Các địa điểm cấm hút thuốc lá? Mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá không đúng nơi quy định? Thực tế áp dụng quy định về việc cấm hút thuốc lá? Mức xử phạt với hành vi hút thuốc lá ở cơ quan, trường học mới nhất năm 2021?
Ngày 28/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Mục lục bài viết
1. Các địa điểm cấm hút thuốc lá
Theo Khoản 1 Điều 11 Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm:
a) Cơ sở y tế;
b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:
a) Nơi làm việc;
b) Trường cao đẳng, đại học, học viện;
c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.
Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.
Theo đó, nếu hút thuốc lá tại những nơi đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Báo cáo của Bộ y tế cho thấy, ở nước ta, mỗi năm có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc. Trong 8 tháng năm 2019, các đoàn kiểm tra liên ngành của quận Hoàn Kiếm đã phạt tiền 32 triệu đồng đối với các hành vi hút thuốc lá tại điểm cấm hút thuốc lá. Trước đó năm 2018, số tiền phạt đối với hành vi này là 88 triệu đồng và năm 2017 là 160 triệu đồng.
2. Mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá không đúng nơi quy định
Căn cứ theo quy định, nếu vi phạm về địa điểm cấm hút thuốc lá sẽ bị xử phạt theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2020.
‘Điều 25. Vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật;
b) Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:
a) Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
b) Không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá;
c) Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát;
d) Không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.’
Đối với vi phạm quy định về bán, cung cấp thuốc lá, Điều 26, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định:
‘1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không có biển
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá tại đại lý bán lẻ, điểm bán lẻ thuốc lá;
b) Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi;
c) Bán, cung cấp thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động kinh doanh có liên quan đến hành vi vi phạm trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi và loại bỏ yếu tố vi phạm đối với thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều này. Trường hợp không loại bỏ được yếu tố vi phạm thì buộc tiêu hủy.’
Nếu vi phạm quy định về hút thuốc lá tại sân bay thì theo Nghị Định 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng với mức phạt tiền từ 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng) đến 1.000.000 đồng (một triệu đồng) đối với hành vi hút thuốc, kể cả thuốc lá điện tử hoặc sử dụng diêm, bật lửa, vật gây cháy không đúng nơi quy định.
3. Thực tế áp dụng quy định về việc cấm hút thuốc lá
Thứ nhất: Trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, được quy định tại Điều 32 Luật PCTHCTL năm 2012, mà theo đó, tại khoản 1 của Điều này có quy định: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; nếu dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Nhưng thực tế, trách nhiệm kiểm tra việc chấp hành các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành về PCTHCTL ở nhiều địa phương còn rất “mờ nhạt”, thậm chí hầu như còn khoán trắng cho cấp dưới. Luật cấm hút thuốc lá trong trường học, bệnh viện nhưng thực tế vẫn xảy ra. Luật cấm quảng cáo, khuyến mãi tại các điểm bán lẻ thuốc lá nhưng vẫn cứ xảy ra.
Luật quy định nhiều cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt nhưng thực tế số vụ vi phạm bị xử phạt liên quan tới hút thuốc lá còn quá khiêm tốn. Vấn đề đặt ra vì sao người dân trong đó không ít cán bộ, công chức biết hút thuốc lá rất độc hại nhưng vẫn hút? Vì sao đã có chế tài xử phạt khá mạnh, phân cấp chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm tương đối rõ ràng nhưng tình trạng trên vẫn cứ tồn tại, như một sự thách thức?
Thứ hai: Điều dễ nhận thấy nhất, hệ thống pháp luật liên quan đến PCTH của thuốc lá hiện chưa đồng bộ, chồng chéo và khó áp dụng. Thuốc lá hợp pháp đang bị áp thuế cao (thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%; quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, quỹ này được hình thành chủ yếu từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, theo lộ trình: 1% từ ngày 1/5/2013; 1,5% từ ngày 1/5/2016; 2% từ ngày 1/5/2019).
Theo Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT ngày 08/02/2013 của Bộ Y tế – Bộ Công thương hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, theo quy định tại Điều 15 Luật PCTHCTL, với yêu cầu in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao bì thuốc lá, phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao, số mầu in tối thiểu phải từ 6 – 8 mầu trở lên.
Ngoài mầu sắc thì bao bì thuốc lá còn phải có thêm 01 lớp tráng phủ bề mặt bằng dầu bóng nhằm mục đích chống trầy xước bề mặt, đồng thời bảo vệ mầu sắc không bị phai nhanh dưới ánh nắng mặt trời, với yêu cầu đó chi phí về giá thành bao bì sẽ tăng khoảng 8 – 10% cho mỗi mầu tăng thêm. Ngoài ra, nếu việc qui định áp dụng cho cả vỏ tút, thì chi phí sẽ tăng gấp đôi. Trong khi đó, thuốc lá nhập bất hợp pháp không phải mất các khoản chi phí trên, đã vậy, lại còn không bị chi phối bởi hàm lượng Tar và Nicotine, nên lợi nhuận thu được rất lớn chỉ đứng sau buôn bán chất ma túy.
Theo mức giá hiện nay, mỗi thùng thuốc lá Jet chứa khoảng 500 bao, có nguồn gốc tại Campuchia, sau khi nhà nhập khẩu đã đóng thuế, công vận chuyển thì giá thành mới chỉ dừng lại ở mức 127 USD/thùng, tương đương 5.330 đồng/bao. Khi vận chuyển tới khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia, mức giá đã tăng lên 7.500-8.000 đồng/bao và khi người tiêu dùng mua tại các quầy tạp hóa, điểm bán thuốc lá lẻ, mức giá đã lên tới 16.000-17.000 đồng/bao, trong khi đó, nếu mua “lụi” chỉ với giá từ 3.200 đồng đến 3.500 đồng/bao, cộng thêm chi phí vận chuyển cũng chỉ khoảng 1.000 đồng/bao. Với mức lợi nhuận cao từ 8.000 đến 10.000 đồng/bao như vậy, một bộ phận cư dân biên giới đã bất chấp các thủ đoạn để buôn bán, vận chuyển thuê thuốc lá lậu cho các đầu nậu. Tương tự, giá chênh lệch thuốc lá nhãn hiệu Jet 10.000 – 12.000 đồng/gói, Esse là 3.500 – 4.000 đồng/gói;…
Thứ ba: Củng cố lực lượng làm công tác chống buôn lậu, theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, điều chuyển, bố trí người khác thay thế nếu để xảy ra buôn lậu gây bức xúc trong dư luận hoặc kéo dài trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách; kiên quyết xử lý buộc thôi việc những cán bộ, công chức có hành vi bảo kê, dung túng, tiếp tay cho buôn lậu; thực hiện việc luân chuyển cán bộ, công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng hoặc có biểu hiện tiêu cực khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo nội bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác.
Tuy đây là giải pháp về công tác tổ chức, nhưng sẽ có tác dụng hiện thực hóa quyết tâm chính trị của Nhà nước ta về mục tiêu PCTH của thuốc lá. Có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên nhằm chia sẻ thông tin để nắm chắc tình hình, đảm bảo công tác này thiết thực, hiệu quả, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, nhất là trong đấu tranh, triệt phá các “đường dây, ổ nhóm” buôn bán, tang trữ, vận chuyển hàng lậu có tổ chức.
Kết luận: Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe của người trực tiếp sử dụng, bên cạnh đó cũng gây ảnh hưởng trực tiếp tới những người xung quanh. Trước đây đã có những ý kiến cho rằng chúng ta chưa chú trọng đến công tác kiểm tra và xử phạt vi phạm quy định về phòng chống tác hại thuốc lá, nhưng với những quy định của Nghị định 117 về tăng thẩm quyền, tăng hình thức xử phạt nguội đối với vi phạm về thuốc lá, hy vọng cơ quan chức năng liên quan tăng cường xử phạt.