Cảnh sát giao thông được dùng video, hình ảnh người dân cung cấp để xử phạt không? Trình tự giải quyết những thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ? Thẩm quyền xử lý vi phạm ghi nhận qua video, hình ảnh?
Người dân có vai trò lớn trong việc giữ gìn an toàn giao thông. Rất nhiều trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ được người dân chứng kiến và ghi lại ngay khi sự việc đang diễn ra. Việc người dân quay video clip các phương tiện vi phạm gửi đến Phòng cảnh sát giao thông sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, tăng tính răn đe với người vi phạm. Vậy cảnh sát giao thông có được dùng video, hình ảnh người dân cung cấp để xử phạt không?
Luật sư
Căn cứ pháp lý
- Văn bản hợp nhất 15/VBHN-VPQH ngày 05 tháng 07 năm 2019 hợp nhất
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 do Văn phòng quốc hội ban hành; Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;- Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH ngày 12 tháng 12 năm 2017 hợp nhất
Luật xử lý vi phạm hành chính ; - Thông tư 65/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 06 năm 2020 Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
Mục lục bài viết
1. Cảnh sát giao thông được dùng video, hình ảnh người dân cung cấp để xử phạt không?
Căn cứ Điều 80
“Điều 80. Thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ, đường sắt
Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này.
Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn quy trình chuyển hóa kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị (không phải là phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) do cá nhân, tổ chức cung cấp thành các chứng cứ để xác định vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.”
Như vậy, cảnh sát giao thông được dùng video, hình ảnh người dân cung cấp để xử phạt vi phạm theo quy định: Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm. Không chỉ là việc các cá nhân, tổ chức trực tiếp gửi thông tin đến cho lực lượng cảnh sát giao thông, mà người có thẩm quyền xử phạt có thể sử dụng thông tin người dân đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… làm căn cứ để xác minh hành vi vi phạm.
Việc bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, phù hợp với quy định tại Điều 14 Văn bản hợp nhất 09/VBHN-VPQH ngày 12 tháng 12 năm 2017 hợp nhất
– Cá nhân, tổ chức phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các tổ chức có nhiệm vụ giáo dục thành viên thuộc tổ chức mình về ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, quy tắc của cuộc sống xã hội, kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây ra vi phạm hành chính trong tổ chức mình.
– Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
– Cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng, chống vi phạm hành chính.
Mặt khác, tại Điều 24 Thông tư 65/2020/TT-BCA ngày 19 tháng 06 năm 2020 Quy định tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội như sau:
“Điều 24. Tiếp nhận, xác minh thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội
Thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là thông tin, hình ảnh) được tiếp nhận từ các nguồn sau:
a) Ghi thu được bằng thiết bị kỹ thuật của tổ chức, cá nhân (không phải phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ);
b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Thông tin, hình ảnh làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm hành chính phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Tổ chức, cá nhân khi ghi nhận được thông tin, hình ảnh, thì có thể cung cấp cho đơn vị Cảnh sát giao thông nơi xảy ra vụ việc thông qua thư điện tử, đường bưu điện hoặc trực tiếp đến trụ sở đơn vị để cung cấp. Tổ chức, cá nhân phải có tên, họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ (nếu có) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, hình ảnh đã cung cấp.”
Video các phương tiện vi phạm tất cả các lỗi của người quay được sẽ có cán bộ tiếp nhận. Các thông tin, hình ảnh mà người dân, tổ chức cung cấp phải phản ánh khách quan, trung thực, rõ ràng về không gian, thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm; còn thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Khác với hình ảnh từ thiết bị nghiệp vụ của lực lượng chức năng có thể dùng để xử phạt ngay, hình ảnh người dân gửi hình ảnh đến, lực lượng chức năng không xử phạt ngay mà sẽ tiến hành xác minh, thu thập các thông tin, tài liệu, tình tiết, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Người cung cấp video, hình ảnh cho cảnh sát giao thông chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đó. Khi đến trụ sở cảnh sát giao thông cung cấp thông tin, người dân cần mang theo giấy tờ tùy thân để cán bộ tiếp nhận ghi vào biên bản. Việc này còn nhằm để cơ quan chức năng thông báo kết quả xử lý, hoặc trao đổi khi cần thêm thông tin xác minh, xử lý. Sau khi tiếp nhận thông tin vi phạm từ người dân, cảnh sát giao thông sẽ sàng lọc, xác minh phương tiện vi phạm; mời người vi phạm lên lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt. Thời gian xử lý nhanh hay chậm là do sự hợp tác của người vi phạm với cảnh sát giao thông. Quy trình xử lý clip người dân cung cấp cũng sẽ giống như xử lý vi phạm qua hình ảnh áp dụng lâu nay.
Việc hiện thực hóa những đề xuất giải pháp đảm bảo trật tự giúp giao thông Việt Nam trở nên an toàn và chỉn chu hơn khi mà người dân, với sự phát triển của các thiết bị ghi hình cá nhân (điện thoại, camera hành trình…) và sự lan tỏa của mạng xã hội, sẽ trở thành những nguồn tin hỗ trợ đắc lực cho việc đảm bảo an toàn cho giao thông tại Việt Nam.
2. Trình tự giải quyết những thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ
* Tiếp nhận thông tin, hình ảnh
Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ; Phòng Cảnh sát giao thông; Đội Cảnh sát giao thông – trật tự Công an cấp huyện có trách nhiệm:
– Thông báo địa điểm, hộp thư điện tử tiếp nhận thông tin, hình ảnh để Nhân dân biết cung cấp;
– Tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, hình ảnh;
– Bảo đảm bí mật tên, họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, bút tích và thông tin khác của tổ chức, cá nhân đã cung cấp thông tin, hình ảnh.
* Xử lý thông tin, hình ảnh
– Khi tiếp nhận thông tin, hình ảnh, cán bộ Cảnh sát giao thông phải xem xét, phân loại, nếu bảo đảm điều kiện quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, thì ghi chép vào sổ (theo mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này) và báo cáo thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền thực hiện như sau:
– Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang diễn ra trên tuyến, địa bàn phụ trách thì tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông, kiểm soát, phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định. Trường hợp không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát hoặc hành vi vi phạm được phản ánh đã kết thúc thì thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật;
– Trường hợp không thuộc tuyến, địa bàn phụ trách của đơn vị thì thông báo cho đơn vị Cảnh sát giao thông có thẩm quyền thực hiện biện pháp xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
* Xác minh, thu thập tài liệu, tình tiết xác định vi phạm hành chính và xử lý vi phạm
– Căn cứ yêu cầu cụ thể từng vụ việc, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện một hoặc các hình thức như sau:
+ Tiến hành xác minh thông tin về phương tiện giao thông, chủ phương tiện; gửi thông báo mời chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông đến cơ quan Công an để làm rõ vụ việc (theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp quá thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông chưa đến trụ sở cơ quan Công an đã ra thông báo để giải quyết vụ việc thì người có thẩm quyền xử phạt tiếp tục gửi thông báo đến Công an cấp xã theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 19 Thông tư này;
+ Làm việc với tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc, người chứng kiến, biết vụ việc xảy ra; gửi văn bản đến cơ quan báo chí đã đăng tải, đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh đã đăng tải;
+ Trực tiếp xác minh hoặc phối hợp với Công an cấp xã thực hiện xác minh vụ việc;
+ Trưng cầu giám định thông tin, hình ảnh và các tài liệu liên quan; Các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
– Khi làm việc với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông và cá nhân, tổ chức có liên quan, phải lập thành biên bản. Các tài liệu, tình tiết tiếp nhận, thu thập được để xác định vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được lưu trong hồ sơ vụ việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an;
– Căn cứ kết quả xác minh, tài liệu, tình tiết thu thập được, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau:
+ Trường hợp thông tin, hình ảnh phản ánh đúng, xác định có hành vi vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập
+ Trường hợp thông tin, hình ảnh có dấu hiệu làm giả thì chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật;
+ Trường hợp thông tin, hình ảnh của tổ chức, cá nhân cung cấp mà qua xác minh, xác định không có hành vi vi phạm hoặc không đủ căn cứ để xác định hành vi vi phạm thì tiến hành kết thúc hồ sơ vụ việc và lưu theo quy định.
3. Thẩm quyền xử lý vi phạm ghi nhận qua video, hình ảnh
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt trong phạm vi quản lý của địa phương.
– Cảnh sát giao thông.
– Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.
– Trưởng Công an cấp xã.
– Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ.
– Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ hàng không, Cảng vụ đường thủy nội địa, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt, hàng không, hàng hải, đường thủy nội địa.
– Thanh tra giao thông vận tải, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường sắt.
– Thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Dương Gia về việc cảnh sát giao thông được dùng video, hình ảnh người dân cung cấp để xử phạt không. Trường hợp còn bất kỳ thắc mắc nào có liên quan, vui lòng liên hệ Công ty Luật TNHH Dương Gia để được tư vấn, giải đáp.