Đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng có được tách thửa không? Hồ sơ , thủ tục, điều kiện tách thửa đất chưa được cấp sổ đỏ
Giấy chứng nhận quyền sử dụng là gì? Việc đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng thì có được tách thửa, chuyển nhượng hay không là vấn đề gây nên nhiều vướng mắc cho người dân. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các câu hỏi trên.
Mục lục bài viết
1, Giấy chứng nhận quyền sử dụng là gì?
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là Giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 có đưa ra định nghĩa về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:
’16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.’
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khác quyết định giao đất, cho thuê đất ở chỗ: quyết định giao đất là căn cứ phát sinh quyền sử dụng đất, còn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xác nhận mối quan hệ đó hoàn toàn hợp pháp. Quá trình tổ chức việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quá trình xác lập căn cứ pháp lý đầy đủ để giải quyết mọi quan hệ về đất đai theo đúng pháp luật.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ hợp pháp thực hiện các quyền của người sử dụng đất, là điều kiện để được bồi thường thiệt hại về đất và tài sản gắn liền với đất, là căn cứ để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
2, Người có giấy chứng nhận quyền sử dụng có những quyền gì?
Căn cứ tại Điều 166 Luật Đất đai năm 2013 có quy định về quyền của người sử dụng đất như sau:
Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.
Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp.
Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp.
Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình.
Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật này.
Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.
Bên cạnh đó, Điều 167 Luật đất đai năm 2013 có quy định rằng người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định.
Các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện của luật. Cụ thể tại Điều 168
Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.
Thời điểm người thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc cho thuê; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời chuyển nhượng toàn bộ dự án đối với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê sau khi có Giấy chứng nhận và có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 194 của Luật này.
Như vậy, người sử dụng đất được ghi nhận các quyền như trên, và để thực hiện được các quyền, người sử dụng đất phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật.
3, Đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng có được tách thửa không?
Theo quy định tại Luật đất đai năm 2013 thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người sử dụng đất được chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền.
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì người sử dụng đất chỉ có đầy đủ các quyền liên quan đến quyền sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã nêu rõ: “chỉ khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất mới có đầy đủ các quyền năng của người sử dụng đất, trong đó có các quyền chung theo quy định tại Điều 166 của Luật đất đai năm 2013 và các quyền liên quan đến chuyển quyền sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất (xuất hiện các nhu cầu về chia tách thửa đất)”.
Căn cứ các quy định của pháp luật đất đai hiện hành thì việc chia thửa đất thành các phần để xin cấp Giấy chứng nhận đối với thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận là không có cơ sở để thực hiện.
4, Thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Như chúng ta đã biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư pháp lý do nhà nước ghi nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình hay một tổ chức nào đó để bảo đảm quyền sử dụng, định đoạt và chiếm hữu đối với diện tích đất đó. Do vậy, để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải đáp ứng được điều kiện như sau:
Đất sử dụng ổn định, lâu dài;
Được UBND xã/phường/thị trấn xác nhận là không có tranh chấp;
Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của UBND cấp huyện;
Nơi nộp hồ sơ cấp sổ đỏ lần đầu:
Hồ sơ được nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai thuộc UBND cấp quận/huyện, trường hợp chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các chủ thể có thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có bất động sản cần đăng ký. Trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thì UBND cấp xã phải chuyển hồ sơ về cho Văn phòng đăng ký đất đai thuộc UBND cấp quận/huyện.
Chuẩn bị hồ sơ cấp sổ đỏ theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT:
– Đơn đăng ký, cấp sổ đỏ theo Mẫu số 04A/ĐK;
– Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, giấy tờ về tài sản gắn liền với đất
– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính (như biên lai nộp thuế, tiền sử dụng đất…); giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có);
– Sổ hộ khẩu, CMND/CCCD,…
Bước 1: Nộp hồ sơ
– Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
– Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nếu có nhu cầu.
Địa phương nào đã thành lập Bộ phận một cửa thì nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý
– Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung (trong thời hạn 03 ngày làm việc).
– Nếu hồ sơ đủ Công chức tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm ghi đầy đủ thông tin vào Sổ tiếp nhận;
– Viết và đưa Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp;
Nơi cấp Sổ cho hộ gia đình, cá nhân
– Văn phòng đăng ký đất đai sẽ thông báo các khoản tiền phải nộp cho hộ gia đình, cá nhân có yêu cầu cấp Sổ.
– Hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ đóng các khoản tiền theo quy định như: Lệ phí cấp giấy chứng nhận, tiền sử dụng đất (nếu có). Khi nộp tiền xong thì giữ hóa đơn, chứng từ để xác nhận việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Bước 3. Trả kết quả
– Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai sẽ trao Sổ đỏ cho người được cấp đã nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc gửi Sổ đỏ cho UBND cấp xã để trao hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã.
Thời gian giải quyết
Theo khoản 40 Điều 2
– Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Các khoản phí phải nộp tiến hành thủ tục làm sổ đỏ
– Tiền sử dụng đất nếu thuộc trường hợp phải nộp. Đây là chi phí lớn nhất khi làm sổ đỏ.
– Lệ phí trước bạ phải nộp = 0.5% x (Giá đất tại bảng giá đất x Diện tích).
– Lệ phí cấp Sổ đỏ tùy thuộc từng địa phương.
Kết luận: Nếu chưa có giấy chứng nhận thì không thể thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định hiện hành, do chưa được ghi nhận quyền của người sử dụng đất nên không có căn cứ tiếp nhận hồ sơ giải quyết vấn đề này. Để thực hiện thủ tục tách thửa, trước tiên bạn cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận lần đầu, sau đó sẽ thực hiện các thủ tục tách thửa theo quy định pháp luật.