Quy định của pháp luật đối với người đi bộ khi tham gia giao thông? Quy định về xử phạt vi phạm đối với người đi bộ khi tham gia giao thông?
Quá trình tham gia giao thông là sự vận động của hàng loạt các cá thể điều khiển phương tiện giao thông, người đi bộ, mỗi chủ thể gắn với mỗi phương tiện tùy thuộc vào đặc điểm nhất định sẽ có sự điều chỉnh riêng của pháp luật. Các bạn có thể dễ bắt gặp dòng chữ chú ý trên đường với nội dung “nhường đường cho người đi bộ”, điều này cho thấy, so với các chủ thể khác thì người đi bộ là chủ thể dễ gặp nguy hiểm hơn hay nói cách khác, họ “yếu thế” trong quá trình tham gia giao thông.
Nhưng điều đó cũng không loại trừ trách nhiệm của cá nhân đi bộ khi có các hành vi vi phạm, Luật Giao thông đường bộ đã có các quy định cụ thể đối với người đi bộ khi tham gia giao thông, việc vi phạm các quy định đó khiến họ có thể bị áp dụng các hình thức xử lý cụ thể. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho người đọc các vấn đề pháp lý xoay quanh người đi bộ khi tham gia giao thông.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Văn bản hợp nhất Luật Giao thông đường bộ năm 2019
1. Quy định của pháp luật đối với người đi bộ khi tham gia giao thông?
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ, người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ. Như vậy, người đi bộ là chủ thể tham gia giao thông mà không có yêu cầu, tiêu chuẩn áp dụng đối với cá nhân họ.
Quy định đối với người đi bộ được xem xét dưới hai khía cạnh:
Một là, trong mối tương quan với các người tham gia giao thông khác.
Trong trường hợp này, theo hệ thống bảo hiệu đường bộ (gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn), người đi bộ qua đường phải đi sau lưng người điều khiển giao thông; người đi bộ được nhường qua đường khi có tín hiệu đèn vàng;
Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường;
Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn;
Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ; không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
Không được lùi xe ở khu vực cấm dừng, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường
Hai là, quy định vốn có, áp dụng riêng biệt đối với người đi bộ.
Đây là quy định được nêu rõ tại Điều 32 Luật Giao thông đường bộ, cụ thể:
– Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường. Trong đó, hè phố có thể hiểu là vỉa hè, là nơi được quy hoạch xây dựng dành riêng cho người đi bộ. Người đi bộ thường đi bộ vào phía bên phải đường.
– Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn. Quy định này nhằm đảm bảo an toàn cho chính người đi bộ cũng như các phương tiện tham gia giao thông khác.
– Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường. Thực tế, quy định này theo đánh giá của tác giả là không phù hợp, bởi điều này chỉ mang tính chất tương đối, sự bất ngờ trong quá trình tham gia giao thông là không lường trước được.
– Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Quy định này nhằm đảm bảo tất cả người tham gia giao thông phải được an toàn, tránh tình trạng tai nạn không đáng có.
– Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường. Quy định này xuất phát từ thể chất, trí tuệ của trẻ, chưa đủ để tự tham gia giao thông tại các đô thị, đây là nơi có lượng phương tiện giao thông lưu thông cực lớn.
2. Quy định về xử phạt vi phạm đối với người đi bộ khi tham gia giao thông?
Người đi bộ tham gia giao thông đường bộ nếu có hành vi vi phạm quy định thì tùy thuộc vào mức độ sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự. Nhìn chung, người đi bộ ít bị xử phạt, nếu có chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính, theo đó, tại
– Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;
+ Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm: “người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.”
+ Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
+ Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;
+ Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
– Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Có thấy, việc áp dụng mức phạt trên là không cao so với các hành vi và đối tượng khác, bởi lẽ các hành vi này về bản chất không mang tính nguy hiểm cho xã hội cao.
Mặc dù chưa có trường hợp nào về xử lý hình sự đối với người đi bộ tham gia giao thông, tuy nhiên, người đi bộ có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 260
Cấu thành cơ bản: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Cấu thành tăng nặng: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
– Không có giấy phép lái xe theo quy định;
– Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
– Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
– Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
– Làm chết 02 người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:
– Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Cấu hình tăng nặng: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Làm chết 03 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Giải thích tại sao cho đến nay chưa có trường hợp nào bị áp dụng xử lý hình sự đối với người đi bộ: Như đã nói ở trên, người đi bộ là người “yếu thế” khi tham gia giao thông, họ thường là nạn nhân trong các vụ tai nạn giao thông thay vì là người phạm tội, bởi họ không có “công cụ hỗ trợ”, nếu như người điều khiển ô tô có thể va chạm với xe máy dẫn đến người đi xe máy tử vong nhưng người đi bộ thì không làm được điều đó. Thực tế, người đi bộ có thể vi phạm quy định như đi sang đường tùy tiện, không theo đèn tín hiệu, dẫn đến người điều khiển tránh người đi bộ dẫn đến va chạm với xe lớn và tử vong thì điều đó cũng chưa đủ điều kiện để xử lý hình sự đối với họ.