Luật đầu tư công năm 2019 mới ban hành có quy định về quyết định chủ trương đầu tư theo một số nội dung mới. Đây là những quyết định của cấp có thẩm quyền về các quyết định có liên quan đến dự án đầu tư.
Mục lục bài viết
1. Quyết định chủ trương đầu tư là gì?
Theo quy định tại điều Khoản 7 Điều 4 Luật Đầu tư công 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) quy định:
‘Chủ trương đầu tư là quyết định của cấp có thẩm quyền về các nội dung chủ yếu của chương trình, dự án đầu tư, nhằm làm căn cứ để lập, trình, phê duyệt quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư công.’
Danh mục dự án cần xin quyết định, chủ trương đầu tư cụ thể như sau:
*) Dự án thuộc quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư chương trình, dự án sau đây:
a) Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư;
b) Chương trình đầu tư công đã được Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư;
c) Chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo và các chương trình, dự án khác theo quy định của Chính phủ.
*) Các dự án thuộc quyết định chủ trương đầu tư của người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương:
a) Quyết định đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc thẩm quyền quản lý, trừ dự án quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Được phân cấp hoặc ủy quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C quy định tại điểm a khoản này cho cơ quan trực thuộc.
*) Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Chương trình đầu tư công đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư;
b) Dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp tỉnh quản lý, trừ dự án quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
*) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư chương trình, dự án sau đây:
a) Chương trình đầu tư công đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư;
b) Dự án nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý, trừ dự án quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Như vậy, khi doanh nghiệp muốn đầu tư vào một dự án nhất định mà cần xin chủ trương thì tùy vào đặc điểm của dự án đó mà thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư sẽ là khác nhau.
2. Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư:
- Hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư:
Tại Điều 20 Nghị định 40/2020/NĐ-CP có quy định về hồ sơ như sau:
‘Điều 20. Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án
1. Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án:
a)
b) Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của cấp có thẩm quyền;
c) Báo cáo thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi;
d) Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
2. Số lượng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án quy định tại khoản 1 Điều này là 05 bộ tài liệu.
3. Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng được tách thành dự án độc lập theo quy định của Luật Đầu tư công:
a) Đối với dự án có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định pháp luật về xây dựng;
b) Đối với dự án không có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định tại Nghị định này và pháp luật khác có liên quan;
c) Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng và dự án còn lại được tách riêng từ dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Đầu tư công được phân loại phù hợp với phân loại của dự án theo quyết định chủ trương đầu tư.’
- Thời gian trong quá trình xin quyết định chủ trương đầu tư:
Thời gian quyết định đầu tư chương trình, dự án kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
a) Chương trình đầu tư công: Không quá 20 ngày;
b) Dự án nhóm A: Không quá 15 ngày;
c) Dự án nhóm B, C: Không quá 10 ngày.
Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư chương trình, dự án:
a) Bộ, cơ quan trung ương và địa phương quản lý chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính quyết định đầu tư chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Cơ quan quản lý chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước các cấp địa phương gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư cùng cấp quyết định đầu tư chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Cấp nào quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư?
Luật Đầu tư công năm 2019 không có quy định chuyển tiếp về việc điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 và đã có trong kế hoạch đầu tư công hằng năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Do đó, việc điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đối với các dự án này được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công 2019.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 của Luật Đầu tư công 2019, cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thì có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Các dự án tại Mục 3 đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư theo thẩm quyền quy định tại Luật Đầu tư công số 2014 nên nếu không có quy định khác tại Luật Đầu tư công 2019, thuộc thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 17 Luật Đầu tư công 2019, từ ngày 1/1/2020, các dự án này thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh. Do đó, đề nghị UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương của các dự án này theo quy định tại Khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công 2019.
Trường hợp việc điều chỉnh tổng mức đầu tư chương trình, dự án dẫn đến việc tổng mức đầu tư đã phê duyệt tại quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, trong đó bao gồm điều chỉnh tổng vốn đầu tư làm vượt nhóm dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước đây, Luật Đầu tư công 2019 không quy định cụ thể nội dung này. Do đó, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các chương trình, dự án này thực hiện theo quy định của Điều 34 của Luật Đầu tư công 2019.
4. Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài:
Đối với một số chương trình, dự án sau đây, thẩm quyền quyết định thuộc Thủ tướng Chính phủ:
- Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trừ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
- Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư.
Hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài
a) Văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài;
b) Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
c) Đề xuất dự án đầu tư gồm: mục tiêu, quy mô, hình thức, địa điểm đầu tư; xác định sơ bộ vốn đầu tư, phương án huy động vốn, cơ cấu nguồn vốn; tiến độ thực hiện dự án, các giai đoạn đầu tư (nếu có); phân tích sơ bộ hiệu quả đầu tư của dự án;
d) Bản sao một trong các tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư:
đ) Cam kết tự cân đối nguồn ngoại tệ hoặc văn bản của tổ chức tín dụng được phép cam kết thu xếp ngoại tệ cho nhà đầu tư;
e) Quyết định đầu tư ra nước ngoài theo quy định pháp luật.
g) Đối với dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khoa học và công nghệ, nhà đầu tư nộp văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đáp ứng điều kiện đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật khoa học và công nghệ, Luật kinh doanh bảo hiểm.
Nhà nước rất khuyến khích các nhà đầu tư trong nước thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích khai thác, phát triển thị trường mới, mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội về cho đất nước.
Nhà đầu tư có thể lựa chọn các hình thức đầu tư ra nước ngoài như thành lập tổ chức kinh tế ở nước tiếp nhận đầu tư; thực hiện hợp đồng BCC ở nước ngoài; mua một phần vốn hay toàn bộ vốn điều lệ của tổ chức kinh tế ở nước ngoài; mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán; và các hình thức đầu tư khác theo quy định của nước tiếp nhận đầu tư.
Tuy nhiên điều đó không hoàn toàn có nghĩa là nhà đầu tư có thể dễ dàng tự do đầu tư ra nước ngoài với bất ký ngành nghề, với bất kỳ quy mô nào mà không có sự quản lý của nhà nước và cụ thể là sẽ có các dự án cần quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ.