Quản lý nhà nước nhằm tổ chức chỉ đạo công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng, hành chính, chính trị. Trong quản lý nhà nước có nhiều hình thức quản lý và đồng thời cũng có nhiều phương pháp quản lý khác nhau. Trong đó cưỡng chế là phương pháp được sử dụng phổ biến. Vậy, cưỡng chế là gì và những ưu nhược điểm của phương pháp cưỡng chế?
Mục lục bài viết
1. Cưỡng chế là gì?
Cưỡng chế là biện pháp bắt buộc bằng bạo lực của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đối với những cá nhân, tổ chức nhất định trong những trường hợp pháp luật quy định buộc cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện hay không thực hiện những hành vi nhất định hoặc phải phục tùng những hạn chế về mặt tài sản hoặc tự do thân thể của cá nhân.
Phương pháp cưỡng chế thường được sử dụng trong những trường hợp quyết định đơn phương không được thực hiện một cách tự giác. Nếu không có cưỡng chế thì kỷ luật nhà nước không được bảo đảm, pháp chế không được tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tệ nạn xã hội phát triển, cho kẻ thù giai cấp, kẻ thù dân tộc hoạt động chống phá nhà nước. Cưỡng chế nhà nước xã hội chủ
nghĩa là cưỡng chế của đa số đối với thiểu số và được áp dụng trong giới hạn do pháp luật quy định một cách chặt chẽ. Đó là bạo lực dựa trên cơ sở pháp luật, vừa bảo đảm việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, kỉ luật nhà nước đồng thời vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân, cơ quan tổ chức có liên quan.
Ví dụ: Cảnh sát giao thông phát hiện anh A tham gia điều khiển phương tiện giao thông có hành vi vi phạm an toàn giao thông (vượt đèn đỏ). Chiến sĩ cảnh sát giao thông sẽ thực hiện việc đình chỉ hành vi vi phạm của anh A. Đây được xem là biểu hiện của phương pháp cưỡng chế.
Cưỡng chế nhà nước bao gồm 4 loại: cưỡng chế hình sự, cưỡng chế dân sự, cưỡng chế hành chính, cưỡng chế kỷ luật. Giữa chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng cũng có sự khác nhau về cơ sở áp dụng, bản chất pháp lý, chủ thể có thẩm quyền áp dụng, trình tự- thủ tục áp dụng, mức độ nguy hiểm của hành vi, hậu quả pháp lý… Để bảo vệ trật tự, kỷ cương trong quản lý nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cần phải nhận thức rõ mối quan hệ giữa các loại cưỡng chế nhà nước.
Thẩm quyền cưỡng chế của mỗi loại cơ quan nhà nước được quy định rất chặt chẽ trong các văn bản pháp luật nhằm tránh tình trạng độc quyền, lạm quyền, đảm bảo trật tự và pháp chế. Việc quy định cho nhiều cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế là cần thiết vì vi phạm xảy ra nhiều, đa dạng trong tất cả mọi ngành, lĩnh vực, mọi cấp quản lý. Nhưng trong thực tế thực hiện vẫn còn sự chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phân định rõ ràng thẩm quyền của mỗi cơ quan và người có thẩm quyền nên hiệu lực, hiệu quả của quản lý chưa cao.
2. Ưu nhược điểm của phương pháp cưỡng chế:
Phương pháp cưỡng chế là phương pháp bắt buộc đối tượng thực hiện một hành vi hoặc không thực hiện một hành vi mà pháp luật yêu cầu. Phương pháp này được biểu hiện bằng các hình thức như cấm đoán đối tượng thực hiện một số hành vi nào đó hoặc tước đi một số quyền nào đó của đối tượng hoặc hạn chế một số quyền nào đó của đối tượng quản lý.
2.1. Ưu điểm:
Phương pháp cưỡng chế là phương pháp sử dụng bạo lực nhà nước, tuy nhiên đây lại là phương pháp được sử dụng chủ yếu bởi vì từ khi nhà nước xuất hiện và pháp luật ra đời thì lúc nào cũng có các hành vi chống đối pháp luật, mà các hành vi chống đối ngày càng tinh vi, ngoan cố; sẽ có lúc, có nơi pháp luật không phát huy hiệu quả.
Phương pháp này được sử dụng chủ yếu dựa trên cơ sở lợi ích của chủ thể quản lý vì khi sử dụng phương pháp này thì lợi ích của chủ thể quản lý và lợi ích của đối tượng quản lý thường xuyên khác nhau, không thống nhất với nhau.
Cưỡng chế là phương pháp được pháp luật quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền áp dụng; về các trường hợp được phép áp dụng; về các biện pháp cụ thể để cưỡng chế trong từng trường hợp cụ thể; về thủ tục cưỡng chế trong từng trường hợp.
2.2. Nhược điểm:
Tuy nhiên, biện pháp cưỡng chế trong vi phạm hiện nay chưa hiệu quả, do đó kéo theo nhiều hậu quả phát sinh, dẫn đến tình trạng lạm quyền, oan sai cho đối tượng được quản lý.
Việc quy định và áp dụng các biện pháp cưỡng chế hiện nay trong một số trường hợp chưa đúng với tính chất của các biện pháp đã làm biến dạng mục đích của việc áp dụng biện pháp ngăn chặn này.
Pháp luật không quy định chính xác tính chất, nội dung, vai trò của biện pháp cưỡng chế đã làm cho pháp luật thiếu tính đồng bộ, thống nhất, từ đó làm hạn chế đến hiệu quả của hoạt động cưỡng chế.
Nguyên nhân của việc phải quy định chặt chẽ biện pháp cưỡng chế này là do: thứ nhất, đây là phương pháp sử dụng quyền lực nhà nước rõ nét cho nên cần thiết phải có quy định chặt chẽ để tránh tình trạng lạm quyền; thứ hai, phương pháp này có thể dẫn đến oan sai cho nên cần có quy định chặt chẽ để tránh những oan sai.
Phương pháp cưỡng chế trong quản lý nhà nước đều có những ưu nhược điểm riêng. Có thể giải thích bằng một số lý do sau: Một là: Có thể thấy rằng đây là phương pháp được sử dụng trong quản lý nhà nước. Hai là: Xuất phát từ mục đích của việc thực hiện pháp luật là làm cho pháp luật đi sâu vào đời sống xã hội, làm cho mọi người hiểu và thực hiện một cách tự giác. Ba là: Xuất phát từ bản chất của nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Việc áp dụng phương pháp cưỡng chế trong quản lý nhà nước là cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp việc áp dụng biện pháp này vẫn không có hiệu quả. Có nhiều lý do cho trường hợp này, cụ thể như: các quy định của pháp luật quá xa với thực tiễn tạo ra sự bất bình, đối kháng trong nhân dân hoặc trình độ của người thực hiện pháp luật không đủ…
3. Đặc điểm của phương pháp cưỡng chế:
Chủ thể thực hiện cưỡng chế phải là các cơ quan nhà nước, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đối tượng bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế là những cá nhân, tổ chức nhất định được pháp luật quy định trong luật.
Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền áp dụng cưỡng chế và cá nhân, tổ chức bị áp dụng cưỡng chế không nằm trong quan hệ trực thuộc trên dưới về tổ chức mà chỉ có quan hệ kiểm tra, giám sát.
Thông thường các biện pháp cưỡng chế được áp dụng khi quyết định của các chủ thể quản lý nhà nước không được tự giác chấp hành.
4. Nguyên tắc cưỡng chế:
Ở Việt Nam, việc sử dụng phương pháp cưỡng chế đòi hỏi phải tuân theo những nguyên tắc quan trọng sau:
– Chỉ áp dụng cưỡng chế khi nào thuyết phục không hiệu quả.
– Chỉ áp dụng các biện pháp cưỡng chế hi nào có quyết định cụ thể và rõ ràng, tuân theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự và thủ tục.
– Khi cần thiết áp dụng các biện pháp cưỡng chế thì phải lựa chọn các biện pháp mang đến thiệt hại ở mức thấp nhất cho đối tượng bị áp dụng.
– Ngay cả khi áp dụng cưỡng chế vẫn phải tiến hành thuyết phục để tạo điều kiện cho đối tượng quản lý tự giác chấp hành các mệnh lệnh của chủ thể quản lý.
Hiện nay, các tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng tăng, tỷ lệ với sự phát triển của kinh tế. Đòi hỏi sự linh động trong bộ máy quản lý.
5. Vai trò của phương pháp cưỡng chế:
Trong giai đoạn hiện nay, cưỡng chế có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo pháp chế và kỷ luật nhà nước. Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay vẫn còn nhiều tội phạm và vi phạm pháp luật, các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá trật tự quản lý hành chính nhà nước của nước ta, bên cạnh đó vẫn còn một số bộ phận người dân có ý thức chấp hành pháp luật kém, vẫn không tự giác chấp hành các quy định của pháp luật. Nếu không có cưỡng chế thì kỉ luật nhà nước không được bảo đảm, pháp chế không được tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tệ nạn xã hội phát triển, cho kẻ thù giai cấp, kẻ thù dân tộc hoạt động chống phá nhà nước.
Cưỡng chế là bạo lực dựa trên cơ sở pháp luật, được bảo đảm việc tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật, kỷ luật nhà nước, đồng thời vừa đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân, cơ quan, tổ
chức có liên quan. Biện pháp cưỡng chế được sử dụng ở những trường hợp cần thiết.
Cưỡng chế có một phần vai trò trong việc răn đe các đối tượng quản lý khác, để họ thấy được sự nghiêm minh của pháp luật. Các loại cưỡng chế nhà nước đều nhằm tới các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, như cưỡng chế hình sự đối với người có hành vi phạm tội hoặc bị tình nghi phạm tội; cưỡng chế dân sự đối với người có hành vi vi phạm dân sự, gây thiệt hại cho nhà nước, công
dân…; cưỡng chế kỷ luật có đối tượng là những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm kỷ luật nhà nước; và cưỡng chế hành chính áo dụng cho các đối tượng cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm hành chính.
Cưỡng chế là một tính chất cơ bản của pháp luật. Tính chất cưỡng chế làm cho pháp luật khác với đạo đức và phong tục. Sự cưỡng chế của pháp luật không phải đơn thuần nhằm mục đích trừng trị mà trước hết là răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật, giáo dục người vi phạm. Sự cưỡng chế ở đây được thực hiện trên cơ sở pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành. Nhà nước XHCN không thừa nhận các hành vi bạo lực trái với pháp luật trong việc xử lý các vi phạm pháp luật.