Sổ hộ tịch và sổ hộ khẩu là hai loại giấy tờ pháp lý quan trọng, gắn liền với mỗi người dân. Vậy sổ hộ tịch là gì? Ai là người quản lý sổ hộ tịch? Có sự khác nhau giữa sổ hộ tịch và sổ hộ khẩu không?
Mục lục bài viết
1. Sổ hộ tịch là gì?
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 4
‘Sổ hộ tịch là sổ giấy được lập và lưu giữ tại cơ quan đăng ký hộ tịch để xác nhận hoặc ghi các sự kiện hộ tịch quy định tại Điều 3 của Luật này.’
- Các sự kiện hộ tịch được ghi nhận trong sổ hộ tịch bao gồm:
1. Xác nhận vào Sổ hộ tịch các sự kiện hộ tịch:
a) Khai sinh;
b) Kết hôn;
c) Giám hộ;
d) Nhận cha, mẹ, con;
đ) Thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, bổ sung thông tin hộ tịch;
e) Khai tử.
2. Ghi vào Sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch của cá nhân theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
a) Thay đổi quốc tịch;
b) Xác định cha, mẹ, con;
c) Xác định lại giới tính;
d) Nuôi con nuôi, chấm dứt việc nuôi con nuôi;
đ) Ly hôn, hủy việc kết hôn trái pháp luật, công nhận việc kết hôn;
e) Công nhận giám hộ;
g) Tuyên bố hoặc hủy tuyên bố một người mất tích, đã chết, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
3. Ghi vào Sổ hộ tịch sự kiện khai sinh; kết hôn; ly hôn; hủy việc kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
4. Xác nhận hoặc ghi vào Sổ hộ tịch các việc hộ tịch khác theo quy định của pháp luật.
Điều 58
1. Sổ hộ tịch là căn cứ pháp lý để lập, cập nhật, điều chỉnh thông tin hộ tịch của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử
Mỗi loại việc hộ tịch phải được ghi vào 01 quyển sổ, các trang phải đóng dấu giáp lai; Sổ hộ tịch được lưu giữ vĩnh viễn theo quy định của pháp luật.
2. Việc khóa Sổ hộ tịch được thực hiện vào ngày cuối cùng của năm. Khi khóa Sổ hộ tịch phải ghi rõ tổng số trang và tổng số sự kiện hộ tịch đã đăng ký; người đứng đầu cơ quan đăng ký hộ tịch ký, đóng dấu.
Giấy tờ, đồ vật hoặc chứng cứ khác đã nộp khi đăng ký hộ tịch phải được lưu trữ, bảo quản theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
- Cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch và quản lý hộ tịch:
Các khoản 1 và 5 Điều 4 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định:
* Cơ quan đăng ký hộ tịch là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương, Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài
* Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch gồm cơ quan đăng ký hộ tịch, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan khác được giao thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Sổ hộ tịch theo tiếng Anh là: Civil status book
2. Sự khác nhau giữa sổ hộ tịch và sổ hộ khẩu:
Hộ tịch: Sổ sách đăng ký mối quan hệ lệ thuộc – Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng, trang 408, NXB Khoa học xã hội Hà Nội, 1991
Hộ: Nhà, đơn vị để quản lý dân số hộ khẩu, hộ tịch, trang 181 (SĐD)
Khẩu: Mồm, miệng từng đơn vị riêng lẻ (để ăn uống). Nhân khẩu. trang 202 (SĐD)
Sổ hộ tịch là sổ ghi nhận sự kiện pháp lý của một người từ khi sinh ra đến khi mất đi. Sổ hộ tịch sẽ do cán bộ tư pháp – hộ tịch của UBND xã, phường, thị trấn; UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương; Cơ quan đại diện ngoại giao; Cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
Sổ hộ khẩu là sổ ghi nhận lại số người có trong một hộ gia đình, làm căn cứ ghi nhận các thông tin hộ tịch của cá nhân. Nội dung cơ bản của sổ hộ khẩu bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, số CMND/CCCD, quan hệ với chủ hộ, …. Sổ hộ khẩu hiện nay do hộ gia đình tự lưu trữ và bảo quản, trường hợp có mất hoặc hỏng hoặc rách, nát, … thì có quyền yêu cầu bộ phận tư pháp hộ tịch tại UBND nơi thường trú cấp lại sổ.
Thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch:
Theo quy định tại Điều 28 và khoản 1 Điều 47 Luật Hộ tịch thì trình tự, thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc được áp dụng thống nhất cho cả cấp huyện và cấp xã, cụ thể như sau:
1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp yêu cầu xác định lại dân tộc thì phải có giấy tờ làm căn cứ chứng minh theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.
Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.
Trình tự, thủ tục bổ sung hộ tịch được quy định như hế nào?
Theo quy định tại Điều 29 và khoản 2 Điều 47 Luật Hộ tịch thì trình tự, thủ tục bổ sung hộ tịch được áp dụng thống nhất cho cả cấp huyện và cấp xã, cụ thể như sau:
1. Người yêu cầu bổ sung hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch là đúng, công chức tư pháp – hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng trong Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp bổ sung hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung bổ sung vào mục tương ứng và đóng dấu vào nội dung bổ sung.
3. Thủ tục thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu:
Bước 1– Chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật
Bước 2– Công dân nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn (nếu là xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh) để làm thủ tục điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và hẹn công dân thời gian trả kết quả.
* Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định thay đổi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của cơ quan có thẩm quyền thì chủ hộ hoặc người có thay đổi hoặc người được uỷ quyền phải đến nộp hồ sơ điều chỉnh trong sổ hộ khẩu.
* Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có thông báo của cơ quan đăng ký cư trú về việc điều chỉnh sổ hộ khẩu do thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà, công dân có trách nhiệm đến để làm thủ tục điều chỉnh.
* Cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp.
Trường hợp hồ sơ thiếu, hoặc không hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn để người đến nộp hồ sơ làm lại cho kịp thời
*Thời gian tiếp nhận hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (ngày lễ nghỉ).
Bước 3– Nhận lại sổ hộ khẩu (đã điều chỉnh) tại trụ sở Công an xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh:
Người nhận đưa giấy biên nhận, cán bộ trả kết quả viết
Thời gian trả hồ sơ: Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (ngày lễ nghỉ).
Lệ phí đăng ký cư trú: Mức thu không quá 15.000đ/lần đính chính đối với các quận của thành phố trực thuộc trung ương hoặc phường nội thành của thành phố thuộc tỉnh. Đối với các khu vực khác, mức thu tối đa bằng 50% mức thu trên. Mức thu cụ thể do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Không thu lệ phí đối với các trường hợp: bố, mẹ, vợ (hoặc chồng) của liệt sĩ, con dưới 18 tuổi của liệt sĩ; thương binh, con dưới 18 tuổi của thương binh; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; hộ gia đình thuộc diện xoá đói, giảm nghèo; công dân thuộc xã, thị trấn vùng cao theo qui định của Uỷ ban Dân tộc; trường hợp đính chính lại địa chỉ do nhà nước thay đổi địa giới hành chính, đường phố, số nhà.
Kết luận: Sổ hộ khẩu và sổ hộ tịch khác nhau căn bản là về nội dung ghi nhận, chủ thể lưu trữ dữ liệu và trình tự, thủ tục bổ sung, thay đổi các nội dung ghi nhận. Căn cứ vào các yếu tố trên để đưa ra sự phân biệt cơ bản giữa hai loại sổ này, tránh nhầm lẫn khi thực hiện các thủ tục hành chính.