có được xin kết nạp lại không? Quy định về hình thức xử lý kỷ luật khai trừ đối với Đảng viên. Quy định về xét kết nạp lại của Đảng viên. Các trường hợp không xem xét kết nạp lại.
Theo Điều lệ Đảng, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên khi có đủ tiêu chuẩn và có nguyện vọng đều có thể trở thành Đảng viên, trở thành chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Một trong những những nhiệm vụ mà Đảng viên phải làm là tuân thủ kỷ luật của Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân. Trường hợp Đảng viên có vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý kỷ luật khai trừ khỏi Đảng. Vậy, đối với những Đảng viên đã bị khai trừ khỏi Đảng có được xin kết nạp lại không?
Mục lục bài viết
1. Các hình thức xử lý kỷ luật đối với Đảng viên
Thứ nhất, về các hình thức xử lý kỷ luật
Theo quy định tại Điều 35 Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam và Hướng dẫn tại Điều 35 Mục II Quy định 30-QĐ/TW năm 2016, Đảng viên có hành vi vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật dưới các hình thức như sau:
– Đối với đảng viên chính thức : khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ;
Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xóa tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng. Cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không để thôi giữ chức.
– Đối với đảng viên dự bị : khiển trách, cảnh cáo.
Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo và khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức. Nếu vi phạm đến mức không còn đủ tư cách đảng viên thì xóa tên trong danh sách đảng viên.
Thứ hai, khi xử lý kỷ luật đối với Đảng viên phải đảm bảo nguyên tắc sau:
– Đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời
+ Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh.
+ Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn.
+ Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, xử lý. Việc kiểm tra, xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm được tiến hành ở các tổ chức đảng hiện đang quản lý đảng viên đó.
– Việc thi hành kỷ luật phải căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để xem xét, quyết định cho phù hợp và phải chịu trách nhiệm trước quyết định đó.
– Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại. Tổ chức đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời.
Khi các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội đình chỉ công tác hoặc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên, phải chủ động
– Tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định.
Đảng viên bị kỷ luật oan phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.
2. Quy định về hình thức xử lý kỷ luật khai trừ đối với Đảng viên
Thứ nhất, về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hình thức khai trừ Đảng viên
Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Theo quy định tại Điều 3 Quy định 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:
– 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
– 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hạn xử lý kỷ luật được quy định tại Điểm a Khoản này, đảng viên có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới.
Lưu ý:
Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp.
Thứ hai, về lĩnh vực áp dụng hình thức xử lý kỷ luật khai trừ đối với Đảng viên có hành vi vi phạm.
Theo Quy định 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, Đảng viên có thể bị khai trừ khi vi phạm một trong các lĩnh vự sau đây:
– Vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ
– Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ
– Vi phạm các quy định về bầu cử
– Vi phạm về tuyên truyền, phát ngôn
– Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ
– Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước
– Vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm
– Vi phạmhoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán
– Vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo
– Vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí
– Vi phạm các quy định trong đầu tư, xây dựng
– Vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng
– Vi phạm trong quản lý, sử dụng các loại quỹ hỗ trợ, tài trợ, nhân đạo, từ thiện
– Vi phạm trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội
– Vi phạm quy định về đất đai, nhà ở
– Vi phạm về quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ
– Vi phạm quy định về lập hội và hoạt động của hội; biểu tình, tập trung đông người gây mất an ninh, trật tự
– Vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình
– Vi phạm quy định về kết hôn với người nước ngoài
– Vi phạm quy định về quan hệ với tổ chức, cá nhân người nước ngoài
– Vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình
– Vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp trong ngành Y tế
– Vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành
– Vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ
– Vi phạm về tệ nạn xã hội
– Vi phạm về bạo lực gia đình
– Vi phạm về đạo đức, nếp sống văn minh
– Vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo
3. Quy định về xét kết nạp lại của Đảng viên
3.1. Tiêu chuẩn để xét kết nạp lại Đảng viên
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Quy định 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016, người được xét kết nạp lại phải có đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, có đủ điều kiện và tiêu chuẩn của người vào Đảng theo quy định tại Điều 1 Điều lệ Đảng (hướng dẫn bởi Mục 1 Quy định 29-QĐ/TW năm 2016), cụ thể như sau:
– Về tuổi đời
+ Tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến đủ 60 tuổi (tính theo tháng).
+ Việc kết nạp vào Đảng những người trên 60 tuổi do cấp ủy trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.
– Về trình độ học vấn
+ Người vào Đảng phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên.
+ Học vấn của người vào Đảng đang sinh sống ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và những trường hợp cụ thể khác do yêu cầu phát triển đảng mà không bảo đảm được quy định chung thì thực hiện theo Hướng dẫn của Ban Bí thư.
Thứ hai, về thời gian để được xét kết nạp lại
Theo quy định, Đảng viên phải có ít nhất là 36 tháng kể từ khi ra khỏi Đảng (riêng người bị án hình sự về tội ít nghiêm trọng thì phải sau 60 tháng kể từ khi được xóa án tích), làm đơn xin kết nạp lại vào Đảng; phải được ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy (hoặc tương đương) đồng ý bằng văn bản, cấp ủy có thẩm quyền (huyện ủy và tương đương) xem xét, quyết định.
Thứ ba, việc thực hiện kết nạp lại phải được thực hiện đúng thủ tục quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 4 Điều lệ Đảng, cụ thể như sau:
– Về phía người được xem xét kết nạp lại phải đảm bảo điều kiện:
+ Có đơn tự nguyện xin vào Đảng;
+ Báo cáo trung thực lý lịch với chi bộ;
+ Được hai đảng viên chính thức giới thiệu, theo đó:
Nơi có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng trong độ tuổi thanh niên phải là đoàn viên, được ban chấp hành đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
Ở các cơ quan, doanh nghiệp nơi không có tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, người vào Đảng phải là đoàn viên công đoàn, được ban chấp hành công đoàn cơ sở và một đảng viên chính thức giới thiệu.
– Về phía người giới thiệu phải đáp ứng điều kiện:
+ Là đảng viên chính thức và cùng công tác với người vào Đảng ít nhất một năm;
+ Báo cáo với chi bộ về lý lịch, phẩm chất, năng lực của người vào Đảng và chịu trách nhiệm về sự giới thiệu của mình. Có điều gì chưa rõ thì báo cáo để chi bộ và cấp trên xem xét.
– Trách nhiệm của chi bộ và cấp uỷ :
+ Trước khi chi bộ xét và đề nghị kết nạp, chi uỷ kiểm tra lại điều kiện của người vào Đảng và lấy ý kiến nhận xét của tổ chức đoàn thể nơi người đó sinh hoạt.
+ Vấn đề lịch sử chính trị của người vào Đảng phải thực hiện theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương:
Một là, chi bộ xét và đề nghị kết nạp từng người một, khi được ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức trong chi bộ tán thành thì đề nghị lên cấp uỷ cấp trên; khi có quyết định của cấp uỷ cấp trên, chi bộ tổ chức lễ kết nạp từng người một.
Hai là, Đảng uỷ cơ sở xét, nếu được ít nhất hai phần ba số cấp uỷ viên tán thành kết nạp thì đề nghị lên cấp uỷ cấp trên trực tiếp.
Ba là, Ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng hoặc cấp uỷ cơ sở được uỷ quyền xét, quyết định kết nạp từng người một.
4. Các trường hợp không xem xét kết nạp lại
Theo quy định tại Quy định 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016, không được xem xét kết nạp lại với các Đảng viên trước đây ra khỏi đảng trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, tự bỏ sinh hoạt đảng;
Thứ hai, làm đơn xin ra Đảng (trừ trường hợp vì lý do gia đình đặc biệt khó khăn);
Thứ ba, gây mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng;
Thứ tư, bị kết án vì tội tham nhũng hoặc về tội nghiêm trọng trở lên.
Riêng với trường hợp Đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình thì theo Điều 3 Quy định 05 năm 2018 nêu rõ, Đảng viên sau khi bị đưa ra khỏi Đảng lại vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình sẽ không xem xét kết nạp lại Đảng viên
Như vậy, nếu không thuộc trường hợp không được xem xét kết nạp lại ở trên thì Đảng viên vẫn có thể được kết nạp lại.