UBND cấp xã, phường được chứng thực những loại giấy tờ văn bản nào? Các loại văn bản chứng thực được theo pháp luật. Các loại giấy tờ không được chứng thực bản sao từ bản chính.
Hoạt động công chứng, chứng thực là những hoạt động đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội ngày nay. Tuy nhiên, việc sử dụng nhầm lẫn giữa công chứng và chứng thực là vô cùng phổ biến. Sau đây chúng tôi sẽ cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến thuật ngữ trên thông qua bài viết Chứng thực là gì? Thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã?
Mục lục bài viết
1. Chứng thực là gì?
Dưới góc độ ngôn ngữ, theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ, NXB Đà Nẵng năm 1997, chứng thực được định nghĩa “Nhận cho để làm bằng chứng là đúng sự thật. Chứng thực lời khai. Xác nhận là đúng. Thực tiễn đã chứng thực điều đó”.
Dưới khía cạnh pháp lý, chứng thực được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền xác nhận tính chính xác, hợp pháp của các giấy tờ, văn bản, chữ ký của các nhân, thông tin cá nhân để bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong quan hệ dân sự, kinh tế, hành chính.
Cần lưu ý rằng hiện nay, chưa có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định rõ ràng, bao quát khái niệm chứng thực mà chỉ có khái niệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng.
Chứng thực là việc chứng nhận tính xác thực của giấy tờ, văn bản, chữ ký hoặc hợp đồng, giao dịch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong các quan hệ pháp luật.
Từ định nghĩa nêu trên và các văn bản pháp luật hiện hành, ta có thể thấy được đặc điểm khác biệt lớn nhất giữa chứng thực và công chứng.
Ta thấy, chứng thực xác nhận tính chính xác, hợp pháp của văn bản, giấy tờ, hợp đồng, giao dịch và chữ ký về mặt hình thức. Còn công chứng là việc của công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, bản dịch về cả nội dung và hình thức.
2. Chứng thực tiếng anh là gì?
Chứng thực được hiểu trong tiếng anh là Authentication.
Như vậy chứng thực là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính. Chứng thực cũng nằm trong nhóm chứng nhận tính xác thực của văn bản, hợp đồng. Vì vậy mọi người hay bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, thậm chí cho rằng công chứng và chứng thực là đồng nhất với nhau. Tuy nhiên cách hiểu này là hoàn toàn sai lầm. Công chứng và chứng thực mặc dù có điểm giống nhau nhưng chúng vẫn có điểm khác biệt.
Những điểm khác nhau giữa công chứng và chứng thực hợp đồng
Bên cạnh những điểm giống nhau thì giữa công chứng và chứng thực có những điểm phân biệt rõ ràng cụ thể sau:
Thứ nhất, về tính chất:
- Hoạt động chứng thực là hoạt động hành chính tư pháp: Hoạt động chứng thực gắn chặt với vai trò của cơ quan hành chính nhà nước. Quan hệ xã hội trong hoạt động chứng thực là quan hệ mang tính chất hành chính nhà nước.
- Hoạt động công chứng là hoạt động bổ trợ tư pháp: công chứng là hoạt động gắn liền với bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khi tham gia các hợp đồng, giao dịch; đồng thời hỗ trợ, bổ sung cho các hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động tư pháp nên được xếp vào hoạt động bổ trợ tư pháp.
Thứ hai, về cơ quan thực hiện:
- Chứng thực hợp đồng, giao dịch: Phòng Tư pháp cấp huyện và UBND cấp xã
- Công chứng hợp đồng, giao dịch: Tổ chức hành nghề công chứng có thể thực hiện (Phòng Công chứng, Văn phòng Công chứng).
Thứ ba, về người có trách nhiệm thực hiện:
- Chứng thực: Phòng Tư pháp (Trưởng phòng, phó phòng); UBND cấp xã (Chủ tịch, phó chủ tịch).
- Công chứng: công chứng viên
Thứ tư, trách nhiệm của người thực hiện công chứng, chứng thực:
- Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch. Không chịu trách nhiệm về nội dụng của hợp đồng, giao dịch được chứng thực (trừ trường hợp người thực hiện chứng thực biết rõ ràng là hợp đồng, giao dịch đó trái pháp luật).
- Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch được công chứng (chịu trách nhiệm về mặt nội dung); về toàn bộ hợp đồng, giao dịch được công chứng và họ phải chịu trách nhiệm cá nhân cả đời về việc mà họ đã công chứng.
Thứ năm, về giá trị pháp lý:
- Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
- Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Thứ sáu, về thủ tục thực hiện:
Thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch có các bước như sau:
-
- Bước 1: Xuất trình hồ sơ hợp lệ. Người yêu cầu chứng thực nộp 01 một bộ hồ sơ trong đó có dự thảo hợp đồng, giao dịch cần chứng thực;
- Bước 2: Kiểm tra hồ sơ. Người thực hiện chứng thực tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của người yêu cầu chứng thực, nếu hợp lệ thì thực hiện chứng thực;
- Bước 3: Thực hiện chứng thực. Người thực hiện chứng thực yêu cầu các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt mình, ghi lời chứng, ký tên đóng dấu;
- Bước 4: Trả kết quả chứng thực, thu lệ phí chứng thực
Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch được quy định tại Điều 40, 41 của Luật Công chứng. Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch có hai loại: hợp đồng, giao dịch do người yêu cầu công chứng tự soạn thảo và hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo. Cụ thể thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch có các bước như sau:
Bước 1: Người yêu cầu công chứng lập một bộ hồ sơ, trong đó có dự thảo hợp đồng, giao dịch cần chứng thực;
Bước 2: Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng;
Bước 3: Công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;
Bước 4: Trả kết quả chứng thực, thu phí công chứng.
Thứ bảy, về thời gian thực hiện:
- Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc
- Thời hạn chứng thực: Thời hạn chứng thực hợp đồng, giao dịch không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực.
Thứ tám, về lệ phí:
- Chứng thực: Có 3 loại lệ phí: lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch; lệ phí chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch và lệ phí chứng thực việc sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch được chứng thực
- Theo quy định của thì phí công chứng được thu theo trên cơ sở giá trị tài sản, giá trị khoản vay hoặc giá trị của hợp đồng. Bên cạnh phí công chứng, người yêu cầu công chứng còn phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.
3. Cơ quan nào có thẩm quyền chứng thực?
Theo quy định hiện hành, các cơ quan sau có thẩm quyền thực hiện hoạt động chứng thực:
– Phòng Tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
+ Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
+ Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;
+ Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài;
+ Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
+ Chứng thực
– Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn:
+ Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
+ Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản, trừ việc chứng thực chữ ký người dịch;
+ Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
+ Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
+ Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;
+ Chứng thực di chúc;
+ Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
+ Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản trong hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực.
– Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài:
+ Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận;
+ Chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản;
+ Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài.
4. UBND xã, phường được chứng thực các văn bản nào?
Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực các giấy tờ, văn bản sau:
– Chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở;
– Chứng thực di chúc;
– Chứng thực văn bản từ chối nhận di sản;
– Chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản mà di sản là tài sản quy định tại các Điểm c, d và đ Khoản này.
5. Các loại chứng thực
Căn cứ theo nội dung chứng thực có thể chia chứng thực thành 4 loại như sau theo Điều 2
1- Cấp bản sao từ sổ gốc (hay còn gọi là chứng thực bản sao từ sổ gốc) là việc cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc, căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao. Bản sao từ sổ gốc phải có nội dung đúng với nội dung ghi trong sổ gốc.
2- Chứng thực bản sao từ bản chính là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
3- Chứng thực chữ ký là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
4- Chứng thực hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Giá trị pháp lý của văn bản chứng thực
– Bản sao được cấp từ sổ gốc và bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính trong các giấy tờ.
– Chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó và là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký giấy tờ, văn bản.
– Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Như vậy, tùy từng văn bản chứng thực sẽ có giá trị pháp lý khác nhau.
6. Các loại giấy tờ không được chứng thực bản sao từ bản chính
Theo Điều 22 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, các loại giấy tờ, văn bản sau đây không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao gồm:
1. Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ;
2. Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung;
3. Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp;
4. Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân;
5. Bản chính do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.
Ngoại trừ một số trường hợp không cần hợp pháp hóa lãnh sự:
+ Giấy tờ tùy thân do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho cá nhân như: Hộ chiếu, thẻ căn cước hoặc các giấy tờ khác như thẻ thường trú, thẻ cư trú, giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ và bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp, chứng chỉ;
+ Chứng thực chữ ký người dịch trên bản dịch các giấy tờ nêu trên cũng không phải hợp pháp hóa lãnh sự.
6. Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Kết luận: Hoạt động công chứng và chứng thực là hai hoạt động hoàn toàn khác nhau, pháp luật không quy định việc công chứng hay chứng thực có giá trị pháp lý cao hơn. Tuy nhiên có thể thấy việc công chứng ràng buộc trách nhiệm cao hơn chứng thực. Do vậy từ những sự khác nhau như trên thì mỗi chúng ta cần lưu ý xem mình công chứng hay chứng thực hợp đồng, tài liệu đế tránh mất thời gian, tránh bỏ lỡ những cơ hội kinh doanh.