Hệ thống pháp luật nước ta ngày càng được hoàn thiện. Nhiều vụ án được Tòa án thụ lý và giải quyết nhanh chóng đem lại sự công bằng cho người dân. Trong đó, cơ quan thi hành án dân sự là một cơ quan quan trọng giúp việc thi hành án được đảm bảo thực thi, đảm bảo quyền, lợi ích cho người được thi hành án.
Mục lục bài viết
1. Thi hành án dân sự là gì?
Hiện nay, pháp luật nước ta chưa có văn bản nào quy định cụ thể về khái niệm của thi hành án là gì. Tuy nhiên, theo Luật thi hành án chúng ta sẽ thấy được tại Điều 1 và 2 của Luật thi hành án dân sự , ta có thể hiểu thi hành án dân sự là sự phối hợp hoạt động của nhiều tổ chức, cá nhân để thực thi các quyết định, bản án do
Theo đó, theo quan điểm của tác giả tổng hợp được thì thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án và các chủ thể khác trong việc thực hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án.
Là hoạt động thi hành các bản án, quyết định sau đây của Tòa án: bán án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế; quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hành chính; quyết định về dân sự trong bản án; quyết định hình sự; các bản án khác do pháp luật quy định..
2. Ý nghĩa của thi hành án dân sự:
Đây là một hoạt động mang ý nghĩa rất to lớn trong cả một quá trình giải quyết một vụ án nào đó, sau khi xét xử Tòa án sẽ đưa ra những quyết định, bản án thích đáng, tuy nhiên đó chỉ là những mức án trên giấy tờ, chỉ khi quyết định và bản án đó được đưa vào trong thực tế để thực hiện thì nó mới có ý nghĩa và mới có thể trả lại được lợi ích cho những người xứng đáng được hưởng nó.
Vì vậy, sau khi Tòa án đưa ra quyết định, bản án sẽ có các cơ quan chuyên phụ trách việc thi hành án dân sự sẽ thực thi các quyết định, bản án đó. Đây là một hành động hết sức cao cả, thiêng liêng mang lại công bằng cho xã hội, đất nước vì vậy trong quá trình thi hành án dân sự, tất cả các cơ quan có thẩm quyền thi hành án dân sự cần phải đặt trách nhiệm của mình lên hàng đầu, cần công tâm, thực hiện mọi việc theo đúng tiến trình của nó, tránh việc vì quan hệ hoặc những yếu tố khác tác động mà có những suy nghĩ, hành động làm khôn đúng.
3. Quy trình thi hành dân sự của cơ quan thi hành án:
Quá trình thi hành án dân sự thường sẽ phải trải qua 5 bước cơ bản
Bước 1: Ra quyết định thi hành án
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với phần bản án, quyết định sau:
+ Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
+ Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
+ Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;
+ Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
+ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
+ Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định 4 trường hợp đầu tiên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.
Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải ra ngay quyết định thi hành án. Đối với quyết định giải quyết phá sản thì phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.
– Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án nếu không thuộc các trường hợp trên. Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án.
Bước 2: Gửi quyết định về thi hành án:
Quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.
*
– Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
– Việc thông báo phải thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
– Việc thông báo được thực hiện theo các hình thức sau đây:
+ Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
+ Niêm yết công khai;
+ Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bước 3: Xác minh điều kiện thi hành án:
1. Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay.
Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.
Bước 4: Cưỡng chế thi hành án
– Hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế thi hành án.
– Không tổ chức cưỡng chế thi hành án trong thời gian từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật và các trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.
Bước 5: Thanh toán tiền thi hành án
Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền để người thi hành án giao nhà là chỗ ở duy nhất có thể thuê nhà trong thời hạn 01 năm, được thanh toán theo thứ tự sau đây:
+ Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần;
+ Án phí;
+ Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:
+ Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;
+ Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.
Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.
– Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án.
– Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
Bước 5: Kết thúc thi hành án
– Việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong các trường hợp sau đây:
1. Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình;
2. Có quyết định đình chỉ thi hành án;
3. Có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án.
– Đương sự có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự xác nhận kết quả thi hành án. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp giấy xác nhận kết quả thi hành án.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
- Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014;